Trải qua biến thiên lịch sử, có nhiều di tích bị hư hại, mai một. Theo thống kê, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Yên Phong có 116 di tích bị hư hại, chiếm hơn 60% tổng số di tích. Hòa bình lập lại, các di tích bắt đầu được nhân dân khôi phục nhưng quy mô nhỏ. Từ năm 2010 trở lại đây, nhiều địa phương có sự quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng quy mô lớn, đáp ứng điều kiện sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.
Kết quả tổng kiểm kê mới nhất, toàn huyện có 207 di tích phân bố ở hầu hết thôn làng, khu phố trong huyện. Một số địa phương có số lượng di tích đậm đặc như: Xã Tam Giang có 27 di tích, trong đó 19 di tích được nhà nước xếp hạng; xã Yên Trung có 20 di tích; xã Dũng Liệt có 16 di tích...
Giai đoạn 2015 - 2019, Nhà nước quan tâm đầu tư 48 tỷ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Yên Phong. Một số di tích có mức đầu tư lớn là đền Lý Thường Kiệt, đền Như Nguyệt... Ngoài ra, 28 lượt di tích khác cũng được hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp.
Cùng với nguồn vốn nhà nước, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp kinh phí hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều công trình huy động được nguồn xã hội hóa lớn như: Đền thờ Lý Thường Kiệt hơn 100 tỷ đồng; cụm di tích đền, đình, chùa làng Mẫn Xá đầu tư trên 400 tỷ đồng; đình Như Nguyệt 5 tỷ đồng, đình Thọ Đức 4 tỷ đồng...
Công tác tu bổ cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Hầu hết các di tích được xây dựng tường bao bảo vệ, tránh hiện tượng xâm phạm, lấn chiếm đất đai. Số lượng di tích đã được cấp quyền sử dụng đất là 98/207 di tích, chiếm gần 50% tổng số di tích. Các di tích còn lại đều được khảo sát lập hồ sơ thửa đất, tạo căn cứ cơ sở cho địa phương thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị.
Mặc dù Yên Phong có rất nhiều nỗ lực trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích song kết quả tổng kiểm kê đánh giá hiện trạng di tích cũng cho thấy, toàn huyện hiện có 30 di tích cần được quan tâm đầu tư tu bổ. Một số di tích đang xuống cấp như: Đền Can Vang, đình Đại Lâm (xã Tam Đa); đình Đông Tảo, đình Đông Mai, đền Chóa (xã Dũng Liệt)… Hiện mới có 22/207 di tích được lắp đặt hệ thống Camera giám sát; 35/90 di tích được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa; phần lớn di tích chưa được trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Việc giới thiệu, phát huy giá trị di tích còn đơn điệu, chưa có sự kết hợp tốt giữa khai thác di sản văn hóa vật thể với văn hóa phi vật thể... Hoạt động quảng bá, giới thiệu tại di tích chưa được khoa học, bài bản. Số lượng khách tham quan còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng di tích của huyện.
Từ việc nhận diện, xác định giá trị, số lượng, hiện trạng di tích trên địa bàn huyện Yên Phong, cơ quan chuyên môn đề xuất giải pháp bảo tồn di tích trong giai đoạn mới gắn với phát triển du lịch văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và địa phương.
Cụ thể, huyện Yên Phong cần tăng cường vai trò trách nhiệm của Ban Quản lý di tích địa phương, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản, đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ an ninh trật tự, tiếp nhận đồ thờ tự và bảo vệ đất đai khu di tích theo đúng quy định. Ngoài ra, thường xuyên huy động các nguồn lực xã hội hóa để trùng tu tôn tạo. Quan tâm đầu tư kinh phí thực hiện các giải pháp về phòng cháy chữa cháy, sửa chữa hệ thống điện, lắp đặt hệ thống an ninh đảm bảo an toàn cho di vật, cổ vật tại di tích.
Thực hiện cắm mốc giới đối với các di tích được xếp hạng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các di tích theo đúng quy định; làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch mặt bằng các di tích. Trước mắt tập trung quy hoạch các khu di tích như: Đền Xà, đền thờ Lý Thường Kiệt, đền Như Nguyệt, xã Tam Giang; đền chùa Phấn Động, xã Tam Đa và thực hiện quy hoạch tổng thể khu di tích chiến tuyến sông Như Nguyệt.
Hàng năm, huyện đề xuất từ 5-7 di tích xuống cấp để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp. Nghiên cứu đề xuất lập Hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với hệ thống di tích thuộc phòng tuyến sông Như Nguyệt; nâng cấp xếp hạng cấp Quốc gia đối với các di tích có giá trị...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương, tích cực đưa học sinh, thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu tại các di tích; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá di tích trên mạng xã hội; thường xuyên phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch, kết nối các điểm di tích; phối hợp đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại điểm góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giới thiệu tại khu di tích.
V.Thanh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-ninh-giai-phap-bao-ve-di-tich-o-yen-phong-trong-giai-doan-moi-a6221.html