Nhớ Tết Trung Thu xưa

Không biết tự bao giờ, ngày rằm tháng tám âm lịch hằng năm luôn là ngày được trẻ em háo hức đợi chờ. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, đứa bé nào cũng cầm trên tay chiếc lồng đèn xinh xắn, vui vẻ cười đùa, đó là những cảm giác thú vị luôn để lại trong lòng lũ trẻ thời khốn khó những ký ức khó phai.

ch-que5e-1632301309.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Những ngày đầu tháng tám âm lịch trên khắp phố phường, không khí Tết Trung thu như nhộn nhịp hẳn ra. Bánh Trung thu, lồng đèn với đủ chủng loại, màu sắc được bày bán khắp phố hứa hẹn một mùa Trung thu sung túc. Nhiều phụ huynh “tranh thủ” những ngày nghỉ dẫn theo con em mình đến tham quan thị trường Trung thu và cũng để chọn lựa những chiếc lồng đèn ưng ý nhất để khoe sắc vào đúng hội trăng rằm.

Trung thu lan tỏa khắp nơi, từ chốn phồn hoa đô hội đến vùng miệt vườn xứ đảo xa xôi. Do ở xa chợ, không có nhiều hoạt động dịch vụ Trung thu nên ở nông thôn không khí đón Trung thu thường đến chậm. Tuy nhiên, khi ánh trăng rằm soi sáng thì lũ trẻ thường cùng nhau bước ra sân ngước lên trời ngắm nhìn chú Cuội rồi xì xầm vào tai nhau câu hỏi: “Làm sao mà Cuội lên Trời được?”. Thế là những câu chuyện về các sự tích của những nhân vật thần thoại sẽ được mọi người thi nhau kể, không khí Trung thu cũng vì vậy mà xôm tụ, thú vị hơn.

Trung thu của đám trẻ quê chúng tôi ngày ấy thật bình dị, giản đơn nhưng vẫn ẩn chứa nhiều ký ức thật khó phai mờ. Ngày đó, quê tôi còn nghèo lắm, nghèo cho đến nổi được nhà nước ''phong tặng" danh hiệu xã nghèo, không biết có nghèo thật hay không chỉ biết là hằng năm vào đầu năm học thì đơn xin miễn giảm học phí, tiền xây dựng của lũ học trò nằm trên bàn của thầy hiệu trưởng còn nhiều hơn cả kinh văn trong tàng kinh các của Thiếu Lâm Tự!

Dân quê quần quật suốt ngày cũng chỉ đủ ăn và lo cho con cái chuyện học hành. Mọi hoạt động vui chơi cũng vì điều kiện thiếu thốn ấy mà người lớn ít hay để ý tới. Thế nhưng, cứ trước rằm một vài ngày, lũ trẻ chúng tôi lại cùng nhau bàn bạc để làm những chiếc lồng đèn đón chị Hằng, chú Cuội. Chúng tôi đi tìm những lon sữa bò rồi lấy dao rọc, dùng một nhánh tre buộc dây để tạo thành những chiếc lồng đèn xinh xắn. Lồng đèn tự làm của chúng tôi dù không tốn tiền nhưng đến ngày rằm vẫn cháy sáng trong niềm vui sướng hòa lẫn tiếng cười nói râm ran, không khí tết trẻ em vẫn nhộn nhịp.

Ở quê tôi chỉ những nhà khá giả mới đủ điều kiện quan tâm đến hoạt động vui chơi giải trí của con mình. Rất ít đứa trẻ nào được ba mẹ mua lồng đèn hay bánh Trung thu để mà thưởng thức. Mỗi lần đi trên đường thấy người ta bày bán lồng đèn tôi lại nhớ về mùa Trung thu năm ấy khi còn sống ở quê. Cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi ao ước có một chiếc lồng đèn để cùng chúng bạn chung vui trong ngày hội.

Tôi còn nhớ...năm lớp hai là năm đầu tiên tôi được đón tết Trung thu ở trường, trước trung thu một tuần cô chủ nhiệm bảo mỗi em về nhà làm một cái lồng đèn ông sao mang vô cho cô chấm điểm. Sau đó sẽ được xách đèn đi chơi một vòng quanh chợ.

Tôi lúc ấy hừng hực khí thế của một thằng nhóc lớp hai, vừa về tới nhà là chạy đi kiếm cái chét( loại dao to bản được làm từ cái phản để phát cỏ lác) ù ra ngay bụi trúc trước nhà lựa ngay gốc trúc to nhất, đang ngồi chẻ chẻ vót vót thế nào bị trúc cứa đứt tay. Thế là có bao nhiêu sức bình sinh cứ thế ré lên như gà bị cắt cổ, ba tôi đang đốn lá gần đó nghe tiếng thằng út khóc không biết chuyện gì liền chạy đến.

Thấy tay tôi máu me đầy ra, nước mũi nước dãi lòng thòng mới lấy trong túi một ít thuốc ''tê trảng'' đắp cho tôi, đoạn mới hỏi vụ gì mà bị đứt tay, tôi mới kể lại cô giáo kêu làm vậy...vậy...

Thế là ba tôi kêu vào nhà leo lên võng ngủ đi để chiều mát ba kiếm tre làm cho.

Chiều hôm ấy tôi ngồi chăm chú nhìn ba tỉ mỉ vót từng nan tre làm chiếc đèn ông sao cho.

Một tuần rồi cũng tới, đèn của tôi được điểm 10 ( chắc một phần là lớp trưởng nên được ưu ái).

Chiều hôm đó, cơm nước xong tôi được mẹ dắt ra trường Nhị Long A, thấy tụi bạn đứa nào cũng cầm lồng đèn trên tay, thấy thích lắm con nít mà nào giờ có biết trung thu là gì đâu.

Thầy hiệu trưởng nói các thầy cô với thầy tổng phụ trách tập trung các em lại, sau khi đã ổn định chỗ ngồi thầy hiệu trưởng bắt đầu đọc bài thơ của Bác Hồ:

''Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng"...

Tôi với mấy đứa bạn đưa tay chỉ chỏ lên ông trăng đang sáng vằng vặc, miệng nhao nhao:

- Ê, tụi bây có đứa nào thấy chú Cuội không, ổng đang ngồi dưới gốc cây đa kìa!

- Đâu, đâu có thấy đâu!

- Đó, đó...!

Cuối cùng cũng tới lúc phát quà, lũ bạn nháo nhào lên.

Quà trung thu của lũ học trò nghèo chỉ là hai cái bánh dẻo với vài cục kẹo vậy mà mặt đứa nào cũng hí ha hí hững như lụm được vàng.

Đêm ấy, lũ con nít được tình tang đi lòng vòng chợ Dừa Đỏ vừa đi vừa hát:

''Tết trung thu đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường''...

Còn nhớ năm 1993, thì toàn xã Nhị Long chưa có điện, hòa trong ánh trăng rằm là ánh sáng của những ngọn đèn dầu leo lét trong nhà dân loáng thoáng hắt ra...

Theo sự phát triển của thời cuộc, quê tôi ngày càng trở nên đông đúc, mọi người đã chú trọng đến hoạt động vui chơi của trẻ em trong ngày hội trăng rằm. Mặc dù vậy, trong ký ức của đám trẻ quê chúng tôi vẫn còn đó những mùa Trung thu giản đơn, chỉ với chiếc lồng đèn tự làm mà không khí ngày Tết vẫn luôn nhộn nhịp. Còn đối với tôi, chắc có lẽ chiếc lồng đèn ông sao được ba tỉ mỉ ngồi chẻ từng chiếc nan tre làm cho tôi bên thềm nhà năm xưa sẽ mãi luôn là một ký ức khó phai...

Theo Chuyện quê

Lâm Hùng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-tet-trung-thu-xua-a6708.html