Điểm lại vài nét về quá trình hình thành và phát triển nhân cách văn hóa Việt Nam trong lịch sử

Đối với người dân lao động Việt Nam trong lịch sử thời phong kiến, thì cõi Niết bàn mà Phật giáo nói tới là một thế giới cực lạc mà những ai làm điều thiện thì khi chết sẽ được sống ở đó.

van-hoa-nghe-an-353535-1627123532.gif
 

Để có được quan niệm khách quan về cấu trúc nhân cách truyền thống của con người Việt Nam trong lịch sử, cần phải làm sáng tỏ những giá trị nào đã trở thành giá trị truyền thống. Như vậy, bài viết này sẽ phải giải quyết hàng loạt các vấn đề sau: Hệ thống lại một cách hết sức khái quát toàn bộ các giai đoạn phát triển văn hóa dân tộc cùng các phong tục tập quán của người Việt Nam- Làm rõ các đặc thù lịch sử, tư tưởng đặc sắc ở các giai đoạn khác nhau của xã hội, cùng các điều kiện địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế…mà trong đó nhân cách của con người Việt Nam nảy sinh và phát triển. Phân tích các điều kiện xã hội trong đó diễn ra quá trình hình thành, trưởng thành và phát triển nhân cách văn hóa con người như một bản thể hành động. Dưới ánh sáng của những nguyên lý lý luận Mác- Lênin về con người và cơ sở hình thành nhân cách con người, nêu vai trò, vị trí của nghệ thuật trong việc đẩy nhanh quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách văn hóa con người Việt Nam trong sự phát triển xã hội ngày càng phong phú, phức tạp.

A. VỀ MẶT Ý THỨC HỆ.

1. Lịch sử thành văn của Việt Nam trên hai ngàn năm có sự giao lưu với hai nền văn hóa tư tưởng Đông-Tây, dẫn tới những giai đoạn phát triển rất sâu sắc và rộng khắp như Phật giáo ở thời Lý- Trần, Nho giáo ở thời Lê, và Chủ nghĩa Mác- Lênin từ 1930 đến nay.

Nho giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ thời thuộc Hán, và tiếp theo đó là thời thuộc Đường, chữ Hán cùng với Nho giáo đã theo chân các viên quan đô hộ phương Bắc gieo mầm vào đất Việt, tuy nhiên, phải đợi đến khi chế độ phong kiến Việt Nam được hình thành và xác lập thì Nho giáo mới tìm thấy ở đây một cơ sở xã hội nhất định.

Nho giáo, còn gọi là Khổng giáo, là hệ tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến Trung Quốc, đã chiếm địa vị thống trị trên đất nước này suốt trên 2.000 năm. Nền tảng tư tưởng quan trọng của Nho giáo là những nguyên tắc đạo đức được xây dựng trên cơ sở chế độ đẳng cấp xã hội và được quy phạm hóa một cách hết sức nghiêm nhặt như khuôn vàng thước ngọc, đó là học thuyết “ Tam cương ngũ thường”

Tam cương là 3 giềng mối: Vua -tôi, Cha- con; Chồng- vợ, mà trong đó Vua là giềng lưới của tôi, Cha là giềng lưới của con, Chồng là giềng lưới của vợ. Ngũ thường là 5 chuẩn tắc đạo đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, mà mọi người phải tuân thủ một cách hằng thường.

Từ quan hệ Cương- Thường lại phát triển thành 4 nguyên tắc: Trung, hiếu, tiết, nghĩa, và đó chính là hạt nhân duy lý cực kỳ nghiệt ngã của đạo đức phong kiến. Trong tiến trình lịch sử của đạo đức phong kiến, những tín điều này đã bị đẩy tới chỗ cực đoan hóa, tuyệt đối hóa nhằm phục vụ cho chế độ quân chủ chuyên chế, chủ nghĩa tông tộc và gia đình phụ quyền, khiến cho mỗi cá nhân chỉ biết có phục tùng, không có dân chủ, bình đẳng và do đó cũng không có nhân cách độc lập.

Hàng loạt các tín điều lễ giáo đạo đức khắc nghiệt ấy của Nho giáo cũng đã từng đè nặng trong tư tưởng - văn hóa- tập tục của người Việt trong suốt trường kỳ lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam. Tai hại  hơn, trong đó phải kể đến cái quan hệ “ Tam cương” một chiều, độc đoán, mà một câu truyền ngôn ở Việt Nam trước đây đã khái quát khá đầy đủ là: “ Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung- Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” ( Vua khiến bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung- Cha khiến con chết, con không chết là không hiếu). Còn về cái giềng mối Chồng- Vợ thì thực chất cũng chỉ là quan hệ một chiều, bất bình đẳng. Đạo đức quan Nho giáo buộc người phụ nữ phải tuyệt đối phục tùng người chồng, và không được quyền tái giá. Người phụ nữ làm đúng như thế là người có “ tiết hạnh”, và đó chính là quy tắc Tam tòng “ Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” ( Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con).

Xét theo mối quan hệ giữa người với người thì những nét cơ bản trên đây trong tư tưởng chính trị và đạo đức quan Nho giáo là những nhân tố đã có tác động và ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình hình thành nhân cách văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủ định tất cả mọi giá trị của đạo đức Nho giáo, trong từng thời điểm lịch sử nào đó, khi mà lòng trung hiếu được kết hợp hài hòa với tư tưởng yêu nước và lòng nhân ái cổ truyền của người Việt, thì đó lại là những nguyên tắc đạo đức hết sức tốt đẹp trong truyền thống văn hóa- tư tưởng Việt Nam.

2. Bên cạnh sự ảnh hưởng lâu dài của Nho giáo, là sự ảnh hưởng cũng khá sâu rộng của Phật giáo.

Trước hết, do Việt Nam nằm ở giữa vùng giao lưu văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, nên đã tiếp nhận Phật giáo bằng cả hai con đường Bắc và Nam.

Hơn nữa đất nước Việt Nam khi xây dựng một quốc gia độc lập, đặc biệt thời Lý- Trần ( thế kỉ thứ XI-XV) đã lấy hệ tư tưởng Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống để trị quốc, an dân, bảo vệ nền độc lập. Trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam, Phật giáo phát triển hết sức rực rỡ dưới thời Lý- Trần; còn Nho giáo thì phải đợi đến thời Lê ( từ thế kỉ thứ XV) mới thực sự hưng thịnh.

Đối với người dân lao động Việt Nam trong lịch sử thời phong kiến, thì cõi Niết bàn mà Phật giáo nói tới là một thế giới cực lạc mà những ai làm điều thiện thì khi chết sẽ được sống ở đó.

Để trở thành hệ tư tưởng thống trị, các triều đại phong kiến Lý- Trần đã hết sức coi trọng Phật giáo. Các khái niệm căn bản của Phật học như; Tâm- Phật, luân hồi, quả báo, niết bàn, sắc không..v.v...đều được các học giả thời đó phân tích kỹ càng và có những ý kiến khá độc đáo. Cũng bởi thế, Phật giáo xét theo bản chất triết lý nhân sinh mang tính chất bi quan, yếm thế, đã trở thành triết lý nhân sinh quan lạc quan nhập thế. Đó là điểm tích cực, năng động của tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Nó tạo nên lòng nhân ái Việt Nam, một biểu hiện của nhân cách văn hóa Việt Nam trong lịch sử.

3. Nho giáo, Phật giáo và cả Đạo giáo bổ sung cho nhau hình thành thế giới quan của các giai cấp thống trị ở Việt Nam. Nhưng nhận xét như thế sẽ là không đầy đủ, bởi chúng chỉ phản ánh một mặt của sự phát triển xã hội.

Do quá trình hỗn dung tôn giáo, cả ba hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo bổ sung cho nhau, ở một mức độ nào đó đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển các giá trị nhân cách văn hóa của con người Việt Nam: Lòng nhân ái, đức trung, hiếu, tín, nghĩa, sự hy sinh cái bản ngã riêng để mong muốn có một cái gì lớn lao hơn…

Có thể thấy rằng, do tác động lịch sử của hai quốc gia lớn là Ấn Độ và Trung Hoa, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu những nét tốt đẹp nhất của hai nền văn hóa ấy, nhưng các yếu tố đó khi từ ngoài đưa vào đã biến đổi và được văn hóa Việt Nam tiếp nhận phù hợp với các đặc thù dân tộc theo quy luật tiếp biến văn hóa ( acculturation).

Trong điều kiện hỗ trợ lẫn nhau của chúng, đạo đức, nhu cầu có thể phát triển lên thành nhân cách văn hóa truyền thống. Giới quan lại Việt Nam lợi dụng tôn giáo thâm nhập từ Trung Hoa, Ấn Độ để làm công cụ thống trị nhân dân. Ngược lại, nhân dân tất yếu phải tìm cách chống lại tầng lớp áp bức và cố gắng gìn giữ các giá trị truyền thống của mình.

4. Từ thế kỷ thứ XVI đến đầu thế kỷ thứ XX, do ảnh hưởng của tư tưởng và phong cách sống phương Tây theo các nhà buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và thực dân Pháp mang vào, cùng với thế giới quan tư sản được phổ biến ở châu Á ( cũng như ở Việt Nam nói riêng), đặc biệt khi đạo Thiên chúa giáo được truyền bá vào Việt Nam thì các tín ngưỡng cũ xung đột gay gắt với. lúc này, do sự giao lưu kinh tế, thương mại, đã bắt đầu xuất hiện, nhưng chưa hình thành rõ rệt một tầng lớp người mang nhân cách thị dân, nhưng cũng chỉ tập trung ở những trung tâm buôn bán, những đô thị và thương cảng lớn như: Phố Hiến, Hội An…

Tiếp theo dưới thời thống trị của thực dân Pháp, bọn xâm lược ủng hộ sự đè nén tinh thần của các tầng lớp thống trị đối với dân chúng. Vì thế, các tư tưởng thống trị đã được sử dụng để kìm hãm sự phát triển của xã hội, chủ nghĩa thực dân đã khai thác mặt tiêu cực trong nền văn hóa Việt Nam, đồng thời phổ biến một nền văn hóa nô dịch, làm mê muội quần chúng với mục đích kìm hãm dân tộc Việt Nam dưới ách thống trị của chúng.

 Các nhà yêu nước Việt Nam hiểu rõ rằng, con đường giải phóng đất nước khỏi ách thực dân là ở trong sự phục hồi và gìn giữ các giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam, biểu hiện trong nhân cách văn hóa con người Việt Nam, trong sự liên kết các tầng lớp xã hội Việt Nam dưới ngọn cờ tự do, tinh thần hy sinh vì Tổ quốc.

Điều đó không có nghĩa là văn hóa Pháp không để lại dấu ấn gì trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, trong nhân cách văn hóa, văn minh, trong diện mạo đạo đức, phẩm hạnh, ước mơ, lý tưởng của con người Việt Nam. Có thể nói rằng, ảnh hưởng đó là khá lớn và có phần nào có những nét tích cực, những tư tưởng tiến bộ như: Bác ái, tự do, bình đẳng…đã có ảnh hưởng tích cực tới việc hình thành và phát triển nhân cách văn hóa dân tộc Việt Nam.

B. VỀ MẶT LỊCH SỬ-KINH TẾ-XÃ HỘI, CƠ SỞ ĐỂ HÌNH THÀNH NÊN NHÂN CÁCH TRUYỀN THỐNG MANG BẢN SẮC DÂN TỘC VIỆT NAM

1. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dân tộc chống ngoại xâm. Những cuộc đấu tranh giải phóng lâu dài đã rèn luyện ý chí và tâm hồn của người Việt Nam và được thực hiện thử thách trong vô vàn cuộc đấu tranh đánh đuổi những thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Hơn nữa, Việt Nam nằm ở vùng ảnh hưởng của gió mùa cận nhiệt đới, những điều kiện thiên nhiên rất đa dạng bao gồm cả các mặt “ thuận” và “ nghịch”. Những đặc điểm địa lý ấy ảnh hưởng đến các mặt vật chất, tinh thần của sinh hoạt con người, ngược lại, hoạt động xã hội của con người cũng ảnh hưởng đến nó. Chính vì vậy có thể nói, con người Việt Nam trải qua tiến trình lịch sử phát triển với những khó khăn cực kỳ khủng khiếp: Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…Ý thức đoàn kết cộng đồng đã trở thành động lực trong cuộc đấu tranh  chung với kẻ thù, với thiên nhiên, dịch họa để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ý thức đoàn kết ấy là ngọn lửa bùng cháy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nhân cách con người được phát triển và tôi luyện trong quá trình đấu tranh, khi mà số phận của mỗi chủ thể gắn liền với xã hội, hạnh phúc cá nhân gắn với cuộc sống và sự phồn thịnh của cả dân tộc, thì khi đó tình yêu Tổ quốc làm cho con người trở nên dũng cảm trước những thử thách khắc nghiệt. Chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu Tổ quốc luôn luôn gắn bó với nhau và là đặc trưng của truyền thống văn hóa Việt Nam, đậm nét trong tâm hồn con người Việt Nam.

Là một dân tộc luôn bị ngoại xâm đe dọa, nên nhân dân Việt Nam phải chiến đấu bảo vệ đất nước với ý thức tự lực tự cường cao. Trong những cuộc chiến tranh, yếu tố “ xã hội” luôn chiến thắng “cái tôi”. Con người luôn phải đặt cái “chúng ta” lên hàng đầu. Sự thôi thúc của nội tâm, của ý chí cá nhân là phải hành động cho những mục đích cao cả, cho một lý tưởng lớn nhất, là đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi. Con người không có quyền nghĩ đến mình, nghĩ đến “cái tôi” của mình để phát triển năng lực cá nhân. “Cái tôi” lúc này chìm xuống nhường chỗ cho “cái chúng ta” lớn hơn. Những ước mơ riêng, tâm sinh lý, dục vọng không có ( hoặc ít có) điều kiện để phát triển. Con người Việt Nam lúc này đã trở thành con người của xã hội, của tập thể. “Đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau” là khẩu hiệu thường trực của người Việt Nam để chiến đấu và chiến thắng. mỗi một người là một mắt xích trong dây chuyền cuộc sống xã hội. Vì vậy nhân cách con người Việt Nam ở đây được thể hiện với những nét đặc thù hướng về lợi ích chung “ Tất cả để chiến thắng”. Mục đích đi tới không phải cho ta mà là cho một cái gì lớn hơn ta. “ Cái cao cả”xuất hiện như một tất yếu lịch sử. Đó là sự kết tinh tập trung nhất, sâu sắc nhất những phẩm chất tốt đẹp của lịch sử, của dân tộc.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chiến tranh có những quy luật tất yếu của nó. Dân tộc, đất nước và con người Việt Nam luôn luôn bị đặt trong sự đe dọa, tàn phá của chiến tranh, của thiên tai, dịch bệnh. Bởi vậy con người thường gắn chặt với cộng đồng. Điều này, tất yếu được thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, và đặc biệt được ghi dấu trong các lãnh vực văn học nghệ thuật, bao gồm cả văn học nghệ thuật hiện đại và cách mạng.

Thêm nữa, xã hội Việt Nam tính từ thời kỳ một ngàn năm Bắc thuộc, đã chịu ảnh hưởng lâu dài của nền văn hóa Trung Hoa, đến thời kỳ độc lập tự chủ dưới các thời Lý- Trần- Lê và kéo dài cho tới trước cách mạng tháng Tám- 1945, Việt Nam là một xã hội được xây dựng và thiết lập trên nền tảng của một chế độ phong kiến, với học thuyết chính trị của nhà Nho, “ Kẻ sĩ quân tử” với lý tưởng “ Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” cố gắng theo đòi cái học cử nghiệp để mong thi đỗ - làm quan. Nó đề cao địa vị của người trên đến mức tuyệt đối, con người cấp dưới chỉ biết phục tùng vô điều kiện. Tình trạng mất dân chủ ấy đã kìm hãm sự phát triển nhân cách cá nhân con người.

2/ Do phương thức nông nghiệp lạc hậu, thấp kém quy định ( Việt Nam nằm ở trong khu vực sản xuất lúa nước), hơn nữa xã hội Việt Nam lại được thiết lập trên một nền kinh tế sản xuất chủ yếu là nông nghiệp lạc hậu, nên nó mang nặng tính chất chuyên chế châu Á: Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về nhà vua, địa chủ, quan lại. Lực lượng sản xuất hết sức kém phát triển, ngưng trệ, tự cấp, tự túc, hàng nghìn năm vẫn “ Con trâu đi trước cái cày theo sau”. Quan hệ xã hội của người Việt chủ yếu là quan hệ làng xóm dòng họ. Trước Cách mạng tháng Tám-1945, có 90% dân số Việt Nam mù chữ, chủ yếu là nông dân, “ tầm nhìn không vượt qua lũy tre làng”. Tính cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động là bản chất cố hữu của người Việt Nam. Nhưng thực tiễn cho thấy rằng, cần cù lao động một phần cũng là bản chất và truyền thống của những người sản xuất nhỏ, của nông dân. Đó cũng chính là tính cách, tình cảm, hành động, phong thái, lối sống của tầng lớp nhân dân lao động đông đảo tạo thành một nhân cách cổ truyền nhất trong lịch sử là nhân cách nông dân.

3. Quan hệ xã hội ứng xử của người Việt Nam lấy tình thương yêu làm cơ sở cho cách xử thế. Tình đưa đến nghĩa. Trong lịch sử đất nước Việt Nam, từ những truyền thuyết thời các vua Hùng, cho đến các truyện cổ tích, và những trang sử cổ, cận đại…ở đâu cũng thấy hiện lên những con người nhân từ ưu ái, ở đâu cũng nói đến cái đẹp của tình bạn hữu, tình vợ chồng và tình anh em, đến lòng thương người nghèo khổ, ưu thích làm điều lành, việc thiện. Ý niệm về điều thiệnđiều ác là thước đo để đánh giá con người – Đó là chủ nghĩa nhân đạo của nhân dân để đưa đến sự công bằng, chính nghĩa. Tất nhiên, lòng nhân ái Việt Nam là bản chất gốc gác của con người Việt Nam, một phần do những điều kiện lịch sử xã hội quy định, một phần do ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như tư tưởng đạo Phật với lòng từ bi bác ái, nó là cơ sở cho đoàn kết dân tộc Việt Nam, là bạn đồng hành của lòng yêu lẽ phải, chân lý, sự công bằng, thương người, không bao che sự sai trái, phi đạo đức…Đó là một tình thương trong hành động, tích cực hướng về chân lý, lẽ phải. Hai giá trị THƯƠNG NGƯỜI và TRỌNG LẼ PHẢI là hai phẩm chất truyền thống làm thành cơ sở đạo đức Việt Nam. Lòng nhân ái Việt Nam do đó cũng biểu hiện nhân cách văn hóa của nhân dân Việt Nam.

Lẽ tất nhiên, chúng ta hiểu tất cả các phẩm chất trên trong sự hạn chế của chế độ và tư tưởng giai cấp phong kiến thống trị. Cho nên, lòng nhân ái đó chưa tiến lên được thành một chủ nghĩa nhân đạo, một tư tưởng nhân văn lớn có hệ thống.

Nhân cách văn hóa truyền thống của Việt Nam còn được biểu hiện ở quan niệm sống, phong cách sống. Cha ông ta thích sống một cách giản dị, dù có điều kiện của cải cũng không cầu kỳ, xa hoa, yêu cái đẹp, gần gũi với núi song, cây cỏ…Đó là lối sống có đạo lý, có nền nếp, quý trọng những phong tục tập quán thuần hậu tốt đẹp. Trong đời sống thường ngày, người Việt Nam không ưu những gì thái quá, cực đoan và có thái độ triết lý, lạc quan trước những biến thiên của hoàn cảnh xã hội, trước cái sống và cái chết. Chính những điều đó đã làm thành nhân cách văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong lịch sử.

Nhân cách văn hóa truyền thống còn được biểu hiện trong cách đối xử, trong quan hệ xã hội. Nhân cách văn hóa Việt Nam tiêu biểu ở một thái độ ứng xử mềm dẻo, có tình, có lý, lúc nhẹ nhàng thuyết phục, nhưng có lúc thì cứng rắn, quyết liệt, vừa cương, vừa nhu, làm cho người Việt Nam có thể dễ dàng thích nghi với các hoàn cảnh và vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của số phận. Đây chính là nhân cách của một dân tộc nhỏ bé nhưng bất khuất, luôn luôn biết cách chống lại và chiến thắng những thế lực ngoại xâm hùng mạnh hơn mình gấp bội để trường tồn.“ Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy mưu trí đánh tan cường bạo” ( NGUYỄN TRÃI ).

Trên đây là những nét giản lược về một mô hình hệ thống các giá trị truyền thống chính yếu của Việt Nam. Nó cũng là biểu hiện của nhân cách văn hóa Việt Nam trong lịch sử cho đến ngày nay. Những giá trị nhân cách truyền thống như lòng nhân ái, thương người, yêu cái đẹp, giản dị…đã trở thành bản chất, bản lĩnh của dân tộc trong nhiều thời đại, cần phải luôn luôn được bồi đắp giữ gìn, bảo vệ, làm cho những phẩm chất quý giá ấy ngời sáng mãi.

Tuy nhiên, tất cả những giá trị truyền thống, những nhân cách văn hóa đẹp đẽ của dân tộc dù mang đầy bản tính người và chứa đựng nhiều nét tinh hoa của nhân loại, đã được trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dù có sâu sắc đến đâu cũng phải luôn luôn có sự bồi dưỡng và giáo dục thường xuyên. Do đó, nếu sao nhãng việc rèn luyện và xây dựng con người tất sẽ dẫn đến việc làm lu mờ các quan niệm, giá trị đạo đức, tinh thần truyền thống, để dẫn tới những đam mê không lành mạnh, cùng những ảnh hưởng xấu do tác động nguy hiểm của chủ nghĩa thực dụng; Và như vậy tất yếu sẽ dẫn đến việc hủy hoại và tha hóa nhân cách con người.

Ngày nay chúng ta đang ở trong tiến trình xây dựng và hiện đại hóa đất nước. Theo xu hướng chung, xã hội càng phát triển thì nhân cách văn hóa con người cũng càng phải được phát triển và hoàn thiện. Song trong xu hướng phát triển chung đó lại có hiện tượng thoái hóa, biến chất, tha hóa, tự đào thải về nhân cách, một số người gấp gáp lo săn lùng lợi ích cá nhân. Chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa thực dụng xuất hiện, nó đặt “cái tôi” lên trên tất cả, dẫn đến phá vỡ những  truyền thống chuẩn mực, những tinh hoa văn hóa của dân tộc, đưa đến hiện tượng “tha hóa nhân cách”. Từ đó đã xuất hiện những thói hư, tật xấu, cái độc ác, thấp hèn. Chủ nghĩa cá nhân có xu hướng phát triển mạnh.

“ Muốn xây dựng kinh tế phải có những con người được đào tạo, rèn luyện trong một môi trường văn hóa lành mạnh…” Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt đã từng nói như vậy. Việc thu hút đầu tư, mở rộng buôn bán, giao thương làm ăn với nước ngoài…cũng có nghĩa là có sự hòa nhập và tiếp thu những nền văn hóa khác nhau từ bên ngoài. Bảo tồn và phát triển những giá trị tốt đẹp của nhân cách truyền thống và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa thế giới là làm sao hướng cho “ Mỗi cá nhân người” tới những niềm khát khao “ Cái đúng”,“ Cái tốt”,“ Cái cao thượng”,“ nhân ái”. Như người xưa đã khuyên bảo: “ Sống cho phải đạo làm người”. Đó cũng chính là đảm bảo cái “ Nhân quyền” tối ưu của “ Mỗi cá nhân người” trong một cộng đồng dân tộc. Khi đó sự phát triển nhân cách văn hóa của con người mới đạt tới sự toàn vẹn, mỹ mãn.

 

                                                                 

 

Nguyễn Thị Việt Nga

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/diem-lai-vai-net-ve-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-nhan-cach-van-hoa-viet-nam-trong-lich-su-a6012.html