Dấu ấn trong sử thi
Theo Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến (huyện Khánh Sơn), trong bộ sử thi Chàng Udai - Ujac với 14.840 câu được chia thành 28 khúc, có hàng chục lần các nhân vật đề cập đến chuyện ra sông to, biển lớn. Đây đều là những lần có ý nghĩa quan trọng trong hành động, tâm linh, số phận của các nhân vật. Điều đó cho thấy, dấu ấn về sông, biển có vị trí khá quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Raglai. Tìm hiểu về bộ sử thi này cho thấy, sau khi đánh bại vợ chồng người Cọp, chàng Udai đã mang xác em gái mình là nàng Nãi Tiluiq ra sông, biển để nguyện cầu thần linh cứu sống. Nói về nguồn gốc ra đời của chàng Ujac, người Raglai cũng gắn với sự hiện diện của sông, biển. Nàng Via (con gái vua Chăm) đi tắm ở biển đã bị chàng Udai biến thành con ruồi bay vào miệng để đầu thai. Sau khi Udai được đầu thai sang kiếp khác đã tự đặt tên mình là Ujac, “Vừa lọt lòng mẹ, cậu ta đã cất tiếng nói/Ta hãy xuống biển tắm thôi/Ta xuống bơi lội nước sông đây…”.
Sau những lần đánh thắng kẻ địch, chàng Ujac bao giờ cũng đi ra sông, ra biển: “Đi thôi, ta bảo hãy xuống tận bờ biển, xuống tận bờ sông/Đi làm cái lễ tẩy rửa mọi tị hiềm, hãm hại…” hay “Đến tận bờ nước biển, nước sông kia/Xuống đấy bơi lội, xuống đấy tắm rửa…”.
Có thể thấy, hình ảnh sông, biển chiếm phần quan trọng trong sử thi của người Raglai. Ở đó, đồng bào quan niệm những chàng trai, cô gái được sinh ra cạnh những con sông sẽ luôn trở thành những con người tài giỏi của bản làng.
Đi vào đời sống
Nếu có dịp tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn, chúng ta có thể nhận thấy sự xuất hiện của những chiếc tàu, chiếc bè mô hình màu trắng được thả theo dòng suối. Làn điệu dân ca Cây cau rừng của đồng bào cũng nói đến điều này: “Con tàu mình rời neo/Con đò rời xứ/Ơi nhé con đò nhỏ…”. Dòng sông dẫn ra biển cũng là chứng nhân cho tình yêu lứa đôi của người Raglai: “Có con sông tỏ mọi điều/Dòng sông chảy qua bờ lau sậy/Từ nay về sau/Từ sau mãi về sau nữa…” (hát đối đáp Ahi Ahư). Hình ảnh chiếc thuyền màu trắng còn xuất hiện trong lễ bỏ mả của đồng bào Raglai như là phương tiện để đưa linh hồn của người đã khuất về với tổ tiên.
Trong một lần trò chuyện với già làng Cao Xà Buôn (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn), chúng tôi được biết, đối với đồng bào Raglai, khi trong nhà xảy ra chuyện bất trắc, người dân đều làm những chiếc bè màu trắng thả xuống sông cùng với lễ vật để cầu mong các vị thần linh không làm hại người khác trong gia đình. Dấu ấn sông biển còn được lưu giữ qua việc đồng bào thể hiện các hoa văn hình sóng trên ống đựng tên hay ở cà chăn (váy) của phụ nữ. Những mái nhà dài của đồng bào Raglai trước đây cũng được tạo hình giống như những con thuyền lớn…
Dấu ấn văn hóa sông, biển trong ngữ văn dân gian hay trong đời sống cộng đồng của người Raglai có thể được xem là một nét độc đáo của kho tàng văn hóa Raglai. Tuy những dấu hiệu nét văn hóa sông, biển của đồng bào Raglai đang ngày càng mờ dần và ít người quan tâm trong cuộc sống hiện tại, nhưng đây vẫn là minh chứng cho một nền văn hóa đậm bản sắc của người Raglai.
Nhân Tâm
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khanh-hoa-dau-an-song-bien-trong-van-hoa-nguoi-raglai-a6153.html