Cách nay gần 50 năm tôi cũng trong tình trạng ấy, nhưng cái sự chuẩn bị là khác nhau một trời, một vực. Những cảm giác khi ấy có lẽ chả bao giờ quên được.
Những năm trước 1975 việc đi học cấp 3 (trung học phổ thông) vốn đã là hiếm ở vùng nông thôn nên việc đi thi và nhập học đại học lại càng hiếm hơn, ngay cả ở những thành phố lớn, phần vì thanh niên phải thực hiện nghĩa vụ chống Mỹ, cứu nước, phần vì sự nghèo khó của mỗi gia đình và cũng vì thời đó cũng không có nhiều trường đại học để cho những người trẻ tuổi lựa chọn. Đa phần thanh niên nông thôn đều chọn học sư phạm làm con đường lập nghiệp. Mặc dầu vậy, cũng thưởng chỉ là học 7+3 hoặc khá hơn là 10+ 3 mà thôi. Rất hiếm có người mơ mộng đến đại học Bách khoa, tổng hợp,...
Năm 1974, sau khi thi hết lớp 10 (tốt nghiệp cấp 3 vì hồi đó là hệ 10/10), ỷ thế học được nên cũng coi chuyện thi đại học bất quá là khó hơn thi lớp 10 chút chút nên tôi cũng không thật quá quan tâm. Thầm tự nhủ lòng là trong khoảng 1 tháng sau khi báo kết quả thi tốt nghiệp thì ôn thi cũng chưa muộn. Vì thế, sau khi thi tốt nghiệp cấp 3 xong tôi cũng chỉ nhênh nhang vui thú ruộng đồng, chăn trâu, cắt cỏ kiếm thêm điểm của hợp tác xã để có thêm thóc cho cuộc sống hàng ngày. Ai dè, báo điểm xong cũng là lúc hợp tác xã bước vào thu hoạch vụ lúa chiêm. Công việc gặt lúa bận tíu tít, mọi người ai cũng đầu tắt, mặt tối, thở chả ra hơi.
Cũng nói thêm là việc hợp tác ngày thường không nhiều nên công điểm thu được cũng không thể lớn. Tất cả chỉ trông mong vào hai vụ thu hoạch lúa trong năm, khi đó việc nhiều nên có được nhiều công điểm hơn. Nếu không cố gắng lúc đó thì chắc phải chịu đói khi giáp hạt. Chính vì vậy, tôi luôn phải hết sức cố gắng mỗi khi vụ thu hoạch đến. Năm đó, khi gặt được khoảng 10 ngày đầu, bố, mẹ cũng kêu tôi nghỉ ôn thi nhằm chuẩn bị cho kỳ thi đại học khoảng hơn 20 ngày sau sẽ diễn ra. Tôi được ở nhà, còn cả gia đình đều đi gặt.
Tiếng là ở nhà ÔN THI ĐẠI HỌC, nhưng do nhà có nuôi trâu nên sáng ra là phải cắt đai, rũ một sân rơm rộng để phơi, đồng thời phải xúc ra một sân thóc phơi cho kịp nắng, cũng như phải chuẩn bị bữa ăn trưa cho cả gia đình khi đi gặt về. Cái giống người đang làm việc nặng hăng mà nghỉ là hay bị dồn người, thể trạng thường bị mất thăng bằng nên luôn rơi vào trạng thái lơ mơ. Cứ khoảng 8 giờ sáng khi công việc ngơi ngơi một chút là cơn buồn ngủ rũ ra kéo đến, không kiểm soát được. Vì vậy, thường ngày nào thằng người cũng bị đánh một giấc đến 10 giờ mới tỉnh và chuẩn bị cơm trưa là vừa. Chính thế nên hơn 20 ngày NGHỈ ÔN THI trôi vèo mà trong đầu cũng chỉ có chút vốn khi thi tốt nghiệp lớp 10 mà thôi.
Năm đó hình như là năm thứ 2 Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ra đề thi nên đề cũng không hề dễ chút nào. Đến bây giờ, gần 50 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in câu cuối của đề toán năm đó là "Tìm X biết rằng 3 (mũ) x + 4 (mũ) x = 5 (mũ) x".
Tất nhiên năm đó tôi không thể nào thi đỗ để nhập học đại học như các cháu hôm nay được.
Điều an ủi duy nhất là kỳ thi năm đó tôi đạt được 12,5 điểm, cao thứ hai trong đám bạn học cùng lớp và cao nhất trong số những người bị trượt đại học năm đó vì cả lớp tôi gần 50 tên chỉ có duy nhất 1 người đạt 15 điểm, đỗ vào trường Đại học TDTT (Từ Sơn) mà thôi. Đám bạn học cùng, kể cả các con giáo viên dạy chúng tôi những cấp 2 cùng đều có điểm thi đại học thấp hơn tôi!!!!
Thế đấy, thi đại học ở vùng nông thôn xưa là như thế đấy! Học sinh nông thôn bên cạnh áp lực về kiến thức, cơ sở học hành còn bị áp lực cuộc sống đè lên vai rất nặng nề. Không dễ gì vượt qua được đòi hỏi của miếng cơm, manh áo của cuộc sống thường nhật vốn đã rất đói nghèo!
Ôi, vùng quê nông thôn của tôi.
Ôi, một thời chả bao giờ quên được!!!
(17/9/2021, mùa nhập trường đại học của học sinh).
Theo Chuyện làng quê
Dzung Nguyễn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-thi-dai-hoc-o-the-ky-20-a6616.html