Hàng Bột – cái nôi bóng đá của Đống Đa

Xưa đường phố Hà Nội ít xe qua lại. Ở phố Hàng Bột  (bây giờ là phố Tôn Đức Thắng – Đống Đa – Hà Nội), cứ tối đến là bọn trẻ con mang bóng ra đường đá. Có chỗ, những đứa khác chơi su vê, sút xanh hoặc chơi bi, đánh đáo ngay trên mặt đường. Thi thoảng có người đạp xe qua, họ phải ngoáy chuông đến mỏi tay mới được bọn trẻ con nhường lối.

hang-bot-1631852569.jpg
 

Ban ngày thì tụi đá bóng rủ nhau vào phố Phan Văn Trị. Mỗi ngày xe ô tô của Xí nghiệp Dược phẩm TW 1 chỉ vài chuyến xe ra vào. Còn lại, đấy là thế giới của bọn trẻ con phố Hàng Bột. Lúc ấy phố Phan Văn Trị cũng có vài đứa tham gia. Đa phần chúng ít tuổi hơn và ít người hơn nên toàn bị bọn ngoài phố Hàng Bột vào chiếm chỗ chơi.

Trong khu kho của xí nghiệp bên kia đường, quãng số nhà 83-85 Hàng Bột cũng có bãi cỏ to. Trên sân đấy thường xuyên diễn ra các trận đấu giữa bọn trẻ nhà số 89-91 với các con ông Bạch ở số nhà 150. Con ông Bạch có Khanh “ốc’, về sau đá ở đội CAHN. Mấy anh em đá gắn kết như có nghề nhưng đám trẻ nhà 89-91 hễ có Hữu Đoàn là con ông Đỗ Văn Cổn (Chủ tịch quận) vào đá thì thường chiến thắng. Đoàn đá khéo, một mình đá bằng mấy người. Đoàn đi bộ đội, hy sinh tại chiến trường. Nếu không, Đoàn sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Chợ Giám, khi chuyển vào ngõ Thông Phong, nền chợ cũ nay là vườn hoa Giám cũng là sân đá bóng của các cầu thủ nhí Hàng Bột.

Nổi tiếng nhất và thành danh sớm nhất trong bóng đá ở phố Hàng Bột là ông Phan Đức Âu. Ông đá ở đội Hoàng Diệu, sau về đội Công an Hà Nội. Giải nghệ, ông về làm thể thao chuyên trách tại Sở Công an Hà Nội. Kế đến là anh em ông Đức, ông Tám ở 40 Hàng Bột. Ông Trần Đình Đức đá ở CAHN, sau làm huấn luyện viên cho đội đến khi nghỉ hưu. Em ruột ông Đức là ông Tám, đá cho đội Thanh niên Bộ Công an. Hiện gia đình ông Đức chuyển về phố Đội Cấn, là nơi ông Đức sinh ra và lớn lên.

hang-bot3-1631852569.jpg
 

Ở số nhà 83 Hàng Bột có ông Bảy, đá ở đội Nam Định, sau lên Hà Nội ở. Nhà số 83 trước là nhà Săm (nhà thổ) thời Pháp nên ông Bảy còn có biệt danh là Bảy “nhà thổ” hay do tính ông nóng nên còn bị gọi là Bảy “chó”. Các biệt danh này chỉ các anh lớn ở phố mới gọi. Bọn trẻ chúng tôi chỉ dám gọi là ông Bảy Nam Định.

Cùng thời với ông Bảy ở phố Hàng Bột là ông Niết, ông Thời.

hang-bot2-1631852569.jpg
 

Ông Niết ở số nhà 93 Hàng Bột. Giáp đằng sau nhà ông Niết là nhà ông Thời. Gần nhà xa ngõ. Vào đến nhà ông Thời, phải vòng qua ngõ Văn Hương mới vào tới nhà ông.

Ông Niết và ông Thời toàn đá bóng bằng giày đinh, loại giày có tăm pông bằng những miếng da đóng chồng lên nhau ở dưới đế. Có lúc miếng da bị bật, đinh nhô lên tua tủa, trông rất sợ. Hai ông này đá cho các đội của thành phố. Các ông hay đá sân Tập kèn, Septo (Hàng Đẫy), Mangin (Cột cờ) hay sân Long Biên. Những chỗ đấy dành cho các anh lớn vào đá bóng. “Đội bóng phố tôi” của đám trẻ con, được đá trên đường phố là mãn nguyện lắm rồi.

Cầu thủ hạng B thành phố xuất phát từ Hàng Bột nhiều vô kể. Lớn lên, tôi có dịp đá phong trào với anh Căn, anh Bản, Trực “lùn”, Long “kếu’, Mùi “sẹo”…, vẫn kính nể kỹ thuật và đường nét đá bóng của các anh. Riêng anh Căn, còn gọi là Căn “con” vì dáng người nhỏ đã được thầy tôi là ông Tòng “cháy” nhận xét : “Căn nó đá kỹ thuật rất khéo. Ở Hà Nội, ít người đá khéo bằng nó”. Anh Căn đá ở Thanh niên Hà Nội, sau về đội Thủ công nghiệp, rồi Xe điện.

Đầu phố Hàng Bột có 3 anh em nhà Viết Cường. Cả ba anh em Cường, Việt, Hòa con ông Giật đều đá hạng A. Chỗ đầu ngõ Thông Phong có thủ môn Quang, trước đá Quân khu thủ đô, sau về Toa xe Hà Nội. Lui xuống đoạn phố Phan Văn Trị có Hoa Mạnh Hưng, đá Quân khu Thủ đô.

Số 6 Hàng Bột có Hoành “bò kệu”, 150 có Khanh “ốc”, 91 có Thiết “quài” và ở 165 có Bình “mẩu”. Cả 4 người đá cho đội CAHN, tạo thành nhóm Hàng Bột trong đội CAHN xưa.

Những cầu thủ là rể phố Hàng Bột hoặc chỉ ở Hàng Bột một thời gian thì nhiều, kể ra phải hết cả trang giấy.

Bây giờ ở phố Hàng Bột ít người theo nghiệp đá bóng. Xã hội đi theo hướng khác và nền kinh tế thị trường khiến lớp trẻ ở phố không theo nghiệp bóng tròn. Các trung tâm đào tạo trẻ bây giờ đa phần là các học viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Những đứa trẻ chốn thị thành, giờ chúng có mối quan tâm khác.

hang-bot4-1631852569.jpg
 

Theo Chuyện làng quê

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hang-bot-cai-noi-bong-da-cua-dong-da-a6512.html