Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 32)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.                             

                

khoi-nghia-btrieu-1631759885.jpg
Tranh minh hoa: Triệu Thị Trinh cưỡi voi ra trận. Nguồn: baotanglichsu.vn

Kỳ 32.

Mao Phong dặn tên thám mã:

-Ngươi phải theo dõi sát động tĩnh của giặc và báo cho bản Tư mã chính xác. Nếu chậm trễ hoặc sai sót cái đầu nhà ngươi khó giữ, rõ chưa?

-Dạ rõ.

Mao Phong nói với các tùy tướng:

-Các ngươi về chuẩn bị, lệnh cho toàn bộ quân đội sẵn sàng ra ngoài thành nghênh chiến giặc.

-Dạ bẩm Tư mã, tuân lệnh.

Mặt trời đã ngã về Tây, gần khuất sau dãy núi Trịnh, núi Vòm xa xa. Tiết Kính Hàn và Mao Phong nóng lòng chờ đợi tin tức của thám mã rồi mới hành động cho chính xác. Thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Thái thú và Tư mã, giặc đã tới nơi nhưng chúng không tấn công thành, cũng không dàn trận nghênh chiến quân ta mà lại đóng trại và án binh bất động ngoài thành hai dặm.

-Thật vậy sao? Như vậy là giặc có ý gì?

Mao Phong nói:

-Mời Thái thú cùng mạt tướng lên mặt thành quan sát xem sao.

Tiết Kính Hàn, Mao Phong cùng vài tên lính hầu cận lên mặt thành quan sát. Trên bốn mặt thành quân Ngô đã đứng túc trực, cung tên, chất cháy, đá cục sẵn sàng trút xuống nếu quân Việt tấn công thành. Tiết kính Hàn và Mao Phong phóng tầm mắt nhìn xa. Từ không xa phía hữu ngạn sông Mã trại, trại của quân Việt san sát màu nâu, những làn khói nấu cơm chiều bay lên vật vờ trắng xóa, có thể thấy được cả ánh lửa hồng trong các bếp. Quân Việt nằm la liệt chung quanh trại hoặc có những tốp lính đi lại. Những con ngựa chiến tự do thoải mái đi lại nhởn nhơ gặm cỏ. Tiết Kính Hàn ngạc nhiên:

-Sao chúng không dàn trận đánh nhau hoặc tấn công thành mà lại nghỉ ngơi?

Mao Phong nói:

-Bẩm Thái thú, đây chỉ là một đạo quân ô hợp nông dân đói khổ, không có kỷ luật, vả lại hành quân từ Núi Nưa ra đây đi bộ 60 dặm chúng đã kiệt sức rồi.

-Vậy Tư mã định thế nào?

Mao Phong đáp:

-Đêm nay mạt tướng sẽ cho quân cướp trại quân Việt, yếu tố bất ngờ sẽ giúp tiêu diệt hết chúng.

Tiết Kính Hàn lo lắng:

-Hay là chúng bày kế cho quân ta cướp trại và mai phục tiêu diệt quân ta?

Mao Phong đáp:

-Cho dù có kế đó thì với ưu thế binh lực, quân ta vẫn áp đảo và đánh cho chúng đại bại, sẽ tiêu diệt không sót một tên.

- Tư Mã phải thận trọng. Bản Thái thú chờ tin thắng trận của Tư mã.

Đêm lùi dần về khuya. Màn đêm bao phủ khắp không gian đen thẫm. Trong doanh trại của quân Việt, những ánh lửa bập bùng. Nghĩa quân nằm la liệt khắp các trại mà ngủ. Mao Phong quan sát thì không thể nhầm lẫn được. Trong màn đêm 2 vạn quân Ngô đã dàn thành vòng vây dày đặc bao quanh doanh trại quân Việt. Quân Ngô như những bóng ma âm thầm tiến sát doanh trại quân Việt. Những mũi tên có lửa bay lên trời sáng rực. Nhận được tín hiệu, quân Ngô bốn phía ầm ầm lao vào chém giết. Tiếng chân người rung chuyển mặt đất, tiếng vũ khí khua ra sát khí. Quân Ngô đâm chém những con người đang ngủ. Nhưng khí thế của quân Ngô bỗng nhiên hụt hẫng. Những con người mà họ đâm chém là những người bằng rơm rạ. Trong doanh trại trống không không một bóng người. Mao Phong kêu to:

-Bị trúng kế mai phục rồi, rút nhanh!

Mao Phong chưa dứt lời thì những trận mưa tên của quân Việt phóng vào. Quân Ngô gục xuống chết chồng chất. Hết các trận mưa tên thì quân Việt từ bốn phía trong bóng tối nhất loạt xông ra chém giết. Trong bóng đêm, quân Việt buộc khăn trắng trên đầu để phân biệt với quân Ngô. Hai canh giờ đâm chém, 1 vạn quân Ngô bị giết chết, gục xuống như chuối bị chém. Quân Việt thẳng tay đâm, phạt, chém quân Ngô không thương tiếc. Tiếng reo hò làm đêm đông vang lên như sấm động. Trong đêm tối, Mao Phong thấy một nữ tướng cưỡi con voi trắng một ngà tả xung hữu đột. Voi dùng vòi cuốn lính Ngô vung lên cao rồi đập xuống, hoặc dùng chân dày cho đến chết. Còn chủ nhân trên lưng voi thì múa đôi song kiếm tỏa ra ánh hào quang sáng chói băm chết lính Ngô nào đến gần. Mao Phong dương cung bắn tên vào nữ tướng nhưng những mũi tên bị gió của làn gươm chém đứt văng ra. Quân Ngô khiếp sợ la lên:

-Nhụy Kiều tướng quân!

-Nhụy Kiều tướng quân!

Sau tiếng la hét, lính Ngô kinh hoàng xô nhau chạy. Mao Phong được các tùy tướng hết sức che chở, mở đường máu chạy vào thành Tư Phố. Xác Quân Ngô rải từ doanh trại quân Việt đến cổng thành Tư Phố chất ngổn ngang. Máu như suối tuôn xuống dòng sông Mã, trong ánh lửa ban đêm thấy đặc quánh đỏ ngầu. Quân Ngô chạy vào thành Tư Phố một cách hỗn loạn. Quân Việt truy sát ráo riết phía sau. Quân Ngô vội vã đóng cửa thành trong khi còn hai nghìn quân chưa vào kịp liền bị quân Việt giết không sót một tên. Quân Việt tạm dừng trước cổng thành Tư Phố nửa dặm. Thốt nhiên, trong thành một phát tên châm lửa sáng rực bay vút lên không trung. Cửa thành Tư Phố bỗng nhiên được mở toang. Quân Việt reo hò xông vào thành chém giết. Triệu Trinh Nương thúc voi xông vào thành. Theo sau là một vạn quân Việt ào ào đốt phá chém giết quân Ngô. Tiếng cồng chiêng vang lên rung không gian như sấm, tiếng reo hò vang động, những biệt thự, nhà cửa bùng cháy. Thành Tư Phố phút chốc chìm trong biển lửa, tiếng reo hò của quân Việt, tiếng la hét của quân Ngô trước khi bị giết thất thanh. Thành Tư Phố hoàn toàn thất thủ, quân Ngô đại bại. 1 vạn quân Ngô còn lại trong thành bị tiêu diệt, Tiết Kính Hàn và Mao Phong bị bắt.

Thì ra trước đó, Triệu Trinh Nương đã cho 100 quân Việt mặc quân phục quân Ngô. Khi quân Ngô đại bại trong việc cướp trại quân Việt, bị đánh tơi tả phải chạy về thành Tư Phố, 100 quân Việt trà trộn vào quân Ngô, chạy vào thành. Chờ khi quân Ngô đóng cổng thành, 100 quân Việt đã giết lính gác, mở cổng thành, bắn tín hiệu để quân Việt xông vào cướp thành mà không cần bao vây thành tốn sức. Thành Tư Phố bị hạ, chính quyền đầu não của Đông Ngô ở Cửu Chân hoàn toàn sụp đổ. Nghĩa quân đã hoàn toàn làm chủ quận Nhật Nam và quận Cửu Chân. Đó là một thắng lợi to lớn làm rung động toàn Giao Châu và chấn động Đông Ngô, chấn động kinh đô Kiến Nghiệp bên bờ Trường Giang.

Nhưng trong trận Tư Phố, nghĩa quân chịu một tổn thất lớn lao. Chủ tướng Triệu Quốc Đạt khi đốc quân tiến vào thành thì bị một mũi tên từ trong thành bắn trúng vào cánh tay, nhưng vì mũi tên có độc nên Triệu Quốc Đạt đã hy sinh trong vòng tay của các tùy tướng của mình. Trận đánh kết thúc, Triệu Trinh Nương mới biết huynh của mình tử trận. Bà thét lên một tiếng đau đớn và gục xuống thi hài của Triệu Quốc Đạt. Đội nữ binh dìu Triệu Trinh Nương đứng dậy, các tướng hết lời động viên khuyên nhủ chia buồn cùng Phó chủ tướng. Ngay đêm đó và ngày hôm sau, toàn quân để tang, cắt đầu Tiết Kính Hàn, Mao Phong đặt lên đàn tế vong linh Triệu Quốc Đạt và 2000 nghĩa quân đã hy sinh trong huyết chiến ở trận mai phục và trận hạ thành Tư Phố. Ngày hôm sau nữa, nghĩa quân đưa thi hài của Triệu Quốc Đạt và 2000 nghĩa binh về mai táng ở sườn  núi Voi, hữu ngạn sông Mã. Triệu Quốc Đạt và các nghĩa sĩ đã trở về với đất mẹ, được bản nhạc của sóng gió sông Mã ru giấc ngủ thiên thu theo dòng thời gian bất tận.

Sau lễ tế vong linh, mai táng Triệu Quốc Đạt và các nghĩa sĩ hy sinh, Triệu Trinh Nương nói với tướng sĩ:

-Nay chủ tướng Triệu Quốc Đạt đã hy sinh, sự nghiệp chống giặc Ngô còn dang dở, rất cần một Chủ tướng để điều hành ba quân. Đề nghị các huynh bầu ra một chủ soái để đưa chúng ta đánh ra quận Giao Chỉ, lật đổ quân Ngô, giải phóng đất nước và báo thù cho Chủ tướng Triệu Quốc Đạt và những nghĩa sĩ đã hy sinh, những người dân Việt đã bị quân Ngô sát hại.

Tướng Lý Quốc nói:

-Nhụy Kiều tướng quân là Phó tướng, đủ tài đủ đức. Nay xin mời Phó chủ tướng ngồi vào ghế Chủ tướng để dẫn dắt huynh đệ chúng tôi tới thắng lợi.

Lý Quốc dứt lời, 1 vạn nghĩa binh hô vang:

-Xin Nhụy Kiều tướng quân ngồi vào ghế Chủ tướng đưa chúng tôi tiếp tục tiến ra Giao Chỉ giết giặc Ngô cứu nước.

Toàn quân lại hô vang:

-Chúc mừng Chủ tướng!

-Chúc mừng Chủ tướng!

Triệu Trinh Nương chắp tay và nói:

-Đa tạ các huynh đệ và tướng sĩ đã tín nhiệm. Ta sẽ cố hết sức cùng các huynh đệ và tướng sĩ ra sức giết giặc Ngô, thỏa lòng mơ ước và hoài bão của chúng ta, đáp ứng lòng mong mỏi của bách tính Lạc-Hồng.

Đó là năm 247, Triệu  Trinh Nương trở thành trụ cột của phong trào khởi nghĩa lớn nhất ở Giao Châu chống nhà Đông Ngô thế kỷ III. Từ Tư Phố, Triệu Trinh Nương đã sai các thám mã về các địa phương truyền mệnh lệnh, cắt cử các hào trưởng người Việt và thủ lĩnh nghĩa quân nắm lấy chính quyền các cấp thay cho chính quyền Đông Ngô đã sụp đổ, bảo vệ nhân dân để nhân dân an cư lạc nghiệp. Triệu Trinh Nương dự tính sẽ đem quân ra đánh Luy Lâu, giải phóng Giao Chỉ, đưa cuộc khởi nghĩa chống Đông Ngô lan tràn cả nước.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-32-a6507.html