Sóng đổ

Các cụ từ xưa đã có câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” muốn nói tới một sự tình ở đời: Những hành vi mà ai đó đã quen làm thì nó sẽ được lặp lại i xì ở chính con cái họ. Tất nhiên, sẽ có hành vi tốt và hành vi xấu. ... Thế hệ sau rất dễ nhiễm và bắt chước mọi thói quen, sở thích, hành vi của chính ông bà cha mẹ của mình.

Nay tôi kể hầu các bác câu chuyện của một gia đình nọ.

Chiều mát, bà Quý ra ngõ ngồi hóng gió cùng mấy bà già trong xóm. Cô Duyên, con gái bà đạp xe tới. Cô đỗ xe, chào mọi người rồi quay sang hỏi mẹ: Bu. Bu trả tôi một ngàn đi.

Mấy bà hàng xóm ngạc nhiên, bà Mận cau mày: có một nghìn mà mày cũng đòi mẹ à con?

Chị Duyên vẫn bình thản:

- Bu cháu vay thì phải trả cháu chứ?

Bà Quý cố nhớ xem mình vay con gái lúc nào, mà tiệt không nhớ nổi.! Bà hỏi:

- Tao vay mày lúc nào? Vay làm gì?

-Bu vay mua chè tươi hôm chợ phiên đấy thây. Tôi đang đi chợ thì bu gọi tôi lại để vay còn gì!

Bà Quý ngẩn người giây lát rồi gật đầu xác nhận: - Ờ ờ, tao nhớ rồi.

Nói xong, bà lần tay vào vành quần, lôi ra chiếc túi vải rút gài kim băng. Bà lấy tờ một nghìn đưa trả con gái và làu bàu:

-Có một nghìn cũng đòi. Bố tiên sư nhà con với chả cái. Đẻ cho đau l...

Chị Duyên tỉnh bơ, cầm tiền đút túi rồi chào mọi người. Chị bảo đi đón con, lấy tiền để mua bim bim cho con.

Chị đi rồi, bà Quý chữa ngượng với các bà hàng xóm:

-Đấy các bà xem. Đẻ con gái như này thà đẻ cái trứng đem bác mà ăn.

Nói rồi bà đứng dậy, phủi quần, quay về.

Đợi bà đi khuất, bà Tạ bĩu môi:

- Dào ôi! Bà ý làm như là mình thảo hiền lắm ý. Các bà không biết thôi. Có lần tôi chứng kiến mẹ đẻ bà ý vác gậy vừa đánh vừa chửi một trận vì cái tội ăn tham đấy.

Mấy bà thấy thế xúm vào hỏi chuyện. Bà Tạ nhổ miếng bã trầu vào gốc cây, đưa tay quẹt quết trầu rồi thủng thẳng:

-Chả là hôm ấy tôi ghé nhà bà ý mua con giống rau. Tôi thấy mẹ bà ý vừa vác gậy le vụt, vừa chửi: cha tiên nhân thằng bố mày, tao mang nặng đẻ đau .. rách l.. mới đẻ ra mày..ăn đói, nhịn khát, nuôi mày lớn khôn, tìm người tử tế gả chồng cho mày. Nay tao đến nhà mày chơi. Nhằm bữa cơm mày bảo tao nhà chẳng có gì ăn, bu ăn tạm cơm cà nén. Cái mả cha nhà mày.! .. nồi giả cày mày vửa nấu mày dúi vào đống rơm đây này...

Con với chả cái đẻ cho đau l... bà cụ vừa chửi vừa lấy gậy khều rơm cái nồi giả cầy còn nóng hôi hổi.

Đấy các bà xem. Tần đời nước Nam tôi chưa thấy ai ăn hóm cả với mẹ đẻ của mình.

Bà Mận thở dài cái sượt:

- Vâng. Bà cụ có lần kể với tôi chuyện này rồi

Và có lần cụ bảo, cụ thấy nhà con gái buông mành là cụ chống gậy mò lên. Cơ mà cụ đi chậm nên nhiều khi lên đến nơi mùi mít chín thơm lừng còn đây mà mẹ con bà ấy bảo vừa ăn hết rồi. Cấm có bao giờ biếu mẹ được miếng gì ngon đâu các bà ạ.

Mà cơ khổ. Nhà một mẹ một con chứ có nhiều nhặn gì cho cam. Giá đông con đứa này hóm thì có đứa khác thảo... đằng này... nghĩ mà tội nghiệp bà cụ, khổ tận lúc chết. Mang tiếng ở gần con gái nhà con gái lại giầu đấy các bà ạ. Cho nên giờ con bà ấy đòi cả tiền vay mua chè thì đúng là "nhân nào quả ấy". Hay "Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy.".

Hai mươi năm sau, con gái chị Duyên lấy chồng. Có lần chị đang ngồi ăn bún. Con gái chị bước vào cửa quán lại quay ra rẽ sang hàng khác. Nó sợ ăn cùng quán sẽ tốn tiền bát bún của mẹ.

Theo Chuyện làng quê

Vũ Minh Hằng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/song-do-a6408.html