Tình bạn

Sau mỗi lần diệt chó điên là những chầu nhậu thâu đêm, mồi bén mà! Có những con chó rất bình thường nhưng khi bị "chẩn đoán" là bị điên thì phải chịu chung số phận! Chủ chó thì năn nỉ đội quân ấy diệt giùm chó mình để trừ hậu họa.

tinh-ban-1632644220.jpg
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, không phải là hình con Ki trong kí ức này

Nó đói tới lòi xương!

Nhìn nó tui muốn khóc. Mà lấy gì cho nó ăn? Tui còn đói muốn chết mà. Hồi những năm 1978, 1979... nhà tui đói như con sói không săn được mồi. Ăn độn đủ thứ: khoai lang, khoai mì, chuối già, rau rừng, bo bo...

Hồi đó sao mà người ta đẻ con nhiều quá. Mà nghĩ cũng phải: không có điện, không có gì giải trí, suy nghĩ còn theo xưa: "Trời sinh voi sinh cỏ!".  Đâu có ai biết cái vụ "kế hoạch" gì đâu. Tối thì vợ chồng chui vô mùng (màn) vì muỗi như trấu vãi. Vô đó rồi buồn, vì không có gì giải trí, không có việc gì làm, vậy là... sản xuất ra... con nít!

Hàng ngày, chế độ ăn của nó chỉ là một gáo  dừa nước cơm chắt. Người ta còn đói muốn chết, toàn ăn độn khoai, chuối, bo bo... Lấy cơm đâu cho nó ăn! Vậy mà nó vẫn trung thành với nhà tui.

Lúc đó ở xóm tui phát lên bệnh chó điên (chó dại). Những con chó mắc bệnh này có biểu hiện mắt đỏ ngầu, nhỏ nước dãi lòng thòng. Chúng chạy rông ngoài đường và trở nên hung dữ khác thường. Gặp người, chó, heo (lợn), trâu, bò, gà, vịt... là chúng lao vào cắn.

 Hồi đó hình như chưa có cái vụ chích ngừa (tiêm ngừa) gì đâu.

Vậy là đàn ông, thanh niên trong xóm mở "chiến dịch" diệt chó điên. Những con người từ nào giờ vốn hiền lành, chất phát nay bỗng trở thành những "hung thần"!

 Cả xóm đi diệt chó điên, trừ họa chung. Họ cầm đủ loại vũ khí: khúc tre, dao, chĩa... Tiếng la ó vang trời, những ánh mắt đáng sợ, những bước chân chạy rầm rập... Những con chó nào bị cho là điên thì phải chịu một kết thúc thật bi thảm, chết không toàn thây. Tiếng chúng kêu hoảng sợ, tuyệt vọng khi bị trúng cây, dao, chĩa... của những người diệt chúng. Thật đáng sợ!

Sau mỗi lần diệt chó điên là những chầu nhậu thâu đêm, mồi bén mà! Có những con chó rất bình thường nhưng khi bị "chẩn đoán" là bị điên thì phải chịu chung số phận! Chủ chó thì năn nỉ đội quân ấy diệt giùm chó mình để trừ hậu họa.

  Đó là những ngày đầy lo lắng của tui!

 Tui sợ con Ki bị điên lắm! Tui hình dung đến cái cảnh nó chết thảm mà mà không chịu nổi. Tui mong nó bình thường, sống mãi và làm bạn tri kỷ của tui thôi.

 Nhưng chuyện gì đến phải đến!

 Ở xóm tui có một nhân vật đặc biệt. Ông này đã lớn tuổi rồi, đầu bạc trắng. Không ai biết quê quán, dòng họ của ổng. Chỉ biết ổng là một người "ở đợ" cho một người giàu có ở xóm tui từ hồi còn nhỏ xíu. Người chủ qua đời, ổng tiếp tục ở  không công với con người đó. Không vợ con, không dòng họ, không quê quán... Ngày đêm gì ổng cũng chỉ mặc có chiếc quần xà lỏn (quần sọt) đen xì bằng vải sa ten.  Ổng uống rượu thay nước. Lúc nào ổng cũng đeo cái bình toong  của lính Mỹ màu xanh chứa đầy rượu trong đó. Ổng làm không lương cho nhà đối diện với nhà tui, chỉ cần có rượu uống là được rồi.

 Ổng là tay "đồ tể" của xóm. Chó, bò, heo ở xóm đều do ổng làm "đao phủ". Ổng có một cây dao hành nghề gọi là cây mác, chuyên dùng để thọc huyết heo, cắt cổ bò, chó... Ổng chỉ làm đao phủ giùm thôi, không có lấy tiền bạc gì. Người nhà thì cho lại ổng miếng thịt, chút lòng chó, lòng heo làm mồi nhậu thôi.

 Ổng đi tới đâu là chó theo sủa tới đó. Có lẽ lũ chó biết ổng là tay chuyên hạ thủ đồng loại nó. Chó trong xóm "thù" ổng lắm!

 Bữa đó nhà tui mọi người đi làm thuê hết, chỉ có tui và con Ki ở nhà thôi. Ổng đi ngang nhà tui, loạng choạng vì đã say lắm rồi. Tiếng ổng khàn khàn, the thé. Tui sợ ổng lắm! Tui chui xuống gầm vạt cau trốn. Con Ki nó không trốn mà "tử thủ" ngay cửa nhà. Nó sủa ổng không dứt, tui thấy hai chân trước của con Ki giậm giậm xuống đất, lông trên lưng nó dựng đứng lên!

 Ổng không chịu đi mà đứng trước sân "đấu khẩu" với con Ki . Tiếng ổng và con Ki vang dậy cả xóm. Bất ngờ ổng lượm khúc cây bình linh trước sân rồi hiên ngang bước vô nhà tui. Vừa tới cửa, con Ki nhào vô cắn ổng tới tấp! Ổng ôm mặt lăn lộn rồi chạy ra bờ rạch trước nhà tui rồi nhảy xuống sông. Nếu ổng không thoát bằng đường thuỷ đó, chắc ổng bỏ mạng rồi.

 Tui nằm dưới sàn, run như thằn lằn (thạch sùng) bị đứt đuôi! Tui "tè" ướt cái quần xà lỏn lúc nào không biết!

 Ổng bị con Ki  cắn nhiều dấu lắm. Tay, chân, mặt ổng đều có thẹo.

 Dĩ nhiên con Ki - bạn tri kỷ của tui bị cho là... chó điên! Dĩ nhiên nó phải chịu một kết thúc thảm thương như đồng loại nó!

 Ba tui cho ổng con Ki  để "bồi thường thiệt hại" cho ổng và cũng để trừ hậu họa về sau. May là ổng đang "xử" con chó khác nên hẹn với ba má tui ngày mai mới qua bắt con Ki.

 Ba tui lấy sợi dây xích sắt xiềng cổ con Ki vô gốc tre sau nhà, vì sợ nó gây họa nữa. Người lớn cấm con nít không được lại gần chỗ con Ki  bị xích. Tui đâu có dám cãi lời. Hồi đó cha mẹ nói gì là con cái phải rắp rắp nghe theo. Mọi người trong nhà tui đều cho là con Ki bị điên. Vì khi bị xich nó lồng lộn giựt xích và kêu sủa dữ lắm.

 Chỉ có tui là không tin con Ki bị điên. Tui biết nó cắn ổng là "phòng vệ chính đáng", để bảo vệ tui thôi!

 Tui núp cửa sau lén nhìn nó. Thấy tui, nó mừng lắm. Nó nhảy và đứng lên bằng hai chân sau, nó kêu ư ử liên tục như kêu tui tháo xích cho nó!

 Tui chỉ biết nhìn nó mà khóc tức tưởi! Mà đâu có dám khóc lớn, sợ người lớn nghe. Ngoài bụi tre con Ki vẫn ngoắc đuôi và đứng bằng hai chân sau, nó không ngớt kêu ư ử...

 Vậy là mày chỉ còn sống được đêm nay nữa thôi!  Ngày mai mày phải... "đi" rồi Ki ơi!...

* * *

 Bữa sau, tui đi học về, lòng nặng trĩu nỗi buồn! Tui nghĩ giờ này chắc con Ki đã vô nồi rồi! Tự nhiên tui bật khóc một mình.

 Đi ngang chỗ nhà ông "đồ tể" đó, tui thấy nhiều người lao nhao ở đó, toàn là đàn ông, thanh niên không hà. Tui ghé vô coi thì thấy họ đang nấu một nồi nước rất lớn, có cả bó lá dừa khô để sẵn để thui chó nữa.

 Kìa!... Con Ki kìa!   - Bạn tri kỷ của tui kìa! Nó bị treo ngược trên cây mận chờ bị hành quyết! Ông này khoái cái vụ tiết canh chó, heo, gà, vịt... lắm. Ổng không đập đầu hay bỏ vô bao nhận nước mà để con vật sống lấy máu tươi làm tiết canh.

 Tui chen vô. Con Ki đã nhìn thấy tui! Nó ngoắc đuôi một cách khó khăn. Nó không kêu được vì người ta đã buộc miệng nó bằng dây chuối rồi!

- Thả con chó tui ra!

 Tui hét lên và nhào vô chỗ con chó. Có mấy người giữ chặt tay tui và lôi tui ra ngoài.

 Vừa lúc đó ổng xuất hiện! Vẫn cái quần xà lỏn đen thui đó. Tay ổng cầm cây mác có cái lưỡi nhỏ xíu đi lại chỗ con Ky. Ổng cúi xuống tìm chỗ mạch máu ở cổ con Ki để ra tay!

 Tui không còn biết sợ nữa! Như con thú bị thương, tui vùng vẫy để thoát ra mà mấy người giữ tay tui mạnh khỏe quá, tui không thoát ra được! Bất ngờ tui cúi xuống cắn một phát thật mạnh vào tay một người đang giữ tay tui. Người đó hét một tiếng đau đớn rồi buông tay tui. Tui gặt một cái, thoát khỏi người còn lại. Tui chạy  tới chỗ ông "đồ tể", lấy hết sức mạnh của lòng "căm hận" đấm thẳng vào chỗ gần lỗ tai của ổng!

 Tui bàng hoàng tỉnh giấc! Thì ra chỉ là... một giấc mơ!

 Tay phải tui đau điếng vì đấm vô cây cột mù u. Giường tui ngủ sát vách. Bốn anh em ngủ chung. Vì tui nhỏ nhất nên nằm trong cùng losát vách. Cũng may, nếu tui đấm ra hướng ngược lại thì anh tui đã lãnh đủ cú đấm trời giáng đó rồi!

 Trời tối thui, tui không biết mấy giờ nữa. Hồi đó đâu có vụ coi giờ giấc gì. Cái đèn dầu có cái ống khói "trứng vịt" vặn nhỏ xíu để đỡ hao dầu, đâu đủ ánh sáng.

 May quá, mấy anh tui vẫn ngủ say, không hay biết gì.

 - Phải cứu con Ki!...

 Tui tự nói trong bụng rồi không do dự nữa. Tui bò rón rén qua từng người một rồi nhẹ nhàng bước xuống đất. Tui bò như đặc công vậy, qua chỗ mùng ba tui mà tim tui như... muốn rớt ra ngoài!

  Tui nhẹ nhàng mở cái cửa sau. Cửa làm bằng lá dừa nước nẹp vô thanh cau, chỉ buộc dây chớ đâu có khóa gì.

  Tui nhẹ nhàng ra chỗ con Ky đang bị xích ở lùm tre. Thấy tui nó nhảy dựng lên kêu ư ử! Tui hết hồn, nắm cái miệng nó bóp lại. Tui thì thào vô tai nó:

 - Mày kêu là chết đó!

 Hình như nó hiểu tiếng người, nó không hú hí nữa mà liếm tay, liếm mặt tui liên tục.

 Tui lần mở cái đầu dây xích ở gốc tre. Tay tui run lắm nhưng cuối cùng cũng mở được. Không chần chừ, tui cuộn dây xích lại và dẫn con Ki đi ra hướng bờ sông cái lớn (sông Bắc Xắc). Con Ki ngoan ngoãn theo tui, vừa đi vừa liếm tay tui.

 Trời tối thui, sương ướt đẫm cành lá vì tháng hai âm lịch sương mù nhiều lắm. Hai thằng bạn tri kỷ bị ướt hết vì sương. Tui vừa lạnh vừa run! Còn con Ki hình như nó không biết lạnh lẽo gì mà nó còn tỏ ra vô cùng thích thú!

 Tui dẫn con Ki vô một vườn bỏ hoang của một bà già tên TH (xin được giấu tên). Khu vườn này mịt mùng lắm. Cây và dây hoang dại mọc bít bùng. Người lạ không biết đường vô đâu. Vì tui vô đây thường nên có con đường "độc đạo" riêng. Tới một chỗ tui thấy an toàn, tui dừng lại. Buộc đầu dây xích kia vô một cây quao. Tui vuốt nhẹ đầu con Ki và nói với nó:

- Mày ở đây nhe! Mày về nhà là người ta làm thịt mày đó!

 Rồi tui mau chóng quay về, sợ ở nhà phát hiện mất con chó và tui thì bại lộ hết! Hình như con Ki hiểu ý tui. Nó chỉ đứng nhìn tui quay về mà không vùng vẫy như lúc nó bị ba tui xích ở bụi tre sau nhà!

 Sáng ra, cả nhà phát hiện mất con Kii. Mọi người đều tưởng là nó giật xúc dây xích. Ông "đồ tể" cũng không làm khó dễ gì, vì lúc đó ổng nhiều mồi bén lắm.

 Vấn đề tui làm sao nuôi nó đây trong khi... hai đứa hai nơi? Vậy là tui phải lén... ăn cắp cơm ở nhà để "thăm nuôi" nó. Tui rình lúc chị Tư tui sơ ý là lấy cái gáo dừa xúc chừng nửa gáo, đâu có dám lấy nhiều, vì cơm ít lắm. Còn đồ ăn thì khỏi lo. Tui đặt bẫy chuột, thụt cá bống dừa... rồi nướng để dành cho bạn tri kỷ.

 Mỗi ngày tui chỉ thăm nuôi nó được một lần. Mỗi lần tui đến, nó mừng lắm. Nó kêu ư ử không dứt. Nó liếm tui khắp chỗ và bắt tay tui không nghỉ. Tui ngồi nhìn nó ăn mà lòng dạt dào niềm vui! Cái số mày chưa tận Ki ơi! Tui múc nước để sẵn trong cái gáo dừa để đó cho nó.

 Những phút giây ấy thật là hạnh phúc với tui. Hai đứa tui nằm dưới gốc quao mát rượi. Xung quanh rộn rã tiếng chim. Chim nhiều lắm, đủ loại hết, có con lớn gần bằng con gà mái, sải cánh dài cả thước...

 Tui thích vuốt cái đầu nó, nó cũng thích. Nó nằm im re. Có khi hai đứa ngủ khò. Giật mình dậy tui vội vã chia tay nó ra về. Nó nhìn theo tui với ánh mắt lưu luyến.

 Có bữa chị Tư tui không rời khỏi khu vực nồi cơm mà ở đó làm công việc khác. Tui như ngồi trên đống lửa vì không ăn cắp cơm được! Rồi chị tui dọn cơm lên. Vậy là con Ki chịu đói. Ôi tội nghiệp nó quá đi!

 Nhưng tui vẫn ra thăm nuôi nó mỗi ngày. Bữa nào không ăn cắp cơm được thì cho nó ăn chuột nướng, cá nướng đỡ. Có bữa còn ăn tôm càng xanh nướng nữa! Toàn mồi bén! Tôm, cá hồi đó nhiều vô số kể mà.

 Hai đứa tui lại nằm dưới gốc cây quao mà tâm sự! Tui nói chuyện với nó như một người bạn vậy đó! Nó thì nói với tui bằng ánh mắt, lâu lâu nó cũng ư ử rồi ngoắc đuôi ra vẻ khoái chí lắm!

 Vậy đó, mà gần 2 tháng trời nó sống hoang dại trong khu vườn hoang, mỗi ngày được tui thăm nuôi một lần. Nhưng tình tri kỷ của hai đứa tui ngày càng thắm thiết.

 Dần dần dịch chó điên cũng hết. Chó trong xóm không còn được bao nhiêu con. Trong số chó bỏ mạng vì đại dịch chó điên đó, không ít con phải chịu chết oan.

 Một bữa nọ, tui đang ngồi lau lá chuối cho má tui gói bánh, má tui vô tình nhắc tới con Ki. Má tui nói hổng biết con Ki bây giờ ở đâu? Chắc bị người ta ăn thịt rồi. Má tui còn nói: Tội nghiệp nó quá, nó khôn quá mà bị điên.

 - Con Ki hổng có điên đâu má ơi! Tui phản ứng liền. Má tui nhìn tui hỏi: Sao mày biết?

- Tới giờ nó cũng tỉnh queo hà!

 Má tui nhìn tui ngơ ngác! Tui biết mình bị "hố" rồi! Chết rồi! Cái tội "không khảo mà khai"! Rõ ràng con ếch chết vì cái miệng!

 Tui không còn cách nào khác là phải kể rõ đầu đầu đuôi câu chuyện cho má tui nghe. Mà tui sợ lắm. Sợ má tui giao nó cho ông "đồ tể" đó. Nghe tui kể về con Ki, hình như má tui xúc động lắm, tui thấy má tui kéo cái vạt áo lau nước mắt. Rồi má tui kêu anh Sáu đi với tui dẫn con Ki về.

 Gần 2 tháng ở lùm ở bụi, giờ nó được chính thức  trở về nhà. Nó mừng lắm, gặp ai nó cũng nhảy cẫng lên, mà... "tè" liên tục. Nó không quên ai hết.

  Má tui phải "bồi thường thiệt hại" cho ông đồ tể đó con vịt xiêm trống gần 4 ký để thế mạng cho con Ki. Ổng vui vẻ đồng ý. Món tiết canh vịt xiêm là ổng khoái số một mà.

  Cả nhà tui ai cũng vui mừng vì con Ki  chết đi sống lại, còn tụi bạn nhà chòi thì nhìn tui với cái nhìn đầy ngưỡng mộ.

  Nó sống bình yên trong nhà tui vài tháng nữa. Đó là những ngày hạnh phúc của tui và nó. Trong mắt nó tui là người chủ cũng là người bạn duy nhất. Và tui cũng vậy. Lúc này nó đã được hơn hai năm tuổi rồi.

 Tui đi đâu nó cũng lẽo đẽo theo tui, không rời nữa bước. Tụi bạn nhà chòi mà ăn hiếp tui là nó bênh liền. Có lần thằng TT vật tui, nó cắn cái quần xà lỏn của thằng TT mà kéo tuột luốt xuống mắc cá chân. Cười gần chết! Thằng kia kéo quần lên thôi, hồi đó đâu có biết mắc cỡ là gì. Nhưng tụi nó ngán con Ki lắm, hổng có dám chơi mạnh tay với tui đâu.

 Tui khoái nhất là tắm sông. Cả đám bạn nhà chòi trống mái lộn xộn chia hai phe chọi sình. Đứa nào mặt mày, đầu tóc cũng dính đầy sình non. Quậy đục cả khúc rạch (sông nhỏ), la hét vang dậy cả xóm. Con Ki ngồi trên bờ rạch, mà hễ nghe tui kêu: "Ki ơi cứu tao" là nó phóng xuống rạch liền. Nó lội (bơi) lại cho tui ôm cổ nó  để nó lội vô bờ. Tui cứ làm bộ chết hụp (chết đuối) cho nó lội ra vớt tui.

  Cách vài tháng sau khi con Ki trở lại mái nhà xưa thì xảy ra một biến cố lớn.

 Sau nhà tui là một miếng đất rất rộng bị bỏ hoang. Cây cỏ um tùm, chim chuột, chồn, rắn... trong đó nhiều lắm. Khu đất đó của một người mà cả nhà tui kêu bằng Bác Ba, người đã cho nhà tui ở đậu (ở nhờ) trên phần đất của ổng, sát mép rạch, hơi đối diện với cái miễu hoang.

 Khu đất đó cách nhà tui chưa đầy trăm thước (mét). Ở đó có nhiều bụi đủng đỉnh. Có đám cưới là mọi người vào đó chặt đủng đỉnh về làm rạp cưới.

 Bữa đó tui đem theo cây dao rựa rất bén (sắc) của Mỹ mà nhà tui đem theo từ hồi chạy giặc. Tui tính đốn nhánh đủng đỉnh và buồng đủng đỉnh về thay cho mớ đủng đỉnh ở nhà chòi bị héo khô rồi.

 Con Ki chạy theo tui. Lúc tui chặt nhánh đủng đỉnh thì nó chạy đi vô vườn hoang lùng chim, chuột gì đó. Kệ nó.

 Tui chặt nhánh và đốn buồng đủng đỉnh xong, tính kêu nó về thì tui thấy trong vườn hoang chim bay lên loạn xạ. Nhiều chim lắm. Còn  nghe tiếng  "choé" rồi "khẹc, khẹc", hình như là tiếng khỉ, mà không thấy con Ki đâu.

 Tui lần vô coi có cái gì? Bỗng tui sững người lại. Trước mắt tui là một cảnh tượng kinh hoàng!

 Một con rắn khổng lồ! Mình nó bằng cây cột nhà, có ô xéo như miếng bánh bò màu vàng, màu nâu. Nó đang cuộn tròn quấn con Ki! Tui không thấy đầu con rắn. Cái mình con Ky bị che mất, chỉ thấy cái đầu nó và hai chân trước của con Ki!

 Hai chân trước của con Ki giãy liên tục. Từ miệng nó ộc ra cơm và nước bầy nhầy, có bọt...

 Tui rụng rời chân tay! Lúc đó hình ảnh con rắn thần ở ngôi miễu hoang qua lời kể của người lớn hiện ra. Tui chắc con này là rắn thần rồi. Tui "tè" ướt cái quần xà lỏn lúc nào cũng không biết nữa!

 Tui tính bỏ chạy! Nhưng có một sức mạnh vô hình nào đó kéo tui lại. Con Ki - bạn tri kỷ của tui sắp chết! Tui phải cứu nó!

 Cho đến bây giờ tui cũng không lý giải được vì sao lúc đó tui liều lĩnh đến như vậy. Tui không do dự mà cầm cái rựa tiến tới nhằm cái mình của con rắn thần chém xuống một nhát chí tử! Cây rựa văng khỏi tay tui. Tui bỏ chạy thục mạng về hướng nhà tui...

* * *

 Vừa chạy tui vừa la. Nhưng tui la đâu có nổi nữa. Cổ họng tui như có ai bóp nghẹt lại. Tới nhà tui, mấy người anh tui hỏi tới tấp. Lâu lắm tui vừa khóc vừa nói ngắt quãng:

 - Con... rắn thần... ăn thịt... con Ki rồi...

 - Ở đâu? Hình như anh Hai tui hỏi.

 Tui chỉ tay về phía vườn nhà Bác Ba. Mấy người anh tui, người cầm đòn tre, người cầm dao,... rồi mấy anh tui kêu tui chạy theo mấy ảnh.

 Tới chỗ đó, không ai thấy con rắn thần đâu cả. Chỉ có con Ki nằm đó. Nó thở một cách khó khăn. Tui nhào tới ôm con Ki khóc vang trời

 Con Ki thoát chết. Mấy anh tui lùng sục kiếm con rắn thần. Một hồi tui nghe tiếng mấy anh tui la dậy trời. Mấy anh tui đã bắt được con rắn thần đó. Nó bị tui chém tới đứt xương sống nên đâu có bò đi xa được. Anh Hai tui nói đó là con trăn gấm. Cả nhà tui được bữa thịt trăn no nê. Ba tui chặt cho bà con lối xóm, mỗi người một khúc.

 Từ đó, con Ki càng thân thiết với tui hơn. Hình như nó hiểu tui đã liều mạng cứu nó. Nhà tui có tất cả 12 người nhưng con Ki chỉ xem tui là chủ duy nhất của nó. Với những người khác trong nhà, nó vẫn nghe lời, phủ phục nhưng không thân thiện như tui. Kể từ đó, nó theo tui như hình với bóng. Tui đi học nó cũng đi theo. Nó nằm ngoài cửa lớp chờ tui tan học để cùng về. Không có đứa học trò nào dám ăn hiếp hay chơi mạnh tay với tui đâu. Con Ki nó bênh tui dữ lắm.

 Nó khôn dữ lắm. Tới bữa cơm, chị tui dọn mâm cơm lên nền nhà đất. (ngồi dưới đất ăn cơm không hà) là nó lại gần mâm cơm để giữ mâm cơm không cho mèo, gà lại gần. Còn nó dù đói lắm nhưng không bao giờ nó nhìn miệng lúc cả nhà tui ăn cơm đâu.

 Bữa nọ, tui đi lượm dừa khô của Người ta rụng để làm dừa sấy bán cho Nhà Nước. Nhà tui đâu có miếng đất nào làm gì có trồng dừa. Chỗ nhà tui ở là đất của bà con cô bác cho ở đậu (mượn đất cất nhà). Hồi đó chỉ có Nhà Nước được độc quyền mua dừa sấy. Tụi con nít hay đi lượm dừa khô rụng hay dừa bị chuột cắn rụng rồi bữa (chẻ đôi) trái dừa ra phơi nắng. Cơm dừa khô, ngã màu vàng nâu thì cậy ra rồi đem đi qua chợ Đại Ngãi bán cho Nhà Nước. Mà đâu có được lấy tiền liền đâu. Mấy cô đó cân xong viết cho một tờ tem phiếu gì đó rồi vài bữa qua nhận tiền. Có khi đi vài lần mới có tiền.

 Tui hồi đó quỷ quái lắm. Tui làm biếng (lười) cái vụ chui lùm bụi kiếm dừa rụng lắm. Tui rình rình không có chủ vườn dừa ở đó thì tui leo lên cây dừa tuôn cả buồng dừa khô xuống rồi tha hồ mà bố ra phơi! Nói trắng ra là ăn cắp đó! Thiện tai... Thiện tai... Tội lỗi... Tội lỗi...

 Tui cầm theo cây rựa của lính Mỹ. Cây rựa này bén (sắc) dữ lắm. Chính cây rựa này tui đã chém con trăn gấm khổng lồ để cứu con Ki mà tui đã kể ở phần trước đó.

  Con Ki lẽo đẽo theo tui. Tới vườn dừa bà 4 H... (xin được giấu tên chủ vườn dừa đó), cách nhà tui cũng cỡ hơn một cây số. Tui cầm ngu. Cầm cái lưỡi rựa vào lòng bàn tay. Lúc đó có con chim gì lớn dữ lắm, nó đang bắt một con chim chao chảo để ăn thịt. Lũ chao chảo kéo đến giải cứu đồng loại đông lắm. Chúng kêu rền vang cả khu vườn dừa. Tui lo ngó (nhìn) bầy chim rồi tui bị sụp chân té xuống bờ cơi (như con đê vậy). Cả sức nặng thân người tui đè lên bàn tay cầm rựa của tui!

  Một cảm giác đau đớn khủng khiếp chạy khắp người tui. Khi tui nhìn lại bàn tay trái của tui thì trời ơi.... Máu!... Máu đỏ tươi chảy lai láng, có vòi máu xịt lên nữa... Tui sợ quá rồi hoảng loạn... Tui đâu có biết làm gì để cầm máu đâu! Tui chỉ biết cắm đầu chạy về nhà. Được một đoạn đường, tui thấy toàn thân tui rã rời rồi từng cơn đau khủng khiếp ập tới. Mắt tui mờ dần, mờ dần... Tui không còn sức chạy nữa vì máu ra nhiều quá... Tui lịm xỉu (ngất) lúc nào tui cũng không biết nữa.

  Tui mở mắt ra thì thấy tui đang ở Phân viện Đại Ngãi. Tay tui được Bác sĩ may (khâu) rất nhiều mũi. Tui bị đứt tới xương cả 3 ngón tay ở bàn tay trái. Tới bây giờ gần 40 năm rồi mà vết sẹo chạy dài vẫn còn rõ ràng.

  Má tui kể lại cho tui nghe: Lúc cả nhà đang ăn cơm thì con Ki ở đâu chạy về. Thấy nó kì lạ lắm. Nó nhìn mọi người rồi sủa. Rồi nó quay chạy ra rồi lại chạy vào sủa như vậy. Mọi người trong nhà tui chưa hiểu chuyện gì thì nó chạy lại cắn ống quần anh Hai tui mà kéo đi. Thấy nó lạ quá, anh Hai tui đi theo nó. Con Ki dẫn anh Hai tui tới chỗ tui đang nằm xỉu. Anh Hai tui mới cầm máu cho tui. Ảnh cõng tui về rồi đưa tui qua Phân viện Đại Ngãi may (khâu) tay tui lại. Lần đó nếu không có con Ki thì sẽ không có bài viết này, vì chắc tui đã... Ra đi rồi vì mất máu mà chết...

  Năm 1982 hay năm 1983 gì đó. Lâu quá tui   không nhớ rõ nữa. Lúc đó gần Tết rồi. Tụi tui nôn nao Tết lắm. Tết hồi đó vui dữ lắm luôn. Được quần áo mới, được tiền lì xì, được ăn thịt heo (lợn) kho rệu nước dừa. Đặc biệt nhất là được đốt pháo!

 Anh Hai tui trồng được rẫy dưa hấu ở miếng đất cuối Cù Lao, cách nhà tui gần 30 cây số (km). Hồi đó dưa hấu quý lắm, chỉ trồng vào dịp Tết chứ không phải có quanh năm như bây giờ đâu. Mà trồng khó lắm, vì đâu có thuốc men gì như bây giờ. Gặp gió Bấc (gió Đông Bắc) thì dưa hấu quẹo đầu, thun dây, đâu có bò nổi, dĩ nhiên là không có trái.

 Năm đó thuận mùa, rẫy dưa hấu của anh Hai tui trúng dữ lắm. Ảnh mừng quá trời luôn. Ảnh bán số dưa cơi (dưa lớn). Còn số dưa nhỏ, ảnh về nhà mượn chiếc ghe Lườn nhỏ với cái máy Kole 4 để chở số dưa đó về nhà. Trước là cả nhà ăn, sau thì cho bà con lối xóm. Dưa hấu hồi đó quý dữ lắm, không phải như bây giờ đâu.

 Tui và anh kế của tui được cho đi theo anh Hai tui để chuyển dưa tiếp xuống ghe. Tui mừng hết lớn luôn. Lúc chuẩn bị đi tui thì thầm với con Ki:

 - Mày ở nhà đừng có đi đâu hết nhe. Ngày mai tao về rồi, tao cho mày ăn dưa hấu đã luôn!

 Nói rồi tui đi lục cơm cho con Ki ăn để tui yên tâm. Lạ thiệt! Mới đó mà con Ki chạy đâu mất tiêu rồi, tui kêu hoài mà nó không lại. Anh Hai tui nói chắc nó chạy đi bắt chuột rồi. Ảnh hối thúc đi gấp cho kịp con nước nên tui buộc phải đi. Xuống ghe rồi mà tui cứ lo cho con Ki. Không biết nó chạy đi đâu nữa?

 Ghe ra khỏi Vàm Rạch, tới Sông Cái (Sông Bắc Xắc) gặp nước ròng, thuận nước, ghe đi nhanh lắm. Bỗng con Ki ở đâu lù lù xuất hiện. Nó mừng quýnh, ngoắc đuôi không nghỉ, miệng nó thì kêu ư ử không ngớt!

- Mày ở đâu ra vậy Ki? - Tui ngơ ngác hỏi nó.

   Nó ư ử và liếm tay tui liên tục.

- Tao thấy nó trong sạp trước chui ra đó! Anh tui nói.

 Trời ạ! Nó biết tui đi ghe nên lúc không ai để ý, nó chạy xuống ghe, lủi trốn sẵn trong sạp trước nè!... Mày quỷ quyệt quá rồi Ki ơi...

 Bữa sau mấy anh em tui về với một ghe dưa hấu. Tui mê dữ lắm, nhìn những trái dưa hấu xanh thẫm có sọc mờ mờ mà thèm... Dù tui ăn từ hôm trước tới bữa sau nhiều lắm rồi.

 Bữa đó, hình như 28 hay 29 Tết. Bất ngờ Trời nổi gió Chướng. Trên sông Bắc Xắc toàn là sóng "lưỡi búa". Người đi ghe sợ gặp sóng này lắm vì không biết điều khiển ghe tránh sóng. Phải gặp sóng lượn thì đỡ. Sóng dồn dập, nhấp nhô. Ghe chở nặng nên không "nhảy sóng" được. Nước vào ghe liên tục. Anh em tui thay nhau tát nước không nghỉ tay.

 Tới Vàm Đồng Trụ, gặp lúc nước ròng, dòng nước trong rạch đổ ra rất xiết, gặp dòng nước ròng ngoài sông Cái Bắc Xắc nên tạo thành những xoáy nước khủng khiếp. Ghe anh em tui xoay vòng vòng và... lật úp!

- Chìm ghe rồi! Đeo (bám) vô be ghe đi! - Anh tui hét tới lạc giọng...

 Ba anh em ráng sức đeo be ghe,.Sóng vỗ chồm qua đầu, tui mấy lần sặc nước, uống nước sông quá trời quá đất luôn...

 Cũng may mắn, có một chiếc ghe Tam Bản của ai đó chạy ngang qua. Họ dừng lại cứu anh em tui lên ghe họ. Họ dòng (lai dắt) chiếc ghe lườn chở dưa vào bờ. Dưa trôi không còn một trái, cả chiếc máy Kole 4 cũng mất khi ghe dưa bị úp.

 Chủ ghe Tam Bản đưa anh em tui về nhà họ nghỉ. Họ cho ăn uống đàng hoàng.. Hồi đó người ta nghèo khổ mà sống có tình có nghĩa lắm kìa.

 Con Ki đã "mất tích"! Không ai thấy nó cả. Trong lúc sống chết tui cũng quên nó mất rồi. Bây giờ tui mới thật sự lo lắng và thương nó... Mày về đây đi Ki ơi!... Mày đừng có chết nghe Ki!..  Đáp lời tui chỉ là tiếng gió ào ào. Đêm đó tui không tài nào ngủ được. Tui hy vọng... hy vọng... con Ki sẽ biết đường tìm về chỗ tui ở. Càng lúc hy vọng càng nhỏ dần. Gần sáng tui ngủ gục đến khi lũ chim cãi lộn với nhau um sùm tui mới bừng tỉnh. Tui chạy ra sân nhìn xung quanh. Tui kêu con Ki không nổi nữa. Tui sụp xuống đất khóc nức nở...

* * *

Vậy là đã qua Tết.

Với tui đó là một cái Tết buồn. Dù Tết hồi đó luôn luôn là niềm mơ ước đối với tụi con nít như tui. Mất con Ki, tui như mất đi một cái gì thân yêu .Tui hụt hẫng, chơi vơi, trống vắng...

 Đêm 22 sau Tết năm ấy.

 Đêm tui không ngủ được. Tui cứ nhớ đến những cử chỉ, ánh mắt, cái đuôi, cái miệng nó cười.... Rồi tui nằm mơ thấy con Ki trở về. Nó kêu ư...ử... Chân nó cào lá dừa nước làm cửa nghe rõ ràng.

 Tui bừng tỉnh ngủ. Nhưng hình như tui nghe tiếng con Ki rên ư... ử... ngoài cửa trước. Tui dụi dụi mắt tui. Tui đâu có mơ!  Tiếng con Ki rõ ràng mà!...

 Tui nhảy khỏi giường, chạy ra cửa. Tiếng con Ki rên càng nghe rõ hơn! Tui run run mở cây cài cửa. Ánh trăng gần sáng trong vắt...

- Con Ki mà!... Ki ơi!...

 Tui nhào tới ôm con Ki mà hôn trong nước mắt. Cả nhà tui lao xao thức dậy. Ai cũng thật sự ngỡ ngàng vì con Ki trở về nhà như một kì tích!

 Nó chỉ còn... da bọc xương! Nó đi không nổi nữa. Nó nằm đó mà rên nho nhỏ. Chị tui khóc dữ lắm. Chị tui mau mau nấu chút cháo rồi quậy đường chảy và muối hột vô kêu tui đút cho nó uống. Tui đặt đầu nó trên chân tui. Tui đút cho nó từng muỗng (thìa) nước cháo thổi nguội. Từ từ nó đỡ hơn. Nó đã ngoắc được cái đuôi dù vẫn còn yếu ớt lắm!

 Chuyện con Ki trở về nhà tui sau gần 25 ngày mất tích như một câu chuyện cổ tích lan ra nhiều nơi. Bà con nghe lạ kéo đến hỏi thăm, chung vui... Người thì nói nó biết đánh hơi. Người thì nói nó biết định hướng...

 Thời gian cứ trôi qua, tình tri kỉ giữa tui và con Ki ngày càng thắm thiết.

 Những ngày đầu tháng 5 Âm lịch, năm 1992.

 Con Ki lúc này đã được 14 năm tuổi. Nó đã già rồi. Răng nó rụng nhiều. Cây răng nào còn lại cũng mòn lắm rồi. Mấy bữa nay nó không ăn cơm nổi nữa. Nó nằm chỗ bụi tre quen thuộc. Mỗi khi nó thở nhịp chậm rãi thì xương sườn nó nổi lên hết. Tui lúc này cũng đã 24 tuổi (tuổi Ta) rồi. Tui đã ra trường và làm "ông Thầy" dạy học rồi. Thời gian trôi qua mau quá...

 Ngày tết Đoan Ngọ năm ấy (Mồng 5 tháng 5 năm 1992). Con Ki đã trút hơi thở cuối cùng trên tay tui. Nó ra đi khi từ hai khóe mắt của nó vẫn chảy ra hai dòng nước mắt!...

 Tui chôn nó ở gần bụi tre, nơi gò đất cao để nước rong không ngập chỗ nghỉ của nó. 14 năm nó gắn bó với tui như hình với bóng. Có thể nói đây là tình tri kỉ giữa NGƯỜI và CHÓ. Nó đã hết lòng trung thành với tui, dù trong lúc đói khổ, khó khăn nhất...

 Với Người khác, có thể CHÓ vẫn chỉ là CHÓ. Nhưng với tui, tui đã nhìn thấy, thấu hiểu, cảm nhận được ở nó có cái điều gì đó vượt qua, cao cả hơn một con chó. Với nhiều người, có thể họ xem đó là thuộc tính, là bản năng của loài chó. Với tui, hình như còn có chữ tình trong suy nghĩ của nó.

 Cho đến bây giờ, tui đã hơn 50 tuổi rồi. Tui vẫn không có cách nào lí giải được vì sao con Ki lại tìm được đường về nhà sau gần 25 ngày. Nơi chìm ghe ấy cách nhà tui hơn 20 cây số. Phía ngoài là sông cái Bắc Xắc mênh mông, còn ở trong là rừng rú mịt mùng...

 Chó là con vật nuôi được con người thuần chủng. Nhưng không đơn giản nó chỉ là loài chó. Sự trung thành, cái tình, cái nghĩa của nó rất đáng để Người ta suy ngẫm...

 Dù Bạn có nghèo khổ, nó vẫn không bỏ Bạn! Dù Bạn có đối xử tệ bạc với nó, nó vẫn không rời xa Bạn! Với nó, Bạn mãi mãi là người Chủ mà nó trung thành vô điều kiện...

 

Theo Chuyện làng quê

 

Binh Nguyen

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tinh-ban-a6850.html