Đoàn Thị Giàu - “Đệ nhất phu nhân” giản dị nhất

Từ cổ chí kim, khi nói đến “hoàng hậu”, đến “đệ nhất phu nhân”, bao giờ người đời cũng nghĩ đến quyền cao chức trọng, giàu sang nhung lụa, ăn sung mặc sướng, kẻ hầu người hạ… Chỉ ở nước Nam, trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, mới có một “đệ nhất phu nhân” giản dị nhất.

242359615-1568055793586364-3084001103879299459-n-1632454076.jpg

Đó là cô giáo Đoàn Thị Giàu ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang - phu nhân của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Từ ngày bà lấy chồng cho đến năm 1954, trong suốt hơn 30 năm, thời gian bà gần bên chồng chỉ có thể tính bằng số ngày. Vì công việc cách mạng, lại bị thực dân Pháp truy lùng, nhà cách mạng Tôn Đức Thắng liên tục thay đổi địa bàn hoạt động, năm thì mười họa mới gặp vợ con một lần. Rồi ông bị thực dân Pháp bắt giam đày đi khổ sai ngoài Côn Đảo suốt 16 năm, cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công mới trở về đất liền. Bà ở nhà vừa đối phó sự khống chế, o ép của giặc, vừa một mình tần tảo nuôi 3 người con (2 gái, 1 trai), có lúc trôi dạt tận Nam Vang bán hàng rong kiếm sống... Người con trai của bà bị bệnh chết trong cảnh nghèo trong giai đoạn đó.

241480758-1568055713586372-8260566820931914430-n-1632454076.jpg

Năm 1945, nhà cách mạng Tôn Đức Thắng ra tù, chỉ ghé Tiền Giang thăm vợ con đúng một ngày sau 16 năm ly biệt, rồi vội vã lên đường công tác. Đầu năm 1946, Bác Tôn lên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ cùng với 2 con, không kịp chia tay vợ. Ở lại quê nhà, bà vào chiến khu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp với biết bao gian khổ, hiểm nguy. Ngày con gái lấy chồng ở chiến khu Việt Bắc, bà không có bên cạnh. Năm 1954, bà tập kết ra Bắc, từ đó bà mới thực sự ở bên chồng con, lúc tuổi đã già.

Là vợ của Chủ tịch nước, nhưng bà vẫn sống cuộc sống bình dị như nhiều người dân Hà Nội trong điều kiện khó khăn bởi chiến tranh. Món quà Bác Tôn mang về từ Liên Xô bà yêu thích nhất là chiếc cối xay tiêu bằng gỗ, giá 7 rúp. Với chiếc cối ấy, bà có thể hàng ngày làm món cá kho tiêu Bác Tôn ưa thích mà không sợ “đâm tiêu văng ra ngoài”. Bà còn là người chịu thiệt thòi lớn khi không kịp trở về quê hương trong ngày vui đại thắng bởi bà mất năm 1974!

 

Theo Trái tim Người lính

Minh Lê

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doan-thi-giau-de-nhat-phu-nhan-gian-di-nhat-a6769.html