Sách lược ngoại giao với nước lớn - Bài học từ các vua nhà Trần

(Tham luận Hội thảo khoa học “Thơ Đường luật và các tác gia họ Trần trong văn học Việt Nam (thế kỷ XIII) – Viện Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết – Trung tâm Minh triết Thơ Đường Việt Nam tổ chức)

de-kythoi-tran-1631199686.png
Đế kỳ thời Trần (1225–1400). Nguồn: vi.wikipedia.org

 

Nhà Trần (1225-1400), Quốc hiệu Đại Việt, Kinh đô Thăng Long,  tồn tại 175 năm, trải qua 12 đời vua. Trên lĩnh vực ngoại giao, từ khi thành lập (năm 1225) đến khi bị Hồ Quý Ly cướp ngôi (năm 1400) dựng nên Nhà Hồ, vương triều Trần đã bang giao với các nước:

- Ở phía Bắc:

Khi nhà Trần thành lập thì Đế quốc Mông Cổ đang tung hoành ở Trung Á, chiếm miền Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, sau chiếm Quý Châu và đến năm1253 chiếm được Vân Nam, nhà Tống chỉ còn giữ được miền Đông Nam, nhưng vẫn còn là nước lớn đối với đất nước Đại Việt nhỏ bé. Vậy là, đến năm 1253, ở biên giới phía Bắc, nếu như trước đó nhà Lý chỉ bang giao với nhà Tống, nay vương triều Trần phải tiến hành bang giao với hai thực thể chính trị / hai thế lực hùng mạnh là Đế quốc Mông Cổ đang cai quản Vân Nam (có biên giới với Đại Việt ở các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hiện nay) và nhà Tống (với phần còn lại của biên giới phía Bắc Việt Nam – Trung Quốc hiện nay).

Vua Trần Thái Tông và Thái sư Trần Thủ Độ đã khôn khéo tiến hành đồng thời / song song giao hảo với cả hai thực thể chính trị / hai thế lực mạnh này.

Mối bang giao của vương triều Trần với nhà Tống diễn ra trong 54 năm, từ năm 1225(năm nhà Trần dựng nghiệp) đến khi nhà Tống bị quân Mông Cổ tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1279.

Mối bang giao vớiMông Cổ diễn ra theo hai giai đoạn:

+ Giai đoạn từ năm 1253 đến năm 1260 là bang giao trực tiếp với đội quân Mông Cổ đang cai trị Vân Nam;

+ Giai đoạn từ năm 1260 (năm Hốt Tất Liệt tự lập làm Đại Hãn, đặt Quốc hiệu là Nguyên, miếu hiệu Nguyên Thế Tổ) đến năm 1368 khi vương triều Nguyên bị diệt vong bởi nhà Minh.

Sau khi nhà Minh (Trung Quốc)thành lập năm 1368, nhà Trần bang giao với triều Minh trong32 năm, từ năm 1368 đến khi nhà Trần bị thay thế bởi nhà Hồ vào năm 1400.

- Ở phía Nam:

Sau khi lên thay nhà Lý, triều Trần tiếp tục giữ mối bang giao với Vương quốc Chăm Pa.

- Bang giao với Lào.     

Bài viết này chỉ đề cập đến mối bang giao giữa nhà Trần với Đế quốc Mông Cổ - sau là nhà Nguyên, diễn ra trong 115 năm, từ năm 1253 đến năm 1368. Đây là khoảng thời gian trị vì của 7 vua Trần, là:

1. Trần Thái Tông (1216-1277), ở ngôi từ năm 1225- 1258.

2. Trần Thánh Tông (1240- 1290), ở ngôi từ năm 1258 - 1278.

3. Trần Nhân Tông (1258-1308), ở ngôi từ năm 1279 – 1293.

4. Trần Anh Tông (1276-1320), ở ngôi từ năm 1293 – 1314.

5. Trần Minh Tông (1300- 1357), ở ngôi từ năm 1315 – 1329.

6. Trần Hiến Tông (1319-1341), ở ngôi từ năm 1329-1341.

7. Trần Dụ Tông (1336-1369), ở ngôi từ năm 1341-1369.

Mối bang giao giữa nhà Trần và đế quốc Mông Cổ / Nguyên-Môngvề cơ bản, có thể chia làm 4 thời kỳ:

- Một: Thời kỳ từ năm 1253(khi Mông Cổ chiếm được Vân Nam) đến năm 1260. Thời kỳ này diễn ra sự kiện quan trọng: năm 1258quân Mông Cổ từ Vân Nam(nay thuộc Trung Quốc) phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, và đã bị vua Trần Thái Tông đánh bại. Sau năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Trấn Thánh Tông, ông làm Thái Thượng hoàng. Như vậy bang giao của Đại Việt – Mông Cổ, dưới sự chỉ đạo của vua Trần Thái Tông, diễn ra trên 5 năm.

- Hai: thời kỳ từ năm 1260 (năm Mông Cổ đã thôn tính toàn bộ nhà Tống (Trung Quốc) lập nên nhà Nguyên (sau đổi là Đại Nguyên) đến năm 1285. Thời kỳ này diễn ra sự kiện quan trọng: năm 1285, quân Nguyên-Mông phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai và đã bị đánh bại. Như vậy bang giao của Đại Việt - Nguyên-Mông, dưới sự lãnh đạo của vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278) và Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông từ năm 1260 đến năm 1278; và vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293) và Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông từ năm 1279 đến 1293. Thời kỳ này diễn ra trong 27 năm, với điểm nổi bật là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai thắng lợi.

- Ba, thời kỳ từ năm 1286 (sau chiến thắng quân Nguyên lần 2) đến năm 1288. Thời kỳ này diễn ra sự kiện: năm 1288, quân Nguyên - Mông phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ ba và bị nhà Trần đánh bại. Bang giao của Đại Việt với  Nguyên -Mông diễn ra dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông và Thái Thượng hoàng Thánh Tông. Thời kỳ này diễn ra trong 2 năm.

- Bốn, thời kỳ từ năm 1289 (sau chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3) đến năm 1368 (năm triều Nguyên bị diệt vong). Bang giao của Đại Việt với nhà Nguyên -Mông thời kỳ này diễn ra dưới sự chỉ đạo của vua Trần Anh Tông (1294 – 1314) và Thái Thượng hoàng Nhân Tông; của vua Trần Minh Tông (1315 – 1329) và Thái Thượng hoàng Anh Tông; vua Trần Hiến Tông (1330-1341) và Thái Thượng hoàng Anh Tông; và vua Trần Dụ Tông (1342-1369) và Thái Thượng hoàng Hiến Tông. Thời kỳ này diễn ra trong 79 năm.

Vốn quen ỷ vào sức mạnh quân sự (nổi bật là kỵ binh), đế quốc Mông Cổ tiếp nối là nhà Nguyên/Đại Nguyên thường dùng đe dọa ngoại giao kết hợp với tiến công quân sự để xâm chiếm các nước. Trên thực tế những năm chinh đông phạt tây Trung Á, châu Âu, mỗi khi quân Mông Cổ/ Nguyên-Mông cho sứ đi tới đâu thì nơi ấy thường khiếp sợ, không dám chống cự /hoặc chống cự một thời gian ngắn / cúi đầu dâng đất xin hàng hoặc xưng thần nộp cống.Đối với Đại Việt, đế quốc Mông Cổ/Nguyên-Mông cũng tiếp tục dùng “chiêu” cũ. Ngay từ khi mới chiếm đóng được Vân Nam, chưa  chiếm được hết Trung Quốc (nhà Tống), tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai đã một mặt cho tập trung quân ở biên giới gây áp lực, một mặt liên tục phái sứ giả sang Đại Việt đe dọa, dụ hàng. Với hành động này, Ngột Lương Hợp Thai tưởng rằng Đại Việt sẽ phải khiếp sợ, khuất phục, đầu hàng. Nhưng tình hình lại không như ý muốn và mong đợi của quân Mông Cổ. Mông Cổ dùng đe dọa ngoại giao hòng bắt Đại Việt qui hàng, thì Đại Việt lấy trấn áp ngoại giao đáp lại. Một mặt tăng cường công tác chuẩn bị kháng chiến, một mặt vua Trần Thái Tông cho bắt tống giam những tên sứ giả Mông Cổ hống hách. Mấy lần thấy sứ giả đi mà không về, Ngột Lương Hợp Thai vô cùng bực tức. Thấy đe dọa, dụ dỗ về ngoại giao không thành, lại chịu nỗi nhục nhã, mất sứ giả, mất uy danh, Ngột Lương Hợp Thai quyết định tấn công xâm lược Đại Việt. Đầu năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai chính thức đưa quân vượt biên giới Vân Nam, theo lưu vực sông Hồng tiến đánh Đại Việt. Với quyết tâm bảo vệ toàn vẹn non sông bờ cõi, dưới sự chỉ huy của Trần Thái Tông và Trần Thủ Độ, quân dân Đại Việt đã khiến quân Mông Cổ phải ôm đầu máu chạy về Vân Nam.

Mặc dù đã thất bại ê chề, nhưng đế quốc Mông Cổ vẫn không thay đổi thái độ và phương thức ngoại giao. Ngông cuồng hơn, sau thời điểm năm 1260, khi Hốt Tất Liệt lên làm Đại Hãn – Nguyên Thế Tổ, lấy quốc hiệu là Nguyên (năm 1271 đổi là Đại Nguyên), tuy chưa mở cuộc xâm lược Đại Việt, nhưng nhà Nguyên đã không ngừng tăng sức ép ngoại giao hòng khuất phục triều Trần, với việc kết hợp giữa yêu sách triều cống với vũ lực quân sự. Nguyên Thế Tổ mới thiết lập triều Nguyên nên rất muốn đưa Đại Việt gia nhập vào hệ thống các nước bị chinh phục, và để làm bàn đạp xâm chiếm các nước khác. Đồng thời với việc chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt, nhà Nguyên tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao “chiến lang” (ve vãn, dụ dỗ không được thì yêu sách, đe dọa vũ lực) với nhà Trần, bằng việc yêu cầu triều Trần thực hiện “lục sự” / 6 việc/yêu sách rất ngang ngược (từ năm 1267):

1. Vua Trần phải đích thân sang chầu vua Nguyên trên đất Nguyên.

2. Vua Trần phải cho con hay em sang làm con tin ở Nguyên.

3. Phải kê khai dân số nộp cho Nguyên.

4. Phải chịu các quân dịch của quân Nguyên.

5. Phải nộp phú thuế cho nhà Nguyên.

6. Phải để cho triều Nguyên đặt (chức) Đạt lỗ hoa xích, tức đặt quan lại người Mông Cổ để giám sát cai trị nước Đại Việt.

Trong “lục sự” trên, Nguyên Thế Tổ đặc biệt coi trọng việc bắt/buộc đích thân người đứng đầu quốc gia Đại Việt phải sang triều kiến vua Nguyên trên đất Nguyên, xem đây là một tiêu chí để xét lòng thành thực thần phục của vua Trần. Việc yêu cầu vua nước khác đích thân vào chầu hoặc thành viên hoàng tộc vào làm con tin là một biện pháp ngoại giao cưỡng bức mang tính phổ biến của Nguyên - Mông nhằm thăm dò thái độ của các nước trước khi chính thức phát binh xâm lược. Nhà Nguyên muốn biến nước ta thành thuộc quốc, thành một địa phương trong lãnh thổ thuộc quyền cai trị của Nguyên Thế Tổ. Những yêu sách trên của nhà Nguyên đe dọa nghiêm trọng đến thể diện / quốc sỉ của vương triều Trần, tổn hại đến lợi ích dân tộc của Đại Việt. Nhận rõ âm mưu thâm độc của nhà Nguyên-Mông, mặc dù vừa đánh bại quân Mông Cổ xâm lược, đang ở thế thắng, nhưng vua Trần Thái Tông rất hiểu chuyện, “biết mình, biết người”, đã thực hiện chính sách ngoại giao kiên quyết nhưng mềm dẻo. Nhằm đối phó với âm mưu xâm lược của Nguyên – Mông, nhà Trần kiên trì cho sứ giả sang Nguyên và giữ lệ triều cống. Song, đối với những yêu sách làm mất thể diện quốc gia, vua Trần kiên quyết đấu tranh không thực hiện. Vua Trần viện dẫn nhiều lý do khác nhau (như tình trạng sức khỏe không cho phép, khoảng cách địa lý,…) từ chối  không thể sang Nguyên triều kiến Nguyên Thế Tổ, như lời biểu của vua Trần Nhân Tông gửi vua Nguyên Thế Tổ đầu năm 1279 là: “Tôi cúi đầu trông mong bệ hạ thương đứa con cô thần hèn yếu, xét chỗ tiểu quốc xa xôi, cho tôi được ngang hàng với hạng người quan, quả, cô, độc, giữ yên tính mạng, để thờ bệ hạ trọn niềm chung thủy, ấy là sự may mắn của tôi, mà toàn dân tiểu quốc cũng được hưởng đại phúc vậy”. (*)Vua Nguyên Thế Tổ còn nhiều lần dụ vua Trần Nhân Tông thân vào triều kiến, nhưng vua Trần Nhân Tông đều từ chối với lý do đang chịu tang, hoặc đương có bệnh.Trước những hăm dọa ngày càng hống hách, xấc xược của nhà Nguyên, vua Trần vẫn không run sợ, nhiều lần còn bắt giam, sai trói sứ giả của kẻ thùđuổi về. Đồng thời tiếp tục cho một sứ bộ sang Nguyên từ chối những yêu sách của vua Nguyên, đòi vua Nguyên trả tự do cho những sứ thần của ta bị vua Nguyên giam giữ. Trước thái độ rất rõ ràng và kiên quyết của vua Trần như vậy, không khó để nhận ra rằng, với bản chất hiếu chiến và sức mạnh quân sự của nhà Nguyên Mông đã được phơi bày trên thực tế, Nguyên Thế Tổ không thể hài lòng và việc phát động chiến tranh đánh chiếm Đại Việt là không thể tránh khỏi. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai (năm 1285) và cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba (năm 1288).

Ngoài việc chỉ đạo hoạt động ngoại giao cụ thể trong từng thời kỳ (thời bình, hòa hoãn trước, trong chiến tranh, sau chiến thắng) với Nguyên-Mông như trên, các vua nhà Trần còn sáng tác thơ về chủ đề ngoại giao để trực tiếp làm công tác ngoại giao với nhà Nguyên-Mông. Qua  các tư liệu còn lại, hiện nay chúng ta biết có 4 vị vua Trần đã có sáng tác thơ về đề tài này. Đó là: vua Trần Thái Tông (1225- 1258), Trần Nhân Tông (1279 – 1293), Trần Anh Tông (1294 – 1314) và vua Trần Minh Tông (1315 – 1329). Cụ thể:

- Vua Trần Thái Tông có 01 bài là “Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh” (dịch nghĩa: Tiễn sứ Bắc Trương Hiển Khanh).

- Vua Trần Nhân Tông có 5 bài, là:

+“Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính” (dịch nghĩa:Tặng bánh ngày xuân cho rương Hiển Khanh),

+ “Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai” (dịch nghĩa: Tiễn sứ bắc Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai),

+“Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn”(dịch nghĩa: Tặng sứ bắc Lý Tư Diễn),

+“Tống Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng”(dịch nghĩa: Tiễn sứ bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng),

+“Hoạ Kiều Nguyên Lãng vận” (dịch nghĩa:Hoạ vần thơ Kiều Nguyên Lãng).

- Vua Trần Anh Tông có 1 bài là “Tống Bắc sứ An Lỗ Uy, Lý Cảnh Sơn”(dịch nghĩa: Tiễn sứ bắc An Lỗ Uy, Lý Cảnh Sơn).

- Vua Trần Minh Tông có  5 bài:

+ “Tặng Bắc sứ Tát Chỉ Ngoã, Văn Tử Phương”(dịch nghĩa: Tặng sứ phương bắc Tát Chỉ Ngoã, Văn Tử Phương),

+“Tạ Bắc sứ Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn kỳ 1” (dịch nghĩa:Cảm tạ sứ phương bắc Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn kỳ 1).

+ “Tạ Bắc sứ Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn (kỳ 2 - Hoạ tiền vận)” (dịch nghĩa: Cảm tạ sứ phương bắc Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn (kỳ 2 - Hoạ vần bài trên),

+“Tống Bắc sứ Tát Chỉ Ngoã, Triệu Tử Kỳ” (dịch nghĩa:Tiễn bắc sứ Tát Chỉ Ngoã, Triệu Tử Kỳ),

+ “Việt giới” (dịch nghĩa: Biên giới nước Việt).

Những bài thơ về đề tài ngoại giao trên đây đều được các vua Trần làm bằng chữ Hán, theo thể Đường luật.

Về chủ đề, qua di sản thơ trên, ta thấy có 2 chủ đề được các vua Trần sáng tác, là:về các sứ giả triều Nguyên đi sứ sang Đại Việt và về biên giới Đại Việt.

Một: Chủ đề về các sứ giả triều Nguyên đi sứ sang Đại Việtcó 11/12 bài, trong đó:

- Có 5 bài các vua Trần làm khitiễn sứ giả Nguyênđi sứ Đại Việt về nước, là:

+ Vua Trần Thái Tông có bài“Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh” (dịch nghĩa: Tiễn sứ Bắc Trương Hiển Khanh);

+ Vua Trần Nhân Tông có 2 bài: “Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai”(dịch nghĩa: Tiễn sứ Bắc Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai), và bài “Tống Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng”(dịch nghĩa: Tiễn sứ Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng);

+ Vua Trần Anh Tông có bài “Tống Bắc sứ An Lỗ Uy, Lý Cảnh Sơn”(dịch nghĩa: Tiễn sứ Bắc An Lỗ Uy, Lý Cảnh Sơn);

+ Vua Trần Minh Tông có bài“Tống Bắc sứ Tát Chỉ Ngoã, Triệu Tử Kỳ” (dịch nghĩa:Tiễn Bắc sứ Tát Chỉ Ngoã, Triệu Tử Kỳ)

- Có 2 bài vua Trần làm để cảm tạ sứ giả Nguyên là của vua Trần Minh Tông là: “Tạ Bắc sứ Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn kỳ 1” (dịch nghĩa:Cảm tạ sứ phương bắc Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn kỳ 1) và bài “Tạ Bắc sứ Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn (kỳ 2 - Hoạ tiền vận)” (dịch nghĩa: Cảm tạ sứ phương bắc Mã Hợp Mưu, Dương Đình Trấn (kỳ 2 - Hoạ vần bài trên).

- Có 1bài vua Trần làm khi tặng quà cho sứ giả Nguyên, là của vua Trần Nhân Tông, bài:“Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính” (dịch nghĩa:Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh).

- Có  2 bài vua Trần làm tặng sứ Nguyên:

+ Vua Trần Nhân Tông, bài “Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn” (dịch nghĩa:Tặng sứ Bắc Lý Tư Diễn);

+ Vua Trần Minh Tông, bài “Tặng Bắc sứ Tát Chỉ Ngoã, Văn Tử Phương”(dịch nghĩa: Tặng sứ phương Bắc Tát Chỉ Ngoã, Văn Tử Phương).

- Có 1 bài vua Trần làm để họa lại thơ của các sứ giả Nguyên làm khi đi sứ Đại Việt,là bài của vua Trần Nhân Tông: “Hoạ Kiều Nguyên Lãng vận” (dịch nghĩa:Hoạ vần thơ Kiều Nguyên Lãng).

Hai: Chủ đề về biên giới Đại Việt, chỉ có 1 bài của vua Trần Minh Tông: “Việt giới” (dịch nghĩa: Biên giới nước Việt).

Trong khuôn khổ Hội thảo, trong tham luận này tôi chỉ xin đề cập tới hai tác giả là vua Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông - hai vị “thánh quân” (Trương Hán Siêu) đã triển khai sách lược ngoại giao đúng đắn với hai thế lực lớn ở phương Bắc luôn có dã tâm thôn tính nước ta, bắt dân ta làm nô lệ, đặc biệt là đã trực tiếp tổ chức ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi.

Trần Thái Tông– Người khai mở triều Trần, là vị vua đầu tiên cùng một thời điểm đã đưa ra những đối sách ngoại giao giữa một nước nhỏ như Đại Việt với 2 thế lực lớn ở phương Bắc đương thời là nhà Tống (Trung Quốc) và đế quốc Mông Cổ đang xâm lược nhà Tống. Đó là phương châm mềm dẻo, uyển chuyển trong đáp ứng các yêu sách trịch thượng có thể đáp ứng nhưng không tổn hại tới danh dự quốc gia của đối phương, nhưng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và giữ quốc thể không sang chầu vua Nguyên. Đối sách này tiến hành cả trước, trong chiến tranh cũng như sau khi kháng chiến thắng lợi, khi chúng ta ở thế thắng. Trần Thái Tông đã trực tiếp cầm quân đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của đế quốc Mông Cổ (năm 1258); đồng thời là vị vua Trần đầu tiên làm thơ về đề tài ngoại giao. Bài thơ còn lại duy nhất của vua Trần Thái Tông đến nay về đề tài ngoại giao là bài “Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh” (dịch: Tiễn sứ Bắc Trương Hiển Khanh) làm năm 1265.Bài thơ như sau:

“Cố vô quỳnh báo tự hoài tàm,

Cực mục giang cao ý bất kham.

Mã thủ thu phong xuy kiếm giáp,

Ốc lương lạc nguyệt chiếu thư am.

Mạc không nan trú yến quy Bắc,

Địa noãn sầu văn nhạn biệt Nam.

Thử khứ vị tri khuynh cái nhật,

Thi thiên liêu vị đáng thanh đàm.”

Dịch nghĩa:Tiễn sứ Bắc Trương Hiển Khanh

“Nghĩ không có ngọc quỳnh đáp lại lòng tự thẹn,

Trên bờ sông nhìn xa mãi xiết bao bùi ngùi.

Gió thu trước đầu ngựa thổi vào thanh gươm,

Ánh trăng lọt qua rường nhà dọi vào phòng sách.

Màn trống khó ngăn chim én về phương Bắc,

Đất ấm buồn nghe chim nhạn biệt phương Nam.

Lần đi này chưa biết này nào mới có dịp nghiêng lọng,

Xin vì cuộc chuyện trò tao nhã mà có một bài thơ.”

Dịch thơ:

“Thẹn không ngọc báu tạ ơn lòng,

Bát ngát nhìn sông dạ rối bong.

Đầu ngựa gió thu khua bảo kiếm,

Nóc nhà trăng dọi sáng thư phòng.

Én về đất Bắc màn trơ trọi,

Nhạn biệt trời Nam tiếng não nùng.

Nghiêng lọng ngày nào chưa dễ biết,

Thơ này xin thế chuyện riêng chung.”

(dịch thơ: Đào Phương Bình)

Trương Hiển Khanh tức Trương Lập Đạo, là sứ giả của nhà Nguyên, sang sứ nước ta năm 1265(khi Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã thôn tính toàn bộ Trung Quốc, lập nên triều Nguyên được 5 năm, đang âm mưu thôn tính Đại Việt) để “tuyên dụ” chiếu chỉ của vua Nguyên với vua Trần Thánh Tông. Vào năm 1265, Trần Thái Tông – người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất thắng lợi, đã nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng hoàng. Ông đã làm thơ tiễn Trương Hiển Khanh hoàn thành nhiệm vụ đi sứ Đại Việt về nước. Điều này cho ta thấy, mặc dù đã nhường ngôi cho Trần Thánh Tông từ sau năm 1258 để làm Thái Thượng hoàng, nhưng Trần Thái Tông vẫn quán xuyến việc nước, trong đó có công tác ngoại giao, đã tiếp kiến sử giả Nguyên Trương Hiển Khanh, vì thế ông mới làm thơ tiễn sứ Nguyên. Việc đích thân Thái thượng hoàng Đại Việt tiếp và làm thơ tiễn một viên sứ giả nhỏ bé của một nước vừa bị thua trận nhục nhã không phải là sự yếu hèn mà là sách lược ngoại giao mềm dẻo, mang tính thực tiễn “biết người biết ta” để giữ vững độc lập-tự chủ của nhà Trần, khi nước ta là nước nhỏ, sống cạnh một nước lớn luôn có tham vọng bành trước, thôn tính, bắt nước ta trở thành thuộc quốc của chúng. Với chữ “thẹn” trong câu “Nghĩ không có ngọc quỳnh đáp lại, lòng tự thẹn”, Trần Thái Tông đã “xuống nước” đến mức không thể xuống hơn nữa trong ngoại giao, một vị quân vương của một nước bộc bạch phải “thẹn” trước một viên sứ giả. Nhưng, đó là sự “xuống nước” chấp nhận được, bởi Trần Thái Tông không lấy tư cách vị quân vương mà với tư cách một người bạn “bùi ngùi” đi tiễn bạn “Trên bờ sông nhìn xa mãi xiết bao bùi ngùi”. Thượng hoàng Trần Thái Tông đã coi sứ giả Trương Hiển Khanh là một người bạn. Điều này được nhấn mạnh trong câu thơ tiếp theo: “Ốc lương lạc nguyệt chiếu thư am” (dịch nghĩa: Ánh trăng lọt qua rường nhà dọi vào phòng sách), vua Trần Thái Tông đã sử dụng các điển tích trong bài thơ “Mộng Lý Bạch” của Đỗ Phủ (câu “Lạc nguyệt mân ốc lương, do nghi chiếu nhan sắc” (dịch: Vừng trăng xế chiều đầy xà nhà, còn ngờ như rọi vào dung nhan) - thường dùng tứ thơ này để nói về tình bè bạn thânthiết khi xa cách nhau. Để tăng phần khẳng định ý câu thơ trên, ở câu “Thử khứ vị tri khuynh cái nhật” (dịch nghĩa: Lần đi này chưa biết ngày nào mới có dịp nghiêng lọng), “nghiêng lọng” là tích lấy trong sách Khổng Tử gia ngữ, chép rằng: một hôm Khổng Tử đi sang đất Đàm (nay là huyện Đàm tỉnh Sơn Đông), trên đường đi gặp Trình Sinh, ông nghiêng lọng nói chuyện với bạn rất thân mật. Sau, người ta thường dùng từ “khuynh cái” - “nghiêng lọng” để nói tình bạn khi xa nhau mong có ngày gặp lại.

Qua những nghĩa cử và tình cảm trên, Trần Thái Tông muốn chinh phục (bằng tấm lòng thành) sứ giả, để thông qua sứ giả khi về nước thuật lại cho vua Nguyên và người Nguyên biết rằng đất nước và con người Đại Việt mong muốn hai đất nước giao hảo hòa bình.

Trần Nhân Tông(cùng với Thái thượng hoàng Thánh Tông)là vị vuađã trực tiếp chỉ đạo hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông (năm 1285 và năm 1288). Trong công tác ngoại giao, khi ở ngôi vua Trần Nhân Tông đã kế thừa và phát huy tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao do vua Trần Thái Tông khởi xướng, trong đó có việc dùng tài năng văn chương làm thơ phục vụ công tác ngoại giao. Ông có 5 bài thơ về đề tài này.

Bài thơ về đề tài ngoại giao đầutiên của Trần Nhân Tông là bài “Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn” (dịch nghĩa:Tặng sứ bắc Lý Tư Diễn), làm năm 1289.Năm 1288, quân Nguyên tiến hành chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ ba, và đã bị quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông đánh bại, Thoát Hoan phải cải trang thành lính theo đường tắtchạy trốn. Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ bị bắt. Mặc dù là người chiến thắng, nhưng ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, vua Trần Nhân Tông đã cử sứ giả sang Nguyên để nộp “cống” và dâng biểu với lời “xin lỗi” rất khiêm hạ.Vì vậy, năm 1289, vua nhà Nguyên cử Lý Tư Diễn sang sứ nước ta. Những tưởng vua Nguyên ngấm đòn thua mà biết điều, nhưng không! Vua Nguyên vẫn lên giọng bề trên thiên tửchiêu dụ bằng chiếu “tha tội”, phong tước cho vua nhà Trần như cũ. Đồng thời, nhà Nguyên yêu sách với vua nhà Trần trao trả các tướng Nguyên đã bị bắt. Cuộc tiếp sứ lần này diễn ra ôn hoà. Chuyến đi sứ suôn sẻ, chỉ duy nhất (vẫn như bao sứ giả phương Bắc trước)  Lý Tư Diễn không thể thuyết phục vua Trần Nhân Tông đích thân sang Nguyên triều phục.Trong tiệc thiết đãi Lý Tư Diễn do đích thân Trần Nhân Tông chủ trì, Lý Tư Diễn có làm một bài thơ tặng. Nhận thơ, Trần Nhân Tông làm thơ họa lại bài thơ của sứ Nguyên, trong đó nêu rõ ý vua Trần từ chối sang triều phục. Không những vậy, vua Trần Nhân Tông còn làm bài thơ thất ngôn bát cú tặng Lý Tư Diễn. Bài thơ có tiêu đề “Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn” (dịch nghĩa:Tặng sứ bắc Lý Tư Diễn), nội dung như sau:

“Vũ lộ uông dương phổ Hán ân,

Phụng hàm đan chiếu xuất hồng vân.

Thác khai địa giác giai hoà khí,

Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần.

Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ,

Thắng như cầm điện ngũ huyền huân.

Càn khôn kiêm ái vô nam bắc,

Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.”

Dịch nghĩa:

“Ơn nhà Hán như mưa móc tràn trề khắp nơi,

Chim phượng ngậm tờ chiếu đỏ xuất hiện nơi đám mây hồng.

Mảnh đất mới mở rộng cũng có hoà khí,

Kéo sông Thiên hà rửa sạch bụi chiến tranh,

Mọi người đều bảo tờ chiếu ban xuống chỉ có mươi hàng,

Nhưng hơn hẳn tiếng hoà âm của chiếc đàn cầm năm dây.

Trời đất vốn một lòng yêu thương không phân biệt nam, bắc.

Còn lo gì gặp bước gian truân gió mưa sấm sét.”

Dịch thơ:

“Ơn tuôn mưa móc khắp nơi nơi,

Chiếu phượng, tầng mây ban xuống rồi.

Hoà khí lan đều trên nẻo đất,

Can qua rửa sạch dưới sông trời.

Chỉ là tờ ngọc lời thưa thớt,

So với đàn cầm giá mấy mươi.

Trời đất thương yêu Nam với Bắc

Gió mưa cũng đỡ nỗi lo đời.”

(dịch thơ: Trần Lê Văn)

Mặc dù là người thắng trận, nhưng vua Trần vẫn nhẫn nhịn, đề cao vua  bại trận Nguyên Thế Tổ, mong muốn hai nước giữ hòa khí, không chiến tranh:

“Ơn nhà Hán như mưa móc tràn trề khắp nơi,

Chim phượng ngậm tờ chiếu đỏ xuất hiện nơi đám mây hồng.

Mảnh đất mới mở rộng cũng có hoà khí,

Kéo sông Thiên hà rửa sạch bụi chiến tranh”.

Bài thơ ca ngợi không khí hòa ấm sau chiến tranh, đồng thời ý tứ nhắc vua Nguyên về lẽ trời đất là yêu thương con người không phân biệt Nam Bắc:

“Mọi người đều bảo tờ chiếu ban xuống chỉ có mươi hàng,

Nhưng hơn hẳn tiếng hoà âm của chiếc đàn cầm năm dây.”

Lời lẽ trong bài thơ khá trân trọng, nhún nhường,“Mươi hàng chiếu chỉ” mà giá trị vẫn hơn “Năm dây đàn quí”,thể hiện cái ý khiêm hạ, “biết người biết mình”. Trân trọng, nhún nhường nhưng phong thái vẫn đĩnh đạc, đường hoàng với niềm tin:

“Trời đất vốn một lòng yêu thương không phân biệt Nam, Bắc.

Còn lo gì gặp bước gian truân gió mưa sấm sét.”

Năm 1291,Trần Nhân Tông tiếp sứ Nguyên là Trương Hiển Khanh.Như trên đã nêu, Trương Hiển Khanh tức là sứ giả của nhà Nguyên, đã sang sứ Đại Việt lần đầu vào năm 1265 (vua Trần Thánh Tông tại vị), khi về nước đã được Thượng hoàng Trần Thái Tông làm thơ tiễn. 26 năm sau (1291), Trương Hiển Khanh (thêm 26 tuổi nữa, chắc cũng già rồi) lại được vua Nguyên cử sang sứ nước ta lần thứ hai. Lần này, thật muối mặt cho sứ giả họ Trương, bởi một lần nữa, ông ta lại có“vinh dự” đại diện cho một nước xâm lược bại trận đi sứ sang nước thắng trận (năm 1285 và năm 1288). Tiếp viên sứ già Trương Hiển Khanh chính là vị vua Anh minh - Anh hùng - Thi sĩ Trần Nhân Tông – linh hồn của 2 cuộc kháng chiến ấy. Lần thứ nhất vào năm 1265 sứ Nguyên Trương Hiển Khanh sang để “tuyên dụ” chiếu chỉ của vua Nguyên, bắt Đại Việt phải thực thi “lục sự”, đặc biệt là bắt vua Trần Thái Tông phải sang chầu vua Nguyên trên đất Nguyên. Song, trước và sau thời điểm sứ Nguyên Trương Hiển Khánh sang ta gần 30 năm, tuy Đại Việt vẫn giao hảo, cho sứ sang Nguyên và thực hiện triều cống đầy đủ, nhưng các vua Trần chưa một lần sang chầu vua Nguyên trên đất Nguyên. Việc nhà Nguyên 2 lần cho quân đánh nước ta là thể hiện việc không thể nuốt trôi nỗi uất ức của Đại Nguyên đã đánh chiếm nhiều nước, nhưng chỉ có Đại Việt là không hề lo sợ uy quyền nhà Nguyên, không thần phục nhà Nguyên.Những tưởng sau 2 lần bị đánh cho tan tành, nhà Nguyên sẽ từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt, bỏ thái độ hống hách như trước để hai dân tộc giao hảo trong hòa bình, nhưng những kẻ liên tiếp thất bại ê chề, nhục nhã vẫn cậy nước lớn, xem thường Đại Việt, tiếp tục cho sứ sang dọa nạt, thúc ép đích thân vua Đại Việt phải sang chầu vua Nguyên. Trương Hiển Khanh đi sứ sang ta lần thứ 2 này cũng thực thi việc quan trọng trên, dụ nước ta quy phục và bắt vua Trần Nhân Tông thân sang chầu.Mặc dù là thế “cửa trên”, là người chiến thắng, nhưng vua Trần vẫn giữ sách lược ngoại giao mềm dẻo, hạ mình (qua lời nói)nín nhịn thực thi chính sách ngoại giao Không - Làm- Mất -Mặt nước lớn – láng giềng Đại Nguyên, nhưng kiên quyết không thực hiện những yêu sách quá đáng/không biết điều của nhà Nguyên, đặc biệt là việc bắt vua Trần sang chầu vua Nguyên / nghĩa là người chiến thắng chiến tranh chính nghĩa lại phải cúi đầu thần phục kẻ bại trận - kẻ phát động chiến tranh phi nghĩa.

Một trong những việc làm rất…ngoại giao của vua Trần Nhân Tông đối với Trương Hiển Khanh là nhân tiết Thanh minh / tết hàn thực 3/3 âm lịch (ngày này thường làm bánh trôi, bánh chay lễ Phật, cúng gia tiên, tưởng nhớ công ơn của ông bà, tổ tiên), vua Trần Nhân Tông đã tặng bánh cho Trương Hiển Khanh. Khỏi nói, Trương Hiển Khanh cảm động đến mức nào, bởi nếu không phải xa nhà đi làm nhiệm vụ quốc gia, thì ông ta cũng được đoàn tụ gia đình yên ấm, cùng nhau hưởng lễ Thanh minh và dâng bánh cúng ông bà tổ tiên ở quê nhà. Cảm động hơn, không chỉ được bánh, Trương Hiển Khanh còn nhận được một bài thơ tứ tuyệt “Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính” (dịch: Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh) của Trần Nhân Tông. Thật, không có vinh hạnh nào bằng đối với một viên sứ giả. Bài thơ như sau:

“Giá chi vũ bãi, thí xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An Nam.”

Dịch nghĩa:

“Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,

Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng ba.

Bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày đầy mâm,

Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay.”

Dịch thơ:

“Giá chi vừa múa, áo xuân đo

Hàn thực sáng nay tiết tháng ba

Đầy dẫy bánh rau như cổ ngọc

An Nam phong tục tổ tiên ta”.

(dịch thơ: Trương Việt Linh)

Nội dung bài thơ khá đơn giản: Miêu tả cảnh họp mặt vui vẻ với sứ thần phương Bắc giữa tiết hàn thực mồng ba tháng Ba (tiết Thanh Minh), vào cuối mùa Xuân, không khí ấm áp trong lành, nhưng ngầm ý bày tỏ niềm tự hào về vẻ đẹp văn hóa vốn đã có lâu đời của nước Đại Việt. Vẻ đẹp tuy dân dã, dung dị trên mâm bánh trao tặng Trương Hiển Khanh, nhưng bài thơ hàm chứa niềm tự hào về tầng sâu văn hóa của một đất nước vốn đã có nền văn hiếnlâu đời. Với thái độ mềm mỏng, nhưng kiên quyết trong ngoại giao của vua tôi nhà Trần, Trương Hiển Khanh đã có thái độ kính nể.Đặc biệt là khi bất ngờ nhận những chiếc bánh hàn thực bình dân từ tay vua Đại Việt, sứ giả của Đại Nguyên từng kiêu hãnh, ngạo mạn, đã vô cùng cảm động. Trong bài thơ hoạ đáp với vua Trần, Trương Hiển Khanh đã viết:

“An Nam tuy tiểu văn chương tại,

Vị khả khinh đàm tỉnh để oa”.

Tạm dịch:

“Nước An Nam tuy nhỏ nhưng có văn chương,

Chưa thể nói một cách nông cạn họ là ếch ngồi đáy giếng.”

Trong một lần khác tiễn 2 sứ nhà Nguyên là Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai, Trần Nhân Tông đã làm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tiễn “Tống bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai” (dịch nghĩa: Tiễn sứ bắc Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai). Nội dung bài thơ như sau:

“Khảm khảm linh trì noãn tiễn diên,

Xuân phong vô kế trụ quy tiên,

Bất tri lưỡng điểm thiều tính phúc,

Kỷ dạ quang mang chiếu Việt thiên.”

Dịch nghĩa:

“Ao linh trì thăm thẳm, bữa tiệc tiễn đưa ấm áp,

Gió xuân không cách nào giữ lại ngọn roi trên đường về.

Chẳng hay phúc lành của hai ngôi sao sứ thần,

Còn vằng vặc soi trời Việt được mấy đêm nữa!”

Dịch thơ:

“Sâu thẳm Linh trì, nồng rượu tiễn,

Gió xuân không giữ được người về.

Nào hay sao sứ hai ngôi phúc,

Còn chiếu trời Nam mấy khắc khuya.”

                                              (dịch thơ: Trần Lê Văn)

Qua bài thơ, Trần Nhân Tông đã cho thấy một đất nước Đại Việt bình yên, có tình người như gió xuân ấm áp thổi ấm cả bữa tiệc. Một bữa tiệc chia tay do một vị ở ngôi cao nhất của một đất nước chiến thắng tiễn sứ giả của một đất nước xâm lược gây bao tội ác, vô cùng trọng thị, tình cảm ấm áp, chân thành, lưu luyến, bịn rịn của Trần Nhân Tông đối với 2 vị sứ giả này:

“Ngọn gió vi vu từ Linh Trì thổi ấm bữa tiệc tiễn đưa,

Gió xuân không có cách gì giữ lại ngọn roi ngựa ra về”.

Nhưng trong bài thơ Trần Nhân Tông cũng không quên bày tỏ mong ướcbang giao giữa hai nước được ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau và được gìn giữlâu dài. Lời lẽ trong bài thơ khiêm hạ, nhưng cũng có ngụ ý nhắc nhở tế nhị với vương triều phương Bắc rằng: Không nên dấy lên cảnh đao binh xâm lược phương Nam nữa, để cho dân hai nước được an hưởngthái bình:

“Nào hay sao sứ hai ngôi phúc,

Còn chiếu trời Nam mấy khắc khuya.”

Năm 1301, Thị lang bộ Lễ Kiều Nguyên Lãng (Kiều Công Lượng) và Ma Hợp là sứ nhà Nguyên, được Nguyên Thành Tông phái sang Đại Việt, đã được Thượng hoàng Nhân Tông thay mặt con là vua Trần Anh Tông tiếp. Khác những lần trước sứ nhà Nguyên bao giờ cũng có yêu cầu vua Trần phải sang chầu, đoàn sứ lần này chỉ có nhiệm vụ nhắc nhà Trần cứ theo đúng lệ vào cống tiến, sứ Nguyên sẽ không sang nữa. Đây là thắng lợi ngoại giao của nhà Trần, nền hoà bình đã vững chắc hơn.Khi nhận được thơ tặng của Kiều Nguyên Lãng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã làm bài thơ thất ngôn bát cú họa lại, có tiêu đề “Hoạ Kiều Nguyên Lãng vận”, như sau:

“Phiêu phiêu hành lý lĩnh vân nam,

Xuân nhập mai hoa chỉ lưỡng tam.

Nhất thị đồng nhân thiên tử đức.

Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.

Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ,

Nhãn để giang san thiểu trụ tham.

Minh nhật Lô giang yên thuỷ khoát,

Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm.”

Dịch nghĩa:Hoạ vần thơ Kiều Nguyên Lãng

“Bước chân sứ giả phơi phới như áng mây ngàn bay về phương Nam,

Mùa xuân vừa đến, hoa mai chỉ lác đác vài ba nụ.

Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của thiên tử,

Sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu.

Gió tuyết trước đầu ngựa, người lại trở về,

Non sông đầy trong đáy mắt, hãy dừng ngựa lại chốc lát.

Ngày mai đã qua sông Lô mênh mông khói nước,

Xin cạn chén rượu bồ đào non tươi để rưới mát tấm lòng.”

Dịch thơ:

“Non Nam hành lý nhẹ như không,

Xuân đến cành mai mới điểm bông.

Lòng chúa không riêng ơn vũ lộ,

Chí trai quyết trả nợ tang bồng.

Ngựa pha sương tuyết quay đầu lại,

Mắt ngắm giang sơn ngẩng mặt trông.

Mai sáng sông Lô mây nước thẳm,

Bồ đào ngọt giọng rưới khuây lòng”.

(dịch thơ: Nhóm Lê Quý Đôn)

Trong bài thơ, một lần nữa Trần Nhân Tông đề cao cảnh đẹp mùa xuân của nước ta “Xuân đến cành mai mới điểm bông”.Trần Nhân Tông một lần nữa lại nhẫn nhịn hạ mình (bằng lời nói) đề cao nhà Nguyên, bày tỏ ân tình với “thượng quốc”: “Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của thiên tử”. Song, Trần Nhân Tông cũng không quên biểu lộ quan điểm làm người, khí phách bậc trượng phu: “Sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu”. Nghĩ đến con đường các sứ Nguyên về nước “Gió tuyết trước đầu ngựa, người lại trở về”, Trần Nhân Tông ái ngại, kêu lên “hãy dừng ngựa lại chốc lát”.Nhưng rồi, Trần Nhân Tông vẫn phải đối diện với một sự thật là “Ngày mai (các sứ) đã qua sông Lô mênh mông khói nước” về nước, và đành “Xin cạn chén rượu bồ đào non tươi để rưới mát tấm lòng.”Với sự thấu hiểu, tấm lòng chân thành, ấm ấp với các sứ Nguyên đó, khi hai sứ giả Ma Hợp và Kiều Nguyên Lãng về nước, Trần Nhân Tôngđã làm bài thơ thất ngôn bát cú tiễn. Bài thơ có tiêu đề: “Tống bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng”:

“Thiều tinh lưỡng điểm chiếu thiên Nam,

Quang dẫn thai triền dạ nhiễu tam.

Thượng quốc ân thâm tình dị cảm,

Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm.

Tiết lăng chướng vụ thân vô dạng,

Tiên phất xuân phong mã hữu tham.

Đỉnh ngữ nguyện ôn Trung Thống chiếu,

Miễn giao ưu quốc mỗi như đàm.”

Dịch nghĩa: Tiễn sứ bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng

“Hai ngôi sao sứ thần chiếu xuống trời Nam,

Ánh sáng dẫn theo cung độ mỗi đêm diễu quanh ba vòng.

Ơn thượng quốc sâu sắc dễ cảm tình người,

Phong tục nước nhỏ đơn giản thẹn lễ nghi sơ suất.

Cờ tiết mao vượt qua lam chướng, ngài vẫn bình an.

Ngọn roi quất trong gió xuân, ngựa có ngựa kèm.

Xin hãy ôn lại lời nói “chuông vạc” trong tờ chiếu năm Trung Thống,

Để tránh cho nhau khỏi mối phiền lo nước luôn luôn nung đốt trong lòng.”

Dịch thơ:

“Hai ngôi sao sứ chiếu trời Nam

Dẫn lối ba vòng sáng cả đêm

Đất bắc ơn sâu tình cảm nặng

Trời nam tục bạc lễ nghi hèn

Xông pha cờ tiết mừng ông khoẻ

Vi vút hơi xuân vó ngựa kèm

Trung Thống chiếu xưa xin hãy nhớ

Tránh nhau đừng để khổ dân đen”.

(dịch thơ: Trương Việt Linh)

Ở bài thơnày Trần Nhân Tông vẫn giữ thái độ mềm mỏng, nhịn nín, hạ mình (bằng lời nói) ngợi ca sứ giả, đề cao vua Nguyên:

“Hai ngôi sao sứ chiếu trời Nam

Dẫn lối ba vòng sáng cả đêm

Đất bắc ơn sâu tình cảm nặng

Trời nam tục bạc lễ nghi hèn”.

Nhưng kèm ngay sau đó, Trần Nhân Tông đã không quên nhắn nhủ, nhắc nhở khéo với Đại Nguyên về Chiếu Trung Thống năm 1261 của Nguyên Tổ Hốt Tất Liệt (đại ý: Các phong tục và mũ áo ban cho các quan, nước Đại Việt được theo lệ cũ của mình mà sử dụng):

“Xin hãy ôn lại lời nói “chuông vạc” trong tờ chiếu năm Trung Thống,

Để tránh cho nhau khỏi mối phiền lo nước luôn luôn nung đốt trong lòng.”

Lời lẽ đoạn thơ trên rất ôn nhu, chân thành. Chiếu Trung Thống nhắc lại trong bài thơ còn được gọi là “đỉnh ngữ”(lời chuông vạc), nghĩa là lời hệ trọng của vua đã ban ra, phải vâng phục và làm theo. Vì vậy, lời nhắc nhở của vua Trần Nhân Tông thật thấu tình đạt lý, buộc đối phương phải suy nghĩ, nếu muốn việc bang giao giữa hai nước được duy trìtốt đẹp.

Lời tạm đóng

1. Các vua nhà Trần ở thời kỳ đầu Nhà Trần không chỉ là những quân vương anh minh, những nhà quân sự tài ba, võ công hiển hách, mà còn là những người lãnh đạo và hoạt động ngoại giao tài năng. Ngoài việc chỉ đạo hoạt động ngoại giao với rất nhiều công việc, các vua Trần đã thân chinh tiếp sứ, tặng quà, tặng thơ, họa thơ, làm thơ tiễn một số sứ thần nhà Nguyên. Với tâm hồn thi sĩ thiên bẩm, với trái tim nhân ái, những rung động sâu sắc từ tấm lòng bao dung rộng mở của một con người đối với con người và hơn hết là với ý thức Làm Ngoại giao, một số vua Trần đã có nhiều sáng tác thơ văn có giá trị, trong đó có những tác phẩm thơ Đường luật về đề tài ngoại giao còn lại đến ngày nay. Những sáng tác của các vua Trần không chỉ có giá trị kịp thời/ tức thì phục vụ công tác ngoại giao mà, trong các tác phẩm rất….ngoại giao đó còn hàm chứa nhiều giá trị to lớn về tư tưởng chính trị, quân sự, mang tính nhân đạo cao. Qua các sáng tác ấy cho thấy các vua Trần luôn  ý thức rất cao về tính độc lập, về lòng tự hào đối với thiên nhiên tươi đẹp với trình độ văn hóa của một dân tộc văn hiến.

Các vua Trần là người tổ chức 3 cuộc kháng chiến đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đã vô cùng đau xót khi nhìn cảnh quê hương bị quân giặc tàn phá bạo ngược, yêu thương và tự hào về đất nước mình. Đó là điều có thể xem là…Đương nhiên. Song, có một điều… Ngạc nhiên là, trong thơ của các Ngài lại không hề có một lời thơ nào tỏ sự căm ghét, kỳ thị dân tộc/ nhân dân các nước đi xâm lăng. Trái lại, trong những bài thơ làm cho một đối tượng rất cụ thể/ có địa chỉ rất cụ thể là các sứ giả của một nước đã từng 3 lần đưa quân sang tàn phá đất nước mình, các Ngài / đại diện cho quốc gia Đại Việt, cho dân tộc Việt Namvăn hiến,nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đã thể hiện một lòng mến thương, trân trọng đối với dân tộc Trung Hoa / Nguyên Mông. Điều đó bắt nguồn từ một nhận thức trong sáng, mang đầy tính Nhân ái về mối quan hệ giữa 2 dân tộc, 2 đất nước “núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông”.. Các dân tộc sống trên trái đất, tuy cách xa nhau về địa lý, nhưng đều là anh em, như Nguyễn Trung Ngạn từng viết:

“Nước non dẫu vạch bờ Nam Bắc,

Hồ Việt cùng chung nghĩa đệ huynh”

Dân tộc Việt Nam không hề muốn chiến tranh, mà chỉ muốn có thái bình để làm ăn, lao động:

“Núi sông ý dẫu chia Nam Bắc,

Man, Súc mong đâu nổi chiến trường.

Hồ Việt một nhà nay đó nhỉ,

Cửi canh hòa ấm nẻo biên cương”.

 (Nguyễn Trung Ngạn)

Chính vì thế mà ta hiểu vì sao, các vua Trần khi tiếp/tiễn sứ nhà Nguyênđã có những vần thơ đẹp. Có thể khẳng định, chỉ những người xem nhau là “bạn cố tri”, là tri âm tri kỷ ở một phương trời như những vua Trần mới viết được những vần thơ đầy tình người ấy. Đó là thơ của Lòng Nhân ái với một nghệ thuật thơ Đường luật đầy sáng tạo. Tuy làm thơ về đề tài ngoại giao, song trong những bài thơ của các vua Trần ta không thấy những ngôn từ ngoại giao, mà là những ngôn từ viết lên từ trái tim đầy tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người trong chiến tranh, bất kể họ ở chiến tuyến nào của thi sĩ. Đó là những vần thơ mang tầm nhìn bao quát, vượt cả không gian và thời gian của một nhà chính trị / “thánh quân”, mang tình cảm của một trái tim yêu thương con người trong chiến tranh, mang dấu ấn tác giả “4 trong 1”: Vua - Tướng trận mạc - Nhà ngoại giao - Thi sĩ.Các vua Trần là những người khơi dậy và hội tụ “Hào khí Đông A” và, chính “Hào khí Đông A” ấy đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo của các vua Trần để tạo nên những tác phẩm bất hủ ấy.

2. Mặc dù đã đánh thắng quân nhà Nguyên xâm lược, nhưng trong chính sách ngoại giao với nhà Nguyên, các vua Trần luôn giữ sách lược mềm dẻo, khoan hòa, nhưng kiên định vững vàng (không một lần sang chầu vua Nguyên), khiến cho đối phương phải nể nang, tôn trọng. Đặc biệt là đối với các sứ thần nhà Nguyên, một vị vua của nước chiến thắng không cao ngạo, trái lại vô cùng lịch thiệp, hào hoa, khiêm hạ nhưng không yếu hèn trước sứ giả của nước bại trận. Chính phong thái ấy và giọng thơ nghĩa khí đĩnh đạc của một bậc minh quân ấy giàu sức rung động, cảm hóa đối phương bằng chính tấm lòng nhân hậu của mình nhằm đem lại sự ổn định cho Đại Việt:“Non sông nghìn thuở vững âu vàng.” (Trần Nhân Tông)

3. Chuyện làm thơ, viết văn là chuyện hầu hết các vua Trần đều làm, và làm hay. Nhưng, làm thơ họa, thơ tặng, thơ tiễn các sứ giả Nguyên (Trung Quốc) - đất nước sản sinh ra thơ Đường, bằng chính thể thơ Đường, được các sứ giả Tầu  (bao giờ cũng là người rất giỏi chữ nghĩa) cảm phục, càng khẳng định Văn – Võ kiêm toàn của các vua Trần.

4. Các vua nhà Trần đứng đầu quốc gia, là người chỉ đạo hoạt động ngoại giao của Đại Việt. Trong lịch sử nhà Trần (cũng như các triều đại phong kiến khác ở nước ta) chưa bao giờ các vua Đại Việt bước chân sang đất Nguyên với tư cách đi sứ/ làm sứ thần/ làm sứ giả, càng chưa bao giờ sang chầu vua Nguyên trên đất Nguyên. Các ông là Vua / là Thái Thượng hoàng ở ngôi cao nhất của đất nước, các ngài có tiếp một số sứ thần các nước (mà ở đây là sứ Nguyên) khi các sứ đến nước ta, thể hiện sự tôn trọng các sứ thần và mong muốn giao hảo 2 nước trên tinh thần tôn trọng quốc sỉ, các ngài có làm thơ về đề tài ngoại giao, để phục vụ công tác ngoại giao và công tác kháng chiến cũng như xây dựng đất nước. Nhưng chỉ là các bài thơ về 2 chủ đề như đã nêu ở trên. Thơ đi sứ - một mảng thơ trong đề tài ngoại giao, hiểu là thơ của các vị sứ thần Việt Nam đi sứ - làm ngoại giao với các nước. Thơ đi sứ - thơ của các vị sứ thần làm trên đường đi sứ các nước, làm trong thời gian đi sứ ở nước ngoài. Vì vậy, không thể xếp các bài thơ của các vị vua Trần nêu ở trên vào mục “Thơ đi sứ thời Trần” như các tác giả sách “Thơ đi sứ” (Nxb KHXH, H. 1993) đã làm. Đây là một sơ suất, cần có sự cải chính nếu có xuất bản các lần sau. /.

Hà Nội, những ngày cao điểm Đại dịch CoVi.

---------

* Tư liệu tham khảo:

1. Lịch sử Việt Nam (I) – Nxb KHXH, H. 1976.

2. Nguyễn Lương Bích - Lược sử Ngoại giao Việt Nam các thời trước - Nxb Quân đội nhân dân, H. 2000.

3.TS. Nguyễn Thu Hiền - Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần từ năm 1226 đến năm 1400 - Nxb Đại học quốc gia Hà nội, H, 2016.

4. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam – Viện Văn học - Thơ văn Lý - Trần (Tập 2, Quyển thượng), Nxb KHXH, H. 1988.

5. Trung tâm KHXH&NV quốc gia – Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Thơ đi sứ - Chủ biên Phạm Thiều – Đào Phương Bình – Nxb KHXH – H. 1993.

6. Trần Xuân Sinh – Thuyết Trần – Sử nhà Trần – Nxb Hải Phòng, 2012.

7. A.B.Pô li a cốp – Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X-XIV – Nxb Chính trị quốc gia – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, H. 1996.

(*). TS. Nguyên Thu Hiền – Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần từ năm 1226 đến năm 1400 - Nxb Đại học quốc gia Hà nội, H, 2016. Tr 95.

TS. Nguyễn Minh San (Nguyên  TBT Tạp chí Khoa học & Tổ quốc)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/sach-luoc-ngoai-giao-voi-nuoc-lon-bai-hoc-tu-cac-vua-nha-tran-a6291.html