Quê hương miền ký ức

Ngày ngày tôi đều cùng đám bạn ra đồng từ sáng sớm bắt cua, hay đi bắn ná. Nhà tôi nằm cạnh con sông Kinh Rạt. Do được sông chở che bồi đắp nên cánh đồng làng tôi rất màu mỡ. Chiều chiều, mấy đứa con trai chúng tôi thường rủ nhau thi bơi xem ai bơi xa hơn. Phần thưởng dành cho người chiến thắng là hai cây cà rem. Nhắc đến cà rem có lẽ đây là món ăn khoái khẩu nhất của trẻ con chúng tôi ngày đó.

que-huong-mien-ky-uc3-1630463457.jpg
 

Tôi sinh ra trên một vùng quê nghèo của miền tây Nam Bộ. Tuổi thơ tôi vui với lưng trâu, cánh diều và dòng sông đầy thơ mộng. Người dân quê tôi ngày đó sống rất giản dị, mộc mạc và chất phác. Tuy cuộc sống nhà quê vất vả cực nhọc nhưng mọi người đều tin tưởng và gần gũi nhau. Tối đến, khi đã xong chuyện đồng áng, người lớn thường ngồi uống trà nói chuyện với nhau, còn bọn trẻ con chúng tôi thì nô đùa ngoài sân. Trò u ranh, rồng rắn lên mây,  bịt mắt bắt dê, trốn tìm… đã đi theo suốt tuổi thơ tôi.

Ngày đó quê tôi cũng chưa có điện như bây giờ. Ánh sáng duy nhất cho buổi tối ngày ấy là ngọn đèn dầu. Vì chưa có điện nên cứ tối đến là trời tối đen như mực vậy không như bây giờ điện sáng khắp mọi nơi. Vài năm sau đó, điện cũng về đến thôn làng. Vậy là từ đó bọn trẻ chúng tôi không phải dùng đèn dầu để học nữa. Cuộc sống nhà tôi cũng đã khá giả hơn. Nhà mới xuất được lứa xoài ba quyết định mua cái ti vi. Hồi đó, có ti vi đen trắng là oai lắm rồi, nhà tôi trở thành điểm tập trung của cả xóm lúc 7 giờ tối khi bắt đầu chiếu phim “Bao Thanh Thiên” của TVB. Nhà tôi đông vui hẳn lên. Có lần, mọi người đến xem đông quá ngồi sập cả cái giường. Tôi còn thu vé mấy đứa trẻ con xóm bên mỗi lần xem phim là ba cục kẹo me đứa nào có kẹo thì ngồi chỗ đẹp, còn đứa nào không có thì ngồi chỗ xấu hơn. Tuổi thơ tôi thật đẹp. Nhưng giờ thì cái tivi đen trắng ngày nào chỉ còn là kí ức.

Ngày ngày tôi đều cùng đám bạn ra đồng từ sáng sớm bắt cua, hay đi bắn ná. Nhà tôi nằm cạnh con sông Kinh Rạt. Do được sông chở che bồi đắp nên cánh đồng làng tôi rất màu mỡ. Chiều chiều, mấy đứa con trai chúng tôi thường rủ nhau thi bơi xem ai bơi xa hơn. Phần thưởng dành cho người chiến thắng là hai cây cà rem. Nhắc đến cà rem có lẽ đây là món ăn khoái khẩu nhất của trẻ con chúng tôi ngày đó. Hồi đó một thanh sắt tôi đổi được 3 cây cà rem, mỗi khi có đám tiệc bọn tôi hay để dành lông vịt, hay dép mũ bị sứt quai để đổi cà rem của ông sáu. Tôi chỉ biết ông thứ sáu chứ không biết tên ông, mỗi buổi trưa cứ nghe tiếng chuông leng keng với chiếc xe đạp cũ kĩ của ông là tôi lại nhảy chân sáo xin mẹ vài bạc lẽ hay lấy "mớ chiến lợi phẩm" đó ra đổi.  ”Cà rem đây, ai đổi cà rem nào” tiếng ông rao bán vang vọng in hằn vào tuổi thơ.

Lại một mùa vụ mới bắt đầu. Tiếng người nói chuyện, tiếng xe cộ, tiếng kêu của những chú bê con, nghé con phải ở nhà không được theo mẹ ra đồng thật tấp nập và vui nhộn. Người người hối hả ra đồng cho kịp vụ mùa. Từ tờ mờ, tôi và hai anh trai đã cùng ba ra ruộng hái bắp. Xuống tới ruộng, tôi với anh trai thi nhau xem ai bẻ được nhiều bắp hơn, nếu ai thua sẽ phải quét sân một tuần. Nghĩ  lại khoảng thời gian ấy, ôi chao sao mà thú vị, ngây thơ và trong sáng đến thế...

que-huong-mien-ky-uc2-1630463457.jpg
 

Tiếng chim én cùng những cơn gió chướng tràn về hòa lẫn với tiết trời se lạnh  báo hiệu mùa xuân sắp đến. Có lẽ ngày Tết là ngày mà bọn trẻ con mong chờ nhất. Tết đến chúng sẽ được đi chợ sắm Tết, phiên chợ Tết quê tôi là ngày 28. Hôm đó ba anh em tôi được mẹ đưa đi chợ sắm Tết, được ăn một tô bún riêu cua thật là to, món yêu thích mà một năm tôi chỉ được ăn một lần. Mẹ mua cho anh em tôi mỗi đứa một cái áo mới để mặc Tết. Được mọi người mừng tuổi, nhất là được ăn kẹo thỏa thích, tôi còn lấy phần để dành sau Tết. Ngày đó, mỗi khi Tết đến, xóm tôi đều tổ chức lễ hội. Có đá gà, đập niêu, múa lân,..vui lắm. Những ngày giáp tết ở quê thật rộn rịp nào là làm mứt, quết bánh phòng, lau chùi nhà cửa.

Cái khoảng sân trước nhà quanh năm cỏ mọc um tùm cũng được làm sạch nhẵn. Từ hai mươi tháng Chạp, người ta đua nhau đi sắm tết, tảo mộ ông bà. Hai mươi ba trở đi là đi ngang nhà nào cũng nghe sực nức mùi Tết. Tết, bà thường sai anh em tôi lôi hết đồ trong nhà ra cọ rửa sạch sẽ để đón Tết. Nhà tôi như được thay một chiếc áo mới trước khi xuân về.

Bọn trẻ chúng tôi bây giờ đều đã lớn cả rồi. Quê tôi giờ cũng khác xưa. Con đường đất ngày nào giờ được thay thế bằng đường bê tông. Bóng điện sáng khắp làng. Những căn nhà lụp sụp mái tranh, mái ngói đã bị che lấp bởi rất nhiều nhà cao tầng. Nhà ai cũng có ti vi nên không còn phải đi xem nhờ nữa. Những cảnh tượng ngày nào giờ không còn nữa. Tối đến ai ở nhà đấy. Tình làng xóm cũng không còn gần gũi và mộc mạc như xưa. Các quán xá, mọc lên như nấm. Những trò chơi trẻ con ngày xưa đã dần đi vào quên lãng, thay vào đó là các trò chơi điện tử. Dòng sông ghi dấu ấn tuổi thơ của những đứa trẻ chúng tôi ngày nào giờ đã trở nên già nua, vẫn còn đó những giọt đỏ phù sa, vẫn còn đó những mùa bông bần rụng trắng nhưng người cũ giờ đã xa.

Khi cuộc sống hiện đại với những bon chen và hối hả, khi con người ngày càng coi trọng lợi ích vật chất thực tế thì những điều thiêng liêng trong tâm hồn con người, trong tình người cũng dần bị chai sạn, dần bị nhạt phai. Không biết lũ bạn tôi ngày xưa, giờ đây có ai cùng tôi nhớ lại quê xưa, nhớ lại Tết xưa…

que-huong-mien-ky-uc5-1630463457.jpg
 
que-huong-mien-ky-uc4-1630463456.jpg
 
que-huong-mien-ky-uc1-1630463457.jpg
 

 

Lâm Hùng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/que-huong-mien-ky-uc-a6049.html