Cái lớn và cái nhỏ, được và mất

Đào Tiềm (352 hoặc 369-427), đời Đông Tấn, hiệu là Uyên Minh, tên chữ là Nguyên Lượng. Đào Tiềm từng làm Huyện lệnh huyện Bành Trạch, cho nên còn gọi là Đào Bành Trạch.

Quê Đào Tiềm ở Tầm Dương, nay thuộc tỉnh Giang Tây. Cha Đào Tiềm là Đào Dật, làm Thái thú An Thành. Mẹ ông là con gái danh sĩ Mạnh Gia. Ông nội, cụ nội của Đào Tiềm đều làm quan giữ chức Thái thú. Đào Uyên Minh là một nhân vật được người đời ngợi ca về khí phách không chịu sống cúi luồn. Thơ ca các nhà Nho nước ta, cũng hết lời ca ngợi cốt cách kẻ sĩ quân tử của Đào Tiềm, như một tấm gương sáng của muôn đời.

Năm 40 tuổi, Đào Tiềm làm chức Huyện lệnh Bành Trạch lấy chút lương bổng nuôi vợ nuôi con. Nhưng mới chỉ làm quan được 80 ngày. Một hôm có viên Đốc bưu địa phương đến huyện đường, nha lại khuyên Đào Tiềm nên khăn áo chỉnh tề ra đón khách. Ông than rằng: “Ta lại có thể vì năm đấu gạo mà phải cúi ngửa vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ư”? (Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu quyển quyển sự, hương lý tiểu nhân đa)! Cảm thấy như mình bị xúc phạm, ngay hôm ấy, Đào tiên sinh viết luôn bài QUY KHỨ LAI TỪ (Lời bày tỏ việc trở về), rồi treo ấn từ quan, về quê cày ruộng tự kiếm kế sinh nhai...

67b753f6871d7143280c-1631774431.jpg
Tác giả Vũ Bình Lục

Năm 418, lúc ấy Đào Tiềm 53 tuổi. Lưu Dụ giết Tấn An Đế, mời Đào Tiềm ra làm quan, nhưng ông kiên quyết từ chối. Năm Đào Tiềm 62 tuổi, gặp lúc thiên tai mất mùa đói kém, ông phải đi gõ cửa xin ăn. Sách TRUYỆN ĐÀO UYÊN MINH đời nhà Lương kể: “Khi Thứ sử Giang Châu Đàn Đạo Tế đến thăm thì thấy nhà thơ nằm co ro, nhịn đói đã mấy ngày rồi. Đạo Tế cho đưa thịt rượu tới, ông vẫy tay bảo đưa ra, không nhận. Không bao lâu thì mất”, hưởng thọ 63 tuổi. Đó là năm 427 thời Nam Bắc triều. Người đời sau thu thập thơ văn của Đào Uyên Minh, làm 10 quyển, gọi là ĐÀO UYÊN MINH THI VĂN TẬP, trong đó có 120 bài thơ.

Đào Tiềm có một cây đàn không dây. Trong bài PHÓNG CUỒNG CA (Có người gọi là PHÓNG CUỒNG NGÂM) của Hưng Ninh Vương Trần Tung (tức Tuệ Trung Thượng Sĩ), anh trai Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, thấy tác giả cũng nhắc đến cái cây đàn không dây. Nghĩ đó chỉ là cây đàn chỉ thấy trong mường tượng huyền ảo, hóa ra đó là cây đàn có thật, của chính danh sĩ Đào Uyên Minh. Mỗi lần khách bạn thơ đến chơi, uống rượu ngâm thơ, Đào Tiềm đều đem cây đàn không dây ra, ôm, ca, rồi nói: “Chỉ cần cái thú trong (hồn vía) của đàn, đâu cần âm thanh”! Điều này thể hiện quan điểm coi trọng bản chất tự nhiên của Đào Tiềm.

Đốc bưu là một chức quan được phái đến để kiểm tra xem xét việc thi hành nhiệm vụ của quan sở tại như thế nào, tốt xấu ra sao. Nếu như quan sở tại “biết điều”, thì nhất thiết phải có món bạc nào đó, đút vào mồm viên Đốc Bưu, tất sẽ được tên này về báo cáo quan trên bằng lời lẽ “hảo hảo”! Ở thời Tam Quốc, Trương Phi cũng được Lưu Bị cử làm Đốc bưu về xem xét công việc của quan huyện Bàng Thống (Bàng Sĩ Nguyên). Bàng Thống tài cao chả kém gì Khổng Minh, được Khổng Minh tiến cử. Lúc đầu, Lưu Bị chỉ cho Bàng Thống cái chức quan huyện bé tẻo teo, chả bõ. Vậy nên Bàng Thống chỉ uống rượu say sưa tối ngày, chả thèm mó đến công việc hành chính. Đốc bưu Trương Phi thấy vậy, quở trách Bàng Thống bỏ bê việc quan. Bàng Thống bảo Trương Phi thư cho vài ngày. Và cũng chỉ trong vài ngày, công việc giấy tờ dồn ứ vài ba tháng, Bàng Thống giải quyết xong ngay, đâu ra đấy. Lưu Bị biết tài Bàng Thống, mới quyết định mời ông về làm Quân sư cùng Gia Cát Lượng.

Đào Tiềm đời Tấn cũng vậy. Nhưng cách giải quyết của ông thì khác. Ông trả lại ấn tín, từ quan, về quê tự làm ruộng để sống, lấy thơ văn và hoa cúc làm vui. Tuy nhiên, cuộc sống đời thường, cơm áo không đùa với khách thơ. Bổng lộc không có một trinh, mà cứ rượu chè thơ phú, gặp năm mất mùa đói kém, lấy gì nuôi vợ nuôi con?

Đào thi sĩ rất nghèo, có lúc phải đi xin, rồi chết trong nghèo khổ. Xót thương bậc tài cao đức trọng, các danh sĩ đời xưa ai cũng ca ngợi khí tiết Đào Tiềm. Ông không chịu hợp tác với họ Tư Mã (Tư Mã Ý), với cả họ Lưu. Ông kiêu hãnh trở về tự cày ruộng mà ăn, đọc sách, làm thơ. Đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn viết: “Chính vì ông có nhân cách, nên ông mới vĩ đại”. Ông Dương Quảng Hàm (Việt Nam) viết: “Về văn từ, lời thơ ông bình thường, điềm đạm, mới đọc không lấy gì làm hay, làm lạ, nhưng ngẫm nghĩ kỹ mới thấy thú vị, đậm đà”. Ông Lâm Ngữ Đường viết: “Ông không hề làm một vị quan lớn, không có quyền uy, không có sự nghiệp nào cả, chỉ một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn, mà Đào Uyên Minh chiếu sáng cổ kim như một ngọn đuốc lớn, và được văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho một nhân cách cao quý nhất. Đời ông vô tư, tự do, khiêm tốn, giản phác. Ông có thiên tài cảm được và tả được một lối sống điều hòa, thiên tài đó tới cái mức hoàn toàn tự nhiên, bình dị mà từ xưa chưa có ai đạt được… Có người cho rằng ông chủ trương lánh đời, nhưng không phải vậy. Ông lánh chính trị, chứ không lánh đời…”. Dịch Quân Tả, một học giả Trung Quốc dẫn lời Tô Đông Pha đời Tống, nói rằng “Uyên Minh muốn làm quan thì làm quan, không lấy việc cầu cạnh làm hiềm, muốn ở ẩn thì ở ẩn, không lấy việc ra đi làm cao. Đói thì gõ cửa mà xin ăn, no thì thịt rượu cơm nếp đãi khách. Bậc hiền xưa nay đều quý sự chân thật ấy”.

Nhưng thi sĩ Vương Duy (701-761), tên chữ là Ma Cật, hiệu là Ma Cật cư sĩ, từng làm quan đến chức Thượng thư ở thời Thịnh Đường, cũng thích ở ẩn. Vương Duy có cái trang trại, thích về đó nghỉ ngơi, đọc sách, nghiên cứu Phật học, vẽ tranh, làm thơ, chơi đàn… thì cho rằng “Đào Uyên Minh đã bỏ cái lớn mà giữ lấy cái nhỏ, không chịu nhục một lần, nhưng lại chịu nhục cả đời”. Vương cũng cho rằng Đào Uyên Minh chỉ lo rượu thơ, mà không lo được sinh kế cho gia đình, đáng xấu hổ với vợ con”. Như thế, được và mất nên hiểu thế nào cho phải?

Ở đời Đường Huyền Tông, Lý Bạch tài hoa, khí phách lắm. Ông được lưu giữ làm chức quan chỉ cần làm có mỗi việc duy nhất là làm thơ ca ngợi nhan sắc Dương Quý Phi thôi, nhưng Lý Bạch phóng túng khinh đời chả thèm ở lâu bên cạnh đám quần hồng son phấn. Thi nhân chống kiếm ngao du khắp thiên hạ, say sưa với rượu với thơ cùng bạn bè, không lúc nào ngơi. Nhưng Lý Bạch khá giàu, mỗi ngày tiêu tốn cả vài trăm lượng bạc, múa kiếm vui say thơ phú với bạn bè. Người đời ca ngợi Lý Bạch là Thi tiên. Lý tự cho mình là Trích Tiên, tức là ông Tiên do trời sai xuống hạ giới. Say đến mức nhìn trăng dưới ao, ông liền nhảy xuống ôm lấy trăng. Tất nhiên là chết đuối cùng trăng. Nhưng Lý Bạch sống mãi cũng trăng.

Đỗ Phủ là bạn của Lý Bạch, không có cái may mắn như Lý Bạch. Có lúc làm quan “Tả Thập di”, chuyên việc can gián vua. Nhưng có mấy ông vua nào thích nghe bề tôi phê phán đâu. Trái ý vua là bị cách, bị biếm đi xa, Như Bạch Cư Dị đấy. Đỗ Thiếu Lăng từ quan, lang thang trong thời loạn, đến nỗi vợ con cũng chẳng biết lưu lạc ở đâu. Cuối cùng thì Đỗ Phủ một mình lênh đênh trên sông, đói nghèo tật bệnh, chết trong con thuyền cô đơn lạnh lẽo, không ai biết.

Lại nghĩ thêm rằng, trời sinh ra con người, tính tình chẳng thể bắt ai giống ai. Cái được cái thua, cái lớn cái nhỏ, cái hay cái dở, khó mà luận bàn cho thấu lý đạt tình. Tuy nhiên, Đào Tiềm vẫn sống mãi trong văn chương kim cổ, chẳng những ở Trung Quốc, mà còn ở một số nước ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, đặc biệt sâu sắc nhất là nước ta vậy!

Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cai-lon-va-cai-nho-duoc-va-mat-a6510.html