Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 36)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.                             

      

lb2a-1632106254.jpg

Lược đồ cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược 545-550. Nguồn: Internet

  

Kỳ 36

CHƯƠNG IV.                         NƯỚC VẠN XUÂN

                                                                   I

Phạm Lạng và nữ tướng Phạm Thị Toàn chắp tay vái chào. Mọi người lại chắp tay thi lễ. Triệu Quang Phục liếc nhìn nữ tướng Phạm Thị Toàn, đó là một nữ tướng ngoài hai mươi tuổi, dung nhan xinh đẹp nhưng thể chất cực kỳ mạnh mẽ, rõ là một nữ tướng tài ba. Lý Bí chỉ vào Triệu Túc và Triệu Quang Phục:

-Đây là hào trưởng nổi tiếng đất Chu Diên Triệu Túc và công tử của ông là Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục có lẽ là người trẻ tuổi nhất trong số các tướng lĩnh về đây, công tử mới 17 tuổi.

  Hai cha con Triệu Quang Phục và mọi người chắp tay thi lễ.

  -Còn đây là nữ tướng Dương Khoan Khoáng, thủ lĩnh địa phương Bình Xuyên đây, đã từng phất cờ khởi nghĩa chống giặc Lương. Nữ Tướng đã đem theo vài trăm trai tráng tùy tùng về dưới cờ của Lý Bí này. Còn đây là các tướng Trịnh Đô, Tam Cô, Triệu Chí Thành.

Mọi người lại chắp tay thi lễ.

  Lý Bí nói tiếp:

-Còn đây là người nhà của tôi, anh trai tôi Lý Thiên Bảo, các cháu của tôi Lý Phật Tử và Lý Công Tuấn.

 Mọi người lại chắp tay thi lễ. Triệu Quang Phục nhìn mọi người anh em và cháu của Lý Bí, trong đó Lý Phật Tử có lẽ chỉ hơn Triệu Quang Phục vài tuổi, dáng điệu có vẻ dút dát nhưng mặt dài và đặc biệt có đôi mắt cực kỳ gian manh.

  Sau sự làm quen, Lý Bí mời mọi người nâng chén cùng cạn để mừng ngày hội tụ.

  Cơm xong, canh khuya Lý Bí cùng các tướng lĩnh bàn nghi lễ ngày mai tế cờ, tuyên bố với bách tính Giao Châu cuộc khởi nghĩa chống Lương do Lý Bí lãnh đạo chính thức bắt đầu, kêu gọi bách tính Giao Châu nhiệt liệt hưởng ứng và tham gia ủng hộ nghĩa quân. Các tướng cũng đã cùng Lý Bí bàn kế hoạch tấn công Long Biên, Trị sở của Hoàng Châu, cũng là trấn trị của toàn bộ Giao Châu.

  Triệu Túc hỏi:

  -Thưa chúa công, quân ta nay được bao nhiều rồi?

 Lý Bí đáp:

-Đã được 3 vạn.

Lý Bí nói thêm:

-Chưa tuyên bố khởi nghĩa chính thức nhưng các huyện lệnh người Hán của quận Hoàng Châu sợ hãi đã chạy về Long Biên hoặc đã chạy về Quảng Châu rồi. Chính quyền nhà Lương ở Quận Hoàng Châu đang trên đường tan rã.

  Quân sư Tinh Thiều nói:

-Tôi nghe nói Thứ sử Giao Châu nhà Lương Tiêu Tư rất tham tàn bạo ngược, nhưng vì là dòng dõi quý tộc nhà Lương nên rất giàu có, đã giàu có thì rất sợ chết. Tôi nghĩ trước khi tiến quân ra Long Biên nên viết cho hắn một bức thư dụ hàng. Nếu Tiêu Tư đầu hàng sẽ được bảo toàn tính mạng cho cả nhà và được về Giang Nam. Nếu hắn đầu hàng thì đỡ tốn xương máu. Còn nếu không hàng chúng ta sẽ đánh cũng chưa muộn.

  Lý Bí nói:

-Lời quân sư nói phải lắm.

  Sớm hôm sau, sau lễ tế cờ, tế thiên địa trời đất trên một bãi rộng của chùa Diên Táo, Bình Xuyên, Huyện Tây Vu, Lý Bí đem 3 vạn quân tiến về phía Bắc tấn công Long Biên. Ba vạn quân đi dưới những ngọn cờ vàng phấp phới. Đi tiên phong là lão tướng Phạm Tu và nữ tướng Phạm Thị Toàn. Lý Bí đi trung quân dưới lá cờ vàng thêu chữ Soái màu đỏ. Đi tả quân là nữ tướng Dương Khoan Khoáng. Đi hữu quân là tướng Triệu Túc, Trịnh Đô, đi hậu quân là Triệu Quang Phục, Lý Công Tuấn, Lý Phật Tử, Tam Cô, Lý Thiên Bảo. Dọc đường, thanh niên trai tráng các làng nô nức tòng quân. Nhân dân đem bánh chưng, bánh dầy, nước chè úy lạo đón chật đường.

  Long Biên lúc này là trấn trị của Giao Châu. Một sớm mùa đông năm 541, Vũ Lâm Hầu Tiêu Tư, Thứ sử Giao Châu, dòng dõi quý tộc nhà Lương đang ngồi bàn việc với các thuộc tướng thì quân gác cổng thành vào báo:

-Da bẩm Thứ sử có quân thám mã về xin gặp.

Tiêu Tư mặt xám ngoét nói nhỏ:

-Cho vào nhanh!

  Tên thám mã vào thở hổn hển lo sợ:

-Dạ bẩm Thứ sử, quân nổi loạn Lý Bí đã dàn trận ngoài thành hai dặm và có gửi cho Thứ sử một lá thư.

-Trình lên đây!

  Tên thám mã đưa thư cho tên lính hầu cận chuyển lên cho Tiêu Tư. Tiêu Tư tay run run mở thư đọc. Thư viết “ Các ông là những học trò của Nho gia, thừa biết một đạo lý rõ ràng là đất của người Việt là của người Việt. Vậy mà các triều đại người Ngô các ông cậy thế mạnh chiếm lấy mãi, không chịu trả cho người Việt để hợp đạo lý của trời. Nhưng nay thế mạnh của các ông đã hết. Nếu ông tự trả lại Long Biên và Giao Châu sẽ được giữ mạng sống cả nhà và được về Kiến Khang. Nếu chống cự ta sẽ tiêu hủy thành Long Biên, mạng sống của Thứ sử và của cả nhà sẽ không còn. Chờ thư phúc đáp. Nếu đầu hàng thì Thứ sử gia đình và thê thiếp được đi xe, còn tất cả binh lính người Hán phải kéo cờ trắng, đi bộ và tay không có vũ khí khi ra khỏi thành. Chủ soái quân Việt: Lý Bí”.

  Tiêu Tư đọc xong thư,mặt càng xanh xám, rất căng thẳng, một lát sau mới nói với chư tướng:

  -Lý Bí trong thư này khuyên ta dâng thành đầu hàng thì ta với các ngươi sẽ được về nước. Để tránh đổ máu, bảo toàn tính mạng cho ta, các ngươi và binh lính, ta quyết định giao thành, giảng hòa và về nước. Ở mãi cái mảnh đất xa xôi, khí hậu khắc nghiệt này, dân thì ương ngạnh, ta chán lắm rồi.

  Một tên tuỳ tướng:

  -Dạ bẩm Thứ sử, để mất Giao Châu, khi về triều đình hỏi tội thì lũ mạt tướng chúng tôi thoát thế nào được ạ?

  Ta sẽ tâu giúp các ngươi với Lương Vũ Đế.

  -Đa tạ Thứ sử!

  Tiêu Tư viết bức thư ngắn gọn trao cho tên thám mã:

  -Trao bằng được và nhanh bức thư này cho Chủ soái quân Việt.

  Thám mã chuyển thư cho Lý Bí, thư viết “Tôi Thứ sử Giao châu Tiêu Tư đồng ý giảng hòa và giao thành Long Biên cho quân Việt nhưng Chủ soái phải bảo đảm cho chúng tôi, gia đình và quân lính trở về Giang Đông an toàn. Nay kính thư. Thứ sử Tiêu Tư”.

  Sớm hôm sau, một ngày mùa đông nắng đẹp, nắng rải trong suốt lấp lánh xuống vùng Long Biên. Những rặng tre xanh vây quanh thành xào xạc theo gió. Thành Long Biên vươn lên xám màu trong nắng. Sông Dâu nước trong xanh lững lờ đổ về sông Đuống. Quân Việt dàn trận cách thành nửa dặm chờ đợi. Khoảng giờ Thìn, những lá cờ trắng được kéo lên mặt thành, cổng thành phía Đông hạ xuống. Từ trong thành, những chiếc xe che lụa màu xanh, cắm cờ trắng do ngựa kéo đi ra. Quanh xe có những người lính không mang vũ khí cưỡi ngựa đi kèm hộ tống. Theo sau xe khoảng 2 vạn lính nhà Lương mặc quân phục màu xanh, tay không vũ khí, lưng khoác túi cá nhân cúi đầu đi thất thểu. Lá cờ trắng đi đầu hàng quân bay phần phật theo gió. Những người lính đều nghển đầu nhìn về phía quân Việt dàn trận. Quân Việt uy nghi nghiêm khắc nhìn họ. Họ sợ quân Việt nuốt lời hứa, tấn công tiêu diệt họ vì những tội ác mà họ đã gieo rắc khắp nơi trên đất Việt chồng chất như núi. Nhưng quân Việt không có động tĩnh gì, vẫn nghiêm trang đứng nhìn quân Lương đi về phương Bắc. Những lá cờ vàng bay phần phật trên đầu quân Việt. Nắng càng trưa càng trong vắt. Gió bớt lạnh dần. Cho đến gần trưa, những tên lính Lương cuối cùng bóng dáng mờ dần phía chân trời phương Bắc. Khi đó quân Việt, Lý Bí cùng các tướng lĩnh mới tiến vào thành Long Biên.

(Còn nữa)

CVL

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-36-a6640.html