Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.    

                

ly-bi1de-1632276629.jpg
Lược đồ khởi nghĩa Lý Bí. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 38.

Quân Việt không bao vây thành nữa, lùi ra nửa dặm, dàn thế trận bên con đường ngoài thành. Cổng thành phía Đông hạ xuống, gần chục chiếc xe 4 bánh ngựa kéo có che rèm màu lụa xanh, xe của Thứ sử Nguyễn Hán và gia đình, xe của tùy tùng tướng lĩnh và gia đình. 2 vạn quân Lương tay không vũ khí, dẫn đầu là ngọn cờ trắng đi theo đoàn xe lặng lẽ. Nắng mùa hè chói chang. Nước sông Mã như thác cuồn cuộn đổ về đông. Quân Việt đứng lạnh lùng quan sát đội quân bại trận đang di chuyển về phía Bắc, rút khỏi lãnh thổ Giao Châu. Gần 2000 thanh niên người Việt bị buộc đi lính cho quân Lương nay tình nguyện tham gia khởi nghĩa, số ít xin về nhà phụng dưỡng cha mẹ già. Lý Bí cử nữ tướng Phạm Thị Toàn và Phạm Lạng đem 2 vạn quân đi kèm quân Lương cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Giao Châu.

  Cùng ngày hôm đó, Lý Bí nhận được thư do thám mã đem đến. Thư của các thủ lĩnh địa phương báo tin họ đã chiếm được trấn trị Lợi Châu, Đức Châu, Minh Châu. Như vậy, Minh Châu, Đức Châu, Lợi Châu, Ái Châu, Hoàng Châu đã được giải phóng khỏi ách thống trị của giặc Lương. Lý Bí lập tức tổ chức bộ máy hành chính để cai trị đất nước. Các hào trưởng người Việt địa phương giữ những chức vụ trong bộ máy chính quyền mới. Rồi Lý Bí kéo đại quân về Long Biên chuẩn bị đối phó với cuộc phản công sắp tới của Lương Vũ Đế.

                                                          III

  Như vậy, nhà Lương mất gần hết Giao Châu, chỉ còn hai quận Ninh Hải và Hợp Phố. Tin tức mất gần hết Giao Châu bay về kinh đô Kiến Khang làm cho Lương Vũ Đế kinh hoàng, tức giận, lo buồn. Cuối năm 542, Lương Vũ Đế xuống chiếu phong cho Tôn Quýnh làm Thứ sử Giao Châu, cùng với Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng đem 5 vạn quân tiến đánh Lý Bí, lấy lại Giao Châu. Tôn Quýnh nói với Lư Tử Hùng:

-Chúng ta đang ở Tây Bắc quận Hợp Phố thuộc địa phận Giao Châu, cho nên có hai con đường hành quân để tiến vào Hoàng Châu, một đường đi thẳng xuống phía Nam vào Quỷ Môn Quan, qua huyện Ngô Hưng và đến thẳng Long Biên. Đây là con đường nhanh nhất. Con đường thứ hai là hành quân về phía Đông Hợp Phố, đi vào Ninh Hải rồi theo đường ven biển, sau đó theo đường bộ, hoặc đường sông Bạch Đằng lên Lục Đầu Giang đánh vào Long Biên.

  Lư Tử Hùng nói:

-Tôi nghe nói đi vào Ngô Hưng là qua Quỷ Môn Quan của ải Chi Lăng, cửa ải này thật đáng sợ. Tôi nghe nói thời Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi binh chống Đông Hán, Thái thú Tô Định đi tiên phong qua cửa ải này đã mất mạng cùng 3 vạn quân đến mức Phục Ba tướng quân Mã Viện còn sợ, phải đi theo ven biển rồi phối hợp cả thủy và bộ mới đánh bại được hai Trưng Nữ Vương.

  Tôn Quýnh nói:

-Thứ sử nói phải lắm, nay chúng ta đi vòng xuống Đông Nam Hợp Phố, men theo đường biển của quận Ninh Hải mà đổ bộ vào.

  Nói rồi Tôn Quýnh đi tiên phong, Lư Tử Hùng đi trung quân, từ phía Tây hành quân khoảng 400 dặm về Đông Nam Hợp Phố, cờ quạt màu vàng viết chữ đen đậm  bay phần phật trên đầu 5 vạn quân. Gió mùa đông cuối năm thổi thốc tháo lạnh buốt chân tay. Vó ngựa và chân người khua gió bụi mù mịt.

  Trong khi đó, tại Long Biên, Lý Bí cắt cử tướng Phạm Lạng và 5000 quân giữ Long Biên, 5000 quân do tướng Triệu Chí Thành lên chốt giữ Quỷ Môn Quan, còn tự mình cầm quân ra đánh Ninh Hải để tạo địa bàn ngăn chặn quân Lương. Thái thú quận Ninh Hải là Lâm Tế hoảng sợ bỏ thành chạy về Quảng Châu. Đang khi đó thám mã của Lý Bí về báo:

-Bẩm chúa công, 5 vạn quân Lương do Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng chỉ huy đang tiến vào Tây Nam hợp Phố để đánh vào Ninh Hải.

  Lý Bí hỏi Triệu Túc và Tinh Thiều:

  -Ta nên chặn đánh địch ở đâu là lợi thế nhất?

Tinh Thiều đáp:

-Bẩm chúa công, tôi đã nghiên cứu kỹ các con đường Hợp Phố đi vào Ninh Hải và ngược lại từ Ninh Hải đi Hợp Phố, chỉ có một con đường ven biển độc đạo chạy theo hướng Đông dài khoảng 100 dặm.

  Lý Bí hỏi:

-Trên con đường đó có địa thế nào hiểm trở có thể mai phục được không?

 Tinh Thiều đáp:

-Theo tôi biết con đường này là đường làng ven biển, mai phục không giữ được bí mật.

  Lý Bí hỏi:

-Vậy làm thế nào để gây bất ngờ, gây hoảng loạn, gây bất lợi cho quân địch mà tiêu diệt?

  Triệu Túc nói:

-Bẩm chúa công, không mai phục được thì ta đánh chính diện và tập hậu. Cho 2 vạn quân chọn một nơi bằng phẳng dàn trận chờ địch, 2 vạn quân bí mật dấu phía sau quân địch, khi giao chiến thì bất ngờ tấn công địch từ phía sau. Địch bị bất ngờ hoảng loạn sẽ tan vỡ và bị tiêu diệt.

  Lý Bí vui mừng :

-Hay, diệu kế, diệu kế.

  Lý Bí cắt cử tướng Lý Công Tuấn coi giữ Ninh Hải, rồi tự mình dẫn quân đi theo con đường độc đạo hướng Đông về Hợp Phố, cách Ninh Hải khoảng 100 dặm. Quân đi nườm nượp, cờ vàng bay phần phật, dưới rừng cờ là giáo mác. Bụi cuốn mù trời. Phía Đông sóng biển reo ầm ì bản nhạc muôn đời.

Khi quân Lý Bí vừa đến một bãi rộng chắn ngang con đường về phía Tây Hợp Phố thì từ phía xa, quân Việt đã nhìn thấy bóng cờ và quân Lương đông như kiến cỏ đang đi như gió bão tiến thẳng về phía quân Việt. Lý Bí cho 2 vạn quân do tướng Trịnh Đô chỉ huy tiến về phía Tây bãi rộng và dấu mình để đánh tập hậu, còn hai vạn quân nhanh chóng dàn trận chờ quân Lương. Gặp quân Việt, bên quân Lương cũng nhanh chóng dàn trận đối mặt với trận địa quân Việt. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng cưỡi ngựa cùng các tướng đứng trước hàng quân. Hai người cưỡi ngựa màu đen. Tay Lư Tử Hùng cầm gươm dài, Tôn Quýnh cầm thanh đại đao lớn. Tôn Quýnh nói lớn:

-Ta đang định vào Long Biên bắt giặc, may sao chúng đã tự đến nộp mạng. Ai ra bắt Lý Bí cho ta?

-Có mạt tướng.

  Từ trong hàng quân Lương, một tướng cưỡi ngựa trắng, áo giáp sắt, nón nhọn, sử dụng ngọn giáo thúc ngựa xông ra. Bên hàng quân Việt nữ tướng Phạm Thị Toàn sử dụng hai thanh gươm, cưỡi ngựa nâu xông ra. Hai ngựa và người giáp nhau, tiếng gươm và giáo chạm nhau tóe lửa. Chỉ 10 hiệp, tướng Lương bị gươm của Phạm Thị Toàn đưa qua cổ đầu văng xuống đất. Lý Bí dùng gươm trỏ về phía trước ra hiệu lệnh, quân Việt ào ào xông lên chém giết. Vũ khí chạm nhau kêu chát chúa, tóe lửa, máu chảy đầu rơi. Quân Lương cậy thế đông không hề nao núng, chống cự kịch liệt. Bỗng nhiên phía sau quân Việt, một phát tên châm lửa bắn lên trời. Nhận được tín hiệu, 2 vạn quân Việt giấu mình xông ra đánh tập hậu vào sau quân Lương. Thế trận quân Lương phút chốc tan vỡ, náo loạn, bị quân Việt kẹp từ hai phía chém chết không biết bao nhiêu mà kể, thây chết thành núi, máu chảy ngập bãi, ngập đường. Trận đại chiến rung lên trong tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng reo hò, kể cả tiếng thét thảm thương của quân Lương. Một vùng Đông Nam Hợp Phố trời long đất lở. Lư Tử Hùng và Tôn Quýnh nhờ các tùy tướng trung thành liều chết mở đường máu mới thoát chết, sau đó thu nhặt tàn quân còn khoảng 6000 người chạy về Quảng Châu, bỏ lại xác 4,5 vạn quân Lương nằm lại chiến trường Đông Nam Hợp Phố. Phía quân Việt, 4000 nghĩa quân đã hi sinh. Sau trận đại bại này, Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng bị Lương Vũ Đế luận tội, bắt uống thuốc độc chết ở Quảng Châu.

  Vào thế kỷ thứ VI, phía Nam Đức Châu của Giao Châu tồn tại nước Lâm Ấp của người Chăm, lãnh thổ từ Nam Đức Châu đến Đồng Nai. Kinh đô là Phật Thệ (Huế). Quân đội của Lâm Ấp ước tính 5 vạn người, có bộ binh, thủy binh, đặc biệt hùng mạnh là tượng binh có đến 1000 thớt voi, vũ khí thường sử dụng chủ yếu là gươm, giáo rèn bằng sắt tốt.

  Tháng 5 năm 543 tại Long Biên, Lý Bí được thám mã báo tin khẩn cấp rằng vua Lâm Ấp là Rudravarman I đem 4 vạn quân tiến đánh Đức Châu và đã tiến sâu vào đất Lợi Châu. Lý Bí lập tức bàn luận với các tướng. Lão tướng Phạm Tu nói:

-Tôi xin đem 4 vạn quân vào Nam phá giặc.

  Lý Bí nói:

-Lão tướng là người cao tuổi đã chinh chiến nhiều, chuyến đi này sẽ rất nhiều vất vả và khó nhọc.

Phạm Tu nói:

-Tôi còn đủ sức đánh cho tên vua Lâm Ấp chạy dài, xin chúa công yên tâm.

-Vậy lão tướng sẽ chọn tướng quân nào đi giúp sức.

-Cùng đi với tôi hãy cho tướng Lý Phục Man, tướng Phạm Thị Toàn và Triệu Quang Phục.

Tinh Thiều nói:

-Lão tướng nay đi chiến trường xa, phải tính toán thực chi ly. Quân Lâm Ấp có thuỷ binh nhưng lực lượng này ở ngoài biển không đáng ngại. Lực lượng mạnh của địch là bộ binh và đặc biệt là tượng binh với 1000 con voi. Lão tướng phải đánh kiểu gì mà binh lực tượng binh này không phát huy được tác dụng thì mới chiến thắng được.

Phạm Tu nói:

-Cảm ơn quân sư, tôi vào chiến trường xem xét cụ thể rồi sẽ tính sau nhưng bảo đảm tôi sẽ đánh tan quân giặc mới trở về.

  Sau tiệc rượu đưa tiễn của Lý Bí và các tướng, Phạm Tu đem 4 vạn quân tiến vào Lợi Châu theo con đường thiên lý. Khi còn cách quân Lâm Ấp 2 dặm thì Phạm Tu cho dừng tiến quân và quan sát. Trước mắt Phạm Tu là doanh trại quân Lâm Ấp trắng toát một màu kéo dài san sát. Giữa những trại đó có một trại tráng lớn nhất, đẹp nhất, trên nóc có là cờ màu trắng lớn có viết chữ đen ngoằn ngoèo. Phía Tây doanh trại là dãy núi Quyết với rừng rú rậm rạp. Phía Đông là đường thiên lý nhưng đầy cây cối âm u không khác gì rừng. Phạm Tu nói với các tướng:

-Bây giờ dàn trận đánh nhau đàng hoàng chắc quân ta bất lợi khi 1000 con voi của giặc xông lên.

  Triệu Quang Phục hỏi:

-Vậy thưa lão tướng, bây giờ chúng ta sẽ đánh như thế nào ạ?

  Phạm Tu nói:

-Trời sắp tối rồi, đêm nay dựa vào địa hình mà quân giặc đang hạ trại, ta tấn công ba mặt. Một cánh do Lý Phục Man chỉ huy đánh từ rừng phía Tây xuống, một cánh do Phạm Thị Toàn chỉ huy đánh từ phía Đông, một cánh do tôi và Triệu Quang Phục tấn công từ mặt Bắc doanh trại.

 Nữ tướng Phạm Thị Toàn hỏi:

-Thưa lão tướng, còn hướng phía Nam?

- Phía Nam để cho quân địch lối thoát chúng mới không liều chết chống cự. Nếu bịt kín địch liều chết mà đánh thì ta cũng thiệt hại không nhỏ.

  Các tướng bái phục:

-Đúng là lão tướng nhiều kinh nghiệm.

  Phạm Tu nói thêm:

-Chỉ có tấn công bất ngờ mới làm cho lực lượng mạnh nhất của địch là tượng binh không phát huy được tác dụng.

(Còn nữa)

CVL                        

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-38-a6685.html