Bóng đá nữ Việt Nam tiến ra thế giới

Sáng 17/9/2021, các cô gái đá bóng của chúng ta đã lên đường tham dự Vòng loại giải Bóng đá vô địch châu Á. Đội nằm ở bảng B với các đối thủ Afghanistan, Maldives và Tajikistan. Trận đấu đầu tiên gặp Afghanistan vào ngày 23/9, Maldives ngày 26/9 và chủ nhà Tajikitan ngày 29/9.

doi-tuyen-viet-nam-xuat-quan-1632040315.jpg
Đội tuyển nữ Việt Nam xuất quân

Đoàn có 36 thành viên, trong đó có 23 tuyển thủ. HLV Mai Đức Chung nói vắn tắt: “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ !”.

Xin chúc các tuyển thủ nữ chiến thắng, sớm góp mặt vào ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục.

Xin giới thiệu đôi nét về Bóng đá nữ Việt Nam:

Bóng đá của một nửa nhân loại

Phụ nữ đến với môn bóng đá có khi trước cánh đàn ông nhiều. Trong khi cánh đàn ông vướng vào các cuộc chinh chiến liên miên trong lịch sử, thì phụ nữ thời nhà Hán từ khoảng năm 25 đến 220 sau Công nguyên bên Trung Quốc đã chơi cái môn xúc cúc (cuju), là môn đá quả bóng vào lưới và không được dùng tay.Tranh vẽ của niên đại đấy đã chứng minh giả thuyết này. Thậm chí có tài liệu còn cho rằng trò chơi này còn xuất phát từ lâu hơn nữa, khoảng những năm 5000 trước Công nguyên. Lịch sử cận đại cũng có bằng chứng phụ nữ Pháp đã chơi bóng đá từ thế kỷ thứ 12.

Đến thời hiện đại, cũng như bóng đá nam, bóng đá nữ cũng xuất hiện đầu tiên tại Anh quốc.

Năm 1881, thường xuyên có các trận thi đấu bóng đá nữ giữa đội Anh và đội Scotland cùng trong khối Liên hiệp Anh. Năm 1889, thế giới ghi nhận trận đá bóng nữ quốc tế lần đầu tiên giữa đội Canada và đội Anh quốc.

Bóng đá nữ tại Anh quốc có giai đoạn tạm dừng từ 1921 đến 1971 vì lệnh cấm của Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), nhưng ở các nơi khác, bóng đá nữ vẫn liên tục phát triển.

Hiện thế giới có 176 đội tuyển bóng đá nữ quốc gia thi đấu trong giải vô địch thế giới do FIFA tổ chức. Rất nhiều nước đã tổ chức giải vô địch quốc gia cho các đội bóng nữ chuyên nghiệp hoặc bán chuyên.

Theo số liệu của FIFA, hiện có 4,5 triệu nữ cầu thủ trong tổng số gần 40 triệu cầu thủ cả nam lẫn nữ đăng ký tham gia thi đấu.

Đội bóng nữ đầu tiên được thành lập tại Anh năm 1894 mang tên British Ladies' Football Club rồi tiếp đến là các CLB Dick, Kerr’s Ladies. Nhiều đội bóng nữ khác của các quốc gia châu Âu cũng lần lượt xuất hiện để hưởng ứng lời kêu gọi bình đẳng bình quyền cho phụ nữ do nhà hoạt động xã hội, bà Nettie Honeyball, khởi xướng.

bong-da-nu-co-dai-1632040484.jpg
Bóng đá nữ cổ đại

 

Khởi nguồn bóng đá nữ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, năm 1932, ông kỹ sư canh nông Phan Khắc Sửu (năm 1964-1965 làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa) đã thành lập đội bóng đá nữ Cái Vồn (Equipe Feminine de Cai-Von). Những chị nông dân, phu khuân vác, phu kéo xe tại miệt vườn Cần Thơ là cầu thủ của đội. Sau có thêm đội Bà Trưng ở miệt Rạch Giá – Long Xuyên rồi tiếp đến là các đội Huỳnh Ký, Thủ Dầu Một...

Năm 1933 tại sân Mayer, đội nữ Cái Vồn thi đấu ngang ngửa với đội nam Paul Bert với kết quả hòa 2-2. Sân Mayer xưa nằm trong khu tứ giác : Hiền Vương, (Võ Thị Sáu) - Đoàn Thị Điểm (Trương Định) - Bà Huyện Thanh Quan và Yên Đổ (Lý Chính Thắng) có sức chứa 6000 người, lớn gấp đôi sân Tao Đàn lúc ấy chỉ chứa 3000 người. Mãi về sau, nhiều người cao tuổi ở Sài Gòn vẫn kể cho con cháu nghe trận cầu lịch sử đầy cảm xúc đấy.

doi-bong-da-nu-cai-von-1632040554.jpg
Đội bóng đá nữ Cái Vồn - Việt Nam

 

Những người tâm huyết với bóng đá nữ

Từ năm 1984, bóng đá nữ hoạt động trở lại, trước tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng cũng ngay lập tức những người tâm huyết với bóng đá nữ vấp phải sự cấm cản của các quan chức thể thao bảo thủ của TP Hồ Chí Minh và cả Tổng cục TDTT.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ nhiệm CLB bóng đá Lam Sơn, về sau làm Trưởng phòng TDTT quận 5, rồi ông Trần Thanh Ngữ, Trưởng phòng TDTT quận 1 thành phố Hồ Chí Minh là những người đầu tiên nghĩ đến việc đưa chị em phụ nữ đến với bóng đá.

Các vận động viên điền kinh, rồi các chị bán bánh mỳ, đạp xe ba gác, bán đồ ăn dạo… rủ nhau đến tập. Trụ cột của lứa này là Đỗ Thị Mỹ Oanh, sau trở thành tuyển thủ quốc gia.

cau-lac-bo-british-1632040787.jpg
Câu lạc bộ British Ladies' Football Club

Đội bóng nữ Sài Gòn khi đi thi đấu giao hữu tại miền Tây được bố trí ngồi trên chiếc xe tải. Lãnh đạo thành phố nghe tin, liền sai đội Quản lý thị trường đuổi theo bắt về. Nghe mật báo, ông Quốc Hùng cho chị em nằm rạp xuống sàn xe rồi phủ bạt lên nên nhóm người truy đuổi chị em không phát hiện ra.

Đá tại miền “gạo trắng nước trong”, không tiền bạc nhưng được mua mỗi người dăm ký gạo thì chị em ai cũng bồi hồi xúc động.

Nhớ lần đội đi Quảng Ngãi.

Khi đó Quảng Ngãi đăng cai cuộc họp về Giải vô địch bóng đá nam quốc gia, có quan chức Tổng cục TDTT tham dự.

Thấy đội nữ Sài Gòn xuất hiện, quan chức này ra lệnh cấm.

Hợp đồng với địa phương đã ký. Hủy phải đền tiền nên mấy thày trò cứ liều thi đấu rồi về chịu kỷ luật sau.

Tổng cục TDTT gây áp lực buộc Phòng TDTT quận 5 phải kỷ luật ông Quốc Hùng.

Quyết định kỷ luật được ký nhưng chỉ gửi Tổng cục TDTT để báo cáo, còn tại địa phương không lưu và không có nghĩa vụ thi hành. Tuy vậy đội bóng đá nữ quận 5 sau đó bị giải thể. Các cầu thủ chủ chốt lại về đầu quân cho đội bóng nữ của ông Trần Thanh Ngữ tại quận 1.

Thời điểm đó cả nước chỉ có 3 đội bóng nữ.

Tại TP Hồ Chí Minh, đội tập ở sân Tao Đàn do anh Phú Chủ nhiệm sân kiêm HLV.

Tại Quảng Ninh ông Đoàn Sơn, cựu HLV đội CAHN, cự Trưởng bộ môn bóng đá CAND là HLV.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang cho đội bóng đá nữ khoác tên Hoa học trò để giảm nhẹ áp lực và mời ông Trần Đình Du, cựu HLV đội CAHN là HLV trưởng.

Với các vị HLV đẳng cấp và oai phong như vậy nên việc tập luyện của các cầu thủ nữ ở 3 địa phương trên ít bị lãnh đạo săm soi.

Bóng đá nữ khẳng định vị thế

Tháng 5 năm 1994 có giải đua xe đạp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên, ông Tư Ngữ từ TP Hồ Chí Minh bay ra tìm gặp ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia, đề nghị cho 3 đội bóng đá nữ đá phục vụ đồng bào dọc hành trình của giải đua xe.

Từ Hòa Bình, Sơn La lên tới Điện Biên, các trận thi đấu của 3 đội bóng đá nữ Quảng Ninh, Hoa học trò, Quận 1 TP HCM được bà con các dân tộc miền Tây Bắc và các phương tiện truyền thông đi theo giải đua xe đưa tin và hưởng ứng nhiệt liệt.

Năm tiếp theo, bóng đá nữ tiếp tục được ông Tư Ngữ maketting tại cuộc đua xe đạp Về nguồn. Bà con Cao Bằng và cả vùng Việt Bắc lại có dịp xem các cầu thủ nữ thi đấu.

Những dịp diện kiến lãnh đạo cấp cao, ông Tư Ngữ đều khoe khéo: “Báo cáo các anh. Cả trăm đội bóng đá nam mà có đội nào đi phục vụ nhiệm vụ chính trị được đồng bào Tây Bắc, Đông Bắc chào đón nồng nhiệt như các đội bóng đá nữ đâu!”.

Những năm gian khó ấy, điện ảnh Việt Nam cũng “hà hơi tiếp sức” cho bóng đá nữ bằng bộ phim “Cô thủ môn tội nghiệp” với dàn diễn viên gạo cội: Lê Công Tuấn Anh, Hồng Vân, Lê Tuấn Anh, Hồng Đào, Việt Anh... và đặc biệt là MC kiêm Á hậu Ngôi sao điện ảnh Thanh Mai đóng vai chính.

Từ những ngày đầu gian khó, bóng đá nữ Việt Nam trải qua nhiều đời Huấn luyện viên : Trần Thanh Ngữ (1997), Steve Darby (2001), Mai Đức Chung (2003-2005), Giả Quảng Thác (2006), Trần Ngọc Thái Tuấn (2006), Ngô Lê Bằng (2007), Vũ Bá Đông (2010), Trần Vân Phát (2007-2009, 2010) và hiện nay là HLV Mai Đức Chung.

Những cô gái vàng Việt Nam đã đoạt nhiều thành tích hơn các đồng nghiệp Nam trên đấu trường châu lục và khu vực.

Với 5 lần Vô địch SEA Games, 2 lần Vô địch AFF Cup, đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đang đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á, thứ 6 châu Á và thứ 31 trên thế giới.

Từ những ngày không có tiền tập luyện, đá bóng bằng những đôi chân trần, thậm chí khi đi thi đấu SEA Games phải ăn thêm mỳ tôm, đến nay các cầu thủ nữ đã được Nhà nước vinh danh và xã hội quan tâm chăm sóc.

Theo Chuyện làng quê

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bong-da-nu-viet-nam-tien-ra-the-gioi-a6623.html