Mađrak và em!

Tặng em Gió và các thầy cô giáo miền núi nhân ngày khai trường!

 mdrak-va-em4-1630449804.jpg

 

Mùa khai giảng cho một năm học mới đang đến. Không khí chuẩn bị cho ngày khai trường thật rộn ràng ở khắp nơi nơi dẫu đại dịch Covid vẫn đang đe dọa. Thật thương các thầy cô giáo, thương các em học sinh và đặc biệt thương các em nhỏ vô cùng. Bao nhiêu bé thơ đang háo hức được đến trường để dự lễ khai giảng và được thả bóng bay. Nhớ đến những ngôi trường nghèo ở miền núi mà càng thương. Thầy cô giáo ở các trường học ấy vẫn đang mong chờ ngày khai giảng dẫu nguy cơ đại dịch Covid đang quay lại đe dọa với làn sóng dịch thứ tư ngày càng khốc liệt. Trẻ em có nguy cơ sẽ phải học online dài ngày vì không được đến trường. Các thầy cô giáo cũng đứng trước nguy cơ phải dạy học online. Thật là buồn!

Đọc bài của em Gió trên trang TVH, tôi lại cứ nghĩ về Mađrak và em! Tôi chưa từng biết em, một cô giáo trẻ yêu nghề ở tít tận xa xôi Mađrak! Tôi cũng chỉ vừa mới nhìn thấy gương mặt tươi tắn của em xuất hiện trên trang Tản Văn Hay dịp gần đây! Tình cờ tôi vào đọc bài viết của em và bị cuốn hút ngay bởi một giọng văn mới lạ và có điều gì đó luôn thôi thúc tôi từ vùng đất ấy, nó vừa mạnh mẽ vừa gọi mời!

Vào trang fb của em đọc thêm một chút. Biết em là một cô giáo trẻ  quê Hà Tĩnh đã lên đó lập nghiệp và đã có mười năm thâm niên khi gắn bó với vùng đất Tây Nguyên mang tên Ma đrawk! Đọc tản văn của em, tôi ngỡ ngàng hơn khi biết vùng đất Mađrawk ấy sao mà thân thương, thân thương đến thế. Một vùng đất quá khô cằn như em nói, lại không phải là đất đỏ bazan như người ta vẫn thường thấy ở Tây Nguyên. Hoá ra, trong vùng Đăk lăk- Tây Nguyên không phải chỗ nào cũng trù phú với cà phê thơm ngào ngạt và không phải chỗ nào cũng là vùng đất đỏ màu mỡ bazan.

Tôi cũng chưa từng biết đến Ma đrak dù đã từng may mắn đến Ban mê thuột vài lần. Tôi yêu núi rừng nên đi đến vùng đất nào cũng thích tìm hiểu và khám phá. Mấy năm trước đây, tôi đã từng có dịp theo bạn lặn lội vào rừng sâu và đi thăm bằng được những ngọn thác cao nhất, đẹp nhất  ở Đăk lăk. Đó là ngọn thác Draynư và Dray sap kỳ vĩ của Tây Nguyên. Tôi còn nhớ khá rõ cả cung đường từ Ban mê thuột đi đến những nơi đó. Những cung đường thật đẹp, rất mềm mại, cong cong uốn lượn và khá là hiểm trở khi xe xuyên qua những vệt rừng già. Nhìn ngắm cung đường ấy, tôi thấy chúng cũng mang dáng dấp và vẻ đẹp của miền núi cao Tây Bắc. Là bởi nhìn chúng tựa như tấm thân một con trăn khổng lồ đang nằm vắt ngang núi và uốn éo theo nhịp thở trập trùng của những triền núi cao đầy bí hiểm.

mdrak-va-em3-1630449804.jpg
 

Tôi từng biết đến cái tên “Mađrawk “ từ nhiều năm trước đây, cũng là khi được nghe bài hát cùng tên “Ơi, Mađrak “với giai điệu trữ tình và hào hùng đậm chất Tây Nguyên hoang sơ và hùng vĩ . Bài hát ấy của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã khá nổi tiếng và là điểm nhấn ấn tượng cho một vùng đất hoang sơ mang cái tên gọi mời Ma Đrawk - Đó không chỉ là một ca khúc hay của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Bởi ca khúc ấy còn hay hơn, vang động núi rừng hơn khi nó được cất lên từ một giọng ca đầy ma mị. Một ca sĩ nổi tiếng người Tây Nguyên - đó là Y Moan - Một người con của quê hương MaĐrawk!

Nơi ấy - có những khu rừng già mang theo nhiều bí ẩn! Một thảo nguyên xanh mênh mang, nơi có những ngọn núi và những đồng cỏ xanh biếc. Nơi có những chàng trai “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hoà.../ Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đua nắng tung tăng mặt trời.../ Du dương kèn Đinh Năm, xa xăm ngọn Chư Prông, xa xăm biển rộng. Tôi sinh, sinh ra từ nơi đây, cha tôi cũng sinh từ nơi đây. Ơi M'Đrăk, M'Đrăk ơi...”! Tiếng hát trầm khàn ấy cứ trôi bồng bềnh trong ký ức tôi khi mải nghĩ đến đại ngàn Tây Nguyên và vùng đất Ma Đrawk xa xôi! Vùng đất luôn làm người ta phải bất ngờ với những nét văn hoá Tây Nguyên mà ta cứ ngỡ chừng như đã biết nhưng thực ra chúng ta vẫn chưa bao giờ có thể hiểu cặn kẽ.Tôi thèm được đặt chân đến đó, nhất  là sau khi tôi đọc bài TVH của em!

Đọc em, tôi thấy Mađrak hoang sơ chợt hiện lên trước mắt mình. Đó là một vùng đất còn nghèo nàn, còn gian khổ, khá hoang sơ, với em đó là nỗi buồn mang tên thăm thẳm đại ngàn! Một đại ngàn từ trong xa xôi, một đại ngàn cứ như từ nơi tận cùng của Đăklắc và cũng rất là khác biệt! Tôi thích sự chân thành và lối viết giản dị mà đầy cảm xúc của em! Tuy thế, đọc xong tôi lại chợt thấy lòng mình thêm buồn, thêm trĩu nặng, cảm giác như chùng xuống vì thấy thương em. Tôi thấy thương thay cả những thầy cô giáo đồng nghiệp của em nữa khi họ đang sống từ nơi thành phố này hay từ những miền quê khác mà phải lên với miền núi cao xa xôi vì nghiệp làm thầy. Họ chưa kịp hiểu gì nhiều về nền văn hoá đặc sắc và những con người,những bộ tộc của Tây Nguyên! Họ sẽ phải về đó sống dài ngày, để có thể yêu, để có thể hòa nhập với bà con người dân tộc Ê Đê, Ba na.

mdrak-va-em5-1630449804.jpg
 

Yêu rồi sẽ hiểu hay phải hiểu rõ rồi mới yêu ? Tất thảy, đều cần một tấm lòng và một quá trình sống trải nghiệm đủ dài. Rồi hy vọng đến một ngày đẹp trời nào đó họ sẽ quyết định trụ lại hẳn nơi ấy - Một miền đại ngàn vang vọng tiếng hú gọi của rừng xanh, nơi có non cao mây phủ từ những buôn làng heo hút. Họ sẽ phải hy sinh cả tuổi trẻ của mình để cho thứ ánh sáng của những con chữ được gieo xuống, được lung linh chiếu rọi. Thứ ánh sáng của trí thức ấy liệu có tới được nhung buôn làng hay không ? Đặc biệt hơn, liệu rằng những ánh sáng trí tuệ và cả tình thương mến thương ấy sẽ chạm tới được với những tâm hồn ngây thơ của trẻ em và học sinh miền núi hay không?

Khi nào thì họ có thể hoà nhập thực sự với đời sống của đồng bào Tây Nguyên ? Đó là khi họ tự nguyện muốn “cắm rễ “mình vào vùng đất mà họ từng luôn muốn “rời khỏi “nó. Tôi biết, vẫn có những người nặng lòng với nhân sinh, có khi chỉ vì những anh mắt trong trẻo ngây thơ của trẻ em mà nhiều thầy cô, nhiều người đã từng băn khoăn khi quyết định nên ở lại hay rời đi! Còn lý do chính luôn vẫn phải là tình yêu, là vì thứ duyên phận, vì những tấm lòng chân thành yêu thương của đồng bào các dân tộc, vì những nét văn hóa bản địa quyến rũ, vì niềm vui sâu sắc khi gắn bó với đồng nghiệp, vì nhiều cái duyên tình khó nói khác của Tây Nguyên mà người ta đã quyết định ở lại nơi đó!

Nơi ấy, vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên và miền núi cao nói chung nào cũng vậy. Nơi còn muôn vàn khó khăn và gian khổ! Dẫu có vì bất cứ lý do gì, thì những sự hy sinh ấy cũng đều rất đáng trân quý. Có thể em Gió của tôi đã không nghĩ xa xôi đến thế bởi khi ấy em còn rất trẻ. Người trẻ tuổi luôn muốn được bay nhảy về những nơi thị thành là tất yếu. Càng không nghĩ tới giá trị xây đắp văn hóa miền núi và ý nghĩa của những sự  hy sinh cao đẹp ấy. Chẳng sao hết! Mọi người đều thế cả. Tôi nói điều này một cách rất thật lòng bằng cả sự ngưỡng mộ từ sâu trong tim mình. Bởi tôi cũng từng được sinh ra và lớn lên từ miền núi cao. Tôi và vài người bạn đang sống ở thủ đô Hà Nội đã nhiều dịp quay về, từng đi, từng đến, từng tận mắt chứng kiến bao nhiêu nỗi niềm cay cực của người dân miền núi, đặc biệt là được chứng kiến bao nhiêu niềm vui thật hồn nhiên, giản dị từ những ánh mắt sáng ngời của các em nhỏ ở nơi vùng sâu vùng xa ấy.

mdrak-va-em2-1630449804.jpg
 

Những ánh mắt ấy thường làm tôi day dứt hơn sau mỗi chuyến đi. Chúng tôi đã từng có nhiều chuyến đi thiện nguyện, từng đi tới tận các vùng sâu vùng xa, đến tặng quà, tặng sách và đồ dùng học tập... cho nhà trường. Chúng tôi tới tận nơi những bản làng xa xôi, nơi có những trường học vừa bị lũ cuốn trôi và trẻ em còn ngây thơ cởi truồng, chân đất, rất nghèo. Những mái tranh xơ xác ấy nằm chênh vênh bên bờ suối, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, thiên nhiên nơi ấy  cũng mang theo vẻ đẹp sơ khai, thật giống như ngôi trường của em mô tả. Với tôi, không chỉ là thích được đi làm từ thiện, mà niềm mong ước được tìm hiểu nét văn hoá dân tộc đặc sắc nơi bản địa luôn lớn hơn. Khát vọng ấy luôn thôi thúc một kẻ ưa lãng du như tôi mau lên đường.

Ngày ấy và cho đến tận bây giờ, chúng tôi được biết rằng những ngôi trường tít tận những nơi vùng sâu vùng xa ấy vẫn còn nhiều nơi đói khổ lắm. Những học sinh được đến trường đi học thực sự vẫn là một niềm mơ ước, niềm hạnh phúc vô bờ của các thầy cô. Đó là một phần câu chuyện tôi muốn chia sẻ với em và mọi người, nhưng sẽ nói kỹ hơn vào một dịp khác. Tôi nghĩ, lúc này mình chỉ nên sẻ chia một vài suy nghĩ và ý tưởng liên quan trong câu chuyện của em  thôi. Những ký ức đẹp đẽ và những kỷ niệm khó quên, chắc em cũng như tôi, chúng từng được tôi lưu giữ rất lâu trong mớ ký ức nhiều năm trước đây. Suốt từ cái ngày mà chúng tôi vẫn còn trẻ khỏe và sẵn sàng lên đường, có chút điều kiện để đi xa. Tôi vốn là một người thích tìm hiểu các nền văn hoá, thích được ngao du, thích dành nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết cho những chuyến thiện nguyện và đam mê viết lách. Đặc biệt, vui khi được đi đến các trường học của trẻ em nghèo ở những nơi xa xôi. Đi xa còn để ta thêm hiểu, thêm yêu, đi để viết, để chiêm nghiệm, để biết rằng mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người khác.

Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và  đẹp đẽ, cũng như em từng mô tả, nhưng cuộc sống của người dân bản địa và các thầy cô giáo nơi ấy thì vất vả quá chừng. Chúng tôi đã từng nắm chặt tay của những cô giáo cắm bản mà xúc động nghẹn ngào vô cùng. “Thuyền độc mộc đưa em về với bản /Sông khuấy nỗi buồn vào hoang vắng / Vực gió níu ngày dài / Rừng heo may hiu hắt/ Em ký thác tuổi mình trên vách núi đá vôi/ Bên dòng suối đục/ Em nắm chặt tay tôi/ Suối cô lẻ giấu nỗi buồn trong đá...”( Bài thơ Dòng suối đục - Thơ của tôi ) . Nơi ấy là một ngôi trường tiểu học miền núi nằm sát biên giới, cảnh nghèo xơ xác, nơi có khá nhiều học sinh người dân tộc thiểu số. Những em bé trông ngây thơ và nhếch nhác đã chạy ra đón chúng tôi nhưng nhìn ánh mắt đầy ngại ngùng và nét sợ sệt. Ngôi trường sơ sài ấy cũng nằm sát cạnh một con suối nhỏ, có dòng nước lũ réo vang và đục ngầu đang cuộn chảy. Suối thì nhỏ thôi nên sau cơn lũ to, chúng tôi cũng tự lội qua được để đi sang phía bờ bên kia, đến khu nhà của giáo viên. Tôi đã khóc rất nhiều vì quá thương xót một cô giáo cắm bản, cô phải xa gia đình và đứa con nhỏ mới gần 2 tuổi để lên đây dạy học. “Ngày em xuống núi, trở về làng/ Chồng đã đi theo người khác... / Chỉ núi thương em / Em lại về với núi / Neo lại bến đời, mảnh trăng vỡ trên non...”. Tôi đã từng viết về họ như vậy trong một bài thơ mang tên “Dòng suối đục”. Không biết sau này cô giáo cắm bản ấy có đọc được bài thơ của tôi hay không, tôi cũng không biết nữa, bởi có bao nhiêu thứ công việc cứ cuốn mình đi! (Bài thơ này đã đăng trên Báo Văn Nghệ từ 6 năm trước đây, tôi viết ngay sau chuyến đi thiện nguyện ấy).

mdrak-va-em1-1630449804.jpg
 

Khi lên với những vùng núi cao, khi đã được tận mắt chứng kiến cuộc sống đầy vất vả, thiếu thốn của các em học sinh và những thầy cô giáo cắm bản, tôi tin rằng người ta ai cũng sẽ hiểu hơn ý nghĩa của sự hy sinh và thấm thía hơn những giá trị sống của mỗi con người, nhất là khi họ đã dám vượt qua chính mình. Người ta sẽ biết trân trọng hơn cuộc sống thực tại của mình hơn khi hiểu rằng xung quanh chúng ta còn có biết bao nhiêu những thân phận đầy cay cực.

Dịp khac, chúng tôi đã về thăm một ngôi trường ở miền núi và mang theo nhiều món quà tặng ý nghĩa, chủ yếu là sách vở, đồ dùng học tập và mì tôm, bánh trung thu.. và một số quà lặt vặt của một số giáo viên và sinh viên Trường Cao Đẳng Y Dược A Sean - Nơi tôi đang giảng dạy và làm việc khi ấy để tặng quà cho giáo viên và trẻ em của một ngôi trường nhỏ nhoi vào một dịp Trung Thu. Điều làm tôi ngưỡng mộ nhất khi được chứng kiến các thầy cô giáo phải đến tận nhà từng người dân nơi ấy để vận động, kêu gọi gia đình họ cho từng em nhỏ được tới lớp. Còn rất nhiều kỷ niệm mà tôi chưa thể nói hết trong khuôn khổ bài viết này.

Gió ơi! Em cũng là một ngọn gió lành trong trẻo và tươi mát! Tôi thích cả cái tên Gió mà em dùng làm tên nickname cho mình. Bởi tôi luôn yêu thích tất cả những thứ gì thuộc về sự chân thành, yêu những vẻ đẹp hoang sơ, giản dị và hồn nhiên. Tôi vốn sinh ra và lớn lên từ núi rừng Lào Cai nên cũng thích sông suối, núi rừng. Tình yêu ấy đã có từ trong máu và bởi vậy cũng yêu thích luôn những người bạn trẻ tuổi biết dấn

thân và dũng cảm. Họ đang sống lạc quan và đã từng hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho những miền đất âm u đó.

Em cũng đã yêu vùng đất ấy- Ma đrak đã quyến rũ em rồi! Em đã có cơ hội để hiểu và yêu hơn mảnh đất Tây Nguyên- Nơi có muôn vàn bí ẩn mà nhiều người không có cơ hội như em để được khám phá. Em là một cô giáo trẻ thật đáng yêu và chân thật! Đọc em, tôi cảm nhận rất rõ điều ấy. Em nói: “Chỉ còn hơn hai tháng nữa là tròn 10 năm tôi bước vào nghề giáo, cũng là chừng ấy thời gian tôi sống ở đây, một nơi xa xôi nằm lọt thỏm giữa cao nguyên MĐrăk, cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100km và chỉ cách đất Phú Yên tầm 20km”. Chẳng còn gì rõ ràng và chân thực hơn thế. Tôi đã từng đến Buôn Mê Thuột và Phú Yên vài lần trong những chuyến công tác trước đây, nên đã hình dung ngay ra trước mắt mình cái vùng đất xa xôi nơi em đang sống và làm việc.

Em nói vui:  Ma Đrak chính là "mắc không ra", có lẽ vì nhiều người đã đến mà chẳng ai muốn trụ lại lâu dài nơi đó!

Nghe mà xót xa cho một vùng đất đẹp đẽ của miền đại ngàn Tây Nguyên vốn có truyền thống anh dũng quật cường!

Tôi thấy Ma Đrawk thật ấn tượng khi em tả về hai mùa mưa nắng của Tây Nguyên. Khi “trời mưa to lắm, mưa ngập trời, nhoà hết cả mặt người. Về sau tôi mới biết, mưa chính là "đặc sản" mà mảnh đất này dành tặng cho con người”.

Phong cảnh MaĐrak có vẻ rất giống với miền núi Tây Bắc của tôi khi em tả “ toàn đồi, núi, cây cối trập trùng, thảng hoặc mới có thấp thoáng vài ngôi nhà. Cậu bạn chở tôi có lúc mải ngắm núi non mà khiến cả xe cả người suýt chút nữa thì lao thẳng xuống vực”. Những cô giáo cấp 1-2 cắm bản mà tôi từng gặp ởmiền núi Tây Bắc - Nơi có nhiều phong cảnh nên thơ của đồi núi và có những ngôi trường khá nghèo đơn sơ, cũng nằm chênh vênh trước gió nơi lưng đồi như thế. Em còn kể: “Ngôi trường tôi dạy nằm trên một ngọn đồi, mỗi lần từ cửa lớp nhìn ra chỉ thấy một màu thăm thẳm. Từ chỗ này ra thị trấn tầm 15km nhưng đường đi xấu, đá bị cày tung lên lởm chởm, mặt đường toàn là ổ gà, ổ voi chỉ chực dằn mặt những người có tay lái yếu. Cậu bạn đưa tôi xuống rồi về, để lại tôi với cảm giác lạ lẫm, bất an, chông chênh”!

Tôi nhận thấy quãng đường từ bản em ở ra thị trấn Ma Đrak ấy cũng giống y hệt như quãng đường mà chúng tôi từng có dịp đến thăm một vài ngôi trường ở miền núi cao Tây Bắc. Cái nắng ,cái mưa đầy khắc nghiệt mà em nhắc đến có vẻ đầy giận hờn. Ngay cả tiếng ve của mùa hè xanh độc đáo thế cũng làm người ta thấy váng đầu nhức óc vì quá mỏi mệt và chán chường “ khi thanh âm cũng bất lực như lời“( Hồng Thanh Quang) bởi chúng đã trở nên quá ồn ào và nhàm chán! Em còn nói: “Nắng đã nắng hết phần những nơi khác, đến mưa cũng chẳng giống nơi nào. Mùa mưa đến, chuyện cả tháng không nhìn thấy mặt trời là điều chẳng ai thấy lạ. Trải qua 10 mùa mưa, tôi thấm thía mặt trời quan trọng như thế nào. Mây đầy trời, mưa suốt ngày, suốt đêm, suốt tháng, thậm chí là suốt vài tháng không ngừng nghỉ. Cảm giác nơi đây là một cái chảo, hứng trọn vẹn mọi cơn mưa từ nơi khác. Giọt ngắn, giọt dài, giọt nhanh, giọt chậm cứ thi nhau rớt xuống.“

Tôi thích đọc đoạn văn này của em vì nó sống động, nhưng tôi không đồng tình với em lắm khi nhìn đâu cũng chỉ thấy ở Maddrak  là một bầu trời ảm đạm “Đi khỏi Ma Đrawk thấy trời quang mây tạnh, quay trở lại, chỉ thấy một màu âm u, một trời ướt át “! Dẫu đó là một câu văn chân thực chua xót nhưng tôi vẫn cứ mong muốn được thấy em vượt qua và sẽ không bỏ cuộc! Hãy viết về vùng đất ấy vì em đã hiểu nó và từng đã rung động!

Em nói về cảm giác thèm nắng cũng rất tuyệt! “Thèm nắng, thèm mặt trời, thèm bầu trời xanh thăm thẳm, không gợn mây đen như thèm một cuộc trở về nhà sau bao năm bôn ba, thập thững giữa dòng đời xuôi ngược. Những ngày ấy, khi tự nhiên mặt trời ló dạng, ban phát một vài tia nắng nhỏ nhoi cũng khiến tất cả mọi người ồ lên vì thích thú, có lúc cô trò đang ngồi trong lớp, ngó ra thấy trời bỗng tạnh, nắng bỗng lấp ló trên những cây bằng lăng, hoa sữa là tất cả lại cười vui vẻ, sảng khoái. Lúc đó, chính xác thì nắng là điều vô cùng quý giá và mặt trời là một kì quan”.

Sau nhiều ngày dài buồn bã và thất vọng, em đã chia sẻ nỗi niềm của mình một cách khá thành thực: “Tôi đã nghĩ, nhanh thôi, tôi sẽ tìm cách đi khỏi đây, tôi không thể chôn vùi đời mình ở chốn núi rừng giăng kín này được, xa văn minh, xa bạn bè, xa những nơi tôi muốn đến. Dường như chẳng có gì nơi đây đủ sức kéo tôi ở lại”. Thế nhưng, thực tế em đã ở đó mười năm rồi! Bởi “thời gian cứ trôi và tôi dần quen, quen những mùa nắng, quen những mùa mưa, quen những mặt người, quen con thác quanh năm róc rách chảy gần trường, quen cả cái cách học trò "vô tâm" với thầy cô. Quen rồi lại thấy thân thuộc và yêu thương lúc nào chẳng hay”! Em đã bắt đầu thấy mình không thể rời xa nơi ấy bởi những ràng buộc và níu kéo hữu hình và vô hình. Tôi thực sự cảm động khi đọc đoạn văn này của em khi em tả về vẻ đẹp của những dãy núi cao lúc hoàng hôn buông xuống với những ráng đỏ.

 “Đó là khi tôi vào nhà học trò và nhìn đến ngây ngất từng dãy núi cứ xếp chồng lên nhau trải dài đến vô tận với màu xanh thẫm của buổi hoàng hôn trên đường đi. Tất cả được bao bọc bởi một màu bàng bạc, pha lẫn ráng đỏ của mặt trời buổi chiều đang chuẩn bị chia tay với bầu trời để biến mất vào bên kia những tầng tầng lớp lớp núi non.  Hôm sau tôi đã nói với học trò: Cô thật sự ghen tỵ với các em khi có con đường đi học đẹp như tranh vẽ, đẹp đến ngẩn ngơ lòng người.”

Điều này thực sự rất tuyệt Gió ơi! Rừng già Tây Nguyên vốn mang theo nhiều bí ẩn để em khám phá. Em có thể tập vẽ chút ít về những cánh rừng ấy! Tôi tin em là một người giàu tâm hồn trước thiên nhiên! Thật mừng vì em đã mua được một căn nhà ở đó. “nhà nằm trên một mảnh đất khá cao. Nhìn ra trước cửa khi nào cũng thấy ngọn núi Vọng Phu có mây trắng vắt ngang, mây như tơ, cảm giác trong vắt, rất đỗi dịu dàng sánh đôi cùng với núi luôn im lìm, kiên nhẫn, bảo bọc con người bằng sự bao dung, bằng cánh tay chắc chắn được làm nên từ những cánh rừng già thâm trầm, ẩn chứa vô vàn những bí mật vĩ đại, thẳm sâu”.

Em hãy viết tiếp về vùng đất ấy và những con người nơi ấy, chắc sẽ rất hay đấy. Tôi tin thế! Bởi em đã tìm thấy một “quê hương thứ hai “ của mình ở đó và đã rất quyến luyến khi phải tạm xa nó! “Đó là khi tụi nhỏ rơm rớm nước mắt ngày chia tay để tôi về quê chồng sinh bé đầu, là khi học trò cười đùa ríu rít dưới sân trường, trong lớp học, là khi học trò im lặng pha chút ưu tư khi tôi nói nơi đây còn nghèo lắm, muốn mình và mọi người thoát nghèo hãy học thật tốt, đi thật xa để nhìn thấy thế giới bao la, rộng lớn ở ngoài kia, học hỏi những điều cần thiết và nếu có thể hãy quay trở về đây bắt đầu một hành trình mới”.

Em đã truyền cảm hứng sống và thắp lên ngọn lửa nhiệt tình tới những thế hệ học trò của mình. Điều ấy mới thực sự là đáng trân quý. Em đã nhận ra ở nơi ấy có rất nhiều tấm lòng yêu thương của học sinh và đồng nghiệp. “Thì ra, học trò không vô tâm như tôi tưởng, có chăng, tôi đã vô tâm với các em và với chính bản thân mình”. Và bây giờ, khi cơn bão bệnh dịch đang tràn qua, tôi càng thấy yêu và thương nơi này hơn“. Thực sự tôi đọc đến đây cũng rất mừng cho em và cũng thấy rưng rưng xúc động về hình ảnh của những cô giáo cắm bản. “Vùng quê nghèo đang sống những ngày giãn cách. Xã hội giãn cách nhưng lòng người thì không. Tôi vẫn được hàng xóm biếu khi thì mớ rau, khi thì quả bí, khi thì những quả mướp mới được cắt ra khỏi giàn vẫn còn ứa nhựa”.

Em đã coi Ma Đrawk là quê hương thứ hai của mình để mà hiểu, để gắn bó, để mà yêu thương. “Tuổi trẻ, tôi ngờ vực tại sao ông trời lại đưa tôi đến đây? Bây giờ tôi nghĩ đó là định mệnh. Vũ trụ luôn có những lí lẽ riêng của mình, mọi cuộc gặp gỡ đều là duyên phận. Không chỉ người với người mà đất với người gặp và gắn bó với nhau cũng bởi vì có một chữ duyên”. Em nói đúng lắm! Mọi sự trên đời này luôn cần một chữ duyên! Tôi thì bỗng dưng thấy vui hơn, yêu đời hơn, yêu núi rừng hơn sau khi đọc em. Núi cao, rừng sâu nhưng lòng người vẫn sẽ không cách trở. Tôi hy vọng sẽ có một ngày nào đó chúng ta được gặp nhau ở

chính ngay Ma Đrak - một vùng đại ngàn xanh của Tây Nguyên hùng vĩ!

Bởi đại ngàn vẫn ngàn năm bí ẩn! Đại ngàn vẫn luôn “đẹp trong sự hoang sơ, luôn khác biệt thậm chí là khắc nghiệt của riêng mình”! Tôi đã từng may mắn có dịp đã đi ô tô khách qua con đèo dài mang tên Phượng Hoàng mà em nhắc đến- một con đèo rất đẹp nối liền giữa MĐrăk - Đăk Lăk với Ninh Hoà - tỉnh Khánh Hoà! Tôi sẽ còn đến Khánh Hoà, biết đâu con đèo này sẽ là dấu mốc kỷ niệm để kết nối giữa chúng ta ? Hãy viết tiếp những trang tản văn hay về vùng đất ấy Gió nhé! TVH sẽ kết nối chúng ta bằng tình yêu của núi rừng, của điệp trùng Mađrak và em!

Còn bạn thì sao? Bạn ơi, nếu có cơ hội thì hãy đến thăm Mađrak nhé, tôi nghĩ nếu có một dịp nào đó, khi bàn chân chúng ta cùng được đặt chân lên một miền quê đất đỏ bazan mang cái tên Mađrak, Đăk lăk Tây Nguyên, điều ấy chắc hẳn sẽ làm nên những bất ngờ thú vị!

 

Hà Nội 28/8/2021 -PTPT

Phạm Thị Phương Thảo

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/madrak-va-em-a6043.html