Trong đại dịch covid-19, nhớ truyện Kiều của Nguyễn Du

Nhân loại đã và đang trải qua những năm tháng đen tối nhất khi đối mặt với căn bệnh covid-19 kì lạ và nguy hiểm. Chính từ sự kiện này mà chúng ta mới thấm thía và rút ra những bài học từ cuộc sống.

nguyen-du-1631370071.jpg
Đại Thi hào Nguyễn Du. Ảnh internet

Nó làm ta liên tưởng tới hai câu thơ trong Truyện Kiều:

Kể bao xiết nỗi thảm sầu

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Đây là một câu thơ trong Truyện Kiều chứ không phải là một câu trong kho tàng tục ngữ hay thành ngữ tiếng Việt. Nhưng nó có giá trị chẳng khác gì (thậm chí còn hơn) một câu tục ngữ chính danh (tục ngữ: câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống đạo đức thực tiễn của nhân dân).

Đoạn trường là một từ Hán Việt (đoạn: đứt, trường: ruột). Nghĩa đen là "đứt ruột". Có lẽ bắt đầu từ một điển cố (theo Sưu thần kí: Một người nọ bắt được một con khỉ con đem làm thịt. Khỉ mẹ trên cây nhảy nhót khóc lóc thảm thiết rồi từ trên cây rớt xuống chết. Mổ bụng ra xem thấy ruột (khỉ mẹ) đều đứt cả (Bửu Kế Vĩnh Cao, Tầm nguyên Từ điển, NXB Thuận Hóa, 2002)) mà từ này có nghĩa bóng là "xót xa, đau đớn như đứt từng khúc ruột".

Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội, 1974) thống kê từ "đoạn trường" xuất hiện 17 lần. Thực tế thống kê là còn thiếu. Nhưng với con số 17, trong rất nhiều ngữ cảnh đa dạng, ta cũng nhận ra nét nghĩa đặc biệt của từ này. Nó không hàm chỉ một nỗi đau đến đứt ruột mà rộng hơn, nó chỉ một nỗi thống khổ cùng cực của ai đó trong cuộc sống. Chính cuộc đời xót xa, oan trái của nàng Kiều trong 15 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, đã "cấp" cho "đoạn trường" một nét nghĩa rất lạ, rất đặc biệt. Chả thế mà Nguyễn Du đã đặt cho tác phẩm của mình là “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu mới đứt ruột) và đã làm cho ngữ nghĩa biểu cảm của “đoạn trường” được Việt hoá, sâu sắc hơn trong kiệt tác của mình.

"Đoạn trường ai có qua cầu mới hay", đó là lời của Nguyễn Du thốt lên khi nói về thân phận nàng Kiều (Kể bao xiết nỗi thảm sầu/ Đoạn trường ai có qua cầu mới hay). Nếu giải nghĩa đơn giản, ý của câu thơ là "Phải trải qua thực tế (qua cầu) với những gì đã trải qua thì ta mới hiểu, mới thấm thía hết mọi điều". “Mới hay” là “mới biết, mới thấu hiểu một điều gì đó khi quan sát mọi sự tình diễn ra”.

Đó là logic của cuộc sống. Đó là một lẽ đời. Và đó cũng là một triết lí dân gian về giá trị của sự từng trải, sự chiêm nghiệm.

Ngẫm cho cùng, câu thơ thốt lên đó quả là vô cùng xót xa.

Bởi trong cuộc đời, chúng ta ai cũng có lúc trải qua những biến cố khác nhau. Thuận lợi có, khó khăn có. Vui có, buồn có (Niềm vui và nỗi buồn từng phút nối nhau qua - R. Gamzatov). Người khác có thể biết và cảm thông, chia sẻ. Nhưng sự cảm thông, chia sẻ ấy cũng chỉ ở một chừng mực nhất định nếu ta chưa từng trải qua những gian nan, khổ ải của người được chia sẻ. Nhất là những người có những cảnh huống đặc biệt éo le.

Đã bao nhiêu năm qua chúng ta đọc Nguyễn Du và khóc thương cho nàng Kiều. Song le, để hiểu và cảm nhận tới tận cùng nỗi chìm nổi, trái ngang của thân phận đó, có lẽ chỉ có chính nàng Kiều mới thấu hết mọi nhẽ đời oan trái giáng xuống đày đoạ thân phận mình. Đến nỗi cùng cực nàng đã gieo mình xuống sông Tiền Đường. "Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang". Chọn cái chết để giải thoát, hỏi còn cái gì đau xót hơn cho số phận của một con người? Nhà phê bình văn học Hoàng Thiếu Sơn khi nói về cuộc đời Kiều, đã gói gọn bằng một câu chí lí "Đêm khuya thân gái dặm trường". Nỗi khổ đau lớn đến mức “đứt ruột” và kéo dài của Kiều trải theo suốt “dặm trường” (đường đi dài và xa) đã làm nên một bi kịch lớn nhất trong Truyện Kiều.

Tất nhiên, người không chứng kiến những biến cố của ai đó trong cuộc đời vẫn có thể “tri nhận” và thấu cảm sự đời. Đó là lẽ thường tình. Chả ai mong nhận về mình những khổ đau, trắc trở. Nhưng nếu họ đã từng trải qua thì sự thấu cảm đó chắc chắn sẽ thấm thía và sâu sắc hơn. Và cũng chính từ cảnh ngộ của mình, họ sẽ trưởng thành, rắn rỏi hơn. Họ cũng sẽ thông cảm và sẵn sàng chia sẻ cùng người khác.

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Nhận chân được nỗi khổ đau chính là một giá trị. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Hãy cảm ơn những lúc bạn gặp khó khăn. Bởi nếu không có khó khăn thì bạn sẽ không có cơ hội để hiểu mình và để hiểu cuộc sống”.

Lần lần thỏ bạc ác vàng,

Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn.

(Truyện Kiều)

 

Phạm Văn Tình

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/trong-dai-dich-covid-19-nho-truyen-kieu-cua-nguyen-du-a6371.html