Lúc tỉnh, lúc say quên mình trong cuộc thế rồi đến bây giờ, khi Sài Gòn ốm nặng anh lặng lẽ hành hương với chính mình qua những nỗi đau mặn chát. 03 bài thơ được công bố gần đây nhất: “Nhận diện Sài Gòn”, “Hãy mạnh mẽ lên”, “Trong tận cùng nỗi đau” là sự phá vỡ tâm thức tĩnh lặng.
Ấm áp trong từng tĩnh mạch
Với mỗi người, trong nỗi đau, sự mất mát, chúng ta mới có thể thấy được giá trị của cuộc sống đang có và nhận diện ra bản thân và mọi thứ xung quanh. Có một Sài Gòn thật đơn sơ, bình dị, đầy trải nghiệm và duy thức. Tất cả hiện lên không màu mè, son phấn xa hoa.
Sài Gòn vật vã vươn trườn và Sài Gòn biết, tài sản không gì ngoài tấm lòng khi Tổ quốc luôn ở bên. Nguyễn Thánh Ngã lắng lại những bung bật trong thời gian qua để: “Cuối cùng, tôi cũng nhận ra Sài Gòn / nơi đất hóa người và người hóa đất.”. Cái nhìn nhà thơ hướng vào thẳm sâu để khái quát thực tại lúc này: đất hóa người và thầm nhắc người hóa đất.
Hơn 8000 đồng bào tử nạn là con số biết nói, quằn quại. Thi sĩ giấu những giọt nước mắt buồn thương để tiễn biệt bằng các hình ảnh thân quen, gần gũi. Các linh hồn về thế giới bên kia đủ để an ủi, đủ để ấm áp: “ Phương Nam, đất trầm tích phù sa /châu thổ tư duy của thuyền bè tấp nập / nơi lịch sử đắp bồi thành Nhà Rồng, Bến Nghé... / Tổ Quốc hiện diện mọi nơi, nhưng nhiều nhất ở tấm lòng...”
Có thể nói, những hình ảnh đầy tính tự sự là các mảng màu khái quát một Sài Gòn hiện tại, một thành phố đang phá vỡ nỗi sợ hãi vì đã biết “bao dung trong đại dịch lòng mình”.
Và chỉ có thế, Sài Gòn mới đủ năng lượng, đủ vật lực để vượt khó trong cơn bĩ cực này: “quán nhỏ không đồng lấy ngọn rau làm thực đơn chống dịch / những đồng tiền tích góp mấy mươi năm phát không cho người về quê cũ /nhân nghĩa có mặt trong từng củ khoai, cốc nước bên đường / trong túi cơm trao bác xe ôm, ủi an cụ già bán vé số, hay hẻm nhà trọ những sinh viên nghèo, người công nhân mất việc...”.
Niềm đau, sự vươn dậy trong hiện tại giúp nhà thơ bình tĩnh với một Sài Gòn thân thương như từng đau bởi mỗi vết xước, hơi thở trên nhịp đập của thời gian đều là “những câu thơ mang ngôn ngữ toàn cầu”, “ Tươi nguyên chuỗi tế bào ký ức”.
Hãy mạnh mẽ lên
Đó là tên bài thơ viết thay cho nhà thơ bị nhiễm Covid - 19. Không biết nỗi đau của căn bệnh này mang lại cho con người như thế nào nhưng nhìn hàng ngàn người thiệt mạng, nhân loại đang khốn đốn thì biết sự thảm khốc nó mang lại như thế nào. Nhận thức được điều đó, Nguyễn Thánh Ngã hóa thân vào sự nghiệt ngã và ngộ thức sự mong manh và yếu đuối của kiếp người. Sự vươn dậy và mạnh mẽ, theo thi sĩ là phải giải phóng ra khổ đau, dẫu rất khó khăn nhưng không thể không “quật ngã bức tường định kiến” cổ hũ để lặng lẽ nhịp suy tư. Chỉ cần điều đó là an nhiên, an toàn với chính mình và xã hội: “ Sài Gòn trong tim tôi lặng lẽ / khôi phục nhịp đập suy tư / tìm giải pháp cho cuộc chiến này, sinh tử.../ Đó là nỗi căng mình thầm lặng của trí tuệ / và mạch ngầm của sức mạnh chung tay / người người đùm nhau trong lá nhân / nhà nhà hy sinh vì nhau trong bọc nghĩa !”.
Nhà thơ tựa vào những nhành cau, ngọn cỏ, tựa vào chiếc áo trắng Blu trong đêm khẩu trang tĩnh mịch để ấm dạ khi cách ly, để thắp tình lên vời vợi. Đó là sức sống, niềm tin của người Sài Gòn. Vì thế dẫu không gian và thời gian không như trước họ vẫn hát vang trong vùng đỏ. Hát để thay đổi hiện thực cùng nhịp đập với đồng bào: “một hạt gạo không đồng, cũng chứa đầy dưỡng chất / một ngọn rau đồng bằng cũng ấm dạ cách ly.../ Đêm khẩu trang / những Thiên thần áo trắng giúp tôi bay lên như cánh chim trời / tôi tập hát ca trong vùng đỏ”.
Hạt giống niềm tin được vun trồng trổ dậy, con người đứng lên số phận, đứng lên hoàn cảnh chẳng phải vì những thứ phù phiếm, xa lãng mà vì khát vọng sống, tình yêu sống và sức mạnh tâm hồn bám chặt vào những điều tốt đẹp.
Và rồi thi sĩ đang bị bệnh đã chiến thắng bằng sự khẳng định mạnh mẽ: “tôi đứng lên và yêu quá những đôi chân con người đi trên mặt đất ”
Sứ giả tâm hồn
Đứng lên, vượt qua cái chết, xốc dậy tinh thần của một người và của hàng vạn người là thiên chức của các nhà thơ trong lúc này. Thơ ca tựu đẹp chất nhân văn, hướng đến nguồn sáng là một trong những đặc điểm của Nguyễn Thánh Ngã. Tuy nhiên, cùng trường mạch ấy, nhà thơ không dễ dãi hô hào, kêu gọi một cách sáo rỗng mà lặng ngắt, trầm ngâm bởi nỗi đau nào cũng không thể qua đi một cách dễ dàng.
Trong tận cùng nỗi đau để nhận ra thêm nhiều điều, để ngày mai sống tốt hơn cũng là một bài học ai cũng cần, cũng nhớ. Thử hỏi, có nỗi đau nào như nỗi đau nhận tro cốt không nhang khói? Tác giả đặt ra câu hỏi lớn, câu hỏi xoáy sâu như bài toán cần tháo gỡ ngay và phải gỡ một cách quyết liệt: “ Sài Gòn đứng lên hay là chết?”
Sức mạnh văn hóa, sự nhận thức đúng đắn vào lúc này sẽ giúp đồng bào vượt khó qua kiếp nạn thế kỷ: “ Đất đồng bằng nở vồng ngực bao la /tình người sẻ chia như kinh rạch /nơi nào cũng có nước, nơi nào cũng thấm vị phù sa /ôm ấp chín dòng sông bằng sáu câu vọng cổ /có "lý bình vôi" thì cũng có "lý qua cầu ".
Tôi đọc rất kỹ 03 bài thơ dự thi của Nguyễn Thánh Ngã trong VĂN CHƯƠNG HỒ CHÍ MINH. Mỗi bài một câu chuyện, mỗi sự nhận diện nhưng chúng được liên kết chặt chẽ làm nên sự rung chấn cuộc hành hương bất tận. Hành hương với đồng bào Sài Gòn về với bãn ngã niềm tin. Hành hương với những điều tốt đẹp đã ở phía trước!
Lệ Thủy, tháng 8/2021
Nguyên văn ba bài thơ của Nguyễn Thánh Ngã
NHẬN DIỆN SÀI GÒN
Cuối cùng, tôi cũng nhận ra Sài Gòn
nơi đất hóa người và người hóa đất
đất sinh nhân và người sinh nghĩa
nghĩa dưỡng nuôi khí phách tâm hồn...
phương Nam, đất trầm tích phù sa
châu thổ tư duy của thuyền bè tấp nập
nơi lịch sử đắp bồi thành Nhà Rồng, Bến Nghé...
Tổ Quốc hiện diện mọi nơi, nhưng nhiều nhất ở tấm lòng...
Sài Gòn bao dung trong đại dịch lòng mình
lấy trái tim làm vũ khí yêu thương
lấy hai tiếng đồng bào làm niềm tin chiến thắng!
Tấm lòng đối với tấm lòng hóa hạt gạo ATM
quán nhỏ không đồng lấy ngọn rau làm thực đơn chống dịch
những đồng tiền tích góp mấy mươi năm phát không cho người về quê cũ
nhân nghĩa có mặt trong từng củ khoai, cốc nước bên đường
trong túi cơm trao bác xe ôm, ủi an cụ già bán vé số, hay hẻm nhà trọ những sinh viên nghèo, người công nhân mất việc...
Tất cả đã viết nên những câu thơ mang ngôn ngữ toàn cầu
những câu thơ thơm năng lượng oxy, tươi nguyên chuỗi tế bào ký ức
Vì thế,
nhân nghĩa là người mẹ đùm bọc những đứa con trong vòng tay cuộc lữ
ấm áp trong từng tĩnh mạch đưa máu về tim...
HÃY MẠNH MẼ LÊN!
(Viết thay một nhà thơ nhiễm Covid-19)
Không bằng sự mãnh liệt
thì yếu đuối tôi, mong manh...
"Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!"(*)
cả hành tinh đối diện với trùng trùng sóng dịch vô hình
chôn sống khí quyển
quật ngã bức tường định kiến
Sài Gòn trong tim tôi lặng lẽ
khôi phục nhịp đập suy tư
tìm giải pháp cho cuộc chiến này, sinh tử...
Đó là nỗi căng mình thầm lặng của trí tuệ
và mạch ngầm của sức mạnh chung tay
người người đùm nhau trong lá nhân
nhà nhà hy sinh vì nhau trong bọc nghĩa!
một hạt gạo không đồng, cũng chứa đầy dưỡng chất
một ngọn rau đồng bằng cũng ấm dạ cách ly...
Đêm khẩu trang,
những Thiên thần áo trắng giúp tôi bay lên như cánh chim trời
tôi tập hát ca trong vùng đỏ
khung cảnh có thể héo úa
thời gian có thể cạn vơi
nhưng tình vẫn lên xanh cho hồn tôi vời vợi
Dù cơn khó thở giết chết bao người
sự chiến đấu vẫn không ngưng nghỉ để làm thay đổi thời gian và không gian
trong sức mạnh bất tận của nhịp đập nhân dân
tôi đứng lên và yêu quá những đôi chân con người đi trên mặt đất
yêu những con đường sông nước như yêu mạch máu đất phương Nam đã bơm cho tôi hơi thở...
Hãy mạnh mẽ lên!
Hãy mạnh mẽ lên nào!
(*) nhạc TCS
TRONG TẬN CÙNG NỖI ĐAU
Có nhận tro cốt không nhang khói
mới thấm nỗi đau đến tận cùng!
Hôm qua là thành phố ốm
ngày mai sẽ rộn rã bình yên
chỉ Hôm Nay cuộc chiến với tử thần,
những biến thể khốc liệt...
Sài Gòn đứng lên hay là chết?
câu hỏi đau lòng lịch sử những khúc quanh
nếu "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia"(*)
thì Nghĩa nhân là suối nguồn dân tộc!
Tổ Quốc đã trao truyền từ thuở mang gươm...
Đất đồng bằng nở vồng ngực bao la
tình người sẻ chia như kinh rạch
nơi nào cũng có nước, nơi nào cũng thấm vị phù sa
ôm ấp chín dòng sông bằng sáu câu vọng cổ
có "lý bình vôi" thì cũng có "lý qua cầu"
Khi trái tim không ngủ yên
những tình nguyện viên lên đường, những bác sĩ quên ăn
kẻ hy sinh tình riêng, người mở lòng tử tế
mẹ chia tay con thơ đi vào vùng dịch
để không ai khóc than, không ai phải chống chọi một mình
Người giàu nhường cơm, kẻ nghèo sẻ áo
lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn
đạo lý cha ông nghìn xưa thức dậy
ích kỷ nhỏ nhen đã tiêm vaccine yêu thương độ lượng
kháng thể thứ tha sẽ làm sứ giả tâm hồn...
N.T.N
(*) Đông Các đại học sĩ Thân Nhân Trung
Nhà thơ Ngô Mậu Tình
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguyen-thanh-nga-rung-chan-cuoc-hanh-huong-a6064.html