Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9: “Tuyên ngôn độc lập” - Áng hùng văn bất hủ từ mùa thu cách mạng

Có dịp dạo bước trên Quảng trường Ba Đình – Hà Nội mỗi độ thu về lòng lại  xốn xang nhìn rặng tre xanh hai bên lăng Bác Hồ đung đưa trước gió rất đỗi thiêng liêng quen thuộc với mỗi người dân đất Việt.

bh2b-1630454112.jpg
Rặng tre xanh bên lăng Bác Hồ (Ba Đình – Hà Nội). Nguồn: Internet

 

Vang vọng lời thề Độc lập

Cảnh sắc thu nơi đây rạo rực hòa quện, âm vang trong giai điệu đi cùng năm tháng  “Ba Đình nắng”  của Bùi Công Kỳ phổ thơ của Vũ Hoàng Địch “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào….”  vẫn vang vọng đâu đây giọng nói của Bác Hồ “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?...”. Cảm xúc lại dâng trào, gợi nhớ hình ảnh biển người đổ về Quảng trường Ba Đình 76 năm về trước, chờ đợi giờ phút lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Công hòa XHCN Việt Nam. Ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử, là ngày trọng đại của dân tộc, được quyết định là ngày Quốc khánh, là “Tết Độc lâp” của  Việt Nam.

bh1a-1630454055.jpg
“Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Ảnh: Tư liệu.

 

Nhìn lại lịch sử thì “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945 của Chủ tịch  Hồ Chí Minh có thể sánh với những áng "thiên cổ hùng văn" mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại. Đó là “Nam quốc sơn hà”   năm 1076 của Lý Thương Kiệt  gắn với cuộc kháng chiến chống nhà Tống,  "Hịch tướng sĩ " năm 1284 của  Trần Hưng Đạo thống lĩnh toàn dân ba lần đánh bại giặc Nguyên – Mông,  "Đại cáo Bình Ngô" năm 1428 của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh đô hộ dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi, góp phần làm rạng rỡ non sông Việt Nam.

 Thực tiễn đã minh chứng Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền độc lập của dân tộc dựa trên công lý về quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo viện dẫn lời của hai bản tuyên ngôn của hai nước lớn vốn có truyền thống dân chủ và bình đẳng là Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền năm 1791 của Pháp. 

Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 đã ghi rõ: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ có những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên ngôn của Pháp cũng nhấn mạnh: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó thực sự là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, được khẳng định trong Tuyên Ngôn độc lập năm 1945.

Điểm sáng tạo đồng thời là tư tưởng cốt lõi trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là việc khẳng định quyền con người và quyền độc lập dân tộc không thể tách rời nhau. “Nước mất nhà tan”, có độc lập dân tộc mới có quyền con người. Tư tưởng đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tuyên ngôn độc lập ca ngợi tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam để giành độc lập, giành lấy quyền sống tự do và bình đẳng với tinh thần kiên cường, gan góc đứng về phía Đồng minh chống lại phát xít Nhật. Chính vì vậy mà “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tinh mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp bút và đọc tại quảng trường Ba Đình lịch sử là một tác phẩm chính luận đặc sắc. Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ, lời lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn đầy cảm xúc. Đó cũng là áng văn tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội tụ đầy đủ tư tưởng cao đẹp cũng như tình cảm sâu nặng của Người đối với đất nước, đối với nhân dân, đồng thời cũng là kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do của dân tộc ta.

Lời thề thiêng liêng và tinh thần bất diệt của mùa thu cách mạng Tháng Tám cũng như nền độc lập, tự do trong Tuyên ngôn độc lập vang vọng khắp non sông đất nước, bay cao, lan tỏa trên trường quốc tế, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để mọi người dân Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử, quyết tâm giữ vững và bảo vệ nền tự do, độc lập vừa giành được.

“Không một ai bị bỏ lại phía sau”

Thời gian dù đã lùi xa nhưng âm vang của Tuyên ngôn cùng lời thề Độc lập đã khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. 76 năm trôi qua, thực hiện lời thề Độc lập đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và cuộc “Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và lãnh hải, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Chúng ta càng thêm tự hào khi trải qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định. Độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Có thể khẳng định, 76 năm trôi qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với tinh thần đoàn kết dân tộc triệu người như một, đã giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển ổn định. Đặc biệt, gần 2 năm nay, không chỉ  Việt Nam mà toàn cầu phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, là cuộc chiến chưa có tiền lệ, làm suy giảm nghiêm trọng mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh   tế, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát bắt đầu từ cuối tháng 4 đến nay đã kéo dài 4 tháng với biến chủng mới Delta siêu lây nhiễm đang có những diễn biến phức tạp, khó lường mà tâm dịch là TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đáp lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng chục nghìn y, bác sĩ, công an, quân đội và lực lượng chức năng khác từ các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên cùng với nguồn lực của cả nước  tham gia “Đoàn quân Nam tiến” chống dịch. Ngay sau khi được phân công làm Trưởng ban phong chống dịch CoVid 19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã không chỉ chỉ đạo trực tuyến mà xông pha trận tiền “nói đi đôi với làm” trực tiếp bay vào Nam đến thẳng tâm điểm dịch ở TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn trong phòng chống dich. Làm việc với TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Lấy xã, phường, thị trấn là ‘pháo đài’ phòng chống dịch CoVid 19 đã đạt một số kết quả bước đầu với nhiều tín hiệu tích cực. Cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt, tổ chức thực hiện mạnh mẽ, linh hoạt, có hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng chống dịch CoVid 19. Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài lỏng trong”.

Các địa phương tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng ngừa CoVid 19 tiến tới bao phủ toàn dân kết hợp với thực hiện 5 K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0 (riêng đối với một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ). Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Chúng ta đã quyết tâm rồi phải có quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi phải chặt chẽ hơn nữa, đã có kết quả rồi phải đạt kết quả cao hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh, chăm lo đời sống nhân dân.

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 năm nay trong bối cảnh ngặt nghèo, cả nước đang gồng mình chống dịch CoVid 19 phải thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó”. Nhưng trên khắp mọi miền Tổ quốc, mỗi người con đất Việt dù đang ở bất kỳ nơi đâu, ngay trên dải đất hình chữ S hay xa Tổ quốc cũng không khỏi xúc động, bồi hồi nhớ lại khí thế hào hùng, sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử. Tự hào và thể hiện lòng biết ơn đó, nhân dân cả nước luôn hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử, hướng về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với sự vào cuộc quyết liệt, tin chắc rằng tâm dịch TPHCM, các tỉnh phía Nam cùng cả nước sớm đẩy lùi “giặc CoVid 19”, giành chiến thắng trong “trận đánh quyết định" này để trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép trong năm nay.

VXB

 

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-76-nam-quoc-khanh-29-tuyen-ngon-doc-lap-ang-hung-van-bat-hu-tu-mua-thu-cach-mang-a6047.html