Công ty lá gòn ?

Thứ bà con bên này bỏ đi trong khi bên xóm Cây Me toàn là cơ sở làm nhang nên họ thu mua lá gòn, lá vú sữa... tôi trở về dọ giá và hỏi người ta cách thu mua lá nhang. Mà cách làm thì dễ ẹc, cứ tuốt lá gòn trải ra sân hay lộ xe phơi trọn ngày là bán được. Giá mỗi ký cơ sở thu vô ba đồng một ký lá khô. Suy nghĩ nhanh thì thấy nghề kiếm ra tiền cũng đâu khó khăn gì.

cong-ty-la-gon-1637771136.jpg
 

 

Sau khi Mẹ mất đi, bao nhiêu nỗi buồn ập đến nên tôi muốn đi thật xa, nhưng những ngày đầu sau 1975 kinh tế gia đình nhà nào cũng khó khăn cái ăn cái mặc, một thằng học sinh vừa xong lớp 12 vừa thi rớt tốt nghiệp chẳng nghề nghiệp gì nên đi chỗ nào để kiếm được cơm ăn?

Muốn đi xa nhưng từ nhỏ chỉ quanh quẩn bên mẹ bên ba, bây giờ không còn ba mẹ giữa dòng đời tôi như một con nai vàng ngơ ngác.

Nhảy xuống tàu khách qua Cần Thơ rồi sang đò đi Phong Điền, tới bến đò Vàm Xáng là tới nhà anh Ba Cẩu ( người con thứ của Cậu Ba tôi) anh sống và mở lò tráng hủ tíu một nghề gia truyền bên đất nhà vợ là nơi trồng trái cây nổi tiếng của xứ Phong Điền - Cần Thơ.

Gặp tôi qua chơi, anh mừng lắm, vì nghề tráng bánh tôi làm được hết - từ chuyện đứng lò tráng bánh, xay bột, đến canh phơi bánh, cắt bánh...

Anh ít nhậu nhẹt nhưng có tôi, mỗi buổi chiều anh hay mua rượu cho thằng Nhân, thằng Dũng, thằng Bền... là những thằng em, cháu vợ của anh nhậu với tôi. Mồi thì dễ tìm lắm, đất vườn bên đó sao mà lạ, toàn là công tầm đứng một công đất ngang 5 m bề dài 20 m mới đủ một công. Nhà có 15 hoặc 20 công chiều dài nó dài thăm thẳm, ranh đất là một con mương nước nhỏ có nuôi cá, có nhiều ốc trên đất trồng hai ba tầng cây, Cam sành, Sảnh, Bưởi và đủ thứ trái cây trĩu quả nên mồi nhậu chịu khó ra vườn quơ một tý là đủ nhậu.

Thấy tôi biết đàn Guitar, biết ca nên bà con có đám tiệc thường mướn nguyên giàn nhạc rồi mới tìm nhạc công nên thời gian ở nhà anh ba tôi được bà con rước đi đàn đám tiệc nên từ từ quen hết đầu trên xóm dưới (Thời đó người đàn chỉ được đãi ăn nhậu chứ đâu có ai trả tiền). Cái câu "Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền " thường nghe bây giờ mới biết.

Cái Lò hủ tíu của anh Ba cũng chỉ đủ nuôi gia đình anh chị và hai đứa Loan, Linh con anh. Tụi nhỏ tới tuổi đi học nên tôi cũng không muốn là gánh nặng cho anh nhưng làm nghề gì ra tiền thì chưa biết...

Gần nhà anh Ba có cô con gái tên B, cô bé có đôi má bầu bỉnh trắng trẻo dễ thương tụi trong xóm nói:

- Con nhỏ này nó đang học 12 ngoài Cần Thơ nên kiêu kỳ lắm, bọn tụi tao không thằng nào nói chuyện được với nó. Nó có thằng bồ có tiệm đồng hồ ở chợ Phong Điền giàu lắm cứ vài hôm buổi chiều là nó lên thằng bồ nó.

Một buổi chiều đang ngồi cặp mé lộ nhậu với lũ bạn, thấy cô bé dễ thương đi ngang mâm nhậu tôi buột miệng hỏi:

- Ủa tối rồi em đi đâu vậy?

Bất ngờ cô bé trả lời:

- Em đi chợ Phong điền chơi.

Tôi cũng không ngờ cô bé trả lời nên nói đại :

- Anh cũng chưa đi chợ Phong điền lần nào.

- Vậy thì đi với em... em chờ.

Vậy là lội theo cô bạn gái mới quen từ nhà anh Ba đến chợ Phong điền dài 4 cây số, nhờ chuyến đi đó tôi mới phát hiện ra một điều là ở xứ này nhà nào cũng trồng Gòn, mà toàn là gòn Cổ thụ, cành lá sum xuê. Hỏi thì người ta trồng trước sân nhà cho mát mà chẳng ai thèm chặt. Cây nào cây nấy ôm một ôm không hết mà toàn là loại gòn gai nên chẳng ai đụng vào.

Cô bạn nói :

- Xứ này cây gòn nó hạp đất sao mà nhà nào cũng có trồng gòn. Hình như lá gòn người ta làm nhang phải không anh?

Tôi chợt nhớ cái "xóm nhang" của Bình minh ở khu cây Me, trong đầu tôi lóe ra một cách có thể kiếm ra tiền chăng?

Hôm sau tới mấy nhà hàng xóm thấy nhà nào có nhiều cây gòn hỏi mua thì họ cười xòa nói :

- Ai chặt giùm tụi tui cám ơn chứ đồ quỷ này bán chác gì.

Thứ bà con bên này bỏ đi trong khi bên xóm Cây Me toàn là cơ sở làm nhang nên họ thu mua lá gòn, lá vú sữa... tôi trở về dọ giá và hỏi người ta cách thu mua lá nhang. Mà cách làm thì dễ ẹc, cứ tuốt lá gòn trải ra sân hay lộ xe phơi trọn ngày là bán được. Giá mỗi ký cơ sở thu vô ba đồng một ký lá khô. Suy nghĩ nhanh thì thấy nghề kiếm ra tiền cũng đâu khó khăn gì. Thế là tụi thằng Nhân, thằng Dũng thằng Bền sau khi nghe tôi trình bày kế hoạch kiếm tiền dễ ẹc nên tụi nó đồng ý ngay. 100 ký lá nếu bán được 300 đồng thì đã có trong tay gần một chỉ vàng.

Hôm sau, tụi tui rảo đi xin lá gòn, ai cũng mừng ra mặt khi họ thấy mình chặt mấy nhánh gòn giùm họ, chặt cách nào thì chặt miễn chừa cái thân gốc lại là ô kê. Mà khi leo lên cây gòn rồi mới biết sợ. Loại gòn gai nên gai nó rất cứng, chỗ nào nhánh nào cũng đầy gai, còn sâu thì to hơn ngón tay cái tròn ú xanh rờn như sâu mãng cầu nhưng con sâu gòn thì nó ghê hơn vì mình nó cũng đầy gai.

Chặt rồi phơi, tiền vốn không tốn bao nhiêu nhưng tiền rượu thì nhiều hơn. Thu gom đầu trên xóm dưới được khoảng hơn 200 ký, nhẩm tính bán hết số lá gòn này trừ các thứ chắc cũng kiếm ăn được.

Mà lá gòn thì bùng nhùng bở rệp nên khi vô bao cũng cả vấn đề, một thằng nhảy vô đứng trong bao, hai tay cầm hai bên mép bao, bên ngoài xách thúng đổ lá vô bao, đứa bên trong phải dùng đôi chân nhảy lên đạp xuống đầy một bao chừng 20 ký thì đã thở như trâu.

Xong hết rồi mướn chiếc ghe chèo 40 đồng một ngày, một buổi chiều trời trong mây tạnh bốn đứa hì hục đứa chèo, đứa bơi, xuôi theo con sông Cái Răng qua khỏi Xóm Chài tới 8 giờ tối thì ra sông Cái. Chèo ngược nước ghé bến phà Cần Thơ lên bờ mua ly cà phê uống cho khỏe. Thấy trời trong veo, trăng sáng ngời, bốn đứa vội nhấp ly cà phê hút vội điếu Đà lạt bắt đầu vượt con sông Hậu đang chập chờn sóng nước thật là một cảnh hữu tình.

Tôi nói vui với tụi bạn:

- Lần này thành công tụi mình sẽ lập "Công ty thu mua lá gòn" luôn hen.

Tụi nó cười ngất nói:

- Thành lập Công ty lá gòn tụi tao cho mày làm "Giám đốc."

Qua mới nửa sông, bỗng mây đen kéo tới đen thui, gió từ đâu nổi lên làm sóng dậy từng cơn ập vào chiếc ghe tam bản nhỏ bé của bốn thằng tôi đang xanh mặt vì sợ hãi, tôi thầm nghĩ bây giờ trở lại hay qua luôn gì thì cũng nguy hiểm giống như nhau nếu ghe bị chìm thì cả đám chết chắc.

Mưa ầm ầm đổ xuống, chiếc tam bản ngập đầy nước, không có chuẩn bị đồ tát nước nên phải lột mấy chiếc dép, đứa nào chèo không nổi thì ráng mà ngồi tát nếu muốn không bị làm mồi cho hà bá. Chiếc ghe tới bên bờ Bình minh thì bị trôi khỏi vàm Khu Trung. Cũng may sóng gió đưa vô một chỗ không một bóng nhà có ngôi miếu hoang lớn như cái chòi vịt nằm giữa khoảng đất trống vắng tanh.

Bốn đứa cột vội chiếc ghe vào một gốc cây bần chạy lên cái miếu hoang dột nát vừa núp vừa run mà không biết chiếc ghe tam bản nó còn ở mé sông cái không nữa..

Gần sáng thì mây đen cũng tan, mưa cũng hết, bốn đứa ướt nhẹp co ro vì lạnh mà cũng chẵng còn một điếu thuốc nào để hút vì thuốc Đà lạt nó kỵ nước.

Xuống bến, may sao chiếc ghe tam bản còn nguyên. Mấy bao lá gòn ướt nhẹp, mấy đôi dép thì chiếc mất chiếc còn... ôm cái bụng đói è ạch chở ghe lá gòn tới xóm nhang chẳng cơ sở nào chịu mua người ta nói:

- Lá gòn khô mà mắc mưa thì nó chảy hết chất nhờn và xay ra cũng chẳng làm nhang được vì nó sẽ có màu đen thui. Mấy chú phải có đồ đậy chứ.

Bốn đứa tôi nhìn nhau ngơ ngác. Khi biết tụi tôi mới ra nghề và tối qua vượt sông cái suýt chết nên bà chủ  có vẻ cảm thông nên nói:

- Thấy hoàn cảnh mấy chú thấy cũng tội nên thôi tôi mua giùm để xay bán cho mấy người nuôi cá… mỗi ký lấy giùm mấy chú một đồng là hết giá.

Thế là bao nhiêu tính toán đồng lời tan thành mây khói, mỗi đứa ăn một tô hủ tíu rồi lại vượt sông cái chèo về Phong Điền. Hơn chục ngày vất vả bây giờ thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Cả bốn đứa thề chẳng bao giờ làm cái nghề đầy nguy hiểm này nữa nên "Công ty" thu mua lá gòn của tôi đành giải tán?

Lúc đó mình mới biết là để kiếm ra tiền coi vậy mà đâu có dễ dàng gì phải không các bạn.

Theo Chuyện làng quê

                                   

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cong-ty-la-gon-a6234.html