Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam như trái ngọt đầu mùa *

Cuốn sách tiểu luận - phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam gồm 23 bài viết được TS. Bùi Như Hải tập hợp, chọn lọc trong khoảng thời gian 15 năm (từ 2005 - 2020), với dung lượng 385 trang. Mỗi bài viết được xem như một tiểu luận được tác giả đề cập, phân tích, lý giải, chứng minh và kiến nghị những giải pháp về các vấn đề của văn xuôi đương đại Việt Nam một cách khoa học, chặt chẽ, logic, mang tích thuyết phục cao.

neo-vao-van-hoc-1632658949.jpg
 

1. Ra mắt độc giả cuốn sách tiểu luận, phê bình đầu tay Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam do Nhà xuất bản văn học ấn hành vào quý III, năm 2020 chưa được bao lâu, TS. Bùi Như Hải đã nhận ngay được trái ngọt đầu mùa. Đó là giải Nhất của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị và giải Nhì do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao cho các tác phẩm VHNT xuất sắc năm 2020. Đây thực sự là “cú huých”, là điểm sáng hết sức quan trọng “vạn sự khởi đầu nan” tạo đà cho tác giả vững bước trên con đường sáng tạo, nghiên cứu VHNT, song thực sự cũng không ít những gian nan, thử thách ở phía trước đang đợi, đang chờ!

 

Tôi và TS. Bùi Như Hải quen biết nhau chưa lâu, khi ấy chúng tôi cùng là học viên khóa I và II của Trại viết lý luận - phê bình VHNT do Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức tại Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá - Hà Nội. Điều may mắn là, được bố trí ngủ nghỉ cùng phòng nên tôi và Bùi Như Hải có điều kiện để gần gũi, hiểu biết thêm về gia cảnh, đời sống riêng tư trao đổi, giúp đỡ nhau về mặt học thuật, kiến thức chuyên ngành Văn học. Bùi Như Hải là một người được đào tạo bài bản về chuyên môn, có trình độ, năng lực quản lý, lại hoạt bát, chân tình, xởi lởi,… nên cả hai khóa đều được Ban tổ chức và thầy Chủ nhiệm lớp - PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện cùng toàn thể học viên khóa học tin tưởng giao đảm nhiệm Lớp trưởng. Nhận thức rõ vai trò trọng trách, ngoài gương mẫu trong sinh hoạt, tiếp thu bài trên lớp, Bùi Như Hải luôn chịu khó đọc, nghiên cứu thêm tài liệu ngoài giờ, đồng thời không quên dành thời lượng nhất định cùng đồng nghiệp trao đổi, trong đó cả việc trực tiếp giúp đỡ tôi cùng một số học viên thuộc các tỉnh thành khác chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp cận với chuyên ngành củng cố thêm kiến thức khi lên lớp hay học ngoại khóa. Ngoài giờ học, Bùi Như Hải còn cùng Ban quản lý lớp thường tổ chức những lần picnic vào buổi tối dạo quanh ven hồ Tây ngắm cảnh, với hương sen thoang thoảng đầy thơ mộng, quyến rũ; vừa uống nước giải khát, cà phê vừa hàn huyên chuyện văn, chuyện đời thường, ai ai cũng vui vẻ, hứng khởi nên rất thích thú, có thêm tinh thần chuẩn bị để lên lớp hôm sau đạt kết quả tốt hơn.

TS. Bùi Như Hải sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo chiêm trũng Cu Hoan, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - nơi miền đất một thời khói lửa, anh dũng. Gia đình vốn rất khó khăn, anh chị em đông, thiếu thốn trăm bề nhưng ngay từ nhỏ Bùi Như Hải đã có ý chí, vượt qua mọi gian khổ để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập, nghiên cứu trở thành Tiến sĩ Ngữ văn khi tuổi đời còn khá trẻ. Bùi Như Hải rất yêu mến, say mê Văn học, nhất là chuyên ngành lý luận - phê bình nên ngay từ những năm 1998 của thế kỷ trước đã có những bài viết với chất lượng tốt, được công bố, in ấn trên nhiều báo, tạp chí có tên tuổi ở Trung ương và địa phương như Nghiên cứu Văn học, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Văn hóa Nghệ thuật, Nha Trang, Non Nước, Cửa Việt, Sông Lam, Văn nghệ, Hà Nội mới,… Và ngoài hai cuốn sách Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam, Đường biên của chữ (Tiểu luận,  phê bình) đã xuất bản, trong thời gian tới Bùi Như Hải còn dự định ra mắt bạn đọc một số công trình sách như Nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Chuyên luận), Giới hạn của sự đọc (Tiểu luận, phê bình) Đô thị trong văn xuôi Việt Nam đương đại (Chuyên luận), Cuộc hợp đàn (Đồng chủ biên),…

2. Cuốn sách tiểu luận - phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam gồm 23 bài viết được TS. Bùi Như Hải tập hợp, chọn lọc trong khoảng thời gian 15 năm (từ 2005 - 2020), với dung lượng 385 trang. Mỗi bài viết được xem như một tiểu luận được tác giả đề cập, phân tích, lý giải, chứng minh và kiến nghị những giải pháp về các vấn đề của văn xuôi đương đại Việt Nam một cách khoa học, chặt chẽ, logic, mang tích thuyết phục cao. Các vấn đề Bùi Như Hải luận bàn liên quan đến  tiểu thuyết, truyện ngắn và truyện cực ngắn qua các giai đoạn trước năm 1975,  thời kỳ tiền Đổi mới (1975 - 1985), thời kỳ Đổi mới - từ 1986 đến nay. Trong tổng số 23 bài viết, có đến 11 bài viết xoay quanh các chủ đề liên quan đến nông thôn và nông dân, 4 bài viết đề cập đến đề tài chiến tranh và người lính, 1 bài viết luận bài về đề tài đô thị, còn lại là những vấn đề chung về tiểu thuyết và truyện ngắn, truyện cực ngắn.

2.1. Các tiểu luận xoay quanh về chủ đề nông thôn và nông dân như Tiểu thuyết Việt nam viết về nông thôn giai đoạn 1932 - 1985; Diện mạo tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại; Vai trò tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới; Sự chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới; Nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới; Sự thể hiện làng xã, họ tộc trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới; Kết cấu của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại; Sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại; Hiện thực đời thường và con người, thế sự, đời tư trong tiểu thuyết Việt Nam về nông thôn đương đại; Một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử nghiên cứu của đề tài nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới, Thân phận người phụ nữ trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại,… là những bài viết sâu sắc, có những kiến giải mới mẻ, hấp dẫn bởi tác giả đã giúp người đọc hiểu hơn về bức tranh đời sống xã hội nông thôn Việt Nam đa sắc màu, nhiều góc cạnh với những mảng sáng - tối, hiện - ẩn, thật - giả, đậm - nhạt khác nhau trong gần một thế kỷ trôi qua (1932 - 2020) của bao cây bút gạo cội, nổi danh một thời, với những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc để đời như Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan với Bước đường cùng, Nam Cao với Chí Phèo, Lão Hạc, Võ Huy Tâm với Vùng mỏ, Nguyễn Văn Bổng với Con trâu, Nguyễn Đình Thi với Xung kích, Lê Lựu với Thời xa vắng, Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Dương Hướng với Bến không chồng, Đào Thắng với Dòng sông Mía, Hoàng Đình Quang với Cánh đồng lưu lạc, Vũ Huy Anh với Trăm năm thoáng chốc, Hữu Phương với Chân trời mùa hạ, Đỗ Minh Tuấn với Thần thánh và bươm bướm, Chỉ điểm lại một số tác giả, tác phẩm tiểu thuyết viết về nông thôn qua các giai đoạn nêu trên, Bùi Như Hải đã thành công trong việc kéo người đọc sống lại, nhớ lại cuộc sống một thời đầy bi cực, đau thương của những người nông dân, của nông thôn thời phong kiến, trước cách mạng tháng Tám tối tăm, xơ xác, ngột ngạt và nghèo đói, hủ tục và nhiêu khê, hà khắc với sưu cao thuế nặng, vô lý, bất công, thủ đoạn bóc lột tàn nhẫn, trắng trợn của bọn quan lại thống trị, địa chủ, Nông thôn của nạn dịch tễ hoành hành, lũ lụt đói kém, dốt nát tối tăm, mê tín dị đoan, Nông thôn của những người nông dân bị đẩy vào tình trạng cùng cực, bần cùng và lưu manh hóa,… của những cuộc vùng lên nhằm đấu tranh chống áp bức và bóc lột của một tầng lớp nông dân giành lấy quyền sống, quyền làm người và quyền mưu cầu hạnh phúc, (tr.37 - 38). Đó là hiện thực về nông thôn, nông dân của thời xa xưa. Còn nông thôn nông dân của ngày hôm nay, của thời hiện tại - thời kỳ Đổi mới, mở cửa thì như thế nào? Đó là một nông thôn với những sắc thái mới, đổi thay với “nhiều ngôi làng khắp mọi miền của đất nước đã trở thành phố, người dân vốn gắn bó với ruộng đồng bỗng chốc trở thành tỷ phú, Hai hàng cột đèn cao áp chiếu xuống mặt đường sáng tỏa như sân khấu,… Các ngôi nhà mới cũ kỹ, rêu mốc được thay thế dần bằng những ngôi nhà hai, ba tầng cao ngất ngưởng” (tr.240 - 241). Song bên cạnh những tiến bộ kỳ diệu, những đổi thay đến chóng mặt của nông thôn, nông dân thời kỳ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các nhà văn đương đại cũng chỉ rõ những mặt trái, những khoảng tối khó có thể khỏa lấp, có tác động tiêu cực không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi làng xóm cũng như sự tổn thất về vật chất, tinh thần, đạo lý làm người,… của mỗi người dân: “Những xung đột phe cánh, tranh chấp âm ỉ, quyết liệt về dòng họ, chi phái và cả những hủ tục, tập tục, Sự phân biệt giàu nghèo mang tính đẳng cấp, Và một khi cái ác kết hợp với sự ngu muội, đốt nát, và cả ma lực của đồng tiền hoành hành trên sự nghèo đói thì sự tàn phá của nó thật ghê gớm, không lường” (tr.120 - 121). Ngoài ra, sự đổi thay kỳ diệu đến chóng mặt của nông dân, nông thôn trong thời kỳ mở cửa, hòa nhập trong cơn lốc cơ chế thị trường đã kéo theo những hệ lụy, hậu quả khó tưởng, phá vỡ hoặc làm phai nhạt tập tục, lễ giáo bao đời được Bùi Như Hải đề cập, phân tích một cách rất sâu sắc, chi tiết trong các bài viết đã nêu ở trên và các tiểu luận khác trong cuốn sách này.

2.2. Các bài viết về đề tài chiến tranh như Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn tiền Đổi mới 1975 - 1985; Yếu tố tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam viết về chiến tranh thời kỳ Đổi mới; Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và người línhNgười lính thời hậu chiến trong truyện ngắn của Cao Hạnh cũng là những bài viết thú vị, có những kiến giải, luận bàn sắc sảo. Đọc bài viết Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn tiền Đổi mới (1975 - 1985), độc giả sẽ nhận diện được một bức tranh chung về đề tài chiến tranh thời kỳ này, những thành tựu cũng như những hạn chế được tác giả phân tích, lý giải rất chi tiết, cặn kẽ, thuyết phục. Kết thúc bài viết, Bùi Như Hải đã đưa ra nhận định giâu sức thuyết phục khi cho rằng: “Nhìn xuyên suốt dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam, thì đề tài chiến tranh là một trong những đề tài lớn nhất. Sự hiện diện của đề tài này đã phản ánh một cách sinh động về hiện thực của đất nước và con người Việt Nam kể từ khi dựng nước, giữ nước và phát triển cho đến hôm nay” (tr.123). Nét nổi bật nhất của những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh giai đoạn tiền Đổi mới đã có bước đột phá, bước phát triển mới cả về nội dung những sự kiện lịch sử, xây dựng tính cách, tâm lý nhân vật, mối quan hệ giữa chiến tranh và con người,... so với những tác phẩm ra đời thời chiến tranh. Vấn đề này đã được Bùi Như Hải lập luận, dẫn dắt, phân tích khá chi tiết, cụ thể khi điểm qua nội dung, nhân vật điển hình trong mỗi tác phẩm (cụm tác phẩm) rồi đi đến nhận định mang tính khái quát cao: “Hiện thực chiến tranh được các nhà văn tái hiện, miêu tả và phản ánh trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh giai đoạn tiền Đổi mới hiện lên một cách đa chiều, đa diện như nó vốn có, chứ không một chiều theo kiểu “ta thắng - địch thua” như trước,… tạo nên một bức tranh hiện thực đầy đa dạng, phong phú và mới mẻ hơn” (tr.128 - 129). Ngay trong tình yêu đôi lứa cũng vậy, có những cung bậc, sắc thái khác nhau, “có đủ những vui, buồn, thương yêu, giận hờn, thổn thức, lo lắng, ghen tuông, ích kỷ,…” (tr.131). Từ một số quan điểm nhìn nhận mang tính khẳng định nêu trên về đề tài chiến tranh và người lính, Bùi Như Hải đã dẫn dắt người đọc tiếp cận hàng loạt các tác phẩm về tiểu thuyết của các tác giả có tên tuổi đã cho ra đời giai đoạn tiền Đổi mới (1975 - 1985) như: Dòng sông phẳng lặng (3 tập - 1974) của Tô Nhuận Vỹ, Những tầm cao (2 tập - 1975) của Hồ Phương, Vùng trời (3 tập - 1971, 1975, 1980) của Hữu Mai, Nắng đồng bằng (1978) của Chu Lai, Mở rừng (1976) của Lê Lựu, Lửa từ những ngôi nhà (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1982) của Nguyễn Minh Châu, Trong cơn gió Lốc (1980) của Khuất Quang Thụy, Đất trắng (1979,1984) của Nguyễn Trọng Oánh, Gặp gỡ cuối năm (1982) của Nguyễn Khải, Những khoảng cách còn lại (1980), Đứng trước biển (1982), Cù Lao Tràm (1985) của Nguyễn Mạnh Tuấn, Mùa lá rụng trong vườn (1985) của Ma Văn Kháng,

Từ những vấn đề chung, Bùi Như Hải đã đi sâu tìm hiểu hai tác giả cụ thể, đó là nhà văn Cao Hạnh và Văn Xương. Ở bài viết Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và người lính, sau khi tập trung khảo sát hai tập truyện ngắn Hoa gạo đỏ bên sôngHồn trầm, Bùi Như Hải đã nhấn mạnh, khẳng định rằng: “Chiến tranh như chúng ta đã biết là luôn gắn với số phận đau thương của dân tộc Việt Nam, là nơi gửi gắm tâm sự của những người cầm súng đã từng chứng kiến bao sự hi sinh, mất mát của đồng đội, đồng bào,… Chiến tranh và người lính không phải là một đề tài mới mẻ - đó là đề tài truyền thống, lớn nhất trong nền văn học Việt Nam,…” (tr.355). Đề tài này thực sự là một “vùng đất” màu mỡ, thênh thang, vô tận cho người viết hiện tại và mai sau tiếp tục khai vỡ (tr.355). Còn trong bài viết  Người lính thời hậu chiến trong truyện ngắn của Cao Hạnh, tác giả đã cho rằng: “Cao Hạnh đã vực dậy ở nhiều góc độ khác nhau về hiện thực chiến tranh, về người lính thời hậu chiến một cách “bình lặng” nhưng lại không hề “bình yên”,… Số phận người lính bước ra từ cuộc chiến với sự “cô độc” trên chính mảnh đất, với chính những con người - họ đã từng đổ máu để bảo vệ” (tr.374).

2.3. Cuối cùng là một số bài viết xoay quanh các nội dung: Cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn tiền Đổi mới 1975 - 1985; Tiến trình vận động của đề tài gia đình trong văn xuôi Việt Nam; Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 với nhu cầu đạo đức tối đa; Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 từ chuyển mình đến thành tựu; Truyện cực ngắn - hướng đi mới cho văn học hôm nay; Tư duy truyện ngắn Việt Nam thời kỳ Đổi mới về đề tài đạo đức xã hội; Truyện ngắn Cao Duy Sơn trong mạch nguồn truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại và Sự vận động của đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam,... Do khuôn khổ của một bài viết nên tôi chỉ đề cập đến khía cạnh đề tài đạo đức xã hội sau năm 1975 đến nay - một vấn đề hết sức nóng bỏng mà tiểu thuyết, truyện ngắn Việt Nam truyền tải tới công chúng được TS. Bùi Như Hải quan tâm, phân tích khá sâu sắc, rõ nét trong tập tiểu luận - phê bình này. Như đã nêu ở phần trên, từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới toàn diện, đời sống xã hội Việt Nam đã biến đổi một cách nhanh chóng “theo vòng quay hối hả của cơ chế thị trường, thì tiếng gọi khẩn thiết về đạo đức của con người được cất lên khẩn thiết hơn bao giờ hết”, mà trong đó “chính lối sống thực dụng đã làm đảo lộn, lung lay và có nguy cơ sụp đổ những giá trị truyền thống vốn bám sâu trong đời sống xã hội và con người trước sóng gió của thời cuộc” (tr.182). Hàng loạt các tiểu thuyết như Chuyện làng Cuội của Lê Lựu; Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Đời im lặng của Chu Lai; Lão Khổ của Tạ Duy Anh; Tiễn biệt những ngày buồn của Trung Trung Đỉnh; Ma làng của Trịnh Thanh Phong; Chạy án của Nguyễn Như Phong và một số truyện ngắn tiêu biểu như Bức tranh của Nguyễn Minh Châu; Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường của Nguyễn Huy Thiệp; Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh và Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, đã được Bùi Như Hải điểm tên, phân tích, chứng minh rất chi tiết, cụ thể. Đọc bài viết Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 với nhu cầu đạo đức tối đa, độc giả sẽ thấy được những mặt trái của xã hội trong thời cơ chế thị trường, khi đồng tiền, quyền lực đã ngự trị, chi phối, làm rạn nứt, phá vỡ mô hình văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc khi những con người - nhân vật như Họa sĩ Hảo tuyên bố một cách hùng hồn rằng: “Thế kỷ XX thế kỷ tiền. Quân tử không có tiền quân tử điên”; Thuật - giáo viên dạy toán, thì hùng hồn sổ toẹt: “Tôi xin nói thật, tôi không có động cơ nào khác là… tiền” (Đám cưới không giấy giá thú), tên thủ ác (Bóng đêm) chỉ vì ăn chia tiền bạc không sòng phẳng với nhau nên đã ra tay giết người bạn của mình một cách man rợ, đầy thú tính,… Điều đau đớn, xót xa nhất là khi mỗi chúng ta được mắt thấy, tai nghe sự xói mòn về giá trị đạo đức của con người qua các nhân vật như Côn và Sang đối xử tệ mạt đối với mẹ chồng, bố đẻ của mình (Dòng sông Mía của Đào Thắng) hay con gọi bố bằng mày: “ Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không? Dạ thưa ông tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông?” (Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường). Sự xuống cấp đến đỉnh điểm, khi một số người – nhân vật trở thành thú vật như Lẹp trong Dòng sông Mía (Đào Thắng), cụ Chánh trong Lão khổ (Tạ Duy Anh) dùng cả nơi linh thiêng nhất - không gian thờ tự của gia đình để làm nơi thỏa mãn lạc thú cho riêng mình”. Với lối sống thực dụng, ham giàu có mà Thủy (Tướng về hưu) đã làm một việc trái với đạo lý của con người Việt Nam: “Hàng ngày các thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn ăn (tr.318). Khép lại bài viết tác giả một kết luận rất đúng, xác đáng khi cho rằng: “Trong cơn luân chuyển thời kỳ Đổi mới, xã hội Việt Nam không chỉ có những con người tha hóa trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, của tầng lớp trí thức, mà còn có cả sự tha hóa của người già, người trẻ, người lãnh đạo, nhà giáo, họa sĩ, bọn ma cô, bọn buôn lậu,…” (tr.319).

Chỉ đề cập một số khía cạnh nêu trên cho thấy cuốn sách tiểu luận - phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của TS. Bùi Như Hải tuy mới đến với độc giả nhưng đã được đón nhận một cách trân trọng, vì nó mang tiếng nói và dấu ấn riêng - dấu ấn, phong cách của một nhà nghiên cứu, phê bình có nền tảng tri thức vững vàng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học cháy bỏng. Với một tinh thần luôn luôn cầu thị, lại không ngừng nỗ lực hết mình bởi con đường đã chọn, tôi cũng như các bạn đọc luôn đặt niềm tin và chờ đón những hoa thơm, trái ngọt mới của TS.  Bùi Như Hải sẽ đem lại trong vườn hoa VHNT nước nhà./.

________________________

(*) Nhân đọc tập tiểu luận, phê binh Nẻo vào văn xuôi Việt Nam đương đại của Bùi Như Hải, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2020.

Bắc Ninh, tháng 8/2021

 

 

  Nguyễn Tự Lập

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/neo-vao-van-xuoi-duong-dai-viet-nam-nhu-trai-ngot-dau-mua-a6868.html