'
'Hò ơ...
Bởi đêm trăng đầy nên trời nhiều mây trắng
Tại bìm bịp kêu nên nước lớn đầy sông
Chớ thương em mười tám tuổi chưa chồng
Trăng tròn nước lớn phòng không lạnh lùng...''
Lên bốn lên năm, tôi đã thuộc lào bài vọng cổ Bìm bịp kêu của soạn giả Loan Thảo do chú Minh Vương và cô Lệ Thủy ca. Không thuộc sao được khi mà cứ tầm năm giờ chiều khi con nước những lớn là lại có chiếc xuồng đóng đáy của bác ba trong rẫy bơi ngang qua. Đấy cũng như một tính hiệu báo trước. Hồi đó bác hay ghé nhà tôi nhâm nhi ly trà điếu thuốc rê với tía chờ con nước lớn. Bác có cái thâu băng hiệu Sanyo từ đời ''ông cố lũy'' hát bằng cái bình ắc quy 6 học, tôi thì chỉ trông mỗi lần bác ghé để được nghe Minh Vương hát vọng cổ. Nhà tôi cũng có một cái thâu băng Sanyo loại một loa y chan vậy,ngày nào tía cũng mở bài Duyên quê của Minh Cảnh, ngày nào cũng '' Bầy cò trắng bay qua không xà xuống lòng ruộng mới...'' bữa đó tôi nói tía mượn cuồn băng của bác ba ra chợ sang lại, thế là từ đó chiều chiều tôi lại nói tía mở lên để nghe.... Dường như có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hễ nghe bìm bịp kêu là biết nước lớn.
Có tiếng gì khắc khoải hơn chim bìm bịp kêu chiều mà từng đi vào ca dao, dân ca một thời. Ông trời cũng hay khi phú cho mỗi con một thanh sắc lạ thường, họa mi, sơn ca thì lanh lảnh cất cao tiếng hót, sẻ thì ríu ra ríu rít, cu cườm thì gù gù, riêng có tiếng buồn thê lương thảm thiết lại gieo vào bìm bịp như ai oán. Thế gian có con cuốc đêm hè kêu quốc quốc nhớ nước chưa đủ đau lòng thì còn con bìm bịp kêu chiều não nùng loang trên sóng nước.
Lâu lắm rồi không trở lại những miền quê xa ngái, bỗng thèm một tiếng bìm bịp kêu chiều như ăn cơm phố lại thèm chén canh cua, con cá rô đồng nhà quê. Thương làm sao, nhớ làm sao…
Nhớ những ngày hè đi câu thuở nhỏ, đi hái me keo phải băng qua con sông, lúc nước ròng cạn đáy đứa con nít năm tuổi cũng có thể lội qua, vậy mà khi nước lớn thì ngập lút đầu người lớn. Xế xế chiều chiều như thế thì bất giác tiếng bìm bịp kêu, vang lên từ đâu nơi những bụi rậm kiếm ăn khi con nước lên để rồi len lỏi vào tâm hồn những đứa trẻ mới lớn những nỗi niềm rất lạ. Bìm bịp đâu chỉ chốn sông nước miền Tây mà ngay cả chốn quê nghèo nơi dải đất miền trung xa xôi nào đó đều có. Nơi nào có sông nước, có rậm rập cây rừng thì có tiếng bìm bịp khắc khoải kêu.
Ở thành thị lâu lâu cũng bắt gặp tiếng dế kêu rả rích, ếch uỗm uộp kêu hay thằn lằn chặc lưỡi. Nhưng ít, nhưng hiếm, thi thoảng vang lên để rồi bị lùng sục khắp nơi, và tàn lụi dần khi mùa qua tháng hết. Khó mà thấy được tiếng bìm bịp kêu giữa phố, dầu có bắt cả chục con đem thả vào lồng thì tiếng kêu ấy nó đinh tai nhức óc chứ không nỗi niềm khắc khoải như chốn sông nước quê nhà. Phải để bìm bịp sống hoang dại trong môi trường tự nhiên của nó, để buông những tiếng kêu não nề trên mặt sông mà loang đi cùng sóng nước, mà dấy động lòng người quê nghèo.
Nói nào ngay, nói biết con bìm bịp kêu vậy chớ thấy tận mắt thì hiếm lắm. Ban ngày nó lẩn quẩn nơi bờ bụi xó xỉnh nào đó, chỉ có chiều chiều mới xáo xác bỏ đi kiếm ăn, đôi khi hứng chí vút lên những khoảng trời vài ba cánh chim, để làm cái ráng chiều rạn vỡ đôi chút buồn. Còn nhớ lúc nhỏ xíu còn chạy lóc chóc chơi ngoài hè, thấy tía đánh lưới bắt được con bìm bịp mà nhốt trong lồng. Nhìn bộ lông xám đen, chỉ nhỏ hơn gà nhà chút đỉnh mới biết đấy là bìm bịp. Tiếc là đem về nhà hổng còn thấy nó kêu lần nào nữa, mà quên, còn một lần nó kêu lên thảm thiết khi bị cắt tiết làm thịt ăn thì tự dưng thấy buồn thúi ruột đến hờn lẫy hổng thèm ăn, dầu thịt của nó cũng thơm phưng phức không khác chim đồng.
Đó cũng là lần cuối thấy và biết tới con bìm bịp, để rồi sau này về lại quê nhà lại muốn băng qua những cánh đồng, qua những lùm lau sậy, gò mả, những đám lá dừa nước lặng im nghe, nghe tiếng bìm bịp xao xác kêu chiều, thấy đom đóm lập lòe nơi gò mã mà tự dưng ớn lạnh nổi da gà. Vậy đó mà giờ càng thưa càng ít dần, người ta đã tận diệt lùng sục khắp rồi còn đâu. Thương chi, hót hay quá thì bị nhốt vào lồng, còn kêu chi cho buồn để bị người ta bắt cho vô chai ngâm rượu. Chẳng biết mấy ông uống rượu bìm bịp vào thì dạ có buồn, có nhớ nó không hay lại 'khà khà, dzô dzô".
Không biết nó có sợ hãi mà lẩn trốn sang nơi nào khác chăng? Không biết sau này con mình có hỏi mình “Bìm bịp kêu chiều là sao hả tía?” thì biết trả lời sao đây.
Và không biết những con bìm bịp tha phương ấy có nhớ con người mình không, để chiều chiều có ai đó ra ngõ sau mà đi tìm tiếng bìm bịp kêu chiều…
Theo Chuyện quê
Lâm Hùng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bim-bip-keu-chieu-a6861.html