50 năm trước du học Đông Âu (phần cuối): Hành trình tới Balan & những ngày đầu (09/9- 05/10/1971)

Như vậy, tính từ hôm xuất phát từ trường KTKH Hà nội ngày 28/8 đến 09/9/1971, chúng tôi đã trải qua cuộc hành trình hết 13 ngày, trong 13 ngày đó tâm trạng của tôi bị thay đổi theo từng cung bậc của cảm xúc, lúc thì bồi hồi nhớ mẹ, nhớ các em và bạn bè, lúc thì ngạc nhiên trước sự phát triển, lớn mạnh của 2 ông anh XHCN, đặc biệt là Liên Xô vĩ đại, cuối cùng là nơi mà chúng tôi sẽ sống và học tập để sau này trở thành một trong những nhân tố xây dựng tổ quốc VN tươi đẹp.

balan1-1631137718.png

Cờ và quốc huy Ba lan

     Sáng sớm hôm sau, trời còn tối đen như mực, đang ngon giấc nồng thì bị dựng dậy, ra ga xe lửa lên tàu đi Varsava, thủ đô của đất nước Balan xinh đẹp. Vậy là chia tay Moscva,  thủ phủ của LBCHXHCN Xô Viết một cách đầy luyến tiếc, vì chỉ có 1 ngày nên chưa đi được nhiều, chưa thấy hết được cái vĩ đại của thủ đô Moscva... nhưng biết làm sao? Có thể khi trở về VN, qua lại Liên xô, chúng tôi sẽ cố gắng khám phá những kỳ quan của Moscva sau vậy!

     Quãng đường từ Moscva đến Varsava khoảng 1.150 km, lên đến tàu LVQT Moscva - Varsava ai cũng ngủ vùi, bù cho sáng dậy sớm. Tôi nhớ hình như khi tàu đến biên giới LX - Balan (nay là biên giới của cộng hòa Litva và Balan thì phải), tàu chúng tôi được nâng lên để thay bánh xe khác cho hợp với khổ đường ray bên Balan và làm thủ tục hải quan, mất cũng khoảng 2 tiếng, sau đó tàu tiếp tục lao về thủ đô của "Em ơi Balan mùa tuyết tan...", của Sopin vĩ đại. Ngày đó ga xe lửa trung tâm ở Varsava chưa có các hệ thống đường tàu chạy ngầm dưới đất, nên khi tàu đi vào thủ đô, tòa nhà mà tôi thấy trước nhất, là Cung Văn hóa và Khoa học Varsava, đây là 1 trong 8 công trình do Liên xô tài trợ cho các nước XHCN ở Đông Âu, nó có hình dạng giống như ĐHTH Lomonoxop ở thủ đô Moscva vậy, có một vài chi tiết được KTS  Lev Rudnev người LX thay đổi theo cấu trúc lâu đài ở Krakow (Krakow là thủ đô cũ của Balan, có nhiều lâu đài có cấu trúc rất đẹp và cổ điển), nhưng cơ bản vẫn là hình dạng của trường ĐHTH Lomonoxop. Công trình cao 237m được xây dựng từ 1952 đến 1955 thì hoàn thành. Do là tòa nhà cao nhất thủ đô Varsava nên dễ nhìn thấy từ xa. Phố xá ở Varsava so với Moscva thì quá nhỏ bé, rất ít những tòa nhà cao tầng. Trong tâm trí chúng tôi chỉ mong tới nơi mình sẽ ở, học, nên cũng không để ý Varsava ngày đó lắm.

     Khi chúng tôi xuống tàu để chuyển qua ô tô khách tiếp tục hành trình về tp. Lodz, nơi có trường dạy tiếng Balan cho SV nước ngoài, cách Varsava khoảng 135 km, thì trời đổ mưa, tiết trời đã là mùa thu nên cây cối cũng xác xơ, nhìn thật buồn.   

balan2-1631137718.jpg
Biểu tượng tp. Varsava

  Xe đến Lodz, trời cũng đã quá chiều, sau bữa ăn tối, đoàn LHS chúng tôi được chia làm 2: 1 đoàn di chuyển về trường học tiếng Balan ở tp. Wroclaw, số còn lại học ở Lodz. Đoàn LHS của Ban Thống nhất TW được ở lại Lodz.

     Lodz là một trong những thành phố lớn của Balan, nằm phía tây nam của thủ đô Varsava, cái tên của thành phố đã là một điều đặc biệt, bởi trong tiếng bản xứ từ "Łódź" có nghĩa là “thuyền”. Nếu có dịp ghé qua, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh con thuyền gỗ với mái chèo trên huy hiệu của Łódź. Ngày đó thành phố được mệnh danh là địa hạt của ngành công nghiệp dệt may và điện ảnh của Ba Lan. 

     Như vậy, tính từ hôm xuất phát từ trường KTKH Hà nội ngày 28/8 đến 09/9/1971, chúng tôi đã trải qua cuộc hành trình hết 13 ngày, trong 13 ngày đó tâm trạng của tôi bị thay đổi theo từng cung bậc của cảm xúc, lúc thì bồi hồi nhớ mẹ, nhớ các em và bạn bè, lúc thì ngạc nhiên trước sự phát triển, lớn mạnh của 2 ông anh XHCN, đặc biệt là Liên Xô vĩ đại, cuối cùng là nơi mà chúng tôi sẽ sống và học tập để sau này trở thành một trong những nhân tố xây dựng tổ quốc VN tươi đẹp.

    

balan3-1631137718.jpg
 

  Khi tiễn tốp đi Wroclaw xong, chúng tôi được phân về ở tạm trong các phòng của ký túc xá (KTX) sinh viên ở phố Lumumby thuộc trường ĐHTH Lodz. Khu KTX này gồm nhiều dãy nhà cao 4 tầng giống nhau, tôi và 1 bạn nữa được phân vào 1 phòng có 4 giường, 2 giường đã có các bạn châu Phi (thấy da đen thì nghĩ là người châu Phi thôi), 2 giường còn lại của 2 đứa tôi. Việc đầu tiên của 2 đứa tôi là đi tìm nhà tắm. Hệ thống nước nóng và lò sưởi ở đây được vận hành bằng lò áp suất hơi nước nấu bằng than đá được đặt ở dưới tầng hầm, nhà tắm cũng ở đâu gần đó, sui cho chúng tôi là hôm đó lò bị hỏng, nên nhà tắm không có nước nóng và hệ thống lò sưởi cũng lạnh tanh. Nếu mà biết, chúng tôi có thể qua nhà khác tắm nhờ. Nhưng không biết, nên sau một hồi đắn đo, suy nghĩ 2 thằng quyết tâm vẫn tắm, vì nghĩ chắc nước cũng không lạnh lắm, vì đã từng đi sơ tán ở rừng núi trong mùa đông ở miền Bắc, nên chúng tôi cũng biết cách tắm khi trời lạnh, đầu tiên là xả cho nước chảy (lúc đó mới thấy nước lạnh ngắt như nước đá) xuống chân, rồi đến tay, rồi từ từ tới mình và cuối cùng đến đầu, khi cả người ướt đều thì chà xà bông, xoa thật nhanh rồi xả nước. Các bạn có thể hình dung được không? Chỉ tắm nước lạnh mà phòng tắm cũng mù mịt như tắm nước nóng vậy, đó là do cơ thể bốc hơi ra chống cái lạnh, giống như ta thở ra khói dưới trời lạnh vậy. Giờ nghĩ lại vẫn còn hãi. Cả tuần trên tàu LVQT LX còn chịu được, vậy mà từ Moscva đến đây mới có 1 ngày mà vội vã đi tắm? Nghĩ lại vẫn không hiểu nổi mình, nhưng dù sao tắm xong cũng cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng hẳn. Leo lên giường đi ngủ mới thấy cái lạnh thấm vào người, cứ gọi là run bần bật như nằm trên máy sàng gạo, thằng bạn tôi cũng có cảm giác như vậy nên 2 thằng quyết định chui vào ngủ chung với nhau giống như hồi ở tập thể dưới mùa đông

     Hai bạn da đen hình như về khuya lắm, đến sáng ra tôi mới thấy mặt và thấy luôn sự ngạc nhiên hiện trên nét mặt của 2 bạn ấy. Chắc lúc đó họ nghĩ tại sao 2 thằng đàn ông lại có thể ngủ chung với nhau được nhỉ? Còn bọn tôi lại nghĩ chắc họ ngạc nhiên vì có 2 ông bạn lạ mặt xuất hiện đột ngột trong phòng của họ thôi.

   

balan4-1631137718.jpg
KTX sinh viên dành cho người nước ngoài

  Sau này chúng tôi mới biết, 2 anh con trai mà ngủ chung với nhau thì bị gọi là "gay" tức là bạn đồng giới tính, mà ngày đó chuyện đồng tính chưa phổ biến như bây giờ. Về sau, khi đến thăm nhau, chúng tôi luôn lưu ý chuyện "ngủ chung" với nhau khi có các bạn nước ngoài ở cùng phòng, còn phòng toàn VN thì không có vấn đề gì.

     Chúng tôi được nghỉ 3 ngày xả hơi sau một cuộc hành trình dài gần nửa tháng ngày nào cũng được ăn 3 bữa ở nhà ăn của SV, sáng thường là bánh mì gối cắt thành từng lát hoặc bánh mì tròn (giống hamburger) với súc xích, bơ và súp lúa mạch nấu với sữa, nước uống gồm nước trà đường hoặc cacao, bánh mì và đồ uống thì thoải mái theo khả năng, ăn uống bao nhiêu cũng được, chính nhờ vậy mà những "đứa trẻ" như chúng tôi tăng cân liên tục. Buổi trưa là bữa chính thường là khoai tây nghiền nát với với miếng sườn cotlet và 1 đĩa súp, có hôm được ăn cơm nấu giống như cơm chiên vậy. Bữa chiều thường nhẹ nhàng như bữa sáng, có khi thêm mứt hoa quả....

     3 ngày sau, chúng tôi được đưa đến bệnh viện để khám sức khỏe, thử máu, thử phân, nước tiểu... có người không phải nhập viện, có người chỉ nằm 1 tuần hoặc 10 ngày, còn tôi bị "nhốt" trong bệnh viện đúng 2 tuần, chắc mình "xấu bụng" quá nên phải nằm lâu thôi. Đây là công việc rất quan trọng và cần thiết của Chính phủ Balan đối với sinh viên nước ngoài đến học tập ở nước họ, họ không muốn chúng tôi mang dịch bệnh từ nước mình qua, cũng như tiêu diệt các mầm bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi và lây nhiễm cho dân họ trong quá trình chúng tôi sống và học tập trên đất Balan như giun sán, ghẻ lở, hắc lào, bệnh lao và các bệnh truyền nhiễm khác...

     Phải nói những ngày nằm trong bệnh viện thực sự buồn ghê gớm. Các bạn nghĩ xem, đi nửa vòng trái đất để đến được đây, vậy mà chưa khám phá được nơi mình sẽ sống và học thì đã bị "cách li". Nhập viện xong, chúng tôi được phát quần áo của bệnh nhân nhìn ai cũng cảm giác mình bị bệnh thật, trong khi rõ ràng mình rất khỏe. Hàng sáng, khi chúng tôi còn đang mơ mộng giấc nồng thì có 1 cô y tá đến phát cho mỗi người một cái nhiệt kế để kẹp nách đo nhiệt độ cơ thể. 5 đến 10 phút sau cô ta quay lại thu nhiệt kế, ghi chép vào sổ, có nhiều bạn ngại kẹp nhiệt kế, lấy đầu có thủy ngân chà vào chăn, khi vạch thủy ngân đạt 37c là để lên ghế ngủ tiếp, có bạn làm quá nhiệt độ lên 38, 39 bị cô ta sờ trán bắt kẹp lại... Sau màn ăn sáng là đến màn uống thuốc, rồi túm tụm lại tán phét, chờ cơm trưa, cơm trưa xong rồi lại uống thuốc, ngủ trưa, tán dóc chờ cơm chiều. Ngày nào cũng như ngày nào. Không ai được ra ngoài, chỉ được nhìn mọi người đi lại qua cửa sổ, hôm nào trời mưa thì lại càng buồn hơn... thế bảo sao không chán cho được. Thi thoảng có các cô gái Balan lướt qua cửa sổ, rất nhiều cô rất xinh (mà quả thật, gái Balan được coi là xinh nhất châu Âu đấy), làm cho mọi người có vẻ phấn chấn, lại càng khao khát ngày xuất viện.

   

balan5-1631137718.jpg
(1) khu KTX (2) khu nhà ăn và hội trường (3) khu học tiếng Ba lan

 Buồn nhất là không có địa chỉ nơi ở chính thức để viết thư về cho gia đình và bạn bè. Cũng biết gia đình sốt ruột lắm, chờ tin của mình dữ lắm mà đành chịu. Mà có viết cũng chẳng có tiền mua tem, cũng như không biết gửi thư như thế nào nữa...

    Có một số bạn được ra viện trước thì được phát tiền ngay để mua sắm đồ lạnh cho mùa đông (sau này khi về nước, chúng tôi buộc phải nộp lại áo lạnh đó cho Bộ Đại học. Chẳng biết Bộ Đại học sử dụng những cái áo lạnh cũ thu về vào việc gì?), thấy các bạn ra trước xúng xính trong những cái áo lạnh mới tới thăm chúng tôi mà lòng càng nôn nóng chờ ngày ra viện.

     Cuối cùng thì ngày 26/9/1971 chúng tôi được ra viện và được chuyển qua trường học tiếng Balan dành cho người nước ngoài (Studium Języka Polskiego dla Cudzoziemcow) để ở, đó là một tổ hợp gồm 3 ngôi nhà liền nhau, Ký túc xá SV cao 10 tầng (có thang máy nằm ở giữa), đằng sau KTX là nhà ăn + hội trường và cuối cùng là trường học tiếng Balan, rất tiện cho SV trong sinh hoạt và học tập. Nếu như bạn không muốn ra ngoài khi mùa đông lạnh giá thì bạn hoàn toàn có thể vừa ngủ, ăn, học trong một khu nhà thiết kế "khép kín". Đến lúc này, chúng tôi đã có địa chỉ nơi ở và viết thư về cho gia đình được rồi.

     Tôi  không hiểu tại sao ngày đó KTX này chỉ dành cho các bạn nam, còn các bạn nữ thì ở bên KTX sinh viên bên Lumumby, nơi tôi ngủ đêm đầu tiên khi đến Ba lan. Từ Lumumby đến trường học tiếng Balan khoảng 1km, hàng ngày các bạn nữ phải đi bộ qua những khu vườn bỏ hoang, bãi đất trống mà gạch đá lổn nhổn mới đến nơi học bất kể mưa gió, bão tuyết. Nghĩ thấy  SV nam sao được ưu ái quá và tội nghiệp cho các bạn nữ .

     Sau khi ổn định chỗ ở, chúng tôi được phát 3.000 zt để mua quần áo mùa đông. Với số tiên đó, ngoài việc mua áo, quần chống lạnh, mũ lông, giày... chúng tôi còn có thể mua đồng hồ, máy ảnh hoặc đàn guitar cũng như những vật dụng khác mà mình ưa thích (tất nhiên loại rẻ tiền thôi). Lần đi mua đồ lạnh cũng là lần đầu tiên chúng tôi được khám phá tp. Lodz, những ngôi nhà mang dáng dấp cổ kính nằm hai bên những con đường cũng không rộng lắm. Xe cộ không nhiều như bên Moscva, trên những tuyến đường chính cũng có xe buýt, tàu điện màu đỏ có 2 toa thông nhau chạy trên đường ray. Sau này, chúng tôi thường sử dụng tàu điện để đi chơi, xem phim, có nhiều bạn còn phải đi học bằng tàu điện.

    

balan6-1631137718.jpg
Một góc phố ở tp. Lodz

      Hai bên đường ở nơi sầm uất có rất nhiều cửa hàng bán đủ các loại, quần áo, dày dép, đồ ăn... những người bán hàng cũng rất thân thiện, giá ghi sao, bán vậy nên rất thuận tiện cho chúng tôi lần đầu tiên tự đi mua sắm tư trang cho mình.

     Hàng tháng, chúng tôi được lĩnh 1.000 zt, tiền sinh hoạt phí. Với số tiền này, chúng tôi dùng để mua phiếu ăn và các vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của SV hoặc dành dụm đi du lịch, thăm bạn bè ở các tỉnh.

     02/10/1971 chúng tôi chính thức nhận lớp và 3 ngày sau là buổi học đầu tiên trong hành trình học tiếng Balan, ngôn ngữ sẽ theo chúng tôi suốt những năm đại học sau này.

     Vậy là chuyến hành trình "ngày đầu tiên đi học bên tây" của tôi đến đây là hết rồi. Cám ơn sự theo dõi của mọi người.

     À quên, biểu tượng của tp. Lodz là 1 con thuyền. Vậy mà ở Lodz không có 1 con sông nào chảy qua cả? Vậy là sao nhỉ? Có ai biết không?

balan7-1631137718.jpg
Khu KTX đã được sửa chữa lại
balan8-1631137718.jpg
Phố Kopciskiego giờ đã được mở rộng
balan9-1631137718.jpg
Phố Kopciskiego giờ đã được mở rộng
balan10-1631138266.png
Biểu tượng của tp. Lodz

 

---

Đọc thêm những bài biết cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/

Nguyễn Mạnh Quý

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/50-nam-truoc-du-hoc-dong-au-phan-cuoi-hanh-trinh-toi-balan-nhung-ngay-dau-099-05101971-a6270.html