Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.                             

              

hai-ba-1631239217.png
Tranh minh họa về khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 26.

Mã Viện cho 5 vạn bộ binh và 5 vạn thủy binh bao vây Cấm Khê và đi thám sát, vẽ bản đồ Cấm Khê chuẩn bị công phá. Cấm Khê là thung lũng còn có tên là Suối Vàng. Trước Mắt Mã Viện là một căn cứ có địa thế rừng núi hiểm trở, lòng khe, thế núi, rừng rậm đan xen nhau. Cấm Khê còn được bảo vệ bởi hai con sông như hai hào nước thiên nhiên là sông Đáy và sông Tích. Nhất là sông Tích, có khúc thì đôi bờ thoáng đãng, có khúc thì hai bên bờ là đồi gò vách thẳng đứng, rất lý tướng cho việc phòng thủ. Cấm Khê liền kề với Hạ Lôi và Mê Linh, kinh đô của Hùng Lạc, quê hương của hai Trưng Nữ Vương. Cấm Khê có cửa ngõ thông ra với quận Cửu Chân, một nơi giàu truyền thống và dồi dào nhân lực.

  Ngay đêm đó trong Tổng hành dinh,  Mã Viện nói với các tùy tướng:

-Ta đã chinh phạt nhiều quân của nhiều dân tộc thiểu số ở Bắc Trường Thành, chưa ở đâu thấy xung trận hầu hết là các nữ tướng võ nghệ cao cường, lại có tinh thần quả cảm như vậy, chưa ở đâu có số lượng quân ít lại đương đầu với một đội quân có số lượng đông gấp bội mà vẫn quyết chiến, không hề run sợ như quân Việt. Nay Trưng Trắc đã cố thủ ở Cấm Khê tức là chọn lối đánh lâu dài, gây khó khăn cho quân ta. Để đối phó lại, nay ta ra lệnh cho tướng Lưu Long chỉ huy các tướng chặn tất cả các ngã đường dẫn về Cấm Khê, chặn đánh quân của các tướng của Trưng Trắc từ các quận, huyện về chi viện, giải vây  cho Cấm Khê.

-Thứ hai, quân ta sẽ chiến đấu lâu dài ở đây nên vơ vét sạch lương thực của dân Việt để có thể dùng trong 6 tháng vì triều đình Lạc Dương không thể chi viện vì bị quân của Sa Giang, Đô Thiên,Thánh Thiên chặn đánh ở Hợp Phố.

Ngừng một lát Mã Viện nói tiếp:

   -Đẩy mạnh bao vây Cấm Khê bằng bộ binh và thủy binh. Bên ngoài Cấm Khê và các cửa ngõ cho xây đồn, trại, cắt đứt mọi tiếp viện lương thực cho Cấm Khê. Ta tin rằng lương thực của Cấm Khê không thể đủ dùng trong 6 tháng. Phải ngăn chặn thủy binh Việt từ Bạch Đằng trở về phối hợp với bộ binh ở Cấm Khê mở cuộc phản kích.

Cùng thời gian đó trong Tổng hành dinh của quân Việt ở Cấm Khê, Trưng Vương nói với các tướng lĩnh:

-Ta đã xem thường cửa ngõ Lục Đầu Giang, không cho lực lượng bịt lại để thủy quân địch đổ bộ lên bao vây quân ta ở Lãng Bạc, để đến mức bại trận, hao binh tổn tướng, lâm vào thế bị động phòng thủ. Nay ta ra lệnh bắt đầu dùng chiến tranh du kích tiêu hao bộ binh và thủy binh địch đang bao vây Cấm Khê. Thứ hai là liên hệ với nhân dân để dân tiếp tế lương thực cho căn cứ. Thứ ba là đem mệnh lệnh của ta gửi tất cá các tướng lĩnh các địa phương đem quân về chi viện cho Cấm Khê để trong đánh ra, ngoài đánh vào may ra mới cứu được thời cuộc.

Tướng Lê Thị Nga nói:

-Trưng Vương viết thư đi, thần sẽ vượt vòng vây đem ra ngoài cho các tướng.

  Bắt đầu từ đó, mỗi khi màn đêm xuống là đem lại nổi lo sợ khủng khiếp cho quân Hán. Hàng đêm, thậm chí cả ban ngày hàng trăm, hàng nghìn mũi tên bay ra sát hại quân Hán đang bao vây Cấm Khê. Số lượng quân Hán chết ngày càng tăng. Quân Việt còn dùng tên châm lửa bắn vào chiến thuyền quân Hán trên sông Đáy và sông Tích. Phía ngoài Cấm Khê đã diễn ra nhiều trận đánh lớn giữa quân Việt và quân Hán khi quân của các Tổng binh và các tướng lĩnh của Trưng Vương  các quận, huyện về giải vây cho Cấm Khê. Nhưng quân Hán do chuẩn bị trước, số lượng quân đông nên không một tướng nào, không một đội quân nào của các địa phương lọt vào được đến phong tuyến thứ nhất của quân Hán ngoài sông Đáy. Tháng 7 năm 42, thủy binh Việt bị Đoàn Chí đánh bại và tiêu diệt trên sông Đuống khi từ Bạch Đằng tiến về. Quân Việt hy sinh vô số, quân Hán cũng chết không kém. Nhưng quân Việt không thể đảo ngược được tình hình bị động và nguy nan.

 Do sự bao vây ngặt nghèo của Mã Viện, Cấm Khê trong mấy tháng ròng không nhận được lương thực của nhân dân quanh vùng. Thiếu lương thực là một thực tế đang đe dọa quân đội Trưng Vương. Trong Cấm Khê, quân sĩ và nhiều tướng lĩnh bị thương không có thuốc chữa trị dù được Trưng Vương và đồng đội chăm sóc hết lòng. Nhiều tướng lĩnh và binh sĩ trước khi ra đi đã nắm chặt tay Trưng Vương, rơi nước mắt, cảm kích trước tấm lòng của vị quân vương nhân từ hết lòng thương yêu tướng sĩ.

Để đánh vào tinh thần và tình cảm của Trưng Vương và quân Việt, Mã Viện sai lính về Hạ Lôi đào hết mồ mả của Lạc Tướng Mê Linh và mồ mả trong dòng tộc của Trưng Vương. Sự hèn hạ của Mã Viện và quân Hán đã gây lòng căm thù vô hạn của người Việt với quân giặc ngoại xâm.

  Ngày 10-11 năm 42, mẹ của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương là bà Man Thiện từ quê nhà Đường Lâm, Mê Linh đã chiêu mộ nghĩa quân tiến về Cấm Khê để cứu viện cho hai vua. Dọc đường bị quân Hán chặn đánh, Hoàng Thái Hậu Man Thiện đã gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn. Nghĩa quân trong Cấm Khê và quân dân trong toàn cõi Hùng Lạc biết tin đau buồn và cảm phục người mẹ Việt anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì con cháu và vì non sông đất nước. Từ đó, trên đầu hai Trưng Nữ vương chiếc khăn tang trắng thay cho mũ đâu mâu màu vàng chiến trận.

  Cuối mùa đông năm 42, gió lạnh kèm theo những đợt mưa khủng khiếp và triền miên. Mây xám giăng đặc bầu trời Tam Đảo và Ba Vì để sẵn sàng trút những cơn mưa. Nước sông Đáy và sông Tích dâng lên chảy cuồn cuộn. Mã Viện quan sát và nghĩ tới binh pháp nói rằng trong chiến trận có thể dùng hỏa công nhưng cũng có thể dùng thủy công nếu điều kiện cho phép. Hắn cười ha hả:

  -Đây là lúc trời giúp ta dùng thủy công để dìm quân Việt làm cá ở Cấm Khê.

  Hắn ra lệnh:

  -Xẻ nhiều con mương ngang bờ sông Đáy và sông Tích cho nước chảy vào Cấm Khê.

  Quả nhiên, nước từ sông Đáy và sông Tích chảy vào làm ngập sâu thung lũng Cấm Khê. Hầu hết doanh trại quân Việt bị chìm trong nước. Quân Việt phải làm trại ở ven đồi hay ở những đảo nhô cao trong thung lũng. Sinh hoạt thường ngày vô cùng khó khăn. Tháng 2 năm 43, Trưng Vương nói với các tướng lĩnh:

-Chúng ta ngày càng gặp nhiều khó khăn nhưng điều đó không đáng kể. Cái đáng kể là chúng ta không đảo ngược được tình thế mà ngày lại càng nguy nan hơn. Ta muốn bỏ Cấm Khê rút về Cửu Chân là nơi hiểm trở, người đông, lương thực nhiều, lại có truyền thống anh hùng để lập căn cứ mới, may ra có thể đảo ngược được tình thế.

Tướng Mai Lan nói:

  -Trưng Vương nói phải, nên về Cửu Chân. Thần quyết đi tiên phong phá vây đưa Trưng Vương và Trưng Nhị Vương về đến nơi.

  Trung Dũng Đại Tướng Quân nàng Nước nói:

 -Đúng vậy, chúng thần sẽ hết mình bảo vệ an toàn cho hai Trưng Vương. Thần cho rằng phải phá vòng vây vào ban đêm để giặc khó đối phó.

  Trưng Vương nói:

  -Hôm nay là ngày 5 tháng 2 năm Quý Mão (43), đến canh ba đêm nay khi thời khắc chuyển sang ngày 6 tháng 2, chúng ta phá vây, rút khỏi Cấm Khê, về rừng núi Cửu Chân, xây dựng căn cứ, lấy lại sức tấn công, quét sạch giặc thù để trả thù nhà nợ nước.

   Trưng Trắc nói thêm:

  -Dù khó khăn đến mấy chúng ta vẫn không thể bỏ những chiến sĩ bị thương. Phải cáng họ đi hết không để sót một người.

  Một nữ tướng thưa:

  -Như vậy sẽ rất khó khăn khi rút lui, thưa Trưng Vương.

  - Dù khó khăn chúng ta vẫn phải mang theo những đồng đội của mình. Chúng ta là quân đội đại nghĩa, không thể bỏ đồng đội của mình trong giờ phút nguy nan.

  Các tướng dạ ran trở ra chuẩn bị.

  Canh ba đêm đó, Trưng Vương và Trưng Nhị Vương cưỡi lên hai con voi quen thuộc, chiến bào màu đỏ, áo giáp đồng vàng óng, đội mũ đâu mâu có gắn khăn tang, để tang cho Hoàng thái hậu Thiện Man. Hai  Trưng  Vương đi giữa gần một vạn quân vũ khí tua tủa. Tiền quân đi trước mở đường, hậu quân đi sau. Hàng trăm quân còn khênh những chiếc cáng cáng đồng đội bị thương đi giữa để được bảo vệ. Tiền quân mở đường đi về hướng Cửu Chân. Tiền quân của quân Việt đã chạm trán và giao chiến với quân Hán ở cửa  ngõ phía Nam khi quân Việt tràn ra ngoài. Phía quân Hán bắn vút lên trời mấy phát tên châm lửa. Quân Hán các nơi thấy tín hiệu, biết quân Việt đã phá vòng vây ở phía Nam. Hàng vạn quân Hán kể cả Mã Viện đều chạy tới cửa Nam, nơi quân Hán và quân Việt đang giao chiến dữ dội. Tiếng reo hò vang dậy, tiếng trống đồng và thanh la của quân Việt, tiếng trống thùng thùng của quân Hán, tiếng binh khí chạm nhau vang động trời đất trong đêm khuya. Trên từng bước chân voi của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương đều phải bước qua hàng trăm xác giặc mà tiến. Trời đã bắt đầu sáng nhưng vẫn là buổi sáng u ám. Hai con voi của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương vẫn sải những bước dài. Hai vạn quân Hán đã chết nhưng gần một vạn quân Việt và các nữ tướng cũng đã hy sinh gần hết. Phía sau lưng hai Trưng Vương vẫn vang lên tiếng bước chân chạy, tiếng reo hò của quân Hán truy sát. Bổng nhiên, không gian tối sầm, trên không trung sấm sét nổ ran, gió thổi ào ào như giông bão. Thốt nhiên, bầu trời sáng lóa đến mức 1000 quân Việt và một vài tướng lĩnh phải nhắm mắt, không nhìn thấy gì được nữa. Trong tiếng gió gào chớp giật sấm ran, có tiếng nói hùng tráng xa xăm vang vọng khắp bầu trời:

  -Ta là Sơn tinh và Thủy Tinh, được lệnh của các vua Hùng đón hai đứa cháu  anh hùng về cùng tiên tổ.

  Sau tiếng nói là một trận gió cuốn theo với sấm vang chớp giật. Đột nhiên không gian và bầu trời im lặng. Mọi người mở mắt ra thì không thấy hai Trưng Nữ Vương trên mình voi nữa. Trên mình voi chỉ còn hai người quản tượng và hai chiếc lọng vàng. Hôm ấy là ngày  6 tháng 2 năm Quý Mão (43). Nơi mà hai Trưng Nữ Vương đi về cõi bất diệt với tiên tổ, thần thánh nay là xã Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội), bên bờ Hát Giang (sông Đáy). Hai con voi được đưa về núi Nghĩa Lĩnh nhưng không chịu ăn uống và chỉ hai ngày sau nước mắt của chúng chảy ròng ròng mà chết theo chủ. Những nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã mai táng hai con voi như hai chiến sĩ đồng đội của mình.

(Còn nữa)

CVL

---

Đọc thêm những bài biết cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-26-a6294.html