Trận cuối Đồng Dù

Tôi không may mắn được tiến vào Sài Gòn 30/4. Cách Sài Gòn 30 km, Căn cứ Đồng dù là trận đánh cuối. Mà cái tên ấy khi ra viện tôi mới biết . Lính mà , chỉ biết nhận nhiệm vụ chiến đấu thôi.

chulgque1q-1632535835.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Rời thị xã Cheo Reo bề bộn xe pháo của địch, hàng hoá lợn gà của dân bỏ lại. Chúng tôi đi theo đường 7 xuống Nha Trang. Hành quân thần tốc trong thế trận Cheo reo nâng bước, mỗi ngày đêm nghỉ 6 tiếng, chục ngày sau đã xuống tới đồng bằng ven biển Tuy Hoà. Nhìn lên đỉnh Chóp Chài không còn bóng một tên lính nguỵ. Dọc quốc lộ Một là tiếng loa trên nóc những chiếc xe lam, phát đi lời kêu gọi đầu hàng của tên tướng nguỵ thất trận, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm...

Tại đây lần đầu tiên lính bộ binh chúng tôi được một đơn vị Tăng thiết giáo phối thuộc, được ngồi xe bọc thép. Đi hai giờ trên quốc lộ Một. Có lẽ phải thêm vào vốn liếng ngạn ngữ câu:" Vui như lính bộ binh ngồi xe", vì buồn cười lắm, đang trong tình trạng "con ruồi đậu mép không thèm đuổi" mà lên xe thôi thì cười nói tán gẫu rồi vỗ tay hoà nhịp hát "Tiến về đồng bằng ta tiến về Thành đô ", đinh cả óc trong thùng xe vừa nóng vừa kín. Cứ như không hề có trận đánh sắp tới: giải phóng thị trấn Tuy An.

Chỉ với mấy quả pháo thị uy, địch lũ lượt chạy trốn, ra hàng. Quân phục lính nguỵ cùng súng vất ngổn ngang... Súng đạn nặng trĩu vai chúng tôi trên đường hành quân giờ bỏ không.

Ngỡ ngàng buổi trưa được các mẹ các chị đem cơm ra tiếp, chuyện sau mới biết là bọn Tâm lí chiến tuyên truyền Cộng sản ở trong rừng có đuôi, nên bà con kéo ra đông lắm để ... xem thật hư thế nào. Chúng tôi ngại ngùng nhìn lại mình.

Lính Tây nguyên sốt rét là ko tránh khỏi, nhắc sốt rét mà ko nhắc tới tài tiêm mông chị Xuân ở viện 211 thì thật thiếu sót. Lính ta xếp hàng nắm úp ngại ngùng để hở nửa cái mông. Chị đến kéo xoẹt xuống đến đầu gối tiêm luôn rồi đi luôn. Đông quá mà. Nghe nói tiêm không đúng huyệt là liệt luôn mà chưa thằng nào liệt cả. Chỉ tội sau 3 mũi Quy nín sánh như mỡ gà ấy , hết sốt, là đôi chân run rẩy, đi phải chống gậy.

Mắt trắng môi thâm vì sốt rét, quần áo tã nát mưa rừng, đánh trận... mà sao các bà các mẹ thương thế, cảm động lắm. Được gặp các em gái nữa, bộ đồ mỏng tang chứ không kín đáo như phụ nữ ngoài Bắc, chỉ dám nhìn trộm.

Mấy hôm trước gà lợn dân chạy bỏ đầy nhưng chúng tôi vẫn ăn mắm kem, món ăn suốt 4 năm rồi. Bữa cơm ấm tình quân dân hôm nay nhớ ơi là nhớ. Thịt cá ăn ko hết, nhưng ngon nhất là món rau muống xào tỏi. Hôm đó là mùng 1 tháng tư 1975.

Chia tay bà con Tuy An, chúng tôi lại được ngồi ô tô, quay lại đường 7. Trận đánh nối tiếp trận đánh, đã cuối tháng Tư. Dừng chân ở Chơn Thành, mỗi thằng được phát 1 bộ quần áo, mũ cối mới tinh. Hồi hộp, chuẩn bị đánh vào Thành phố rồi.

18h lên đường, vẫn là tăng võng bông băng súng đạn và bó cây trên vai, chỉ khác thằng nào cũng bộ Tô châu mới cứng. 21h đến nơi tập kết. Trong đồn điện vẫn sáng trưng, pháo ta đã bắn vào căn cứ này ba ngày rồi. Kho xăng vẫn bập bùng cháy. Đào hầm xong tôi tập hợp nhắc anh em không được chủ quan. Linh cảm trận này rất ác liệt.

5h sáng. Các cỡ pháo bắn vào căn cứ dồn dập, một xe tăng ta vượt lên trước bộ binh chúng tôi. Tiếng bộc phá từ cửa mở đinh tai nhức óc. Địch cũng đưa tăng ra bắn xuống. Trên trời T28 trút bom , xe tăng ta bốc cháy...

Sau hơn một tiếng đồng hồ, đại đội đánh bộc phá đã thông qua 17 hàng rào théo gai. Bộ binh được lệnh xuất kích, qua hàng rào thép gai rồi bò nhích từng mét. Anh em hi sinh rất nhiều, đủ các tư thế nằm ngồi trên cửa mở. Hơn một tiếng nữa chúng tôi mới chiếm được lô cốt đầu cầu, đỡ phơi mình dưới làn đạn và đánh phát triển vào trong.

Ở cửa mở phụ của tiểu đoàn 3 cũng rất ác liệt. Trung đoàn phó Phạm Vũ Mão đã bò lên cửa mở trực tiếp chỉ huy đánh bộc phá.

Tôi thấy đau nhói gần tai. Máu chảy xuống cằm. Cậu y tá chạy sang, đã hết băng. Băng cá nhân của tôi cũng đã dùng cho đồng đội. Chỉ còn lại cái băng bụng to tướng.

Thấy máu ra nhiều nó cuống lên băng cho tôi kín hết mặt , chỉ hở hai con mắt. Anh Tác chính trị viên bò sang hỏi : em đau lắm không? anh em A10( cối 60 li) hi sinh hết rồi...Tôi hiểu anh muốn nói gì.

Căn cứ này trước là của sư đoàn Tia chớp Mỹ. Rất kiên cố. Quây xung quanh trại lính là thùng phuy chứa toàn đất. Bắn thẳng hầu như mất tác dụng nên giờ chỉ còn khẩu M79 của tôi là hiệu quả nhất , quen tay nên không cần ngắm, tôi bò lên rồi bắn từng quả vào trại lính...Lúc ấy tôi cũng không thấy đau.

Hai tiếng đồng hồ nữa trong chiến trận ngạt thở, đúng 11h12 phút lá cờ giải phóng tung bay trên cột cờ của sở chỉ huy sư đoàn 25 nguỵ, khoảnh khắc không thể nào quên ta làm chủ trận địa. Tên Lý Tòng Bá tư lệnh sư đoàn bỏ chạy ra rừng cao su thì bị bắt.

Trung đội tôi còn 5 anh em, nhem nhuốc nhìn nhau, bộ Tô Châu còn nguyên hồ ướt sũng dưới trời nắng nóng lấm lem chẳng còn chút màu xanh. Thằng em nhìn cái băng kín mặt thấm máu ôm lấy tôi mà khóc, làm tôi phải dỗ nó. Anh Tác đến bên tôi : em đi viện nhé. Khi nào về anh có tin vui cho em. Giờ tôi mới thấm đau. Tôi trao khẩu M79 cho anh mà không nghĩ là chia tay nó, không nghĩ mai là ngày chiến thắng. Khẩu M79 ấy đã qua tay nhiều người lính, gắn bó với tôi 3 năm,và giờ đang được lưu giữ trong Bảo tàng truyền thống Đoàn Đồng bằng.

Chiếc xe Gát( mà lính gọi là xe ghẻ) chở thương binh theo con đường gập ghềnh đến bờ sông Sài Gòn. Tôi được đưa vào hầm phẫu là một đoạn trong địa đạo Củ Chi. Có rất nhiều thương binh trong phẫu, mùi máu không có đường thoát tanh dễ sợ. O y tá ngọt ngào nựng rồi gỡ băng cho tôi. Gắng chịu anh nha. Nếu em dùng răng thì đỡ đau hơn đấy. Hoà bình đã anh nhé. Em cười tươi rói, tôi thấy như người thân.

Trưa hôm sau, 30/4, tiếng súng vang lên từng hồi dữ dội. Địch tập kích khu phẫu rồi. Đang lo lắng bỗng các o y tá ào vào. Ôm lấy thương binh mà hôn. "Các anh ơi, ta thắng rồi". Tất cả , cụt chân cụt tay băng bó, nhảy cẫng lên.

Thế ra khi nghe tin chiến thắng, còn bao nhiêu đạn trong súng các o bắn hết lên trời. Giờ tiếng súng vẫn còn râm ran mà sao nghe vui thế.

Theo Chuyện làng quê

 Dì Pig

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tran-cuoi-dong-du-a6788.html