Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 39)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.    

           

ly-bi-7a-1632364540.jpg
Tranh minh họa: Dân chúng tham gia khởi nghĩa Lý Bí lập nên nước Vạn Xuân. Nguồn: Internet.

Kỳ 39.

Từ xa bên doanh trại quân Lâm Ấp cũng đã trông thấy doanh trại quân Việt ngã màu đen do trời đã tối. Một bộ tướng của Rudravarman I nói:

-Sao bệ hạ không nhân lúc quân Việt mệt mỏi mà lùa voi đi trước, bộ binh theo sau mà tiêu diệt chúng?

 RudravarmanI nói:

-Cứ nghỉ ngơi đi, ngày mai dàn trận đàng hoàng ta sẽ lùa voi xéo chết bộ binh Việt là xong, cứ gì phải đánh ban đêm nhỡ trúng phục binh thì sao.

Ngừng một lát, vua Lâm Ấp trỏ tay nói tiếp:

-Ngươi không thấy quân Việt sợ voi của ta đã không dám tiến tới, không đóng trại nơi bằng phẳng mà đóng quân trên đồi cao, trước mặt có đồng lầy đó sao.

  Đêm xuống, lính canh của quân Lâm Ấp vẫn thấy trong lều trại của quân Việt lửa sáng rực, quân lính ăn uống đi lại nhộn nhịp nên quân Lâm Ấp không nghi ngờ gì cả. Thốt nhiên giờ tý, toàn bộ doanh trại của quân Lâm Ấp bốc cháy ngùn ngụt, toàn doanh trại chìm trong biển lửa sáng rực. Quân Lâm Ấp thức dậy đang hỗn loạn thì bị những trận mưa tên bắn xối xả từ các hướng Bắc, Đông, Tây. Quân Lâm Ấp hết lớp này đến lớp khác gục xuống chết chồng chất. Khi đang hỗn loạn cực độ thì quân Việt từ ba hướng Tây, Đông và Bắc lao vào chém giết quân Lâm Ấp và reo hò kinh thiên động địa, chiêng trống thúc vang lừng chuyển động cả trời đất vùng núi Quyết, sông Lam. Thây quân Lâm Ấp xếp thành núi, máu chảy ngập đường như suối. RudravarmanI hốt hoảng cùng bộ tướng lên voi chạy về hướng Nam. Lạ kỳ những mũi tên cứ tua tủa tìm đến chung quanh voi và người Rudravarman I. Những tùy tướng lấy thân che tên cho chúa đã gục xuống chết dọc đường. Một tùy tướng nói:

-Bệ hạ ném cái lọng trắng đi, quân Việt biết lọng trắng là của bệ hạ nên chúng bắn dữ dội.

  Rudravarman I ném lọng trắng đi, mở đường máu mới chạy thoát và đi một mạch về kinh đô Phật Thệ không dám ngoái đầu lại. Tại chiến trường Lợi Châu, 3 vạn quân Lâm Ấp đã nằm lại, 1000 con voi bị quân Việt bắt sống. Đây là trận nhớ đời của quân Lâm Ấp. Sau trận này, nước Lâm Ấp bước vào thời kỳ suy yếu cho đến năm 605 thì bị nhà Tùy tiêu diệt.

  Như vậy, tới năm 543, Lý Bí đã kiểm soát toàn bộ Giao Châu, phía Bắc là quận Hợp Phố bao gồm Bắc Hải và bán đảo Lôi Châu, quận Ninh Hải, Hoàng Châu, Ái Châu, Lợi Châu, Minh Châu và Đức Châu.

  Vào một buổi sáng năm Giáp Tý (544), Lý Bí ngồi bàn bạc với các tướng về công việc quốc gia ở thành Long Biên. Tinh Thiều nói:

-Bẩm chúa công, nước một ngày không thể không có vua, nay lãnh thổ được giải phóng đã kéo dài từ Hợp Phố phía Bắc đến vượt quá dãy Hoành Sơn ở phía Nam, rất cần một minh quân cai trị. Nay xin chúa công lên ngôi hoàng đế lãnh đạo xây dựng quốc gia, để thỏa lòng mong mỏi khao khát của quân dân bách tính.

  Triệu Túc cũng nói:

-Quân sư nói phải, chúa công phải lên ngôi hoàng đế để cho danh chính, danh có chính thì ngôn mới thuận để hiệu lệnh thiên hạ mà trị vì đất nước, mới thực hiện được sự nghiệp kinh bang tế thế.

Phạm Tu nói:

-Chúa công xưng đế thì sự nghiệp độc lập mới sáng tỏ để sánh ngang với các triều đại ở Trung Nguyên.

  Các tướng đều quỳ xuống và đồng thanh hô to:

-Bệ hạ vạn tuế, vạn tuế…

  Vậy là tháng 1 năm 544, Lý Bí làm lễ đăng quang, lên ngôi hoàng đế, lấy đế hiệu là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lấy Long Biên làm Kinh đô, lấy thành Tô Lịch là kinh đô thứ hai. Việc Lý Bí xưng đế là ngang nhiên phủ định sự thống trị của Lương Vũ Đế đối với Giao Châu, vạch rõ Giao Châu là một thực thể độc lập, dân Việt dứt khoát làm chủ vận mệnh của mình. Lý Bí đã tổ chức một triều đình gồm hai ban văn, võ trăm quan. Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ, Triệu Túc làm Thái Phó, Lý Thiên Bảo làm Thái sư, Phạm Lạng, Phạm Thị Toàn, Dương Khoan Khoáng, Triệu Quang Phục làm Đại tướng tả tướng quân, Trịnh Đô, Tam Cô, Lý Công Tuấn, Triệu Chí Thành, Lý Phục Man, Lý Phật Tử làm Đại tướng hữu tướng quân.

  Một hôm Thái phó Triệu Túc nói:

-Bệ hạ nên cho xây một cung điện gọi là điện Vạn Thọ để làm nơi thiết triều, hội họp, sau nữa là để thể hiện uy vũ của quốc gia, của triều đình.

Lý Nam Đế  nghe lời cho xây điện Vạn Thọ.

 Tả tướng quốc Tinh Thiều nói:

-Hiện nay trong thiên hạ rất cần mua bán trao đổi mà không có tiền, phải trao đổi hiện vật lấy hiện vật, rất là bất tiện. Bệ hạ nên cho đúc tiền thuận lợi cho việc mua bán, phát triển kinh tế đất nước.

  Lý Nam Đế nghe theo, cho đúc đồng tiền riêng của nhà nước Vạn Xuân, gọi là đồng tiền Thiên Đức.

  Lý Nam Đế đã chịu ơn nhà chùa nuôi nấng dạy dỗ từ năm 7 tuổi, cho nên Người theo Phật giáo. Cuối năm 544, Lý Nam Đế cho xây ngôi chùa lớn cũng là trung tâm Phật giáo lớn của Vạn Xuân, đó là chùa Khai Quốc.

  Lý Nam Đế đã thực hiện ban thưởng hậu cho các tướng sĩ có công, ban tặng vàng bạc cho các làng, miễn và giảm sưu thuế cho nhân dân, xóa bỏ tất cả các chính sách bóc lột, áp bức, đồng hóa của các triều đại Trung Quốc ở Giao Châu. Lý Nam Đế ra sức xây dựng quân đội, xây dựng những căn cứ chống Lương, xây dựng thành lũy ở đầu sông Tô Lịch đề phòng có thể phải thiên đô về đây.

                                                              IV

 Tin mất toàn bộ Giao Châu làm cho Lương Vũ Đế kinh hoàng. Trong một buổi thiết triều ở kinh đô Kiến Khang, Lương Vũ Đế nói với quần thần:

-Chưa đầy 4 năm, chỉ riêng ở đất Giao Châu của bọn di Việt, ta đã mất 10 vạn quân, 1 Thứ sử, bốn Thái thú hàm Thứ sử, một Thái thú và nhiều võ quan khác mà kết cục nay mất toàn bộ châu này, mất một hậu phương quan trọng của nước Lương ta. Lý Bí quả là văn võ song toàn. Nay ông ta còn xưng Hoàng đế, đặt đế hiệu, niên hiệu, quốc hiệu riêng để hoàn toàn đối lập với chúng ta, Ta không thể nuốt trôi mối nhục này. Có ai có thể thay ta đi dẹp loạn Giao Châu hay là để ta phải tự thân chinh?

  Quan Thái sư Tiêu Chính bước ra tâu:

-Muôn tâu, đất phương Nam khí hậu khắc nghiệt, lam sơn chướng khí, xa cách vạn dặm, bệ hạ khỏi phải khó nhọc, vả lại còn phải bận việc tranh hùng trong chiến cuộc Nam- Bắc triều hiện nay, bệ hạ không thể rời Kiến Thành này được. Bình định Giao Châu thần xin tiến cử một người có thể hoàn thành sứ mạng này.

  Lương Vũ Đế hỏi:

-Ai vậy? Khanh nói nhanh.

-Thưa, đó là Đại đô đốc Tây Giang, bây giờ là Thái thú Vũ Bình Trần Bá Tiên.

-Khanh biết rõ người này không?

-Dạ bẩm, thần biết rõ. Trần Bá Tiên vốn xuất thân là tầng lớp bình dân, đã từng giữ chức Lý trưởng ở Hà Nhược, huyện Trường Thanh, châu Chiết Giang, sau theo Thứ sử Quảng Châu Tiêu Anh làm chức Tham quân, hiện giờ là Đại Đô Đốc Tây Giang, Thái thú Vũ Bình. Trần Bá Tiên là con người giỏi chiến trận, giỏi binh pháp, văn võ song toàn. Thần xin bảo đảm người này có thể bình định được Giao Châu, đáp lòng mong mỏi của bệ hạ.

-Vậy chuẩn tấu.

  Lương Vũ Đế lập tức xuống chiếu phong Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Đại tư mã, đem 5 vạn quân đi bình định Giao Châu, lại sai Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội quân với Dương Phiêu ở Giang Tây để Nam chinh.

  Khi hội quân ở Giang Tây, Dương Phiêu cử Trần Bá Tiên đi tiên phong. Tiên dẫn 4 vạn quân theo đường biển tiến vào Giao Chỉ. Do thuận buồm xuôi gió nên 2 ngày sau quân Lương đã đến Ninh Hải, cập bến Hạ Long. Trần Bá Tiên bắt đầu dụng binh một cách gian xảo để đánh lừa Lý Nam Đế. Đạo quân bộ 2 vạn người dong cờ đánh trống tiến vào Hồng Châu cốt cho Lý Nam Đế đem quân chặn đánh đạo quân này, còn đạo quân khác 2 vạn lính do Trần Pháp Vũ chỉ huy, được dấu trong các khoang thuyền giả thuyền đánh cá rải rác đi cách xa nhau bí mật tiến theo đường sông Bạch Đằng, theo sông Kinh Thầy rồi đổ bộ lên Lục Đầu Giang, có nhiệm vụ đánh tập hậu bất ngờ vào sau lưng quân Việt ở Hồng Châu.

  Bấy giờ là Thiên Đức năm thứ hai, tháng 5 năm 545 (Ất Sửu), thám mã về báo quân Lương đã đổ bộ lên bờ biển vịnh Hạ Long, Ninh Hải và đang tiến về Hồng Châu.

  Lý Nam Đế hỏi:

-Trần Bá Tiên là kẻ dùng binh rất gian trá, ngoài đạo bộ binh tiến về Hồng Châu, có đạo thủy binh tiến vào sông Bạch Đằng không?

Thám mã:

-Dạ không thấy có đạo thủy binh nào.

Tinh Thiều nói:

-Không có đạo thủy binh theo sông Bạch Đằng, sông Kinh Thầy lên Lục Đầu Giang thì Trần Bá Tiên không thể hợp vây quân ta được.

Lý Nam Đế nói:

-Quân sư ở lại coi Long Thành cùng Thái sư Triệu Túc, Đại tướng Phạm Tu đi phòng giữ thành Tô Lịch, còn ta thân chinh cùng các Đại tướng Triệu Quang Phục, Dương Khoan Khoáng và các Đại tướng khác chặn đánh địch ở Hồng Châu.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-39-a6733.html