Những điều suy ngẫm

Trong đợt bùng phát đại dịch Covid -19 lần thứ 4 này, với biến thể mới Delta có sức lây lan rất nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, nhiều trường hợp không có triệu chứng; trong thời gian ủ bệnh nó cũng có thể lây lan cho cộng đồng với tốc độ khủng khiếp; khởi phát và trở nặng biến chứng rất nhanh, rất nghiêm trọng.

trtim-ng3-1630404323.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm

Nó đã tàn phá tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, sau đó mới tràn vào Việt Nam. Ban đầu tại Bắc Ninh, Bắc Giang, sau đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5 xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Với quyết tâm cao, “Chống dịch như chống giặc”. Sau hơn một tháng quyết liệt, ta đã khống chế được dịch ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Nhưng với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương khác, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội vẫn chưa không chế được dịch.

Tại sao vậy?

Về khách quan:

Biến thể Delta mới rất nguy hiểm.

Địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ rộng, nhiều kênh rạch, nhiều khu chung cư, dân cư đông đúc, nhiều lao động ngoại tỉnh cư trú làm ăn tại địa bàn ở trọ trong các ngõ, ngách, hẻm nhỏ, cơ động di chuyển khó khăn.

Về chủ quan:

Qua 3 đợt dịch trước, ta đã làm rất tốt công tác phòng, chống dập dịch, tỷ lệ tử vong thấp, nên từ đó đã có tâm lý chủ quan, coi thường đợt bùng phát dịch lần này do vậy :

Về cấp ủy và chính quyền các cấp đã chưa có sự chuẩn bị tốt các phương án, kế hoạch, kịch bản cho công tác phòng, chống, dập dịch đồng bộ, nên khi xảy ra tình huống phức tạp, khó lường thì bị động, lúng túng, hoảng loạn, xử lý không cương quyết, quyết liệt triệt để, có nơi gần như bất lực.

Chứng tỏ rằng: trong những lúc bình thường, việc nắm dân cư chưa chắc. Trước khi ra lệnh giãn cách phải biết được có bao nhiêu hộ? Bao nhiêu nhân khẩu, bao nhiêu người dân lao động ngoại tỉnh, ở những tỉnh nào? Bao nhiêu đối tượng cần hỗ trợ về an sinh xã hội? … Từ đó mới xây dựng phương án cần bao nhiêu lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, lực lượng và các cơ sở y tế, lực lượng vận chuyển tiếp tế cho dân, bảo đảm an ninh trật tự, (để bộ đội phải đi chợ tiếp tế cho dân là việc làm cực chẳng đã thôi. Sau này các địa phương nên có lực lượng của mình) thông tin tuyên truyền. Nếu tỷ lệ một vài quận, huyện, phường xã thì phương án nào? và tỷ lệ % dự kiến số ca mắc FO, F1, F2, F3… là bao nhiêu, v.v…thì dùng phương án kịch bản nào? Nếu vượt quá thì yêu cầu giúp đỡ như thế nào? Ngoài ra phải nắm được nguyện vọng của người dân lao động ngoại tỉnh, ai ở lại thì bảo đảm thế nào? Một tháng, hay 2, 3 tháng để họ yên tâm ở lại khi hết dịch là có lực lượng lao động ngay cho thành phố. Còn ai muốn về quê sẽ đăng kí xem có bao nhiêu người? Ở những địa phương nào?, rồi điện cho các địa phương ấy chuẩn bị đón công dân của mình về, chứ không nên để dân tự phát ồ ạt di chuyển về quê bằng mọi phương tiện cá nhân, vừa không bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa mất thiện cảm trong con mắt của dư luận trong và ngoài nước. Nhớ hồi năm ngoái, khi dịch tại Vũ Hán, Trung Quốc mới bùng phát, Chính phủ ta còn cho máy bay sang chở công dân của mình về nước còn được nữa là dân trong nước về các tỉnh tại sao lại không tổ chức tàu, xe cho họ về quê?

Trong tay có cả một hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị xã hội, các đoàn thể xã hội nghề nghiệp; nhất là các đồng chí Cảnh sát khu vực, Ban Bảo vệ dân phố, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng CCB, ĐTN, Hội PN, Hội NCT, Chữ Thập Đỏ, v.v…mà không nắm được dân, không sát dân thì là lỗi của người đứng đầu địa phương.

Về người dân: Đại đa số nhân dân đều có ý thức chấp hành nghiêm chỉ thị 16 của Chính phủ và các quy định của địa phương. Tuy nhiên, cũng còn nhiều người chủ quan, coi thường dịch bệnh; cho phòng chống dịch bệnh là việc của tổ dân phố, của phường, của quận, huyện, của thành phố, cùng các quan trên và của Nhà nước, chứ không phải việc của mình, của nhà mình. Vậy nên không tuân thủ chấp hành đúng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội: người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, phường, xã, cách ly với phường, xã, tỉnh, thành, cách ly với tỉnh, thành. Vẫn vượt trạm chốt kiểm dịch viện đủ lí do để đi ra ngoài đường, vào các siêu thị, tụ tập ăn nhậu, tập thể dục… Còn chống đối, đánh, cãi lại lực lượng chức năng, tung tin thất thiệt để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc chủ trương biện pháp phòng chống dập dịch của ta. Không có ý thức chung vì cộng đồng, thậm chí có người còn khai báo y tế thiếu trung thực để gây khó khăn cho việc truy vết khoanh vùng. Nếu chấp hành nghiêm giãn cách và khuyến cáo 5K của Bộ Y tế thì trong thời gian 15 ngày đến 1 tháng là đã có thể khống chế được dịch. Nhưng đằng này, chỉ cần một người ý thức kém, tự ý đi ra ngoài bị dương tính là sẽ lây lan cho rất nhiều người, Một người làm khổ cả tổ dân phố, khổ cả một phường đến quận, huyện và thành phố. Triệu người làm tốt, chỉ có một người phá thì sẽ không bao giờ dập được đại dịch này. Cho nên phải cần sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân. Thì mới mong thắng được đại dịch.

Công tác tuyên truyền cũng làm có lúc làm chưa kịp thời, chính xác, đặc biệt là làm an lòng dân yên tâm trước khi có lệnh thực hiện giãn cách. Có thể nhịn khát 1,2 ngày, nhịn đói 1,2 tuần, nhưng không thể nhịn thở được lấy 5-10 phút. Vậy hãy vì cộng đồng mà giữ phòng dịch là hơn chữa dịch. Ở yên trong nhà một vài tuần còn hơn là thở máy trong bệnh viện. Một khi đã bị quá tải thì sẽ là thảm họa. Phải nói cho dân hiểu chứ không phải dọa suông đâu. Các nhà đài cũng nên bớt các chương trình giải trí chưa thiết thực, để tập trung vào việc hướng dẫn nhân dân cách phòng chống dịch, cách tự điều trị FO tại nhà, những điểm cần lưu ý trước và sau khi tiêm vắc xin. Kịp thời tuyên truyền biểu dương, động viên những gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay trong phòng, chống dịch của các địa phương, tương thân, tương ái vì cộng đồng; đồng thời phê phán những tổ chức, cá nhân, địa phương làm chưa tốt trong việc phòng, chống dịch.

Ngày 25/8/2021, Chính phủ đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid -19, do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, tuy muộn còn hơn không, tin tưởng rằng tới đây Ban Chỉ đạo đủ mạnh, sẽ hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn, sẽ không còn kiểu “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe”, “ngoài chặt trong lỏng” ở các địa phương trong cả nước. Cũng không còn kiểu “tôi yêu cầu”, “tôi đề nghị” nghe nó thiếu mạnh mẽ, thiếu quyết liệt. Đã là “Chống dịch như chống giặc” , thì “Quân lệnh như sơn” sẽ là “Tôi ra lệnh”, “Tôi chỉ đạo”. Nếu ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc, nhất là người đứng đầu. Có như vậy cuộc chiến này, và các cuộc chiến khác trong tương lai mới giành thắng lợi hoàn toàn được.

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ của cá nhân tôi, cũng không dám đánh giá hoặc phê phán một ai và một địa phương nào cả. Rất mong mọi người hãy cùng đọc và suy ngẫm, nếu có gì không phải cũng xin phép được lượng thứ. Bởi vì cũng chỉ mong muốn đóng góp ý kiến nhỏ và cầu mong đất nước ta sớm chiến thắng được đại dịch này để phục hồi sản xuất, kinh tế và đời sống yên bình của nhân dân mà thôi.

Xin chân thành cảm ơn mọi người.

Hà Nội, 30/8/2021

Theo Trái tim người lính

Hà Minh Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-dieu-suy-ngam-a6026.html