Thương nhớ mùi khói bếp

Đôi khi bắt gặp mùi khói bếp, những kỷ niệm ngày nào lại ùa về để cảm nhận lại những giây phút ngày xưa...

lang-que-1632185240.jpg
 

Đối với những người xa quê, thậm chí ở quê nhưng lâu ngày không tiếp xúc với những gian bếp nông thôn, mỗi khi sống chậm lại những lúc hoàng hôn, nhìn thấy "khói bếp nhà ai" ắt hẳn lòng không khỏi bồi hồi nỗi nhớ quê hương, nhớ những ngày thơ ấu, những ngày trẻ thơ vô tư bên người thân. Khói chiều ngỡ vô tình nhưng lại chứa đựng vô vàn kỷ niệm, tưởng vô hồn mà lại gợi về biết bao xúc cảm vốn dồn nén bấy lâu.

Tôi không phải người xa quê, vì thực chất không được bằng nhiều người thành đạt bốn bể năm châu được đi đây đi đó. Chính vì vậy mà thỉnh thoảng vẫn bắt gặp khói chiều vơ vẩn những mái bếp vài nhà ở xóm trong. Nhưng tôi tin, trong xô bồ cuộc sống, người xa quê luôn có khao khát được trở về sống lại cảm xúc xa xưa, để họ ôn lại cuộc sống giản đơn ngày nào bên cha mẹ.

Tôi vẫn là người ở quê tôi, tôi rất may mắn được gần cha mẹ. Chẳng mấy khi nhớ nhà đến nỗi phải "khóc một dòng sông". Tuy nhiên, thỉnh thoảng thấy những lọn khói màu xám xanh uốn  bay ra đường ngõ, bám cuộn, ve vuốt lối tôi đi, tôi vẫn xao xuyến nhớ về ngày thơ ấu của mình. Dù sao, cả một thời gian rất lâu dài, tuổi thơ tôi cũng gắn liền với cái bếp xưa "khói mù, khói mịt".

Nay chỗ tôi sinh sống, hầu hết người dân đã chuyển sang nấu nướng bằng các loại bếp hiện đại như bếp ga, bếp điện... Những nhà thoát ly với ruộng đồng đã đành, những gia đình làm nông cũng không còn mấy nhà nấu bằng củi hay rơm rạ nữa. Những mái ngói không còn vương mùi khói hắc, bồ hóng chẳng còn bám lên mái bếp, đòn tre.

Ngày xưa, người nông dân thường tận dụng những đồ bỏ đi làm chất đốt. Rơm rạ mặc dù cũng để cho bò ăn, nhưng vẫn dùng để nấu. Những hôm rơm ẩm hay nấu phải loại rơm "mủi" thì khói mịt mù, nước mắt, nước mũi giàn giụa mà vẫn phải cố "xởi" lên cho thoáng mà nấu cho xong. Chỉ có nấu thân đậu tương, cây lạc hay gốc ngô là sướng. Lửa bùng bùng đòi "liếm" cả ra ngoài. Nấu loại này mùa đông, da mặt nóng, căng căng, tay hơ gần lửa "sướng ơi là sướng"...

Lá tre, củi mục đem vào nấu được hết. Bà tôi thường nhặt những cành găng khô, khúc luồng gãy đem vào để nấu. Chúng tôi cũng thích đi "kiếm" lá xà cừ về để đun. Mùi khói xà cừ thơm thơm, mùi lá bạch đàn cũng vậy, chúng cứ như mùi "nước hoa" ngào ngạt. Nay đi qua đường nhà ai đốt lá, cứ nao nao nhớ về một thuở ngày xưa. Ngày ấy nấu cơm quấn "dế nồi" đốt bùng bùng sợ nồi cơm không chín. Đến nỗi, có bữa lửa cháy to bay gần lên mái bếp đánh tranh. Nhà tôi chưa từng, chứ nhiều nhà bất cẩn cháy cả mái bếp, cả làng phải xông đến mà chữa cháy không thì nó lại lan cả sang nhà chính thì nguy.

Nhớ những năm, thường tầm vào 28 tết, mấy chị em trải chiếu lên đống rơm trong bếp, đem cả chăn gối xuống nằm để canh luộc bánh chưng. Mặc dù ở trong bếp, nhưng cũng vẫn rét, nhất là về khuya gió sương lạnh, nằm quấn tròn trông nồi bánh. Lúc đầu hôm còn tỉnh táo, cứ giành đến ngồi đẩy củi, tiếp nước cho nồi luộc. Đọc truyện, chơi bài, đánh cờ chán, rồi mơ màng lúc nào chẳng hay. Không hiểu sao cái bánh chưng "thử" ngày ấy ngon "quá là ngon", nên dù cuối cùng cũng lăn ra ngủ trước, năm nào cũng giành quyền luộc, để sáng mai được ăn vị bánh đầu tiên...

Khói bếp nay chẳng còn phổ biến ở quê tôi. Nay đời sống đã cao, những lọn khói cũng lui vào ký ức mỗi người, nó trở thành dư vị một thuở khó khăn. Đôi khi bắt gặp mùi khói bếp, những kỷ niệm ngày nào lại ùa về để cảm nhận lại những giây phút ngày xưa...

 

Trịnh Quang Cảnh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuong-nho-mui-khoi-bep-a6666.html