Quà tặng cuộc đời - viết cho người lính trở về

Đêm nay, trăng Xuân mới sáng làm sao. Vầng trăng tròn vành vạnh, trong vắt giữa trời đêm như báo hiệu bao điều tốt lành mãn viên hạnh phúc của hai người lính vừa đi qua chiến tranh gian khổ trở về . . .

qua-tang-cuoc-doi-1632015832.jpg

Vào một ngày cuối năm 1955 một lần đem hàng vào Thanh Hóa bán, sau khi giao hàng xong chờ chuyến xe đêm về nhà, tôi thơ thẩn dạo chơi quanh thị xã. Khi đi qua một quán nước nhỏ ven đường, tôi nhìn thấy mấy anh bộ đội đang ngồi uống nước, chuyện trò rôm rả. Thấy các ah nói tiếng Bắc tôi buột miệng hỏi:

- Các anh bộ đội ơi, có anh nào quê Thái Nguyên không?

Những tiếng cười vô tư trong trẻo ồ lên và một tiếng trả lời:

- Có anh này chị ơi!

Tôi nhìn theo những bàn tay chỉ vào một anh ngồi phía bên trong gặp khuôn mặt một người lính khoảng 27, 28 tuổi rất đẹp trai pha chút nắng gió chiến trường càng đẹp vẻ phong trần. Một khuôn mặt chữ điền cương nghị rất đàn ông với chiếc mũi dọc dừa, cái miệng rất duyên vì cái răng khểnh thụt vào. Anh là thương binh hỏng một mắt trái nhưng con mắt còn lại đẹp như mắt "tài tử". Con mắt có đuôi dài lại đen và sâu dưới hàng mi dày thăm thẳm và cặp lông mày sắc nét. Tôi ngờ ngợ vì khuôn mặt quen quá, bật kêu lên:

- Phương, cậu Phương con cụ Hậu ở thị xã phải không? Chị là chị giáo Duy đây (tên chồng tôi).

Người lính có tên Phương đứng bật lên chạy đến nắm lấy tay tôi:

- Chị... Chị ơi, có phải gia đình em...

Tôi nhìn thấy nét xúc động thoáng nhanh, tái mét trên khuôn mặt dãi dàu của người lính, bàn tay em run run dưới tay tôi. Tôi cũng xúc động không kém vì lần đầu tiên tôi nhìn thấy người lính khóc không thành tiếng, tiếng khóc được nén lại thành tiếng nấc và dòng nước mắt rân rấn như đang chảy ngược vào trong. Tôi vuốt nhè nhẹ bàn tay em mà nghẹn ngào:

- Chỉ ông với chú Lâm thôi em ạ. Bà và mọi người vẫn còn sống nhưng nhà cửa, vườn tược bị tịch thu cả rồi. Bây giờ bà ở với cô Tâm về thị xã làm nhà trên mảnh đất nhà em tiêu thổ kháng chiến ở thị xã rồi. Nhưng cô Tâm cũng khó khăn lắm, chồng công nhân hai con nhỏ vất vả lắm em ơi!

Em lặng im không nói gì, một lúc sau như đã trấn tĩnh lại em nói với tôi bàng giọng trầm trầm nghèn nghẹn:

- Chị ơi, cuối năm 1954 em tập kết ra đến đây và tạm đóng quân ở đây huấn luyện tân binh chờ trên phân công ra Bắc, em nghe tin bố mẹ và các em chết cả rồi nên em xin ở lại đây không về nữa, không ngờ hôm nay em gặp chị ở đây.

Tôi vội cướp lời em:

- Không được em ơi, em phải về với mẹ, từ ngày em đi Nam ở nhà không nhận được tin tức gì của em bà đã lo lắng, khổ sở lắm rồi cứ tưởng em đã hy sinh. Bà chỉ còn trông cậy vào em, bà mà biết em còn sống bà mừng lắm đây .

Các anh bộ đội từ nãy giờ vẫn im lặng suốt thời gian chị em tôi trò chuyện, họ như bị cuốn vào câu chuyện thương đau mà xót xa thương bạn, giờ mới có một anh lên tiếng:

- Thôi anh Phương ơi, sắp đến giờ điểm quân rồi ta xin phép chị về đi.

Phương xiết chặt tay tôi giọng xúc động:

- Chị ơi, giờ em phải về đơn vị nhờ chị về nói với mẹ và em em là em còn sống sẽ về với mẹ trong thời gian gần đây. Chị giúp em chị nhé, em cảm ơn chị . Chào chị em về. . .

Một loạt tiếng chào của các chàng lính cất lên:

- Chúng em chào chị, chị về bình an nhé.

Tôi đứng lặng nhìn theo đến lúc các em đi khuất sau một ngã ba đường. Bỗng một cảm giác lâng lâng rộn lên trong lòng lẫn lộn buồn vui. Vui vì chuyến đi này tình cờ tôi lại gặp một người lính cùng quê để giúp em mang tin vui về cho người mẹ già đang đau khổ mỏi mòn trông đợi gần như vô vọng vì hòa bình hơn một năm rồi vẫn biệt tin con. Buồn vì thương em quá, tôi biết em từ bé vì cùng học với chị gái cả của em. Phương sinh ra trong một gia đình nền nếp lại có lòng yêu nước, em trai Phương mới 17 tuổi đã tham gia Việt Minh và hy sinh ở chiến khu năm 1944 trước ngày CMTT thành công. Phương là chàng trai sôi nổi đã là hướng đạo sinh từ hồi đang học thành chung. Trước CM em là liên lạc của Ủy ban khởi nghĩa Thái Nguyên thường xuyên chuyển công văn từ TN lên Tân Trào với ban khởi nghĩa toàn quốc. Chính em và một đồng chí cán bộ VM đã mang lệnh khởi nghĩa Thái Nguyên từ Tân Trào về. Sau khởi nghĩa em lại là một trong những thanh niên tình nguyện Nam tiến đầu năm 1946 và biền biệt chiến đấu ở miền Nam cho đến hôm nay mới được biết tin nhà.

. . . Sau lần chị em gặp nhau ở Thanh Hóa đến đầu năm1957 tôi được em đến mời dự đám cưới em. Em kể với tôi em lấy Dung cô bé cùng phố bạn học của Loan em út của Phương . Dung con nhà khá giả ở thị xã ngày xưa, ngoan ngoãn và được mọi người ở thị xã nhất là cánh con trai phong cho "danh hiệu" hoa khôi của thị xã từ lúc mới chớm tuổi trăng tròn. Hoàn cảnh Dung mồ côi sớm, tham gia kháng chiến sớm và đã từ người lính mà vào đời . Em kể với tôi mà nét mặt ngời ngời hạnh phúc, tôi biết em đang yêu và được yêu. Tôi mừng cho em vì hai em tuy không cùng trang lứa, nhưng sinh ra và lớn lên trong cùng một con phố, biết quá khứ tốt đẹp về nhau lại chung màu áo lính đã đi qua chiến tranh gian khổ, mất mát. Khi con người đã từng đứng trước sự sống chết chỉ trong gang tấc, lòng con người trong trắng, sáng ngời nên các em dễ thông cảm dành cho nhau những tình cảm trong sáng, vô tư không hề mảy may toan tính đời thường.

Trong buổi lễ thành hôn theo đời sống mới giản dị mà trang trọng của hai em, khi nghe vị chủ hôn tuyên bố họ chính thức nên vợ nên chồng, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng khi nhìn thấy nét mãn nguyện trên khuôn mặt phúc hậu già nua của người mẹ liệt sĩ, thương binh mà một đời chịu nhiều giông bão của cuộc đời với hai khuôn mặt tươi rói, hạnh phúc của hai người lính trở về lòng tôi trào lên một niềm vui vì mình đã có món quà tinh thần tuy rất nhỏ nhưng đầy yêu thương của một người chị mừng hạnh phúc hai em hôm nay. Tôi đã tình cờ được làm cánh én báo tin xuân đến mái nhà này.

Trong không khí đầm ấm, vui tươi của buổi hôn lễ nhìn những khuôn mặt trẻ trung đang hào hứng hát hò chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể, tôi thấy lòng mình như trẻ lại và bỗng thấm thía một điều: "Cuộc đời thật công bằng và rất nhân hậu, không cho ai tất cả cũng không nỡ lấy của ai tất cả bao giờ dưới bàn tay vô tư của con tạo xoay vần..."

Tôi đang chìm trong suy nghĩ đã thấy Phương hớn hở dắt Dung đến trước mặt tôi vui vẻ nói với vợ:

- Đây là bà Nguyệt lão đã đưa anh về với em. Em chào và cảm ơn chị đi.

Dung bẽn lẽn, đôi má ửng hồng lí nhí:

- Em chào chị, chúng em cảm ơn chị ạ.

Tôi mỉm cười nắm lấy tay em:

- Chị chúc mừng hạnh phúc hai em. Các em xứng đáng được nhận quà tặng của cuộc đời hôm nay. Chóng cho chị bế cháu nhé.

Ba chị em nắm chặt tay nhau trong niềm hạnh phúc ngọt ngào, giữa không khí ồn ào rộn rã của buổi lễ thành hôn của hai người lính trở về trong lúc vị chủ hôn đang nói lời chúc mừng và cảm ơn các vị khách mời, bạn bè đã đến dự buổi lễ và lời tuyên bố bế mạc trân trọng...

Đêm nay, trăng Xuân mới sáng làm sao. Vầng trăng tròn vành vạnh, trong vắt giữa trời đêm như báo hiệu bao điều tốt lành mãn viên hạnh phúc của hai người lính vừa đi qua chiến tranh gian khổ trở về...

" Khúc bồi, khúc lở dòng sông

Đắng cay lắm, mới mặn nồng đó chăng?"

18/9/2021

Theo Chuyện làng quê

Nguyễn Thị Lê Anh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/qua-tang-cuoc-doi-viet-cho-nguoi-linh-tro-ve-a6610.html