Độc đáo những tiềng “Gọi đàn” trong “Lục bát mỗi ngày” của Đặng Vương Hưng

Nhà thơ Đặng Vương Hưng vừa cho ra mắt một công trình thơ lục bát khá đồ sộ. Tác phẩm LỤC BÁT MỖI NGÀY do NXB Văn học ấn hành tháng 9 - 2021 với 1.244 trang, nặng 2kg, gồm 942 bài lục bát, 12 bài giới thiệu và cảm nhận của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo, nhà giáo … về cuốn sách. Đây là tác phẩm ghi lại dấu ấn đặc biệt của đời thơ đại tá Đặng Vương Hưng, trong đó 41 năm nhà thơ mặc áo lính…

dang-vuong-hung2-1632626834.jpg
    

         Hiện nay thơ Việt đương đại đang có nhiều cách tân theo “thi pháp” hiện đại và hậu hiện đại. Nhiều nhà thơ đã ngắt câu, xuống dòng thoải mái đôi lúc làm câu thơ trở nên tối nghĩa, rối rắm, đánh đố người đọc. Có lẽ một vài tác giả đang cố tình tạo ra “cái lạ” trong “tân hình thức” thơ để “bữa tiệc” thơ thêm gia vị, thì Đặng Vương Hưng vẫn thủy chung với thơ truyền thống “lục bát” nhưng không phải là không cách tân. Anh cách tân theo một hướng khác xét trên bình diện ngôn ngữ cùng với sự đa sắc trong phản ánh hiện thực và hình thức thể hiện.

       Tôi thích đọc lục bát Đặng Vương Hưng giữa bao nhiêu ồn ào, bao nhiêu trăn trở trước khó khăn của cuộc sống, đọc thơ anh ta như được tắm nước mưa giữa mùa hè nóng bức. Cái đáng quý trong lục bát của anh là luôn giữ nụ cười lạc quan. Nó được tỏa sáng bởi cái “tếu táo”, cái “khiêm nhường” và “tự trào”. Có khi nó ẩn chứa tiếng cười của Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Có lúc lại phớt đời, mang cái “ngông” của Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu. Đâu đó lại hàm chứa tiếng cười của Bút Tre, Bảo Sinh, Trần Nhương… Thơ anh là thơ của “thảo dân”, thơ của “lính”, chất dân dã nổi trội nhưng không phải là không hàm chứa tính “uyên bác”.

        Tôi chưa một lần gặp anh, mà chỉ qua mấy tác phẩm “Học quên để nhớ”, “Đa tài và đa tình”, “Nếu tôi là tỷ phú”… và nhiều bài thơ đăng lẻ trên các báo tôi đã bị “bùa mê”. Thơ anh đúng như nhà thơ Tố Hữu đã nói: “Thơ là tiếng gọi đàn, là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Thơ Đặng Vương Hưng có tiếng “gọi đàn” vang xa. Và “điệu tâm hồn” trong thơ anh là một ăng ten bắt sóng và cộng hưởng với muôn tâm hồn “đồng điệu” của bạn đọc trong và ngoài nước.  

        Được biết anh vốn có tình yêu văn chương từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Và khi rời mái trường quê hương Bắc Giang anh vào bộ đội trong những ngày cả nước đang căng ra trước cuộc chiến ở biên giới phía Bắc và biên giới phía Nam. Giữa khói lửa của chiến trường Lạng Sơn anh vẫn có thơ sau mỗi trận đánh. Giấc mộng văn chương càng được nuôi dưỡng, lớn lên từng ngày. Và khi rời quân ngũ về công tác ở báo An ninh thế giới rồi về Nhà xuất bản Công an, anh càng có điều kiện thả hồn mình vào thơ và những ghi chép khác. Nhà văn Nam Cao nói: “Sống đã rồi hãy viết”. Điều này vận rất đúng vào Đặng Vương Hưng. Anh có một vốn sống phong phú, từng trãi từ đồng bằng lên rừng núi, và về chốn phồn hoa đô thị, công tác trên nhiều lĩnh vực. Bàn chân đi khắp trăm miền, tiếp xúc mọi lớp người. Ở đâu anh cũng có thơ viết như vui như đùa một cách rất tự nhiên như chính hơi thở của cuộc sống.

     Anh sáng tác thơ không mong mình trở thành nhà thơ nổi tiếng mà đó chỉ là những giãi bày của anh cùng người thân, bè bạn, giãi bày cùng cỏ cây, hoa lá, đất trời, quê hương. Tiếng lòng sâu thẳm của tim anh, có khi cất thành tiếng hát, lại có khi ngậm ngùi suy tư sâu lắng, hoặc buồn vui bất chợt… cứ dâng đầy trong cảm xúc và ẩn vào trong mỗi dòng thơ.

        Hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ của quê hương, đất nước, con người đã thôi thúc anh cho ra mắt tám tập thơ với sự rung cảm chân tình, đa chiều. Song, anh vẫn rất khiêm tốn tự bạch về mình qua bài “Tự họa”, pha một chút hóm hĩnh, dễ thương. Có thể xem đây là bản “tóm tắt lý lịch” bằng thơ thật hiếm có trong làng thơ Việt Nam:

       

dang-vuong-hung1-1632626834.jpg
 

       Không còn trẻ cũng chưa già

Người ta bảo hắn đang là … đàn ông

       Người hắn yêu đã lấy chồng

Còn người yêu hắn sống cùng có con

       Mộng mơ ngày tháng mỏi mòn

Chưa vuông nhà cửa, chưa tròn công danh…

       Bỏ làng xóm ra thị thành

Từ rừng về phố, vẫn anh quê mùa

      Kệ cho trời nắng với mưa!

Hắn đâu chịu hiểu mình đâu biết gì

      Dại, khôn, hay, giở… thôi thì…

Hắn vẫn là… hắn – Có gì khác đâu !

      Dẫu chưa bạc tóc, dài râu

Hắn đã tưởng tượng … kiếp sau đời mình

      Rằng yêu, thì thật đa tình

Và khi giận dữ lặng thinh cửa nhà…

     Hắn như vậy đó em à!

Đừng quen biết hắn mẹ cha buồn rầu…

    “Hắn” như thế đó mà thơ “hắn” khối người đọc bị bỏ “bùa mê”.  Vì “hắn” luôn trãi lòng mình với mọi kiếp nhân sinh. Có lẽ “hắn” bị “giời đày làm thơ” chăng, mà thơ lại không dở. Đúng “hắn” là “phu chữ” rồi như nhà thơ Lê Đạt đã nói.

      Muốn có thơ hay đâu phải dễ, rất cần năng khiếu bẩm sinh mà ta thường gọi là “thiên phú” (trời cho), thì Đặng Vương Hưng ít nhiều đã được “trời cho” điều đó. Ta hãy nghe anh tỏ lòng mình cùng thơ như một lời tự bạch:

           Kiếp này trót mộng với mơ

Giời hành bắt phải làm thơ mỗi ngày...

          Kiếp sau còn bị giời đày

Làm thơ Lục Bát mỗi ngày nữa không?

                                  (Trót)

      Anh bảo “giời hành” từ kiếp này, và liệu kiếp sau có làm thơ lục bát nữa hay không, thì tôi vẫn tin thơ luôn đeo bám hồn anh ở mọi nơi, mọi lúc. Lục bát như chính hơi thở, như cơm ăn nước uống  hàng ngày của anh vậy.

      Và đây là “Nhà tôi” được anh giới thiệu như một phân đoạn phim quay cận cảnh, mời bạn về thăm:      

           Nhà tôi ở cạnh xóm liều

Người thân ngại đến bạn yêu ngại về

         Láng giềng nửa phố nửa quê

Chuyện trò văng tục, chửi thề... đã quen

         Nhà tôi không số không tên

Ngõ ngoặt, hẻm nhỏ khó tìm đường vô

          Nếu thương xin hãy làm ngơ

Đừng hỏi địa chỉ bây giờ... nhà tôi

        Sợ thơ buồn chẳng dám mời

Sợ lũ mất ngủ cuốn trôi câu Kiều

         Nhà tôi ở cạnh xóm liều....

Nhà anh vậy, ở cạnh “xóm liều” nhưng thật đáng yêu. Đây là bức tranh quê với màu sắc tươi tắn, với âm thanh vui nhộn và hình bóng người nông phu lam lũ nhưng không tắt ước mơ. Quê anh có  lúa xanh, thóc vàng, có rơm rạ, trâu cày, và đẹp hơn là hình bóng các thôn nữ  đùa vui nơi sân chùa trong đêm thu:

         Mấy cô thôn nữ hay đùa

Lá đa rụng khắp sân chùa không hay… 

       Lưng ong khoe mái tóc dài

Em đi ngơ ngẩn mắt ai thòm thèm.

     Viết về quê hương, anh không bị sa vào những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành mô-típ ước lệ mà làng anh luôn hiện lên thật gần gũi thân quen. Cái làng ấy đáng yêu thế nhưng anh vẫn mãi mê “Đi tìm” một tiếng “gọi đàn” trong thơ. Đúng như Tố Hữu đã nói “Thơ là tiếng gọi đàn…”.  Ta thấy anh như đang điền dã về muôn nẻo từ thôn cùng ngõ vắng đến phố thị xôn xao để xem  nhân tình thế thái, để cảm được nỗi đau và niềm vui của mọi kiếp người, và để tìm cảm hứng cho thơ:

          Tôi đi về phía gió sương

 Nửa đời dằng dặc con đường vẫn xa

        Tôi đi về phía phồn hoa

Nửa đời mới thấy hóa ra mình nhầm

        Tôi đi về phía âm thầm

 Nửa đời nước mắt ướt đầm trang thơ

         Tôi đi về phía mộng mơ

Nửa đời như vẫn đang chờ đợi ai

        Tôi đi về phía ban mai

 Nửa đời mới biết đêm dài bao nhiêu…

 Vì thế, mỗi vần thơ của anh đều nhằm phản ánh cuộc sống sinh động, phong phú qua sự cảm nhận, liên tưởng, suy tư về ông bà, cha mẹ, quê hương, đất nước, con người, về tình yêu nam nữ…

   Trước hết ta hãy cùng anh chia sớt nỗi lòng với bà. Ở  bài “Nhớ bà” anh có những câu làm ta nghẹn ngào đến rơi lệ:

        Ngủ mơ nghe tiếng thạch sùng

 Nhớ đêm mưa dột trên mùng bà tôi

        Miếng trầu khô miệng bình vôi

Còng lưng vẫn chiếc áo tơi ra đồng

       Đèn dầu đợi suốt đêm đông

Chồng con ra trận mãi không thấy về..

       Dáng bà cong cả triền đê

Đội mưa, cõng nắng, chở che suốt đời

       Lớn lên biết nhớ thương Người

Chỉ còn nấm mộ bà tôi giữa đồng...

       Hình ảnh người bà gắn liền với cuộc đời lam lũ vất vả, gắn liền với mái nhà tranh dột nát, gắn với đèn dầu, lá trầu, bình vôi. Nhưng cái quý hơn cao đẹp hơn là sự hy sinh của bà để chồng con yên tâm ra trận, còn bà suốt đời tự nguyện “đội mưa, cõng nắng” cho tới khi về chốn Bồng lai Tiên cảnh.

    Viết về mẹ, anh nâng thành hình tượng của biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng, nó trở thành tường đài cao đẹp, sừng sững với núi sông, bất chấp gió sương, mưa nắng giãi dầu qua “Tượng đài mẹ”:

         Những gì thân xác không mòn

Như linh hồn của núi non nhập vào

        Những gì ở tận đỉnh cao

Linh thiêng vời vợi trăng sao giữa trời

       Những gì còn mãi trên đời

Trái tim tỏa sáng như lời thánh nhân

       Những gì mưa gió phù vân

Có là mơ ước của trần gian không…?

     Bao nhiêu tạc đá, đúc đồng

Cũng không bền vững bằng lòng nhân dân

       Mẹ ơi thời thế xoay vần

Ngàn đời Tổ quốc vẫn cần tôn vinh

       Bao nhiêu cống hiến hy sinh

Lặng thầm mẹ gánh… Hòa bình hôm nay…     

    Bao năm xa mẹ, được trở về nơi sinh thành, anh nghẹn ngào cất lên:

               Mẹ ơi! Con đã trở về

      Sau bao giông tố, bùa mê của đời

               Đã đi cuối đất, cùng trời

     Chồn chân lại muốn về nơi sinh thành…

                     (Mẹ ơi con đã trở về)

Mẹ là máu thịt, là hồn thơ theo anh suốt cuộc đời, mẹ là hành trang giúp anh vượt lên bao nghịch lý của cuộc sống, nâng anh dậy mỗi khi vấp ngã. Mẹ là quê hương.          

        Song, đề tài anh tâm đắc hơn cả và có nhiều thành công là đề tài về tình yêu. Đó là đề tài vĩnh hằng của thơ ca nhân loại mà biết bao nhà thơ trên thế gian này đã viết. Nó là thứ nước mà như  nhà thơ Xuân Diệu nói uống dập cả môi mà vẫn chưa đã khát. Những lời yêu của thơ anh cứ ngân nga theo nhiều cung bậc, khi vui vút cao như cánh diều, khi bâng khuâng ngậm ngùi, thủ thỉ, róc rách như nước trong vách núi chảy ra, khi đau khổ, dâng hiến. Nó như những đợt sóng lúc lăn tăn êm dịu, lúc cồn cào niềm thương, nỗi nhớ. Cảm hứng xuyên suốt tập thơ là những giấc mơ yêu luôn giục giã bước chân lãng du của anh trên sa mạc tình yêu đang tìm đến những ốc đảo để được uống ngụm nước mát lành của khát khao yêu thương. Nhưng anh vẫn tự nhận mình là một người “Đàn ông đã cũ”:

        Đàn ông đã cũ như ta

Làm sao yêu nổi đàn bà mới nguyên        

        Hết thời trong sáng hồn nhiên

Chỉ còn gàn dở với phiền phức thôi

      Cái cây sắp héo khô rồi

Làm sao nảy lộc, xanh chồi mà mơ

      Cuộc tình chỉ có trong thơ

Đàn ông đã cũ giả vờ đáng yêu..

    Anh “giả vờ” thế thôi mà khối em đã chết. Có em đã tự nguyện “Anh về ở với em không?”:

         Anh về ở với em không?

Cho dù qua tuổi má hồng, tóc xanh

       Ngượng ngùng gì"chú" với "anh"

Chỉ yêu là đủ để thành núi sông...

       Anh về ở với em không?

Mùa xuân chưa đến, mùa đông còn dài

       Ngày đừng thấp thỏm đợi ai

Đêm đừng mơ ước bờ vai bóng hồng...

Ước ao là thế, nhưng anh chỉ dám đặt vấn đề một cách thật thà hóm hĩnh trong “Vay và trả”:

         Cho anh vay một... nụ cười

Mai anh xin trả em mười... cái hôn

       Cho anh vay một... cái hôn

Mai anh xin trả em còn gấp trăm

        Nếu vay được… một đêm nằm

Anh xin gán nợ... trăng rằm trả em

      Không tin? Áp ngực mà xem

Trái tim sẽ bảo: đang thèm được vay...

       Vay hôm qua trả hôm nay

Vay sau trả trước, vay ngày trả đêm…

Kiểu “vay” này thật độc nhất vô nhị trong văn chương, người hỏi vay và người cho vay cả hai đều có lãi, nhưng có lẽ anh được “lãi” nhiều hơn, liệu em có cho vay? Anh hứa mang cả “trăng rằm” trả em liệu em có tin?. Hứa “cuội” vậy thôi mà khối em bị bỏ bùa mê đó. Tôi cho đây là bài thơ “ngỏ lời” táo bạo, nói khác hơn là bài thơ “tán gái” thật dễ thương của một nhà thơ tài hoa và đào hoa Đặng Vương Hưng.

      Yêu là vậy, hứa là vậy nhưng anh chỉ dám đặt câu hỏi ỡm ờ “Gía như”:

                   Gía như chưa vợ chưa chồng

            Liệu rằng em có bằng lòng yêu anh?

Những phút “xao lòng” ấy ai mà biết được, thôi thì cứ đặt giả thiết vậy thôi cho an toàn.

         Mạnh dạn hơn anh đã đến cửa chùa mong sư thầy cho xin một điều lạ trong bài “Tặng một sư nữ”:

                     Về đây – xin một lần thôi

              Để cho mái tóc em tôi lại dài....

Lời cầu khẩn này liệu sư thầy có chấp nhận không, nhưng nó toát lên tình yêu cái đẹp. Cái đẹp không nên bị hy sinh như một kiểu “ép xác”. Đến ngày Giáng anh lại xin Chúa một điều: “Cầu mong Thiên Chúa cho mình gặp nhau” (Đêm giáng sinh).

       Thơ tình suốt 40 năm qua của anh với biết bao cung bậc: đắm say, mơ mộng, ước ao, hy vọng… theo nhân vật trữ tình trong thơ. Còn cuộc sống thực thì anh đã tự bộc lộ với bạn đọc rất thật thà ở bài “Vợ tôi”:

        Một nửa tỉnh, một nửa quê

Không xinh đẹp cũng chẳng hề cao sang

       Theo chồng đành bỏ xóm làng

Lên thành phố cố học làm thị dân...

      Dẫu đã buôn bán xa gần

Cũng là mưa nắng tảo tần đấy thôi

     Vì con nhường nhịn suốt đời

Vì chồng chờ đợi cả thời xuân xanh...

     Tôi đi qua cuộc chiến tranh

Từ rừng về phố hoá thành ngu ngơ

     Đời thường không thể mộng mơ

Chẳng bon chen được đành khờ dại thôi...

     Cho nên thương lắm vợ tôi

Một mình gánh nắng cả đôi vai gày

       Ước gì sẽ có một ngày

Tôi mua vé số ... vận may mỉn cười!

    Bài thơ như một lời “nịnh vợ” chân tình, chứ không như Tú Xương tự xỉ vả mình và “sám hối”: “Có chồng hờ hững cũng như không”. Nghĩa là anh thấu hiểu lòng vợ, thấu hiểu nỗi vất vả của vợ để cho mình có dịp tung tẩy cùng nàng thơ. Nguyễn Bính đã dặn con gái: “Nhất kiêng đừng lấy chống thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con”. Còn Đặng Vương Hưng thì ước có một ngày trúng vé số để giảm gánh nặng cho vợ “Một mình gánh nắng cả đôi vai gầy”. Tâm lý trong yêu đương, trong tình nghĩa vợ chồng như vậy thật đáng quý giữa thời buổi hội nhập toàn cầu, trong thời đại công nghiệp theo xu hướng 4.0. Những cám dỗ của sắc sắc đẹp và đồng tiền đã chen vào từng ngõ vắng nông thôn, thì khi đọc những vần thơ về vợ anh như thế ta cứ thấy rưng rưng, tội nghiệp cho những người phụ nữ một đời lam lũ, nhẫn nại, cam chịu, hy sinh cho chồng con, họ luôn mang phẩm chất tốt đẹp về công, dung, ngôn, hạnh của cha ông bao đời. Anh tự hứa: “Và em thì mãi vẫn là của anh”.

      Anh dâng hiến tình yêu ngát hương cho cuộc đời, làm thổn thức bao con tim. Nhưng cao hơn đó là thứ tình yêu được chưng cất tinh diệu để thăng hoa cho cuộc đời bớt đi những nắng lửa. Một con người có trách nhiệm và tấm lòng với thơ ca nói chung và tình yêu nói riêng như thế thật đáng quý!

     Và giờ đây trước sự xâm nhập của “đô thị hóa” thì nhiều thứ mất đi, tre làng, ao làng không còn nữa, đường làng đã bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên, tiếng nhạc trong quán sập xình cùng với các em “mặt hoa da phấn” đôi khi ta lãng quên người vợ hiền, thật đáng trách. Thơ Đặng Vương Hưng đã khéo nhắc ta điều đó.

     Bên cạnh những dòng thơ hướng nội tâm tình, anh còn có những dòng thơ hướng ngoại đến biết bao thân phận cơ nhỡ, lỡ bước, bất hạnh trong cuộc đời với “Trẻ con ở xóm bụi đời”, hay với những người ăn xin, bán vé số, bán hàng dạo…

      Đặt biệt là mảng thơ viết về anh bộ đội cụ Hồ mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Chất lính trong con người anh luôn quyện với chất tình của đời thực. Với 126 bài thơ mang chủ để “Trái tim người lính” anh tôn vinh sự hy sinh xương máu của biết bao đồng đội. Những hy sinh của cha anh đã làm cho đất nước ta “nở hoa độc lập, kết qủa tự do” (Bác Hồ). Nỗi đau ấy biết bao giờ cho nguôi khi hàng nghìn ngôi mộ chưa có tên, hoặc một nắm “xương khô” của các anh còn nằm ở đâu đó trong rừng xanh núi thẳm của đại ngàn Trường Sơn, hay ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, hoặc ở nước bạn Căm pu chia… “Tháng bảy đi dọc Trường Sơn/ Vẫn còn hồn lính cô đơn nhớ nhà”. Thơ anh đã nhắc nhở chúng ta phải “uống nước nhớ nguồn”:

           Mười năm dọc dải biên thùy

 Bao nhiêu người lính vẫn đi chiến trường

        Núi rừng cất giấu máu xương

 Giữ từng tấc đất biên cương rộng dài.

       Mười năm cuộc chiến dẳng dai

 Bao người ngã xuống những ai không còn?

       Mười năm mưa nắng héo hon

 Bao người mẹ đã mỏi mòn đợi trông...

                        (Mười năm)

   

dang-vuong-hung3-1632626834.jpg
 

Các bài “Tháng Bảy vào Quảng Trị”, "Gọi hồn lính trận","Hãy yêu thương nhau khi còn sống", “Điểm danh”, “Những ngôi mộ gió”, “Gọi hồn lính trận”, “Vạn lý biển Đông”, “Thắp nến tri ân”… là những nén “tâm nhang” anh thay mặt chúng ta tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Và nếu trời cho anh ước một điều duy nhất thì anh ước cho các liệt sĩ được hồi sinh:

              Nếu trời cho ước một điều

    Liệt sĩ sống lại bao nhiêu sư đoàn

             Bỗng nghe ca khúc khải hoàn

   Bước chân rầm rập, quân đoàn diễu binh.

                    (Mãi mãi tuổi hai mươi)

Và ở “Trái tim người lính” ta còn thấy ánh lên những khát khao, mơ mộng, về tình yêu rất đời thực của người chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh. Những dòng thơ “tươi xanh” lãng mạn ấy lại tiếp sức cho những dòng thơ “lửa cháy” mang khí thế hào hùng của người lính:         

                  Tuổi thì mãi mãi hai mươi

        Tình thì mãi mãi là người đang yêu!

  Trước hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ luôn biến đổi, thơ anh đem đến cho ta sự điềm tĩnh nhìn nhận để ta nhận ra ta, nhận ra những người quanh ta để vươn tới cái đẹp của Chân, Thiện, Mỹ, xóa đi những Tham, Sân, Si.

      Và còn biết bao điều muốn nói về thơ anh, nhưng để dành vào một dịp khác. Với vài cảm nghĩ tản mạn để thấy thêm cái Tâm, cái Tài, cái Tình của Đặng Văn Hưng qua 40 năm “Lục bát mỗi ngày”. Thơ anh dù viết ở đề tài nào thì những câu chữ, hình ảnh đều rất chân thực, giản dị nhưng có sức “gọi đàn”, gọi hồn.

      Trong thơ anh có nỗi đau nhân tình thế thái, có buồn vui cùng muôn kiếp nhân gian, có hoài bão, khát khao về một tình yêu lớn, có suy tư, trăn trở trước nghịch cảnh cuộc đời, để rồi như nhà thơ Huy Trụ viết “Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành”. Đọc thơ anh ta không chỉ nhớ được một câu mà với tôi là nhớ cả bài. Cả bài thơ kết cấu rất chặt về ngôn từ và hình ảnh nhưng cất cánh tỏa sáng là ở câu kết. Thơ anh không phải là “Con Rồng thần chỉ thấy đầu không thấy đuôi, có khi chỉ thấy một cái vảy trong mây” (Văn tâm điêu long), mà thơ anh là thơ “vị nhân sinh”, là vỉa quặng trồi lên khỏi mặt đất, nó thuộc về đa số, và thỏa mãn được thị hiếu của đông đảo bạn đọc.

      Tôi yêu thơ anh, vì trước hết anh đã sống rất nhiệt huyết và chân tình, gắn bó với đất nước và con người, và có một tâm hồn lộng gió bốn phương, luôn ngắm nhìn, nghĩ suy, xúc cảm để điệu tâm hồn luôn cộng hưởng, thăng hoa mà bật thành thơ. Cái đẹp của thơ anh nằm ở tiếng “gọi đàn”, trong sự giản dị của cuộc sống là vậy. Đúng như nhà phê bình văn học người Nga Séc-nư-sep-ky đã nói: “Cái đẹp là cuộc sống”. 

 

 

Lê Xuân (Hội viên hội Nhà văn Việt Nam)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-nhung-tieng-goi-dan-trong-luc-bat-moi-ngay-cua-dang-vuong-hung-a6837.html