Hành trình gạo

Tôi đã sống ở thời bao cấp, vật chất thiếu thốn đủ các thứ. Ấn tượng cơn đói hành hạ quanh năm suốt tháng, nhưng thật sự mà nói người dân lúc đó rất thương nhau. Cuộc sống không bọn chen như thời bây giờ, sống trong nghèo đói nhưng vui và hồn nhiên.

hah-trinh-gao-1632628555.jpg
 

Trên các trang Fb của Hà nội, chúng ta hay bắt gặp ảnh chụp bìa và bên trong cuốn "sổ mua gạo phiếu". Thế hệ 8X sau này có quan tâm thì sẽ vất vả tìm và hiểu được thấu đáo từ đống ảnh tư liệu của thời chiến tranh+bao cấp xa xưa. Nhân dân ta giỏi chiu đựng dồn sức người+sức của cho 3 cuộc chiến tranh giải phóng miền nam, bảo vệ biên giới phía bắc+Tây nam... thì thời bao cấp phải kéo dài, sổ gạo tồn tại theo là đương nhiên-sẽ cắt béng tiêu chuẩn của lính đảo ngũ và bỏ việc cơ quan nhà nước vân vân.

- Cuốn sổ đăng ký mua lương thực, có 12 trang cả bìa, kích thước 9x12 cm giấy gia công màu trắng đục, cho những người có hộ khẩu Hà Nội-chỉ được mua ở một của hàng !

Sổ ghi tiêu chuẩn lương thực cho từng người : CBVC làm gián tiếp 13kg, CN theo ngành nghề 17-20,5kg, HSSV 17kg người lao động và người có chiều cao quá khổ từ 1,8m trở lên...hưởng 17kg ! Trẻ em cứ tăng dần theo tuổi 8-10-12-15 kg/tháng

- Nói thêm về cái sổ gạo này nhiều chuyện bi hài vất vả

1/Quy trình mua gạo sổ: Xếp sổ từ mờ sương, 8h các mợ MDV mới đủng đỉnh mở khoá, hỏi vắn "mua bao nhiêu?" rồi là ghi sổ của ta và sổ cái của cửa hàng dày hàng cm, sẽ đẩy sang ngang cho mợ MDV viết biên lai thu tiền. Ra ngoài chuẩn bị bao tải, thúng đựng sẵn, ới thì vào cho mợ MDV cân bàn tạ, cả 2 cặp mắt theo dõi thanh đồng ngang ngúng nguẩy đứ ngang, thì trút gạo, ngô, bo bo, kiều mạch, sắn khô vào bao, hay là đón nhận bánh mỳ gối 1kg (hay 4 cái bánh mỳ 250g=1kg gạo). Nếu độn các loại củ tươi như khoai lang, khoai tây, giong, hoàng tinh...sẽ được mợ MDV cúc bằng xẻng. Về nhà chúng ta phải chọn ăn trước các củ sâu, hà, sắp thối

2/Quy trình thay đổi số người, định lượng, chuyển sổ cần lắm loại giấy tờ viết tay, cần dấu áp vào chứng nhận của công an (hộ khấu), bản sao khai sinh (UBHC), giấy triệu tập học (trưong đại học và trung học chuyên nghiệp) hay đi công tác (cơ quan). Sẽ phải mang lên phòng lương thực quận huyện xét và điều chỉnh trong sổ của ta, hay nhận giấy chuyển lương thực...thì mới yên tâm khăn gói quả mướp lên đường. Chiến tranh sơ tán, cuốc bộ hay gò lưng đạp xe tìm các vị này vất vả, đi lại nhiều lần mới gặp, chỉ dễ lĩnh tem lương thực khi đến cửa hàng mà thôi.

3/ Người đi học nghề, đi công tác, trẻ em đi nhà trẻ, mẫu giáo tiêu chuẩn lương thực được đổi ra thành tem gạo, Tem gạo (in các loại tem 25, 50, 100, 200, 225-250, 500g. 1,2,5kg in màu, răng cưa như tem thư bưu điện-cho tiện xé dùng) Tem gạo này giá trị như tiền bạc, có thể mua gạo, đổi bánh mì, quẩy 100g/c. ăn cơm phiếu tại cửa hàng MDQD, buôn bán trao tay tiện lợi. Sau này còn có loại tem lương thực (ký hiệu X) dành cho bộ đội ra quân về địa phương. Khi lính xuất ngũ thì được nhà nước hỗ trợ 6 tháng lương thực là 90kg, cái tem X này nó chỉ có 4 ô mỗi ô là 20kg còn 10kg họ trả ở đơn vị luôn thì lính nhà ta bán đi để lấy tiền mà về, khi về đến nhà thì mình cầm cái tem X này ra cửa hàng lương thực mua gạo, mỗi tháng họ bán cho mình 20kg thì họ cắt đi một ô sử dụng được 4 lần là hết, chỉ còn cái cuống của tem X làm kỷ vật thôi.

4/ Nhà chúng ta chỉ cần có quen thân người làm MDV thì mọi việc mua sổ gạo nhẹ nhàng, lúc nào thì gạo ngon, lúc nào khoai tươi..."nhất thân nhì quen" là vậy

Rất may mua lương thực kiểu này đã kết thúc vào cuối năm 1986.

- Hàng tháng từng nhà mang sổ đến cửa hàng xếp hàng mua lương thực ! Khu vực Cầu giấy thì các cửa hàng lương thực ngay tại các kho dự trữ lương thực xây thập kỷ 1960 nền cao, chắn lưới chống chuột nọ (Láng thượng, Dịch vọng trung, Cầu Diễn...) còn nội thành nhiều điểm ko liết kê hết (báo chí ca ngợi cửa hàng lương thực số 5 Ngô Thì Nhậm). Bác Hóng là lao công trường cấp 2 Trung hoà 1967-1968, hàng sáng đến cửa hàng MDQD Cầu giấy lĩnh loại bánh bao ngòn ngọt về phát cho giáo viên

- Cửa hàng có gì mua nấy (gồm gạo, ngô xay vỡ, mì, bo bo, sắn khô, sắn tươi, khoai lang, củ giong riềng. Quy XYZ kg loại này=1kg tiêu chuân gạo). Cuốn sổ lương thực được giữ như giữ tiền của, nếu mất thì quả là phiền phức, khối người chen lấn mua gạo xong quên sổ hoặc rơi lúc nào không hay biết, trở lại tìm nhìn khuôn mặt họ mà thấy thương hại, thành ngữ mới "ngệt như mất sổ mua gạo"

- Quá nhiều kỷ niệm khóc dở, mếu dở với quyển sổ gạo và một thời ko quên khi xếp hàng họ chen ngang mình tý chết bẹp, Quá sợ Đúng là "thời gian khổ", mua gì cũng phải xếp hàng từ tờ mờ sáng. Nhất là đi mua gạo, hồi ấy vất vả thật. Bây giờ có lúc ngủ vẫn nằm mơ thấy cảnh mua gạo thời đó.

Đến kỳ hạn được mua ghi trong sổ, nhà nhà cử người dậy sớm xếp hàng (xếp viên gạch đá, cái rổ rá hỏng... coi đấy là vị trí của mình

Người xếp hàng thì đủ thành phần: trí thức, nhà báo, nhà khoa học, công nhân, giáo chức, học snh, sinh viên và nhiều người mua bán tem phiếu (con phe) MDV bán lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm theo tem phiếu hồi đó cao giá lắm nhé). Nhốn nháo nhất lúc cửa hàng mở cửa, mọi người phải nhanh chóng nhận chỗ đã xếp, tay lăm lăm cuốn sổ chờ đợi đến lượt mình! Náo nhiệt ồn ào xô đẩy chen lấn cho đến khi mua được thoát ra ngoài, nhưng không dấu được nét mệt mỏi, hay thất vọng khi về cân lại-đa phần bị thiếu hụt. Sau 1975 trở về sau chuyện 1,2h sáng phải đi xếp sổ mua gạo là "chuyện thường ngày ở huyện" Tôi nhớ ngày ấy phải tìm cách làm quen được với cô bán gạo , nịnh chí chạp để lấy được bao gạo và bao mỳ ngon hơn và 1 chồng sổ xếp hàng cao ngất thì vẫn được mua sớm hơn .

Ai đã xem phim "Em bé Hà nội" hẳn còn nhớ trường đoạn bán gạo tại Khâm thiên sau khi dính bom 26/12/1972. Thước phim phản ánh trung thực cảnh mua gạo theo sổ và hơn thế nữa. Chỉ có bánh mỳ và quẩy mậu dịch bán theo tem là đủ định lượng. Còn thì mua bột mì thay gạo cần chế biến mỳ sợi gia công, đổi bột lấy bánh mỳ gia công ngoài phải các thêm tiền vừa hao hụt định lượng qua các khâu kể trên. Mua mì sợi mà hôm nào được mì trắng thì là nhất, còn nếu mì đen với hôi thì thôi rồi. Bọn trẻ con có cái món mì sợi rang đường ngon tuyệt.  Còn nếu mua bột mì thì lại có món bánh xèo. Ngày đó chỉ biết cho ít đường vào bột, hoà nước rồi rán, mãi sau này Nam Bắc thông thương mới biết đến món bánh xèo có đủ nhân tôm, thịt, giá như của miền Nam

Tôi đã thấy: 1965 trở đi việc độn màu ngô khoai sắn thay gạo là liên tục...cho đến thạp kỷ 198xx. Năm 1970 bạn tôi có giấy gọi nhập học Đại học phải đem 24kg thóc cân đối cho 3 tháng còn lại của năm cho cửa hàng lương thực huyện. Xong rồi mới nhận được giấy cắt lương thực ở địa phương về hưởng tiêu chuẩn lương thực cho SV ở trường. Tháng 4/1974 toàn quân đội miền bắc được rút 1kg/lính để giúp nhân dân bị đói.

Trong miền nam sau 1975. Tuy gọi là "Thời bao cấp" nhưng dân chả được cấp sổ gạo, tem phiếu gì cả. Lâu lâu, địa phương thông báo bán mỗi người vài kg gạo, hoặc mỗi người được mua 2m vải (Vải thì mỗi tấm mỗi màu khác nhau) bắt thăm để chọn màu, cuộc sống ở Saigon những năm ấy rất khó khăn

Đầu năm 1979, dân Hà nội được mua 1kg gạo+còn lại tiêu chuẩn theo sổ là kiều mạch, bo bo. Năm 1979,  lính Hà nội đóng quân tại Lạng Sơn, thỉnh thoảng nhảy tàu về HN mua gạo mậu dịch cho bố mẹ, xong đi ngay, vì lính biên giới được ưu tiên. Lạ thế, lính giữ chốt, ăn bo bo, nắp hầm bột mỳ luộc ý, thế mà chẳng ai đào ngũ cả.

Cuộc đời Tôi ăn cơm mòn bát thiên hạ, trong đó đã ăn cơm phiếu lương thực nộp tem tại cửa hàng QD ga Hàng cỏ, TX Vĩnh yên và tại Từ sơn (khi đi xin việc cuối 1979). Thực tế hồi đó gạo mậu dịch hay được bà con nông dân đổi gạo mới thu hoạch về nấu cho dôi cơm, do nhà nhiều con cái. Thiếu thịt cá, suy dinh dưỡng, lính trẻ mười tám đôi mươi, một bữa ăn 6,7 bát cơm đầy thì mới no bụng. Tôi đã sống ở thời bao cấp, vật chất thiếu thốn đủ các thứ. Ấn tượng cơn đói hành hạ quanh năm suốt tháng, nhưng thật sự mà nói người dân lúc đó rất thương nhau. Cuộc sống không bọn chen như thời bây giờ, sống trong nghèo đói nhưng vui và hồn nhiên. Bài Tôi viết để nhớ lại 1 thời kinh hoàng của lịch sử không quên được. Mong sẽ không bao giờ lặp lại và đó chỉ là 1 thời gian khó quên của những gia đình mua gạo bằng sổ gạo

 

Theo Chuyện quê

 

Trần Minh Hải

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hanh-trinh-gao-a6840.html