Hà Nội: Thần tốc xét nghiệm, tiêm Vắc xin phòng dịch CoVid 19 liệu có đạt mục tiêu?

Sau khi bị điểm danh, nhắc nhở lần thứ 2 về  ban hành quy định giấy đi đường liên quan đến phòng chống dịch CoVid 19 khiến dân bức xúc, lãnh đạo Hà Nội cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý và sự chỉ đạo của Thủ tướng đã bổ sung ngay quy định chưa ổn, chưa sát với thực tiễn, bước đầu khắc phục ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

hn1abc-1631464151.jpg
Lấy mẫu xét nghiệp CoVid 19 ở quận Đống Đa - Hà Nội. Nguồn: Internet

 

Kết quả khả quan

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong tuần qua,  với sự hỗ trợ nhân lực y tế của quân đội và 11 tỉnh, thành phố bạn, Hà Nội tập trung  thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng dịch CoVid 19 cho toàn bộ người dân đến ngày 15/9.

Đây là sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt,  với năng lực của thành phố hiện tại và được tăng cường nhân lực y tế của các tỉnh, thành phố bạn, Hà Nội  quyết tâm bảo đảm thực hiện được kế hoạch đề ra về tiến độ lấy mẫu và tiêm vắc xin phòng dịch CoVid 19.

 Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 11-9 đến 18h ngày 12-9, Hà Nội đã triển khai tiêm được 573.829 mũi vắc xin Covid-19 (tăng 162.377 mũi tiêm so với ngày hôm qua). Như vậy, thành phố tiếp tục đạt mức kỷ lục mới về số lượng mũi tiêm trong ngày kể từ khi tăng tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Theo Phương án số 170/PA-UBND về triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn Hà Nội và kế hoạch mà Bộ Y tế đề ra, đến ngày 15-9, thành phố hoàn thành tiêm mũi 1 cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Theo thống kê của 30 quận, huyện, thị xã, số lượng người dân trong độ tuổi tiêm chủng cần tiêm mũi 1 là hơn 7,033 triệu mũi, trong đó hiện đã tiêm được hơn 4,094 triệu mũi 1 (chiếm tỷ lệ gần 58,21%). Cộng dồn đến nay, toàn thành phố đã tiêm được hơn 4,4 triệu mũi (gồm cả mũi 1 và mũi 2). Riêng với mũi 1, hiện đã tiêm được hơn 4 triệu mũi trên tổng số gần 4,6 triệu liều vắc xin được Bộ Y tế cấp (đạt tiến độ 89%).

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, theo số lượng dự kiến, từ nay đến ngày 15-9, thành phố sẽ tiêm khoảng hơn 2,9 triệu mũi còn lại. Như vậy, dự kiến, trong 3 ngày tới, thành phố sẽ triển khai tiêm trung bình hơn 734.000 mũi/ngày.

hn2acb-1631464449.jpg
Người dân xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội được tiêm vắc xin ngày 12-9-2021. Ảnh: HNMO

 

Cùng với việc tăng tốc tiêm chủng, thực hiện Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 8-9 của UBND thành phố, trong ngày 12-9, toàn thành phố đã lấy được 505.541 mẫu gộp RT-PCR và 254.247 mẫu test nhanh kháng nguyên. Như vậy, tính từ ngày 9-9 đến 18h ngày 12-9, Hà Nội đã lấy được 2.046.779 mẫu xét nghiệm. Trong số này, có 1.468.654 mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp (đạt 44% chỉ tiêu) và 578.125 mẫu test nhanh kháng nguyên (34% chỉ tiêu).

Kết quả, trong số 1.468.654 mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, đã có 334.853 mẫu âm tính, 10 mẫu dương tính, số còn lại chờ kết quả.

Trong số 578.125 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 572.525 mẫu âm tính, 33 mẫu dương tính. Sau đó, 33 mẫu dương tính qua test nhanh được lấy lại mẫu để xét nghiệm RT-PCR, kết quả có 4 mẫu dương tính. Các trường hợp này đã được Sở Y tế Hà Nội công bố.

Một số quận, huyện có tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cao là Tây Hồ (đạt 117% so với chỉ tiêu), Quốc Oai (99%), Sóc Sơn (88%), Ba Đình (89%), Mê Linh (88%). Trong khi đó, Bắc Từ Liêm là quận có tỷ lệ lấy mẫu test nhanh kháng nguyên cao nhất thành phố với 238%, Hà Đông 121%, Gia Lâm 115%...

Ngày 12-9, sau khi kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về tình trạng chen lấn, tập trung đông người tại Trường Tiểu học Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) xảy ra ngày 11-9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm, trực tiếp là đồng chí Bí thư Quận ủy kiểm tra làm rõ trách nhiệm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và để xảy ra việc mất an toàn nêu trên. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng thời nhắc nhở toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức tiêm chủng bảo đảm tuyệt đối an toàn; có giải pháp giải toả ngay khi phát sinh hiện tượng tập trung đông người tại các điểm tiêm chủng.

Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn phối hợp với các lực lượng Công an, quân đội lên kế hoạch, kịch bản cho từng địa điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách và an toàn, không để xảy ra tình trạng nêu trên, làm ảnh hưởng đến thành quả chống dịch chung của địa phương và thành phố. 

Những hạn chế và tiếp tục những biện pháp phòng, chống dịch

Hà Nội quán triệt  thực hiện chuyển hướng chiến lược lấy xã, phường là “pháo đài”, "người dân là chiến sĩ" chống dịch, được Thủ tướng Phạm Minh Chính  rất quan tâm. Thủ tướng từng bất ngờ thăm tâm dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) không báo trước để trực tiếp hiểu thực chất thực tế, cho ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh phòng chống dịch tại cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu đói và đưa trạm y tế lưu động tới tận phường, xã.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội, những tín hiệu đáng mừng như số ca mắc Covid-19, đặc biệt là ca mắc trong cộng đồng giảm trong những ngày gần đây. Tính từ 18h ngày 11-9 đến 18h ngày 12-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 20 ca dương tính, trong đó có 4 ca tại cộng đồng. Đây là số mắc được ghi nhận trong ngày thấp nhất trong tuần qua.  Thành phố chỉ còn 96 điểm cách ly, phong tỏa cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đang đi đúng hướng.

Tuy vây, công tác phòng chống dịch ở Hà Nội vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt, chưa đồng đều ở một số địa phương, đơn vị còn tính hình thức, có nơi phong toả bên ngoài chặt nhưng bên trong quản lý lỏng; còn hiện tượng lượng người ra đường đông, không đúng như mục tiêu đặt ra khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng; chỗ này, chỗ khác có hiện tượng chủ quan, lơ là; qua các đợt xét nghiệm diện rộng vẫn phát hiện F0 trong cộng đồng…

Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch trên địa bàn vẫn còn phức tạp với điều kiện tự nhiên, dân số trong nội thành còn cao, không gian chật hẹp. Dịch đã tấn công vào các chuỗi cung ứng siêu thị, chợ đầu mối, shipper, khu công nghiệp, chợ dân sinh, lái xe luồng xanh…

Hà Nội vẫn phải tạo điều kiện giao lưu hàng hoá nên nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn. Không thể khẳng định Hà Nội không còn F0 ngoài cộng đồng. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung quyết liệt, thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân đến ngày 15/9.

 Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong  cho rằng Hà Nội xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới cũng như của Thành phố. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn như thế nào.

Chính vì thế, việc chia thành 3 vùng là để tập trung chống dịch. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt Vùng 1 - nơi được coi là “Vùng đỏ” nguy cơ cao nhất, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vùng 2 và Vùng 3. Thực tế với cách phân vùng này, các quận, huyện, thị xã thuộc Vùng 2 và Vùng 3 đã nới lỏng rất nhiều hoạt động, như tại huyện Quốc Oai, cửa hàng vật liệu xây dựng, kim khí đã mở cửa trở lại. Nhiều địa phương cũng đã cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con cũng tiếp diễn, nhất là trong bối cảnh đang thu hoạch vụ mùa.

Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội dự kiến số vắc xin được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong 1-2 ngày tới. Nếu được phân bổ đủ vắc xin, thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra. Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam:  Hà Nội không thiếu nguồn lực và nhân lực công nghệ nhưng cần thay đổi tư duy quản trị và tầm nhìn quản lý tổng thể, không nên chạy theo các vấn đề cụ thể đang nóng mà bỏ qua tư duy quản lý chung trong vận dụng phòng chống dịch CoVid 19. Việc cấp giấy đi đường tại Hà Nội dù có mã QR Code nhưng vẫn là "thủ công nối thủ công" từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường cần khẩn trương khắc phục.

Mọi chủ trương, chính sách nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân thì không thể thực hiện thành công, đúng như Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ đã nêu: Cần vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ để vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra.

Để bảo vệ thành quả chống dịch thì trong bối cảnh phòng dịch hiện nay vẫn cần hạn chế người ra đường là một trong những yếu tố rất quan trọng, góp phần hạn chế dịch lây lan. Các quy định của pháp luật về cơ bản đã có, nhưng bên cạnh những việc các cơ quan quản lý đang thực hiện thì câu chuyện ý thức trách nhiệm, ý thức tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân có ý nghĩa quyết định

VXB

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-than-toc-xet-nghiem-tiem-vac-xin-phong-dich-covid-19-co-dat-muc-tieu-a6401.html