Cuối năm 1948, trong một lần làm việc với bộ phận G.L.A (Giao thông – Liên lạc – An toàn khu), ông đã phát hiện tư chất của người cán bộ trẻ thua ông gần một con giáp này. Ngay lập tức ông lên gặp Tổng bí thư Trường Chinh và xin được đưa ông Trần Quốc Hương về bộ phận tình báo. Đề xuất được duyệt và ông Trần Quốc Hương đã chứng tỏ khả năng của mình trong cương vị trợ thủ Cục trưởng Trần Hiệu hoạch định các kế sách tầm cỡ chiến lược.
Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam sắp được ký kết, xét đề nghị của Cục tình báo, ông Mười Hương đã được các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam xây dựng lực lượng tình báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tham dự cuộc gặp và động viên ông Mười Hương trước trọng trách mang tính bước ngoặt của tình báo Việt Nam. Vào đến Quân khu 9, ông Mười Hương gặp lại người bạn tù là Phan Trọng Tuệ đang là Tư lệnh Quân khu, ông Lê Toàn Thư là Xứ ủy viên Nam Kỳ cũng hết lòng ủng hộ nên các kế hoạch của Trung ương được ông cùng các ông Cao Đăng Chiếm, Mai Chí Thọ (sau này đều là những lãnh đạo chủ chốt của ngành công an) gấp rút triển khai. Hàng loạt các lớp huấn luyện tình báo với thành phần nòng cốt là các chiến sĩ tuyển dụng từ ngành công an được mở. Ông Mười Hương cũng là người thay mặt Cục tình báo, phụ trách các đầu mối tình báo đang hoạt động tại địa bàn miền Nam. Ông Mười Hương cũng là cấp trên trực tiếp của những nhà tình báo lỗi lạc của Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Đinh Thị Vân…
Là người giữ trọng trách cao nhất của ngành tình báo Việt Nam, ông Trần Hiệu phải xây dựng mạng lưới tình báo trên mọi lĩnh vực cho Tổ quốc, nhưng đồng thời ông cũng phải chuẩn bị ở mức cao nhất cho các chiến sỹ của mình trước khi hoạt động đơn độc trong lòng địch. Tình báo là nghề khắc nghiệt nhất trong xã hội. Người tình báo phải đối diện với cái chết cận kề hoặc nỗi lo bị phát hiện luôn thường trực trong cuộc sống. Khi bị bắt, họ là đối tượng bị tập trung khai thác một cách đặc biệt. Trở về với đồng đội, bên cạnh những chiến công hiển nhiên thì lượng thông tin về họ do cả ta và địch lưu giữ sưu tầm nhiều khi cũng dựng một khoảng cách nhất định giữa họ với tổ chức. Ngay ông Trần Quốc Hương, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban nội chính Trung ương cũng có lúc lâm vào cảnh tương tự.
Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố trắng những người theo kháng chiến. Như tấm lưới rê khổng lồ kéo khắp miền Nam, Đoàn công tác đặc biệt miền Trung do Dương Văn Hiếu cầm đầu bắt giữ không cần xét hỏi những người chúng nghi đã tham gia cộng sản. Ông Mười Hương cũng có thời gian bị giam ở ngục Chín Hầm của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn. Năm 1963 Dương Văn Minh đảo chính Diệm. Hồ sơ về ông Mười Hương tại trại giam ghi: “Đương sự ngưng hoạt động năm 1955, không gia nhập Đảng cộng sản và đã bị giam giữ 6 năm”. Vì vậy ông được xét tha cùng hàng loạt tù chính trị khác. Việc tha tù thời chính quyền Sài Gòn liên tục xảy ra đảo chính rất đơn giản, nhưng lại khó lý giải về ông cộng sản gộc Mười Hương. Tại sao được tha và tại sao việc tha tù lại dễ dàng đến vậy. Được đón ra Bắc, ông gần như bị cách ly tại K5, nơi an dưỡng tại Quảng Bá – Hà Nội của các cán bộ từ chiến trường miền Nam ra Trung ương. Trần Quốc Hương hiểu và tuân thủ các quy định ngặt nghèo của ngành, nhưng khi đấy ông cô đơn kinh khủng.
Trong hồi ký ông kể, có lần ông đến Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tìm gặp ông Trần Hiệu, người thủ trưởng năm xưa, nhưng do đang bị cách ly tại trại K5, không giấy tờ nên bảo vệ của Viện không cho gặp. Và nữa, bản thân ông cũng không muốn gây phiền cho ông Trần Hiệu nên lại lẳng lặng về ngẫm sự đời tại trại K5. Ông được bình an trở lại chiến trường, móc nối các cơ sở và mạng lưới tình báo do ông xây dựng và cài cắm trong lòng địch. Lực lượng tình báo do ông chỉ huy đã viết nên huyền thoại về công tác tình báo trong chiến tranh, giúp Trung ương luôn nắm được các ý đồ và kế hoạch của chính quyền Sài Gòn và chính phủ Mỹ. Đây là chiến công không chỉ dành riêng cho lực lượng tình báo mà nó còn là niềm tự hào của cách mạng Việt Nam.
Cách mạng thành công năm 1975, ông lần lượt được cử làm Phó ban Tổ chức Trung ương, Phó bí thư Thành ủy thành phố HCM, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch rồi là Trưởng ban Nội chính Trung ương. Giai đoạn từ thành phố Hồ Chí Minh, ông được giới thiệu tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng. Khi đó có đơn tố giác ông là người đã khai báo và nhận lời làm việc cho địch trong thời gian bị giam tại nhà ngục Chín hầm khét tiếng của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn. Ông bị đề nghị rút khỏi danh sách ứng cử Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hàng loạt cán bộ từng có thời gian bị giam chung với ông khi xưa, nay là lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt bị đặt trong vòng nghi vấn như các đồng chí Sáu Tường tức Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố; Ba Bí tức Đỗ Thị Hữu Bích, Thành ủy viên; Sáu Tín tức Trang Tấn Khương, giám đốc Ngân hàng thành phố; Tư Phương tức Nguyễn Văn Phương, Phó ban Tổ chức thành ủy; Đỗ Duy Liên và Chín Lê, Phó chủ tịch UBND thành phố; Sáu Nhân tức Nguyễn Trọng Xuất; Bảy Sông Ló tức Lê Xuân Vinh, thường vụ quận ủy 11; Ba Bá tức Đặng Gia Lợi, bí thư quận 4; Năm Chuyên tức Trần Văn Chuyên; Sáu Dung tức Nguyễn Thị Dung, Phó ban Tổ chức thành ủy; đồng chí Tám Lương và vợ là đồng chí Hiền; đồng chí Nghị Đoàn, Mười Hải; Chín Ích, giám đốc Sở nhà đất; Phan Thị Mỡ, phó giám đốc Sở giáo dục; Trương Bỉnh Tòng, phó giám đốc Sở VHTT. Tổng cộng là 21 người do ông Mười Hương sắp xếp và đề bạt thời làm tổ chức và Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Đơn tố cáo của một người có trách nhiệm, tố đúng tên ông khai trong tù là Trí, đã đầu hàng và làm cán bộ cải huấn của trại giam. Tổ chức không tiện hỏi thẳng ông nên suốt những ngày thanh tra, ông và những người liên quan tới ông đều bị giám sát chặt chẽ. Nhờ một nguồn tin thân cận, ông nắm được nội dung đơn tố cáo nên chủ động xin gặp ông Sáu Thọ (Lê Đức Thọ), Trưởng ban Tổ chức Trung ương để giải trình. Ông chứng minh khi bị bắt, ông khai tên là Trần Ngọc Trí, giáo học, không đảng phái và đúng thời gian bị tố giác là cán bộ cải huấn của trại, ông đã bị điều đi giam giữ tại nơi khác. Kẻ phản bội và đầu hàng cũng tên là Trí nhưng mang họ Phan Văn. Hiện các cựu tù ở nhà ngục Chín hầm năm xưa nay vẫn còn nhớ và xác nhận Phan Văn Trí và Trần Ngọc Trí là hai người khác nhau. Ông giáo học Trần Ngọc Trí chỉ là người tham gia tổ chức đòi hòa bình như ông Mười Hương tự khai, nên sau đảo chính Ngô Đình Diệm, ông được tha bổng dưới cái tên Trần Ngọc Trí cùng hàng loạt các nhân sĩ trí thức khác.
Nhận được giải trình hợp lý và xác thực của ông Mười Hương, ông Lê Đức Thọ vui mừng thốt lên: “Mình mừng quá. Cậu chỉ cho anh em kiếm được cái tên Trí đó, nếu không, mình cũng chẳng biết làm thế nào”. Có như vậy mới thấu hiểu khi ông Mười Hương về hưu, ông đã cùng ông Trần Hiệu, dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động tình nghĩa của các cựu tình báo viên và nỗ lực đến tận cùng để tháo gỡ những oan sai cho đồng đội.
(Chị Trần Kim Ngọc, con gái ông Mười Hương vừa qua đời hôm 11/9 (1952-2021), xin gửi đoạn trích về người cha kính yêu của chị thay nén tâm nhang. Cầu chúc chị sớm siêu sinh tịnh độ, đoàn viên cùng cụ Mười Hương trên cõi Vĩnh hằng).
Theo Trái tim Người lính
Nhà báo Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ong-trum-cua-nhung-huyen-thoai-tinh-bao-trich-a6435.html