Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 14)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

           

to-dinh-1630203820.jpg
Tranh minh họa: Căm thù ách thống trị tàn bạo của nhà Hán, năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược. Trước khí thế nghĩa quân, viên Thái thú Tô Định hoảng sợ phải cắt tóc, cạo râu, vứt bỏ ấn tín, trà trộn vào đám loạn quân trốn chạy về Trung Quốc. Nguồn: Internet.

 

Kỳ  kỳ 14.

Tô Định ngao ngán nhưng hắn sực nhớ ra:

-Còn công việc bắt gái đẹp về cho phủ Thái thú thế nào rồi tướng Tô Long?

Tô Long đứng dậy:

-Dạ bẩm Thái Thú, khoảng 400 gái đẹp khắp 3 quận đã vào phủ Thái thú và mới bổ sung thêm 100 người nữa. Nhưng…

-Nhưng sao? Tô Định sốt ruột.

-Vẫn như trước kia, việc gom gái đẹp vẫn bị chống đối quyết liệt. Có những trường hợp giết cả nhà, còn nữ quái trốn đi và nhiều người đã xây dựng căn cứ khởi binh chống lại ta.

-Sao không đem binh đàn áp?

-Dạ bẩm, nhiều trường hợp đem binh đàn áp nhưng thất bại, quân ta bị tổn thất nặng nề. Hiện nay hầu như khắp bốn quận nơi nào cũng có khởi nghĩa, xây dựng căn cứ chống lại chúng ta.

Tô Long vừa dứt lời thì một tên lính từ bên ngoài vào báo có thám mã xin vào gặp bẩm việc khẩn cấp.

Tô Định nói:

-Cho vào!

Một tên thám mã bước vội vào, chắp tay bẩm báo:

-Dạ bẩm Thái Thú, theo tin tức chúng tôi thu nhận được thì huyện lệnh huyện Châu Diên là Thi Sách đã liên kết với nữ kiệt nổi tiếng ở Mê Linh là Trưng Trắc và Trưng Nhị đang chuẩn bị nổi dậy chống chúng ta. Mong Thái thú định đoạt.

Tô Định gầm lên:

-Phản rồi, phản rồi. Tướng Mã Giang Long, Tổ Hoài Đức đâu, đem 3 nghìn quân đến huyện Châu Diên bắt và giết Thi Sách cho ta.

Mã Giang Long và Tổ Hoài Đức cùng bước ra:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tô Định hỏi:

-Thi Sách là huyện lệnh Chu Diên, còn Trưng Trắc và Trưng Nhị có phải là con gái huyện lệnh Mê Linh không?

Hoàng Sùng Chính đứng dậy chắp tay:

-Dạ bẩm Thái thú, Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của huyện lệnh Mê Linh Hùng Định, Quận Giao Chỉ. Hai kiều nữ này là mỹ nhân tuyệt sắc thời nay, giỏi võ nghệ, binh pháp. Trưng Trắc là vợ chưa cưới của huyện lệnh Chu Diên Thi Sách. Hai dòng họ này đang liên kết với nhau để làm phản, chống lại quân của Thiên triều ta.

Tô Định gằn giọng:

-Phải giết Thi Sách trước và sau đó bắt Trưng Trắc, Trưng Nhị để phá vỡ liên minh này.

                                                          III

 Lúc này là đêm của mùa xuân năm 40, Mê Linh, một huyện thuộc quận Giao Chỉ chìm trong bóng tối. Những rặng cây mênh mông một màu đen và lá rung lên trong gió tạo nên những bản nhạc xạc xào của gió mùa xuân lạnh giá. Những mái nhà ẩn dưới những rặng cây sáng lên những ánh đèn dầu le lói. Vài vì sao lưa thưa nhấp nhánh trên bầu trời mênh mông màu tối. Dòng sông Hồng, sông Đáy vẫn mơ màng trôi chảy trong đêm. Vài con thuyền neo đậu rải rác ven sông le lói ánh đèn dầu vàng vọt.                                                   Từ cuối năm 38, Mê Linh đã trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến chống lại sự thống trị của nhà Đông Hán mà tiêu biêu là tên Thái thú Tô Định tham tàn, bạo ngược. Trong căn cứ mà Trưng Trắc, Trưng Nhị là thủ lĩnh, đêm nay vẫn là một đêm yên tĩnh. Những đạo quân của các thủ lĩnh địa phương về đây tụ nghĩa đã tạo nên những doanh trại san sát trên một không gian rộng lớn. Những lá cờ vàng nhưng bóng đêm làm chúng đổi màu huyền bí bay phần phật theo gió. Quân sĩ trong các doanh trại đã chìm trong giấc ngủ. Chỉ còn những bóng đen là người các đội tuần tra thay nhau lướt đi nhẹ nhàng, im lặng trong tối để đề phòng những cuộc tập kích bất ngờ của quân Hán vào các doanh trại nghĩa quân. Các vọng gác trên các nẻo đường vào căn cứ suốt đêm leo lét ánh đèn. Bên cạnh các vọng gác là những chiếc trống đồng to sẵn sàng vang lên báo cho toàn quân biết có giặc.

Tổng hành dinh của toàn bộ căn cứ là những ngôi nhà lợp ngói khang trang, tường gạch. Những mái ngói cổ kính im lìm theo năm tháng dưới những bóng cây xanh lâu đời rêu phong cũng đang chìm trong bóng đêm. Ngày xưa, những ngôi nhà này là dinh của quan huyện Mê Linh Hùng Định. Hùng Định là dòng dõi Hùng Vương, phu nhân là Nam Triệu, còn có tên là Man Thiện ở làng Nam Nguyễn, huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ. Hai ông bà thành thân lâu năm, mãi tới ngày 1 tháng tám năm Giáp Tuất (năm 14 ) mới sinh được hai cô con gái. Cô chị được đặt tên là Trưng Trắc, cô em tên là Trưng Nhị. Hai chị em là tuyệt sắc giai nhân nổi tiếng quận Giao Chỉ. Lớn lên, Trưng Trắc và Trưng Nhị có vóc dáng như tiên nữ nhưng không ẻo lả mà uy nghiêm, lại giỏi võ nghệ, có chí khí nam nhi, thương nước, thương dân, sớm biết căm thù quân giặc cướp nước. Trưng Trắc và Trưng Nhị không biết bao nhiêu lần khóc khi nghe những chuyện dân Việt chết bi thảm, đói nghèo cùng cực dưới sự thống trị tàn bạo của quân Hán, đặc biệt dưới thời Thái thú Tô Định. Ông Hùng Định sớm qua đời. Bà Man Thiện đã hết lòng dạy dỗ hai cô con gái văn võ song toàn, lại có chí khí anh hùng yêu nước. Hai nữ kiệt đã thề quyết tâm đánh đổ nền thống trị tàn bạo của nhà Hán, giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân. Trưng Trắc đã liên kết với một trung tâm lớn khi đó là huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ, đứng đầu là huyện lệnh Thi Sách. Từ sự liên minh vì nghĩa lớn này đã hình thành cuộc hôn nhân giữa Thi Sách và Trưng Trắc. Hai người hẹn ước với nhau sau khi giải phóng đất nước thì làm lễ thành hôn chính thức. Khi đó, trên toàn bộ đất Âu Lạc xưa, từ Giao Chỉ, Cửu Chân đến Nhật Nam, do sự tàn bạo của Tô Định mà đã hình thành hàng chục căn cứ khởi nghĩa chống nhà Hán. Sự tàn bạo của bọn ngoại bang thống trị đã tạo ra một sự chống đối quyết liệt, tạo ra một núi lửa mà bọn cai trị đang ngồi trên miệng sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào chôn vùi chúng. Chúng đã quên câu kinh điển: “Quan bức dân phản”. Trưng Trắc không chỉ liên kết với Thi Sách ở Chu Diên mà để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy sắp bắt đầu, Trưng Trắc đã liên kết và tụ hội được với hầu hết các thủ lĩnh và nghĩa quân ở các địa phương. Trưng Trắc muốn có một cuộc nổi dậy đồng loạt trên tất cả các quận, tạo nên sức mạnh lật đổ kẻ thù.

Đêm nay, trong căn phòng rộng của một ngôi nhà lớn ở phủ huyện Mê Linh, Trưng Trắc vẫn còn thao thức. Đó là người thanh nữ mới 26 tuổi, mắt phượng mày ngài, khuôn mặt trái xoan, mũi thanh tú cao và dài nên trông càng đài các cao sang, mái tóc dầy phủ khuôn mặt đẹp chảy xuống hai vai như mây khói. Trưng Trắc mặc chiếc áo lụa tứ thân màu xanh thêu hoa văn hoa lá, ngang lưng thẳt chiếc dây lụa màu vàng làm thân hình hơi cao của nàng thêm duyên dáng uyển chuyển mềm mại. Trưng Trắc đang ngồi trên chiếc ghế, trước mặt là chiếc bàn gỗ lim, trên bàn là một cuốn sổ dầy giấy màu vàng với những chữ thời vua Hùng ghi chi chiết. Trong cuộc đồng hóa, bọn giặc Hán đang tiêu diệt loại chữ có 1000 năm lịch sử dựng nước này của người Việt. Một nữ tì trẻ mặc áo tứ thân màu nâu bê đặt lên bàn Trưng Trắc một cốc nước lá vối và một cơi trầu cau. Ngòn đèn dầu lạc trên bàn tỏa ánh sáng vàng vọt đủ cho Trưng Trắc đọc cuốn sổ, điểm lại binh lực trước khi trận đánh quyết định bắt đầu. Trưng Trắc đọc lại số thủ lĩnh đã đem quân về tụ nghĩa ở Mê Linh để triển khai kế hoạch cho cuộc đồng khởi.
1. Nữ tướng Lê Chân, cha là Lê Thái Bảo, quê ở trang An Biên, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ. Ông Lê Thái Bảo đã bị Tô Định giết chết khi hắn buộc Lê Chân làm tì thiếp không được. Lê Chân đã trốn thoát và khởi nghĩa chống Tô Định ở An Biên. Nữ tướng này đã nhiều lần đánh bại quân Hán và làm chúng khiếp sợ, chúng gọi Lê Chân là “Cá kình biển Đông”.  

2. Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, quê ở trang Phượng Lâu, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Vũ Thị Thục là con ông Vũ Công Chất và bà Hoàng Thị Mầu. Để chiếm được nàng Thục Nương xinh đẹp, Tô Định đã đánh chết chồng chưa cưới của nàng là Phạm Danh Phương. Thục Nương đã khởi nghĩa, đánh giết quan quân Hán, lùi về xây dựng căn cứ ở Tiên La, huyện Tây Vu, và mở rộng căn cứ ra cả Đoàn Thượng, Bảo Khê, Quận Giao Chỉ. Giặc Tô Định nhiều lần đàn áp nhưng bị Thục Nương đánh bại nên rất  khiếp sợ. Mùa xuân năm 40, Thục Nương đem 1000 tráng sĩ về hội tụ dưới cờ nghĩa của Trưng Trắc và Trưng Nhị ở Mê Linh.

3. Nữ tướng Hàn Quỳnh Nương là con gái huyện lệnh ở trang Linh Xá, huyện Tư Phố, quận Cửu Chân. Hàn Quỳnh Nương là phu nhân quan chúa bộ Lê Công Bình, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ. Lê Công Bình chống lại Tô Định và bị hắn giết hại. Hàn Quỳnh Nương phải đem hai con gái là Lê Minh và Lê Đậu trốn ra nhà anh trai là Hàn Đạt ở trang Văn Bút, Huyện Câu Lậu, quận Giao Chỉ. Hàn Quỳnh Nương cùng anh trai Hàn Đạt đã khởi nghĩa chống lại Tô Định ở Câu Lậu, quân số lên tới 1000 nghĩa sĩ. Nghe tin Trưng Trắc khởi nghĩa, Hàn Quỳnh Nương đem theo Hàn Sanh, Lê Minh Nương cùng 500 dũng sĩ về Mê Linh tụ nghĩa.

(Còn nữa)

CVL

                                

PGS TC Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-14-a5945.html