Khác với mọi năm, hè này không phải ôn thi, sau ngày 16/4, Mỹ bỏ bom Hải Phòng, thế là được nghỉ hè luôn. Dân Hà Nội lo đi sơ tán, dân Hải Phòng chắc phải gọi là “chạy loạn” mới đúng. Thế mà chả hiểu sao, ngày hôm sau, mẹ nó, đúng là ngược dòng sơ tán, rồi lại ngược dòng chạy loạn, xuống Hải phòng mang được 4 đứa em cùng cha khác mẹ với nó về nhà an toàn. Mùa hè năm đó, nhà có thêm 4 người. Chả biết anh Cường thế nào nhưng, nó thì mừng ra mặt, vì lần đầu tiên trong nhà nó có em mà có hẳn 4 đứa. Hình như nó cũng “hống hách” hẳn lên, phân công việc rõ ràng:
- Cái Lợi ở nhà trông 2 em bé, thằng Tú, theo tao, đi bắt cua.
Không biết có phải vì báo động liên tục, mọi người ít ra đồng hay do trời nắng quá mà ngoài đồng năm đó, cơ man là cua. Bình thường, nó đi một vệt từ Bãi nội qua Trũng lưu tới Cà Lề phải vòng qua Trũng Ma hoặc Cầu Giát mới được khoảng dăm chục con. Thế mà năm nay, chỉ tới Cà Lề đã phải vòng về, sợ hết chỗ chứa. Lúc đi, nó nghĩ thằng Tú giỏi lắm chỉ sách giỏ thôi, ai dè, ông tướng cũng giỏi phết. Cứ để thùng giữa bờ, mỗi thằng một bên, tìm hang, thò tay vào móc, nhiều khi vớ phải con rắn gật nẩy mình. Có khi, do bờ nhỏ, thằng này thò qua, thằng kia thò lại, nắm phải tay nhau, cũng giật mình.
Mỗi lần bắt cua về đều phải qua cửa nhà cụ Hai, cụ hỏi:
- Được nhiều không cháu?
- Nhiều lắm cụ ạ - thằng Tú nhanh nhảu.
Nó chả dám nói gì, về đến nhà mới bảo:
- Mày khoe nhiều lắm mà không biếu cụ, chả hóa nhà mình ăn tham, vả lại, có từng này, nhà lại đông người, biếu cụ, lấy gì mà ăn.
Tưởng thế thôi, ai dè, lần sau đi qua, cụ vẫn hỏi, Tú đáp ngay:
- Chả được con nào cụ ạ.
Chiều đó, mẹ nó bị cụ mắng cho một trận rằng: trời nắng như đổ lửa, mày để hai đứa nhỏ chang chang giữa đồng, không sợ nó cảm nắng mà chết à... Thì ra cụ thương, sợ chúng nó cảm nắng, hôm được nhiều, lại là lần đầu, cụ còn tha, lần sau, dãi nắng thế mà không được gì, cụ mắng cho là phải. Ở Hải phòng nghe có người gọi là Tú Ngố, nó không tin vì sợ mình còn ngố hơn. Bây giờ mới biết, Tú ngố thật.
Chắc chắn mẹ nó thương hai thằng nhỏ nhiều hơn cụ, nhưng nghĩ, đến chiều, các con lại ăn cơm với rau muống luộc, thế nên, dù biết chúng đi giữa trưa nắng, mẹ nó cố lờ như không biết, chỉ quay mặt vào trong, đưa tay dụi con muỗi vô tình bay vào mắt. Bù lại, đến khi về, mẹ bảo:
- Trưa nắng thế này, hai đứa ra gốc cây mà ngồi cho mát.
“Được lời như cởi tấm lòng”. Có chỗ nào mát và thú vị cho bằng trèo lên cây đúng mùa vải chín. Thằng Tú dạy nó cách leo ra tận cành nhỏ, nằm ở cành này, lấy tay và chân bám vào cành bên cạnh để chia lực cho đều, cứ thế mà nằm, thích lắm. Nó thì dạy thằng Tú cách ăn vải không phải dùng tay, cứ đớp lấy một quả, cắn đôi, dùng lưỡi đẩy vỏ ra ngoài lại tiếp tục dùng môi và lưỡi tách hột ra, nhớ là phải phun cả vỏ và hột xuống ao để người lớn không thấy (hột vải phun xuống ao, tự nhiên nó chìm, còn vỏ vải thể nào cá cũng rỉa và lôi xuống chân bèo; đó là phương pháp ăn vụng vải mà hình như chỉ nó mới có).
Không biết do năm đó, nhà đông người hay do “vải mất mùa” (vải mất mùa hình như tại hai thằng nhỏ dạy nhau quá nhiều ngày) mà mẹ nó quyết định, năm nay, vải chỉ để ăn, không bán. Ngày thu hoạch vải, nhìn ba đứa con gái hí hửng, mặt mày sáng rỡ. Nhưng nó và thằng Tú cảm thấy “dửng dưng”.
Năm nay, các cháu cũng được nghỉ hè dài, chúng có ti vi, có cả điện thoại thông minh. Nhưng không biết chúng có vui như ngày xưa. Riêng nó thì cứ mong mãi rằng: “Bao giờ cho đến ngày xưa/ Để được giăng nắng bắt cua ngoài đồng”.
Vinhhungbill, viết ở Sài Gòn những ngày tiếp tục dãn cách.
Theo Chuyện làng quê
Nguyễn Vinh Hùng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-he-a6645.html