Vào được rồi lại chẳng chịu khó học hành . Ngày thì ngủ gà ngủ gật , đêm mở mắt thao láo chữa đài , chữa điện kiếm tiền . Gặp môn thi vấn đáp nào thấy khó nhằn là y như rằng hôm ấy tôi khoác bộ quân phục cũ đi thi. Thậm chí còn run run như bị cơn sốt rét rừng tái phát . Chắc các thầy giáo động lòng trắc ẩn mà vớt vát cho qua . Có bạn thắc mắc mắc hỏi , tôi thản nhiên bảo rằng :" Cứ mặc áo lính là thấy tự tin , thi cử chỉ là...muỗi ! " .
Chẳng giỏi gíang gì , tôi vẫn cứ mỗi năm mỗi lớp . Sau này mới hay , vào cùng nhau từ năm đầu , ra trường cùng nhau năm cuối chỉ còn hơn nửa già lớp thôi đấy . Bách Khoa là thế ! Âu cũng là cái may mắn của anh lính cựu binh theo đuổi chuyện học hành .
Chưa hết , vận may vẫn chẳng chịu buông tha tôi . Lớ ngớ thế nào sau tốt nghiệp tôi lại được phân về một VIỆN THIẾT KẾ ở gần trung tâm Thủ Đô Hà Nội , mới chết chứ . Khi đó mấy chàng trại tài hoa của lớp tôi lên tận vùng Sông Công - Thái Nguyên xa tít , xa tắp . Cuộc sống mới đang chờ đợi tôi ở phía trước .
Đêm trước ngày đi làm , tôi vuốt ve con xe khung INOX trắng toát của tôi. Nó vừa là kỷ niệm , vừa là mồ hôi bao tháng ngày vất vả
Nó là kỷ niêm của tôi
Kỷ niệm bởi cả cuộc đời binh nghiệp theo đến hết chiến tranh , từ Nam ra Bắc tôi đã cho Nó theo về . Chen lấn qua đám đông lúc lên xe , xuống tàu thì chiếc khung inox của tôi cứ chới với ở trên cao . Mấy con búp bê mang về làm quà cho các cháu ,buộc quàng vào ba lô có va vấp vào ai cũng chẳng hề hấn gì . Thậm chí đôi mắt xanh của nó lại còn hấp háy , chớp chớp rất vô tư . Nhưng chiếc khung xe thì khác . Ông chủ Nó vội vàng xin lỗi khi Nó vô ý gõ vào nón , vào mũ của ai đó đang xô đẩy . Chật vật , rồi Nó cũng về tới ga Hàng Cỏ ( ga Hà Nội ngày nay) được an lành . Người ta săm soi gạ mua Nó . Ông chủ của chiếc khung inox lắc đầu .
Nó là công sức của tôi
Công sức được tính qua bao đêm lọ mọ cầm mỏ hàn chữa đài , chữa điện cho thiên hạ . Vì cái xích cái líp , vì cái vành cái trục mà tôi thành "vua ngủ gật" - (đấy là các bạn trong lớp vui đùa phong tước vị cho tôi ) . Bọn trẻ sinh viên đất Hà Thành kia , ở ngọai trú đi học hàng ngày bằng xe đạp , đẳng cấp hơn hẳn những trai làng bọn tôi , nghèo lại xa quê .
Tôi vẫn âm thầm mua cóp nhặt phụ tùng. Ở cái thời buổi khó khăn bấy giờ , học trò cũng phải lăn . Có đứa ở nội trú , đêm đi làm gia sư luyện con người ta thi đại học , thì hôm sau mình lại hỏng môn thi công nghệ . Thật lắm chuyện trái ngoe .
Thỉnh thoảng cái khung inox để dưới gậm giường tôi lại được lôi ra . Lạch cạch clee , mỏ nết , Nó dần dần bớt cô đơn hơn ,chờ đợi tới ngày chân tay đầy đủ... bước ra đường .
Nó là thành quả của tôi
Ngày đó rồi cũng tới . Tôi đạp chân trống cho Nó đứng lên . Nó đứng lên trong niềm vui sướng tột cùng của tôi Ngả người trên ghế tôi ngắm nghía CON XE sáng loáng bởi tia nắng hè lọt qua cửa sổ . Cái hôm tôi đỡ lấy Nó - Nó chỉ là cái khung treo ở một sạp hàng trong chợ Đông Ba - thành Huế .
Tôi vuốt ve đôi tay phanh Đức. Người ta bảo phanh Đức là... nhất đấy ! . Tôi lại ngồi thụp xuống , dùng tay quay chiếc bêđan Liên Xô , nó kêu vo vo nghe sướng cả hai tai . Người ta bảo đồ Liên Xô bền ... Nhất đấy ! Khi lắp , Tôi đã cẩn thận chọn từng chiếc nan hoa , dỏ từng giọt dầu vào đường ren ốc vít , dải cao su lót vành , cái vành thì sơn chống gỉ tới hai lần . Không giống như các con xe Thống Nhất , toàn đồ nội nhé . Đi chẳng bao lâu là tã đấy . Con xe này của tôi , con xe đa quốc gia chứ chẳng phải chuyện đùa đâu.
Tôi nhớ lại cái buổi xuất quân ban đầu , mang con xe tới trường. Hôm ấy , tôi tới sớm hơn thường lệ để dắt vào khu nội trú . Bọn bạn vừa ăn sáng xong đang xỉa răng . Chúng nó xúm lại , con xe như cố tình sáng choang choang theo cái cười mãn nguyện của ông chủ . Từ đó trở đi tôi nhập bọn hoàn toàn với cánh ngoại trú cho tới khi ra trường .
Bây giờ Nó sẽ cùng tôi bước vào cuộc hành trình mới tại cơ quan , nơi tôi được phân về . Tôi đạp xe chầm chậm như cố níu lại một chút của thời sinh viên . Bạn bè cùng học cũng tản mát dần khắp nơi . Phần lớn học cùng lớp họ trẻ hơn tôi tới sáu , bảy tuổi xuân , nhưng vẫn dễ hòa đồng . Còn nơi đây?
Cơ quan có vẻ như một lán trại ven bờ sông Hồng . Nghe đâu họ đang xây trụ sở mới khang trang lắm . Những cây sà cừ to lớn , tán rộng ở sát các dãy nhà cấp 4 mái cọ . Chỉ duy nhất có một khu nhà hai tầng . Chắc các " xếp " ở trên đó - nghĩ vậy , tôi dắt xe tiến về phía ấy . Sân cơ quan còn mấp mô , những rễ cây trồi lên mặt đất uốn éo một cách tự nhiên , hoang dã . Những chiếc xe đạp chen chúc nhau ở một góc mang màu xám xịt . Con xe inox của tôi vẫn sáng choang . Hít một hơi dài , với dáng dấp người đàn ông từng trải , tôi đạp chân chống xe , sách cặp bước vào . Được vài bước thì có tiếng gọi giật giọng của một cô gái : " Anh kia dựng xe chỗ khác đi , khéo đổ vào xe người ta " . Tôi quay lại . Đúng là xe tôi chưa đổ nhưng ở tư thế nghiêng nghiêng . Gần đó là chiếc xe máy Simson ( Đức ) màu đỏ ớt mới kính kong . Tôi vội nhấc xe ra chỗ khác rồi mới nhận ra chẳng có chiếc xe đạp nào dám ở gần chiếc xe máy đó cả. Từ trong căn phòng đối diện , môt người đàn ông cao lớn vội bước ra . Khuôn mặt anh hồng hào , trắng trẻo với hàng ria mép cắt tỉa gọn gàng . Anh ta nhìntôi. Tôi vờ lơ đãng tránh cặp mắt ấy . Đoạn anh ta tiến về chiếc xe máy của mình , ngó nghiêng xét nét . Đằng trước , đằng sau , xoay quanh tứ phía như đang tìm vết va chạm . Tôi đi ngang qua nói bâng quâ thay một câu chào " xe tôi chưa đổ đâu " .
Thời ấy , chiếc xe máy đi ngoài đường được ví như căn nhà di động . Thì chiếc xe inox của tôi cũng là tài sản lớn nhất của tôi chứ kém cạnh gì .
Ngày mai , Ngày mai , Nó sẽ cùng tôi bước vào vào cuộc chiến đấu mới - một cuộc chiến mưu sinh giữa chốn đô thành .
TN 4-9-2021
Theo Chuyện quê
Tiến Nhân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chiec-xe-dap-inox-trang-nguoi-linh-tro-ve-a6165.html