Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 16)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

     

hai-ba-trung-1630372596.jpg
Hai Bà Trưng, tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh Internet.        


Kỳ 16.

Đêm đã về khuya. Trống quân doanh đã điểm canh ba. Trưng Trắc vẫn còn mải mê đọc. Nữ tì đã phải thay ba đĩa dầu lạc, ba bát nước chè lá vối. Qua danh sách các nữ tướng đã về tụ nghĩa hoặc chưa về, Trưng Trắc mới thấy được nỗi cực khổ bi thương mà quân xâm lược đã gây ra cho dân Việt. Tầng lớp quý tộc Việt mà còn bị tàn sát oan khuất như vậy thì dân thường không biết bị giết hại, bóc lột đến nhường nào. Dân Việt dưới sự thống trị của giặc Hán không khác gì nô lệ và bị đối xử như súc vật, dưới một chế độ không luật pháp, chúng muốn bắt ai thì bắt, muốn giết lúc nào thì giết, Cả dân tộc đứng trước họa diệt vong. Trưng Trắc biết rằng sự tàn bạo của chúng đã tạo ra sự căm thù không đội trời chung trên toàn cõi Âu Lạc xưa. Hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã tấn công vào quân thù, nhưng Trưng Trắc biết nếu không liên kết tất cả lại sẽ không lật đổ được quân giặc. Trong một năm qua, Trưng Trắc đã cử bà Man Thiện, Trưng Nhị và các tâm phúc làm sứ giả đem thư của bà đến mọi miền có cuộc khởi nghĩa của đất nước để mong liên kết, hẹn ngày bà hiệu triệu thì tất cả đồng loạt nổi dậy và bà đã được mọi thủ lĩnh của các nơi nhiệt liệt hưởng ứng. Thời cơ đã đến. Đêm nay, Trưng Trắc ngồi đọc kỹ lực lượng và tài năng của các thủ lĩnh đã về tụ nghĩa để phân chia lực lượng tấn công ở các thành trì quân Hán mà trung tâm là thủ phủ đô hộ Luy Lâu. Đồng thời, bà cũng đã hẹn ước với các thủ lĩnh ở các địa phương hưởng ứng nổi dậy lật đổ chính quyền sở tại, tạo thêm sức mạnh cho cuộc nổi dậy ở Mê Linh và toàn quốc. Ngoài Mê Linh thì ba trung tâm lớn đã hình thành: Trung tâm Chu Diên của Thi Sách, trung tâm của Trưng Nhị và trung tâm của bà Man Thiện. Cho đến gần sáng thì tờ giấy đặt trên bàn của Trưng Trắc đã hình thành xong bức vẽ có các hình mũi tên tấn công vào các thành trì quân Hán. Các mũi tên đã ghi tên các nữ tướng cầm quân, thành trì mà họ tấn công và hướng tấn công. Trưng Trắc cũng đã hình thành những ý chính cho lời “Hiệu triệu” ngày mai trước ba quân để ra lệnh tổng tấn công và nổi dậy.

Trống đã điểm canh tư, Trưng Trắc đang định đứng dậy thì một nữ cận vệ vào báo:

-Thưa chủ tướng, có tin rất xấu của người nhà quan huyện Chu Diên Thi Sách đưa đến.

Trưng Trắc bình tĩnh nói

-Cho vào.

-Dạ

Trưng Trắc nhìn ra thì đó là Thi Bằng, em Thi Sách. Thi Bằng quỳ xuống, vừa khóc vừa nói:

-Thưa chị dâu, huynh trưởng Thi Sách đã bị Tô Định giết chết rồi.

Trưng Trắc như nghe tiếng sét bên tai. Bà cố bình tĩnh hỏi lại:

-Chú bình tỉnh kể lại xem nào.

Thi Bằng vừa kể vừa ngẹn ngào:

-Dạ thưa chị, huynh trưởng đang chuẩn bị để cùng khởi sự  với chị thì có lẽ sự việc bị lộ. Sớm hôm qua, Tô Định xua quân đông như kiến cỏ bất ngờ tiến đánh Chu Diên. Huynh trưởng cùng lính tráng, anh em xông pha giết được nhiều địch, phá được vòng vây chạy đến Nại Tử Xã thì bị phục binh của Tô Định bắn tên giết hại. Tùy tùng đi theo huynh trưởng chỉ một số người sống sót…

Trời đất như tối sầm trước mắt Trưng Trắc nhưng bà cố gắng hết sức bình sinh để ngăn những giọt nước mắt đang chực trào ra trước tin tức đau thương tột cùng. Tình hình khẩn cấp và việc lớn trước mắt không cho phép bà rối loạn tinh thần vào lúc này. Tô Định giết Thi Sách là phá kế hoạch liên minh giữa hai nhà Thi-Trưng để chống lại hắn. Thi Sách mất đi là một tổn thất to lớn cho cuộc khởi nghĩa sắp bùng nổ. Vả lại sau khi giết được Thi Sách, Tô định sẽ nhanh chóng tiến đánh Mê Linh. Để chủ động, Trưng Trắc biết là phải hành động rất gấp, mạnh mẽ quyết liệt thì mới trả được thù nhà nợ nước.

Trưng Trắc hỏi Thi Bằng:                                                                            

 -Đã mai táng huynh trưởng và anh em nghĩa binh chưa?

-Dạ, sau khi quân Tô Định rút đi chúng em đã đem thi hài huynh trưởng và các anh em mai táng rồi ạ.

Trưng Trắc nói:

-Vậy được rồi, tạm thời chưa phát tang làm rối loạn lòng quân. Ngay đêm nay phải tập trung các tướng lĩnh ở Đại sảnh đường, tế trời đất tổ tiên, ban bố lệnh khởi nghĩa khắp bốn quận và cử các tướng lĩnh nhanh chóng vùng dậy trong cả nước, tiến đánh Cổ Loa và tấn công trị sở của giặc là Luy Lâu. Nếu không, ngày mai Tô Định đánh tới, ta sẽ bị động, sẽ rất khó khăn.

  Trưng Trắc đứng dậy gọi:

-Các em đâu!

Một nữ thị vệ bước vào:

-Dạ, thưa Chủ tướng.

Trưng Trắc nói:

-Bày biện đèn hương ở Đại sảnh đường làm lễ tế thiên địa trời đất tổ tiên để tuyên bố khởi binh đánh giặc.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Trưng Trắc nói:

-Cho gọi Trưng Nhị tới gặp ta!

-Dạ.

Trưng Nhị bước vào. Trưng Trắc nói với Trưng Nhị:

-Tướng công Thi Sách đã bị Tô Định giết chết rồi. Khởi nghĩa đã bại lộ. Em điều tất cả quân bản bộ của ta tiến ra vòng ngoài hai dặm bịt tất cả các ngả đường tiến tới Mê Linh, canh phòng nghiêm ngặt đề phòng quân Tô Định tấn công trong đêm nay.

-Dạ.

Trưng Trắc lại ra lệnh:

-Nổi một hồi trống, tín hiệu gọi tất cả các thủ lĩnh về Đại sảnh đường họp khẩn cấp.

-Tuân lệnh.

Một hồi trống đồng vang lên khắp vùng Mê Linh trong đêm khuya yên tĩnh. Ánh sao trên bầu trời nhấp nhánh cũng như đang xao động.

Một lát sau, trong căn phòng rộng với những cột gỗ lim to lớn nâu bóng được gọi là Đại sảnh đường, các nữ tướng từ các nơi về tụ nghĩa mang võ phục màu nâu, lưng mang kiếm, tóc búi cao, môi son má phấn rất xinh đẹp và oai phong lẫm liệt đã đến và ngồi đông đủ. Ánh sáng những ngọn đèn dầu lạc làm cho phòng họp của tổng hành dinh thêm lung linh huyền ảo. Trưng Trắc và Trưng Nhị đầu cài trâm bạc, tóc búi cao, mặc võ phục màu đen ngồi cạnh chiếc bàn rộng, mặt hướng về các nữ tướng. Trong không khí im lặng và trang nghiêm, Trưng Trắc đứng dậy. Tiếng nói của bà trong trẻo vang lên trong Đại sảnh đường:

-Thưa các chư vị  tướng quân, sở dĩ đêm khuya còn triệu tập các vị tới đây vì tình hình việc quân rất khẩn cấp, liên quan đến đại sự tiêu diệt quân thù. Tối nay, tôi vừa nhận được tin chẳng lành do Thi Bằng, em của huyện lệnh  Chu DiênThi Sách chuyển tới: Do việc chuẩn bị khởi nghĩa của huyện Chu Diên bị lộ, Tô Định đã đem quân đánh bất ngờ và nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, huyện lệnh Thi Sách đã anh dũng hy sinh.

Nghe đến đây tất cả các nữ tướng đều choáng váng. Ai cũng biết Thi Sách là chồng chưa cưới của Trưng Trắc. Quả là một tổn thất to lớn và đau buồn. Không biết chủ tướng có đứng vững được không trước tai họa khủng khiếp này. Tất cả đều đứng dậy cúi mình và đồng thanh:

-Xin chia buồn cùng chủ tướng và gia đình. Chúng tôi sẽ hết lòng báo thù cho huyện lệnh Thi Sách để báo thù nhà nợ nước. Xin chủ tướng cho phát đại tang trong toàn quân và nhanh chóng phất cờ khởi sự.

Trưng Trắc nói:

-Xin đa tạ sự chia buồn của các tướng quân với gia đình chúng tôi. Việc phát tang là việc phải làm nhưng chưa làm được bây giờ. Lý do là chúng ta không còn thời gian, việc quân rất gấp. Sau khi giết được huyện lệnh Thi sách, Tô Định sẽ nhanh chóng tiến đánh Mê Linh chỉ nay mai. Ngay đêm nay, chúng ta sẽ ban bố hiệu lệnh nổi dậy tấn công quân thù trong toàn cõi Âu Lạc, tấn công vào tất cả thành trì của quân Đông Hán. Khi cờ đại nghĩa phất lên, chúng ta không thể để không khí đau buồn tang tóc lan trong toàn quân, toàn dân, làm mất nhuệ khí của ba quân. Chờ sau khi khởi nghĩa thắng lợi, chúng ta lấy đầu tên Thái thú Tô Định, máu của quân Hán để tế vong linh của hàng vạn người Việt đã bị quân thù giết chết oan uổng, tế vong linh của tướng công Thi Sách và những nghĩa quân đã hi sinh vì nước. Mời các tướng lĩnh khấu đầu trước Thiên địa, thần thánh của nước Văn Lang, Âu Lạc, khấu đầu trước các liệt tổ, liệt tông: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và 18 vị  Hùng Vương phù hộ chúng con tiêu diệt kẻ thù, giành lại độc lập cho non sông đất nước.

(Còn nữa)

CVL                              

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-16-a6004.html