Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.                             

               

gia-chau-1631408955.png
Lược đồ Giao Châu. Website của Phạm Minh Tuấn. Nguồn: Internet                                             

 

CHƯƠNG III:          NHỤY KIỀU TƯỚNG QUÂN       

Kỳ 28.

 Các triều đại trong lịch sử cũng tuân theo quy luật sinh trụ dị diệt. Như nhà Hán của Trung Quốc do Lưu Bang sáng lập năm 202 trước công nguyên sau khi lật đổ nhà Tần (206 trước công nguyên) và tiêu diệt một thế lực quân phiệt hùng mạnh là Hạng Vũ. Từ năm 202 trước công nguyên đến năm 8 sau công nguyên là thời kỳ Tây Hán với kinh đô Trường An, là thời kỳ hưng thịnh của nhà Hán, của dòng họ Lưu. Cuối thời Tây Hán, triều đại suy vong tạo điều kiện cho dòng họ ngoại thích chuyên quyền. Năm 8, Vương Mãng, một kẻ trong dòng ngoại thích lật đổ nhà Tây Hán, lập ra triều Tân. Năm 24, Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú lật đổ nhà Tân, khôi phục lại nhà Hán, chuyển kinh đô về Lạc Dương, phía Đông của Trường An nên gọi là nhà Đông Hán. Chính quyền nhà Đông Hán và bọn quân phiệt phong kiến bóc lột nông dân vô hạn độ nên vào thế kỷ II, nông dân nổi lên chống lại, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (Khăn Vàng) do ba anh em Trương Giốc, Trương Giác và Trương Bảo lãnh đạo. Năm 184 nhà Hán phải kêu gọi các thế lực quý tộc quân phiệt đem quân đàn áp Hoàng Cân. Sau khi đàn áp xong khởi nghĩa Hoàng Cân, các thế lực quân phiệt lao vào cuộc hỗn chiến với nhau để tranh giành đất đai, quyền lực. Khi các thế lực quân phiệt to lớn như Đổng Trác, Lã Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu bị tiêu diệt thì thiên hạ chỉ còn lại ba thế lực lớn là Lưu Bị, Tào Tháo và Tôn Quyền. Phía Bắc rộng lớn là nước Ngụy của Tào Tháo với kinh đô Hứa Xương, phía Tây là nước Thục của Lưu Bị với kinh đô Thành Đô, phía Đông Nam của Trường Giang được gọi là Đông Ngô của dòng họ Tôn, kinh đô là Kiến Nghiệp (Nam Kinh). Lịch sử gọi cục diện này là Tam Quốc, kéo dài từ năm 220 đến năm 280.

   Đông Ngô, sau khi Tôn Sách  (175-200) mất, em là Tôn Quyền lên kế vị. Năm 229 Tôn Quyền xưng đế tại Kiến Nghiệp. Từ năm 229 đến năm 252 thời Đại Đế Tôn Quyền là thời kỳ cực thịnh của Đông Ngô. Đất đai lãnh thổ bao gồm Dương Châu, phần lớn Kinh Châu và phía Nam là Giao Châu. Riêng Giao Châu gồm các quận Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (năm 271 tách Nhật Nam thành hai quận là Cửu Đức và Nhật Nam) bị Đông Ngô thống trị suốt thời kỳ Tam Quốc (220-280). Năm 280, sau khi Tư Mã Viêm xâm lược, Giao Châu lại thuộc sự thống trị của nhà Tấn.

Một buổi sáng mùa hè, kinh đô Kiến nghiệp soi bóng xuống dòng sông Trường Giang lung linh. Dòng Trường Giang mênh mông bát ngát, nước lưng trời cuồn cuộn chảy về Đông. Trong cung điện hoa lệ của Đại Đế Tôn Quyền sáng trưng vàng bạc, minh chứng đỉnh cao quyền lực của dòng họ Tôn ở xứ Giang Đông giàu đẹp, thời kỳ hưng thịnh bậc nhất của Đông Ngô. Ngô Vương Tôn Quyền đang ngồi trên ngai vàng thiết triều. Triều Ngô đang bàn đến tình hình chính sự của Giao Châu. Tôn Quyền nói về chính sách của nhà Đông Ngô đối với Giao Châu, một thuộc địa xa xôi ở phương Nam mà nhà Đông Ngô tiếp quản từ tay nhà Đông Hán. Giọng Tôn Quyền sang sảng:

-Với  Giao Châu, các khanh nên chú ý các quận xưa là đất Âu Lạc, thời Đông Hán chỉ có bốn quận là Hợp Phố, Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Vậy nay Giao Châu không còn gắn với  Quảng Châu nữa. Vùng đất này xa xôi nhưng vô cùng quan trọng với Đông Ngô ta. Nhiều năm, chúng ta đã huy động sức người, sức của của Giao Châu phục vụ cho cuộc chiến tranh với Ngụy và Thục. Hiện nay, cuộc tranh hùng đang đến hồi quyết liệt, các châu nói chung và Giao Châu nói riêng phải đóng góp nhiều lần hơn nữa để bổ sung sức người, sức của vào chiến tranh.

Tôn Quyền ngừng lại hớp một ngụm trà sâm mà người thị nữ vừa đặt lên bàn rồi nói tiếp:

-Thứ nữa, trước kia, ta đã huy động hàng nghìn nhân công và thợ giỏi xứ đó để xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp. Nay phải bắt nhiều thợ giỏi khéo tay của Châu Giao để trang trí cho kinh đô mới sao cho cực kỳ hoa lệ, thu nhiều hơn nữa ngà voi, sừng tê giác, đồi mồi, ngọc trai để tăng sự phong phú kho báu của triều đình, đồng thời dùng để trang trí những cung điện của Kiến Nghiệp, thu nhiều hơn nữa cống phẩm của ngon vật lạ, thu nhiều hơn nữa thuốc bổ và quý hiếm, những thứ mà Giang Đông ta không có. Tăng các thứ thuế trước kia lên nhiều lần, đặc biệt là thuế muối và thuế sắt để chúng không có sắt sản xuất, không có vũ khí chống lại ta, không có muối để chúng suy nhược nòi giống dẫn tới dân tộc đó diệt vong. Chúng ta sẽ hoàn toàn làm chủ đất đai, biển cả sông ngòi của chúng.

  Ngừng lại để uống trà sâm, Tôn Quyền lại cất tiếng:

-Mặt khác, phải đẩy mạnh đàn áp, kiên quyết tiêu diệt những tên chống đối, những cuộc phản loạn của người Việt, đẩy mạnh việc đồng hóa văn hóa, tiếp tục ở mức độ cao nhất những chính sách có từ thời Tây Hán và Đông Hán. Phải tiêu diệt kiên quyết nền văn hóa Việt thì mới khuất phục được cái dân tộc ương ngạnh, bất khuất đó. Những chính sách đó, Thứ sử Châu Giao, Thái thú các quận, Huyện lệnh các huyện phải ghi nhớ lời của quả nhân mà thi hành.

   Tôn Quyền hỏi:

Có ai có bẩm tấu thì bước lên?

Một viên quan mặc quân phục quan võ đứng dậy. Mọi người nhìn ra thì đó là Đại Đô đốc Lục Tốn. Sau Đại Đô đốc Chu Du thì Lục Tốn là Đại Đô Đốc tài năng bậc nhất của Đông Ngô. Lục Tốn nói:

-Chúng ta đã tận thu Châu Giao đến khánh kiệt. Nhưng phần lớn của cải, vàng bạc châu báu, ngọc trai, ngà voi, sừng tê giác, cống vật đều chui vào túi quan tham Thứ sử Châu Giao và Thái thú các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Vậy xin Chúa công cho thay Thứ sử Châu, Thái thú các quận để đẩy mạnh việc dùng nhân nghĩa, thu phục lòng bá tính, đồng thời để cho của cải châu báu ngọc vàng có thể về được Giang Đông nhiều hơn.

Tôn Quyền nói:

-Quả đúng như lời Đại Đô Đốc nói, bọn tham quan ở Châu Giao, đặc biệt là Thái thú các quận xa trung ương nên không coi ai ra gì, vơ vét nộp về triều đình thì ít, bỏ vào túi cá nhân thì nhiều, chúng không kiêng sợ pháp luật và Châu Giao qua các triều đại Hán, kể cả Đông Ngô ta gần như không có pháp luật. Nay ta phong Lữ Đại làm Thứ sử Châu Giao, tăng việc kiểm soát các Thái thú các quận, đẩy mạnh thu gom của cải vàng, bạc châu báu, cống phẩm, đẩy mạnh huy động nhân lực vào lính để chiến tranh với Thục, Ngụy, đẩy mạnh huy động thợ giỏi để tiếp tục xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp.

Như vậy là Lữ Đại được bổ nhiệm làm Thứ sử Châu Giao với chính sách tăng cường vơ vét bóc lột, tăng cường bắt nhân lực Việt đi chết trên các chiến trường Ngụy-Thục, tăng cường bắt nhân công, nhân tài vật lực cho việc tiếp tục xây dựng, trang trí cho kinh đô mới Kiến Nghiệp. Mặt khác, tăng cường đàn áp, chém giết, tăng cường cưỡng bức đồng hóa văn hóa. Từ đó trên con đường dài thiên lý dẫn về phía Bắc, suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, hàng vạn phu phen và thợ thủ công, hàng vạn thanh niên Việt bị trói, xích đưa về phương Bắc làm lao dịch, làm lính. Họ ra đi mà không bao giờ trở lại quê nhà. Hàng vạn gia đình mất con, mất cha, mất chồng, đau khổ ly tán chia lìa. Để bắt được một số lượng người, bọn giặc Ngô tàn ác giết cũng bằng ấy số người tương đương. Năm 230, Thứ sử Lữ Đại đàn áp cuộc nổi dậy ở Cửu Chân, giết chết hàng vạn người. Tiếng kêu khóc não nùng ở Giao Châu là quanh năm suốt tháng. Cũng trên con đường thiên lý đó, suốt bốn mùa, các đoàn xe tải do các phu phen người Việt và ngựa kéo liên tục chở của cải, vàng bạc, châu báu, ngà voi, sừng tê giác, cống phẩm lầm lũi, nặng nề đi trong gió bụi về phương Bắc, về Đông Ngô. Vơ vét để đem về Đông Ngô, quan lại Giao Châu lớn nhỏ còn vơ vết để thỏa lòng tham cá nhân nên làm đủ điều gian tà, tha hồ bạo ngược vì không có pháp luật nào trừng phạt được chúng. Cùng khi đó, công cuộc đồng hóa văn hóa được đẩy mạnh để biến người Việt phải theo văn hóa Hán. Thuế má, tô tức cũng được tăng lên gấp bội càng làm cho đời sống người Việt lâm vào cảnh khốn cùng, trăm họ xơ xác, nông dân mất ruộng đất bị biến thành nô lệ. Từ khi mất nước vào tay nhà Triệu, rồi qua sự thống trị của Tây Hán và Đông Hán, chưa bao giờ người Việt bị áp bức, bóc lột, bị đối xử tàn bạo thống khổ như thời kỳ Đông Ngô.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-28-a6382.html