Người anh cả  lực lượng tình báo Việt Nam

Huyền thoại tình báo Vũ Ngọc Nhạ rời bục diễn giả, xuống đón ông Trần Hiệu lên và giới thiệu: Đây là Thủ trưởng của tôi. Là lãnh đạo cao nhất của Cục Tình báo và là cấp trên trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi vào Nam chiến đấu.

nguoi-anh-ca-luc-luong-tinh-bao-1-1630862684.jpg
Ông Trần Hiệu cùng vợ, bà Nguyễn Thị Thiều

Theo thời gian, những tài liệu về một lực lượng đặc biệt được dần dần giải mật, dẫu chưa nhiều nhưng cũng đủ để biết về một con người. Quá trình hoạt động của cá nhân ông gắn liền quá trình hình thành và phát triển của một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quốc gia – Lực lượng tình báo.

Sau ngày chiến thắng, huyền thoại tình báo Vũ Ngọc Nhạ được Nhà nước tôn vinh và được mời đến báo cáo chiến công tại các cơ quan Dân Chính Đảng ở Trung ương.

Hôm ông đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao báo cáo, ông cảm động khi thấy hội trường tràn ngập cờ hoa và niềm hân hoan rạng ngời trên khuôn mặt những người may mắn được gặp trực tiếp huyền thoại tình báo của dân tộc.

Nhiều cán bộ trẻ còn lấn lên sát sân khấu, che khuất cả tầm nhìn của các cán bộ lão thành của Viện, trong đó có ông Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Hiệu – Ông già luôn nhũn nhặn, luôn nở nụ cười lành hiền mỗi khi gặp mọi người trên hành lang Viện Kiểm sát.

Sau khi chào khán phòng, huyền thoại tình báo Vũ Ngọc Nhạ xin phép hội trường cho mời thủ trưởng trực tiếp của mình lên bàn chủ tịch.

nguoi-anh-ca-luc-luong-tinh-bao-2-1630862684.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ công bố quyết định thăng cấp hàm tháng 12 năm 1959.
Đại tá Trần Hiệu đứng thứ 4 hàng sau cùng từ phải qua

Mọi người hướng về phía cửa nhưng không thấy ai xuất hiện. Sau đấy, huyền thoại tình báo Vũ Ngọc Nhạ rời bục diễn giả, xuống đón ông Trần Hiệu lên và giới thiệu: Đây là Thủ trưởng của tôi. Là lãnh đạo cao nhất của Cục Tình báo và là cấp trên trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi vào Nam chiến đấu.

Lúc đó các cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới biết ông Viện phó của mình là cán bộ chỉ huy của tình báo Việt Nam.

 Ông Trần Hiệu sinh năm 1914 tại Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Đông (Nay là Hà Nội). Tháng 4 năm 1930, ông Trần Hiệu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Ngày 1/8/1938, ông Trần Hiệu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, người giới thiệu là ông Trường Chinh và Đào Duy Kỳ.

Ngày 7/6/1941, ông bị chính quyền thực dân Pháp đưa đi đày tại Quốc đảo Madagascar. Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đã bắt đầu. Thường lệ, từ Việt Nam đi Madagascar tàu hàng chỉ đi trong khoảng nửa tháng. Lần này chiếc tàu hàng Chenoncean chở thêm 11 người  tù Đông Dương bị lưu đày phải đi vòng, hơn tháng trời lênh đênh trên biển mới cập cảng Diego-Suarej.

Tháng tiếp theo, tàu Pháp chở tiếp 16 người tù đến từ Việt Nam, nâng số tù bị lưu đày trên đảo Nossilava thuộc Madagascar lên con số 27.

Ngày 5/5/1942 quân đội Anh đánh chiếm quân cảng Diego-Suarej. Ngày 3/11/1942, quân Anh chiếm được toàn bộ đảo Madagascar.

nguoianh-ca-luc-luong-tinh-bao-3-1630862683.jpg
Hàng ngồi, từ trái qua : Vũ Ngọc Nhạ, Trần Hiệu, Trần Quốc Hương,
Hàng đứng, từ trái qua : Hà Thái ( thứ 2), Phạm Xuân Ẩn ( thứ 3)

Ông Trần Hiệu và 6 người tù cộng sản xung phong gia nhập quân đội Anh để tìm cơ hội trở về Việt Nam. Tốp tù cộng sản được đào tạo tình báo, lần lượt được máy bay thả xuống miền Bắc Việt Nam rải rác từ tháng 10/1944 đến tháng 3/1945.

Nhờ liên lạc từ trước, tốp điệp viên tình báo Anh đã được Việt Minh đón nhận và bắt đầu được sử dụng như những điệp viên 2 mang, nhằm cung cấp thông tin giúp quân Đồng Minh đánh Nhật và xin lương thực, vũ khí, thuốc men cho cách mạng.

Tốp điệp viên này ngay lập tức trở thành những cán bộ cốt cán của cách mạng, trong đó ông Lê Giản, ông Trần Hiệu, ông Nguyễn Văn Ngọc tham gia công an Việt Nam. Ông Lê Giản là Tổng giám đốc và các ông Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc đã từng kinh qua chức vụ Phó Tổng giám đốc Nha công an Việt Nam.

Ông Trần Hiệu tên khai sinh là Vũ Văn Sạ, Vũ Văn Địch. Ông còn có bí danh Hoàng Mỹ, Hoàng Phúc, Thịnh, Hát, H… là Cục trưởng Cục Tình báo đầu tiên của Quân đội, Công an, Phủ Thủ tướng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quyết định thành lập các đơn vị Tình báo và những Sắc lệnh bổ nhiệm ông Trần Hiệu đều do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký và ban hành.    

Toàn quốc kháng chiến, chính phủ rút về các vùng căn cứ với sách lược trường kỳ kháng chiến. Tất cả mọi nỗ lực của cách mạng đều nhằm xây dựng Quân đội Nhân dân ngày càng hùng mạnh. Ông Trần Hiệu được điều sang quân đội làm công tác tình báo và phản gián. Ông đã nguyện suốt đời vì nước vì dân nên đề nghị được lấy bí danh là Vì Dân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đồng ý. Theo Hồ Chủ tịch, khi làm tình báo thì bí danh Vì Dân dễ gây ra sự chú ý không cần thiết trong công việc đặc biệt bí mật. Vì vậy ông lấy bí danh là Trần Hiệu. Trần là Đức thánh Trần và Hiệu là tên người thày đầu tiên Tô Hiệu đã dẫn dắt ông làm cách mạng. Trần Hiệu là bí danh cuối cùng, và chính thức được ông sử dụng đến hết cuộc đời cách mạng của mình.

nguoianh-ca-luc-luong-tinh-bao-4-1630862684.jpg
Vũ Chính (Tổng cục trưởng TC Tình báo Bộ Quốc phòng), Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Trần Hiệu, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức

Ngày 20/3/1947, Phòng 2 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu được xây dựng thành lực lượng tình báo trực thuộc Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam. Đến ngày 20/1/1948, theo sắc lệnh số 108/SL, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Cục tình báo và sắc phong ông Trần Hiệu làm Cục trưởng Cục tình báo Quân đội.

Tháng 4/1950, Cục tình báo được chuyển sang ngành công an, ông Trần Hiệu về lại ngành công an, làm Phó giám đốc Nha công an Việt Nam kiêm Trưởng ty Tình báo Nha công an Việt Nam.

Ngày 15/7/1951, cơ quan tình báo chiến lược của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tên gọi Nha liên lạc thuộc Thủ tướng phủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 42/SL ban hành quyết định thành lập. Cùng ngày 15/7/1951, sắc lệnh số 43/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm ông Trần Hiệu làm Giám đốc Nha liên lạc.

Ngày 10/6/1957, Nha liên lạc của Thủ tướng Chính phủ hợp nhất với Cục quân báo Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam thành Cục tình báo Việt Nam. Đây là cơ quan tình báo của quốc gia và ông Trần Hiệu lại được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục tình báo Việt Nam. Ngày 31 tháng 8 năm 1959, tại Nghị định số 328/Ttg, lưu Văn phòng Thủ tướng số 00464 ngày 31/8/1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định phong ông Trần Hiệu hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1960, sau Đại hội lần thứ 3 Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Hiệu thôi giữ chức Cục trưởng Cục tình báo và được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.  Có thời gian ông là Bí thư Đảng đoàn khối Dân – Chính – Đảng.  

nguoi-anh-ca-luc-luong-tinh-bao-5-1630862684.jpg
Ông Vũ Mạnh Kha, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, con trưởng ông Trần Hiệu

Năm 1983, ông được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu khi vừa tròn 70 tuổi.

Cố Đại tá Trần Hiệu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng :

- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

- Huân chương Độc lập Hạng nhất và Hạng nhì

- Huân chương Kháng chiến Hạng nhất

- Huân chương Chống Mỹ cứu nước Hạng nhất

- Huy chương Bảo vệ Pháp chế Xã hội chủ nghĩa và nhiều huân huy chương khác…

- Đơn vị Cục tình báo Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

 Sau khi nghỉ hưu, ông cùng đồng đội thành lập Ban liên lạc Tình nghĩa tình báo. Ông được suy tôn là ”Người anh cả của lực lượng tình báo”, được cùng những học trò đã đi vào huyền sử như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức…sống an vui, an nhiên và an bình trong khu tập thể Cục tình báo dành tặng các ông ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Xuân Ất Hợi 1995, khi đến chúc tết thủ trưởng cũ Trần Hiệu, ông Vũ Ngọc Nhạ đã thay mặt các nhà tình báo thời chiến tranh Vệ quốc làm bài thơ mừng Xuân mừng Đảng, chúc Thọ Người anh cả của lực lượng tình báo Trần Hiệu :

          “Xuân sang chúc bác tuổi thênh thang.

           Vẫn thông, vẫn sáng, vẫn đàng hoàng.

            Bảy nổi, ba chìm, tim thử lửa.

            Tám mươi xuân ngoại, Xuân hiên ngang...”.

Ông từ trần ngày 9 tháng 11 năm 1997 tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Theo Chuyện làng quê

 

 

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-anh-ca-luc-luong-tinh-bao-viet-nam-a6197.html