Đêm ấy có một giọng hát Xa khơi làm mẹ tôi hết sức chú ý, chăm chú theo từng lời cháu hát. Mắt mẹ tôi như ẩn giấu nhiều niềm vui , khi tiếng hát ấy bay lên, khi Ban giám khảo xướng tên cô là người đoạt giải nhất cuộc thi. Và điều đặc biệt hơn, ngay trên sân khấu lộng lẫy, trước ống kính truyền hình có cả triệu người xem, với một niềm xúc động vô biên, cô gái ấy bỗng nhắc đến tên mẹ tôi.
Cô gái tâm sự rằng mẹ cô chỉ là một người công nhân nghèo làm gạch dưới chân một ngọn núi Kim Bảng - Hà Nam nhưng bởi yêu tiếng hát của nghệ sĩ Tân Nhân nên khi sinh cô ra, chị đã đặt tên con là Tân Nhàn, gợi nhớ tên người nghệ sĩ mà chị yêu thích. Và đến cuộc thi này, cô gái mang tên Tân Nhàn đã hát bài hát Xa khơi gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ Tân Nhân, cũng là bài hát đã nằm lòng cô suốt tuổi ấu thơ. Không phải những dòng nước mắt trào ra trên mắt mẹ tôi, mà dòng nước mắt xúc động ấy lại chảy trên má tôi. Tôi thầm cám ơn Tân Nhàn qua những tâm sự của cô, và hiểu ra rằng, dù mẹ mình đã gặt hái nhiều vinh quang trên con đường nghệ thuật, nhưng đây là lần đầu có một vinh quang giản dị như thế: Có một người lao động nghèo, yêu tiếng hát của bà, đã lấy tên bà đặt tên cho con gái của mình.
Trên gương mặt của mẹ tôi là một nụ cười se sẽ, một cái nhìn đầy trìu mến lên màn ảnh truyền hình đang rực rỡ cô bé mang tên Tân Nhàn. Tôi biết với mẹ tôi như thế là xúc động lắm, là vui lắm. Mẹ thốt lên với tôi: “Con bé dễ thương quá. Nó có giọng hát rất đẹp, giàu nhạc cảm, lên sân khấu cũng xinh xắn. Không biết nó đang học ai ở Nhạc viện nhỉ? Có thầy tốt thì nó sẽ đi rất xa”. Cuộc thi bế mạc đã lâu, ti vi đã tắt, nhưng dường như mẹ tôi vẫn còn đang thao thức. Sáng sớm hôm sau, mẹ cầm tay tôi nhắn nhủ: “Có dịp ra Hà Nội, con nhớ tới thăm và chuyển lời cảm ơn của mẹ tới mẹ của cháu Tân Nhàn nhé. Cảm ơn tình cảm của chị ấy với tiếng hát của mẹ. Cảm ơn vì gia cảnh của chị ấy rất khó khăn mà vẫn quyết cho con gái theo con đường nghệ thuật. Thêm nữa, nếu có thể thì con gọi điện chuyển lời chúc mừng của mẹ tới cháu Tân Nhàn, nói với cháu rằng với đà này, nếu tiếp tục tu dưỡng, học tập tốt, cháu sẽ đi xa trên con đường nghệ thuật. Con cũng nói với cháu nếu có dịp vào Sài Gòn, cô Tân Nhân mời cháu lại nhà chơi nhé”.
15 năm kể từ ngày ấy, cuối năm 2020 tôi mới có dịp gặp người ca sĩ trẻ giải nhất Sao Mai. Tôi ra dự Đại hội Hội nhà văn Việt Nam và tranh thủ một khoảng thời gian rảnh mời cháu đến để tặng cuốn sách mới của tôi có bài viết về cháu để nhớ năm xưa tôi đã thầm cảm ơn Tân Nhàn. Chính tiếng hát và những tâm tình của cháu về mẹ tôi trên sân khấu lúc đăng quang đã mang lại niềm vui, đã xoa dịu trái tim vốn đau yếu của mẹ tôi như thế nào, đã mang thêm sức sống và tình yêu cuộc đời cho mẹ tôi lúc xế chiều ra sao. Tôi cũng không quên được những bông hoa mẹ thay mỗi ngày để lúc nào cũng tươi đẹp, những buổi chiều mẹ cứ đăm đắm nhìn ra cửa như thể trông chờ một tiếng chuông reo, trông chờ người ca sĩ trẻ xinh xắn ấy sẽ bước vào. Người nghệ sĩ già sẽ ôm lấy tài năng nghệ thuật trẻ mà hôn nồng nàn. Hai thế hệ sẽ ngồi bên đàn cùng ca hát, mẹ sẽ trao gửi cho cháu những kinh nghiệm nghệ thuật và những kinh nghiệm đường đời.
Năm tháng trôi qua, những bông đã héo quắt trên bàn. Mẹ tôi cũng đã không còn nữa... Nhưng mong ước của mẹ tôi với cháu ngày ấy hôm nay đã phần nào thành hiện thực: Tân Nhàn trở thành một ngôi sao, một giọng hát xuất sắc của dòng hát dân gian mà năm xưa mẹ tôi hằng suốt cuộc đời theo đuổi. Tiếng hát của Tân Nhàn là tình yêu lớn của nhiều thế hệ. Như năm xưa bao thế hệ yêu quý, ngưỡng mộ tiếng hát “Tân Nhân với ca khúc Xa khơi” thì hôm nay cũng bấy thế hệ yêu quý, ngưỡng mộ “Tân Nhàn với Xa khơi”. Chưa hết. Với riêng tôi còn thêm một niềm cảm kích. một lời cảm ơn, ngàn lần cảm ơn nữa, của Tân Nhàn với những thủ trưởng, đồng đội của tôi ở mặt trận Lào: Ấy là mới đây, chúng tôi có xuất bản một cuốn sách về BT 13 của tôi, và nói thật cũng có ý định bán sách lấy tiền để ủng hộ những đồng đội, những cựu chiến binh của đơn vị tôi tuổi đã 70, 80 cả. Đại tá Dư Cao Sơn con chính ủy Dư Cao, đại tá Đào Ngọc Anh con bộ trưởng Đào Thiện Thi, cháu Lê Ngọc Hiếu cháu nội TBT Lê Duẩn, BS Hoài Thu (hiện đang trong BV dã chiến ở Bình Dương) và nghệ sỹ Tân Nhàn đã nhiệt tình mua sách ủng hộ với số tiền đáng kể.
Phần của Tân Nhàn, tôi chia làm 3 suất, dành cho những thủ trưởng lớn tuổi nhất, đau yếu nhất, với ý nghĩa đó là những niềm vui cuối đời, những liều thuốc bổ tinh thần cho các thủ trưởng. Tôi đã mang phần quà ấy vào tận Viện 108 tặng cho Đại tá Nguyễn Phú Nho, nguyên Cục trưởng Cục chính trị Tổng cục Hậu cần. Ông xúc động quá, nước mắt chảy trên gò má, thốt lên: “Mình yêu tiếng hát Tân Nhàn lắm”. Suất thứ hai của Tân Nhàn, tôi gửi về Hải Phòng, “ưu tiên” thủ trưởng trực tiếp của tôi là Thượng tá Phạm Trung Nhân, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Hải quân, 80 tuổi, một đời đi dàn dựng không biết bao nhiêu chương trình ca múa nhạc nhưng trong cơn tai biến, có quà tặng của người nghệ sỹ xuất sắc Tân Nhàn mà ông vô cùng yêu mến nhưng chưa một lần gặp. Và phần thứ ba, tôi gửi vào tận Cần Thơ cho Chính ủy Trung đoàn Hoàng Ngọc Chấp, cũng đã 85 tuổi. Anh Chấp cảm động và thấy vinh dự quá, liền chia phần quà của Tân Nhàn gửi ra làm hai (mỗi người 2 triệu) để gửi cho một chiến hữu, cũng là thủ trưởng của tôi ở mặt trận Lào là Trung đoàn trưởng Đại tá Hoàng Anh Phúc, năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi. “Này, quà của nghệ sỹ Tân Nhàn đấy nhé. Một vinh dự bất ngờ ông ạ. Bởi là của Tân Nhàn nên tôi chia ra mời ông cùng hưởng. Sống chết mãi với nhau rồi...”.
... Thế đấy Tân Nhàn. Không chỉ với mẹ tôi, mà cả với nhiều những cựu chiến binh của thế hệ trước, cháu đều rất ân tình. Càng qua năm tháng, tiếng hát của cháu càng hay, tâm hồn càng lung linh thêm nhiều vẻ đẹp. Cảm ơn cháu rất nhiều.
Theo Trái tim Người lính
CCB Châu La Việt
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tan-nhan-cang-them-nam-thang-tieng-hat-cang-hay-tam-hon-cang-lung-linh-nhieu-ve-dep-a6558.html