Kỳ vương ẩn mặt

Sau 1975, Bến xe Núi Sập - Long xuyên nằm bên nay cầu Cống Vông, gần chân cầu là Bến Đá xuồng ghe tấp nập, bến Tàu cũng ở đó nên tất đông vui. Ngay đó có cái trại Hớt tóc Bình dân của chú Ba.

Chú sống một mình, thuê một phòng trọ gần đó tuy là hớt tóc Bình dân nhưng chú Ba lúc nào cũng chỉn chu áo bỏ vào quần, đầu lúc nào cũng đội cái nón nỉ nhìn bộ dáng kham khổ chú giống một ông Thầy giáo làng hơn ông thợ Hớt tóc.

chu-qu1q-1631852549.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Gia tài của chú không có gì ngoài cái radio Philip loại 3 băng , một cây guitar nhạc cũ mèm và một bàn cờ tướng bằng gỗ, mỗi lần đánh tiếng gõ chan chát thật vui tai.

Khi không có khách hớt tóc, chú Ba thường bày bàn cờ ra ai rủ chú cũng chơi, đánh với ai chú cũng thua nên ai cũng gọi cờ chú là thuộc loại "cờ cơm". Mà mỗi ván đánh dăm ba điếu thuốc cho nó thơm "râu", có điều đánh tuy không ăn ai nhưng ai rủ chú cũng chơi, khi có khách hớt tóc là chú xua bàn cờ coi như thua non vậy.

Chiều chiều chú mua rượu mua mồi mời vài chiến hữu thân quen biết ca hát lại nhậu, vừa lai rai vừa ca hát mấy bài nhạc não tình buồn hiu hắt. Chưa bao giờ chú Ba nói về gia đình, vợ con hay quê quán của mình. Nhưng bà con lối xóm biết chú chắc có tâm sự gì đó nên cũng chẳng ai tìm hỏi làm gì.

Tụi thanh niên trong niên trong xóm càng ngày càng thích chú Ba , ban ngày thì tụi nhỏ bu lại đánh cờ, ban đêm thì xúm lại nghe chú Ba hát mấy bài Bolero, mà chú Ba hát riết rồi tụi nhỏ từ từ đứa nào cũng biết hát.

Một hôm có mấy tay cao thủ cờ tướng tìm đến trại hớt tóc rủ đánh cờ ăn tiền, mấy tay ghe chở đá có tiền nên nhào vô đánh. Càng đánh càng thua, những tay cờ cao nhất đều thua te tua và chạy mặt. Anh chàng cao thủ vừa gom tiền vừa cười nham nhở:

- Còn ai đánh giỏi nữa không?Hết cao thủ rồi hả?

Phe thanh niên trong xóm im re, lúc đó chú Ba mới nói:

- Còn tui nè...

Cả bọn cười ồ lên vì ai cũng biết cờ của chú Ba là dạng cờ cơm thì đánh ăn ai?

Chú Ba từ tốn nói:

- Mấy chú muốn đánh mà đánh bao nhiêu cho tui biết để tui tiếp.

Một tên cười vang:

- Đánh hết số tiền thắng này dám không ông già?

- Có gì mà không dám. Để tui đi lấy tiền.

Nói xong chú Ba vô nhà lấy hết số tiền chú dành dụm mấy năm nay ra đặt lên bàn sau khi đôi bên đậu đủ tiền giao cho trọng tài giữ hẳn hoi.

Bên ngoài ai cũng lo cho chú Ba vì chú là tay cờ yếu nhất xóm mà ai cũng biết, làm sao đấu lại tụi cờ cao thủ này.

Nhưng chưa đầy chục nước thì chú Ba đã chiếu bí được đối thủ. Đánh thêm vài ván nữa cũng y như vậy.

Tên kỳ bẻo xanh mặt mày vì biết hôm nay mình đã đụng tới một cao thủ thứ thiệt và chắp tay xin hàng.

Chú Ba đưa hết số tiền thắng cược nhờ chia lại cho mấy người đã thua, còn một ít chú Ba đưa trả lại cho anh kỳ thủ dỏm chú nói:

- Cờ tướng chỉ là môn giải trí trí tuệ, mục đích là chơi cho vui thôi. không nên lấy nó làm mục đích kiếm tiền, học được dăm ba nước cờ tưởng đâu mình đã hơn cả thiên hạ đi đánh với những người cờ thấp hơn mình chẳng hay ho gì đâu. Tui cũng vì cờ tướng mà tán gia bại sản, vợ con giận tôi mà bỏ đi lúc tôi ở tù vì tội cờ bạc. Trong tù cũng may là học được cái nghề hớt tóc này để kiếm cơm ngày hai bữa. Khi ra tù thì vợ con nhà cửa cũng không còn, tôi đã thề là không bao giờ đánh cờ ăn tiền với ai nữa, hôm nay cũng vì mấy chú mà tôi phá lời thề của tôi.

Nói xong chú Ba cầm bàn cờ ra bến sông quăng tuốt.

Vài hôm sau thì chú Ba trả căn phòng trọ, chú về quê hay đi đâu chẳng ai biết. Có người nói vợ con chú đã đi tìm chú? Có người thì nói chú Ba về quê để trị bệnh lao? Nhưng dầu cho chú đi đâu về đâu bọn trẻ xóm đá cầu Cống Vông vẫn nhớ mãi ngón đàn guitar của chú Ba nhớ mãi một ông thợ Hớt tóc lạc quan yêu đời và cũng là một Kỳ Vương ẩn mặt.

(Viết theo lời kể của nhà thơ Phù sa)

Theo Chuyện quê

Bùi Trung.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-vuong-an-mat-a6547.html