Sai thì sửa nhưng phải kịp thời và triệt để

Chống dịch CoVid 19 được xác định như chống giặc, chưa có tiền lệ. Đến đợt dịch thứ 4 đã kéo dài hơn 4 tháng, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố vận dụng linh hoạt, phòng chống dịch có hiệu quả. Nhưng xem ra Hà Nội đến hôm nay vẫn lúng túng, luẩn quẩn với giấy đi đường.

hn1q-1631117377.jpg
Kiểm tra giấy đi đường ở Hà Nội gây ùn ứ đông người, nguy cơ lây lan dịch CoVid 19. Nguồn: Internet.

 

Trong vòng 3 ngày, Hà Nội 2 lần bị Thủ tướng Phạm Minh  điểm tên vì ban hành quy định về giấy đi đường liên quan đến phòng chống CoVid 19 khiến dân bức xúc.

Cụ thể: Lần 1, trong báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 được thông tin tại cuộc họp chiều ngày 5/9 do Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo - chủ trì, kết nối trực tuyến tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước. Ban Chỉ đạo chỉ ra những hạn chế khi vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… ban hành các quy định như giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông… nên gây bức xúc trong dư luận. Một số địa phương ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia.

Hà Nội cầu thị có tiếp thu ý kiến góp ý của người dân và sự chỉ đạo của Thủ tướng đã bổ sung ngay quy định nhưng vẫn chưa ổn, chưa sát với thực tiễn, tiếp tục rối, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trước tình hình đó, hôm nay( 8/9), Thủ tướng buộc phải có ý kiến lần thứ 2 lại yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài (Công văn số 6263/VPCP-KGVX).

Có nhà báo lão thành bức xúc nhận xét: “Trong vòng 3 ngày, Hà Nội đã bị 2 ‘thẻ vàng’ về lỗi trực tiếp liên quan đến phòng chống dịch CoVid 19 trong việc cấp giấy đi đường”.

Trước đó, chiều 7/9, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh”.

Để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một. 

TP Hà Nội chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến. 

Có làm có sai là điều khó tránh. Thấy sai mà cố chấp không sửa mới nguy hại, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Thấy sai mà tiếp thu góp ý, nhắc nhở mà sửa ngay là đáng hoan nghênh. Điều quan trọng nhất là phải cầu thị, sớm nhìn thấy cái sai để sửa và phải sửa đúng, trúng, kịp thời, triệt để - để “quan trên” trông xuống thấy được, “người dân” trông vào thấy an yên “tâm phục khẩu phục” thì là đáng mừng

Trước mắt, Hà Nội cần sớm khắc phục những tồn tại, bất cập mà Thủ tướng đã 2 lần lưu ý, nhắc nhở để không bị “Thẻ vàng” lần nữa thì chống dich mới có hiệu quả.

VXB

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/sai-thi-sua-nhung-phai-kip-thoi-va-triet-de-a6268.html