- Xa xưa xem phim hoạt hoạ LX "Đội bóng Căztan" các chàng Cô dắc chỏm tóc đuôi ngựa phất phơ, quả ria mép xùm xoàm, áo chẽn cộc thòi rốn+quần thụng mông bó chẽn giò- thi triển các đấu pháp Đá bóng đi đâu thắng đó, làm lũ trẻ phê lòi mắt. Mí lại nhạc phin tuyệt vời luôn, vui đáo để, nhớ tới tận giờ. Phim LX ông già Khốt ta bít tròn xoe cặp mắt trố lồi vì thấy lạ: cớ gì mà 22 thằng tranh nhau 1 quả bóng.
Xưa các cụ lẩm bẩm với con cháu “Hay hớm gì mà bóng với chả banh, ngủ sớm đi- mai còn đi làm”! Nay thì Tinh thần “Bóng” nó chễm trệ ngự ngay và luôn tại đầu giường nhá. Sớm nay đã thấy vợ hàng xóm gằn hắt với chú em họ tôi, điệp khúc “mấy tối nay anh về muộn, hỏi còn cáu nữa chứ”. “Đàn bà bọn mày thì biết cái gì về bóng đá”…bôm bốp huỳnh huỵch và rồi có tiếng thất thanh "Ối dồi ôi, làng nươc ôi" còn có hu hu nữa…vắn tắt nó là thế.
- Tự dưng lại nhớ về ngày xưa, khỉ thế. Cây bưởi góc vườn nhà bao nhiêu là thức : Gai để nhể mẻ ốc bắt được sau vụ vơ cỏ lúa. Lá bưởi dùng đun nước xông cảm cúm. Hoa cho thôn nữ làng gài tóc, mí làm bánh trôi bánh chay quê ta mà ko có hoa bưởi ló thì là vứt. Mùa mưa bão gió ù ù thổi, quả bưởi tý hin rụng cho lũ đàn bà chơi chuyền chắt. Quả to to là các cu cậu thích mê tơi : quần đùi chân đất rê bóng bưởi, dồi là sút...tối về bóp lá láng cấm dám rên, rên thì Thày bu cấm cho đá nữa. Các giai thoại bay như Kim, dẻo như Coóng...các đội Bưu điện, Trường Huấn luyện. Thể công kỵ giơ Công an HN thành huyền thoại một thời 1960- 1975, Họ choảng Bát nhất, chơi với Triều tiên ngang ngửa. Bọn trẻ trâu làng tuyền nghe hơi nồi chõ cũng đã thích mê tơi. Lại nhớ thập kỷ 1960- 1970 cả làng Giàn ven sông Tô lịch của Tôi có chiếc loa nén nóc nhà địa chủ xưa- HTX thu hồi làm CLB. Các nơi nội thành có treo loa tròn quanh bờ hồ Hoàn kiếm và các khu sầm uất cho nhân dân tụ tập, lắng nghe truyền thanh trực tiếp các cuộc duyệt binh, tường thuật trực tiếp bóng đá ở các sân cỏ Miền Bắc khi đó qua đài TNVN
- Hồi sân Quần ngựa còn hoang sơ đầy cỏ chả ai xén. Đận 1968- 1969 Lũ Tôi học sinh Yên hoà 3A tới đây đá hàng ngày giải chè đỗ đen. Thì đây cũng là chân sút nhá (tiền đạo thi thoảng, hậu vệ thì hơi bị nhều). Cái thời vào Đại học Cơ điện 1970, sinh viên đói bỏ mẹ ra mà chiều nào cũng có ối tên uỳnh uỵch đá gôn tôm, vì máu đá !. Đâu xa Đào Việt Dũng nhiếp ảnh gia Fb, ở lại với đội chị em để thi đấu giữa các tổ K6I xong thì mới về Đồng mỏ- từ biệt người thân để đi lính 5/1972 Nể thật ! SV đợi trăng lên sáng soi đã, mới ra sân đá bằng quả tạ sắt tròn (nặng 3kg) bởi chưng nghèo không có bóng cao su
Thập niên 70, 80 thế kỷ trước, hình ảnh những người dân Hà Nội khoác áo tơi (áo mưa) đứng dưới trời mưa, ngay dưới chân các cột điện có treo loa phát thanh để nghe bình luận bóng đá trên Đài tiếng nói Việt Nam không còn xa lạ. Ai để ý thời xa xưa các buổi tường thuật bóng đá được phát theo kiểu cuốn chiếu. Sang hiệp 2 của trận đấu mới phát tường thuật của hiệp 1. Kết thúc trận đấu mới phát tiếp hiệp 2. Một phần cũng vì vậy nên bình luận hoặc tường thuật trận đấu đều có độ chuẩn xác rất cao. Thậm chí, những ngày mưa gió, người ta còn trèo lên cây cột, ôm ngang cây để nghe cho rõ. Đó mãi mãi là những hình ảnh xúc động về một Hà Nội yêu bóng đá vô cùng trong thời bao cấp
- Người Hà Nội yêu bóng đá lắm, từ khoảnh đất trống mọi nơi cho tới các sán vận động làng, huyện, tỉnh, khu vực, trong đủ các loại giải to xuống nhỏ. Hà Nội có vài sân to, Quán Thánh, Quần Ngựa, Long biên, Cơ khí HN. Những năm 70, 80 thế kỷ trước, mỗi khi sân Hàng Đẫy có bóng đá ối vị cũng cố gắng kiếm cái vé để ngồi xem trực tiếp. Đi ngang qua Hàng Đẫy thấy xe đạp gửi dàn dạt mấy vòng quanh tường ngoài sân vận động. Không có vé thì nghe tường thuật qua Loa công cộng hình bát úp vỉa hè phố nhớn và hình dung ra các cầu thủ đang tranh chấp nhau ở chỗ nào trên sân cỏ. Khán đài cửa số 8 sân Hàng Đẫy cũ, xưa kia thấp lắm, nhiều người không có vé thường trèo lên nóc nhà này để nhìn vào sân xem hai đội thi đấu. Chuyện tháo đồng hồ, giày, áo len áo véc đổi tấm vé xem sân Hàng Đẫy là thường. Ngày đó cho tới bây giờ khán giả Hà Nội rất vô tư, nhưng luôn hò hét cổ vũ, ủng hộ cho đội yếu hơn.
- Nhớ giọng tường thuật sôi nổi của các bình luận viên Đình Khải, Hoài Sơn, Nguyễn Thu thay phiên gào như máy khây Xanhgie, thét tưởng thuật bóng đá, rách màng tai "Va ào, vào rồi" "Xin lỗi các bạn, lại không vào" Còn trên các khán đài thì hò hét, ầm ầm lời bình luận về các cầu thủ. "Đầu Thông, mông Túc, đít Tô Hiền, Bay như Khánh, đánh như Kim, Khéo như thằng Pê lê, rê như thằng Ba Đẻn". Tôi chỉ biết rằng : Hà Nội là trung tâm bóng đá của cả nước, Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt là hàng đầu, tiếp theo là Thanh niên Hà Nội, Quân khu Thủ đô, Xây dựng Hà Nội, Bưu Điện. Các tỉnh có Cảng HP, Cảng SG, Hải Quan, Dệt Nam Định, Than Quảng Ninh, Quân khu 3, QK Việt bắc..các đội hạng C thì có Giấy Trúc Bạch, Xe điện...Thể công luôn áp chế Đường sắt nhưng có phần e dè Công an Hà Nội. Công an Hà Nội mỗi khi đấu với Đường sắt, rơi vào trạng thái căng cứng. Các danh thủ một thời : Tòng, Tô Hiền, Sơn min, Hiển Coóc, Điệp lùn, Đặng cóc (CAHN); Xuân Quýnh, Ba Đẻn, Cao Cường, Mỵ, Giáp, Khánh, Thêu (Thể công); Duy Long, Thủ môn Sinh, hậu vệ Như Quang, Minh Phương, Khắc Chính; tiền vệ Lê Thụy Hải, Thế Thành; tiền đạo Mai Đức Chung, Từ Như Hiển, Hoàng Gia (TCĐS) thủ môn Kim Hoàng; hậu vệ Tam Lang, Tấn Trung; Văn Thà; tiền đạo Nguyễn Ngọc, Trần Xinh, Tư Lê (Cảng SG).
- Nhiều lần Bố cho vào sân Hàng Đẫy, khoái màn đội phi mô tô biểu diễn trước giờ bóng lăn. Tròn xoe mắt thấy các vị đầu gối củ lạc, còm nhom đầu gối quá tai phán như thánh "hất sang phải đi, ơ kìa ngu thế, cố lên con ơi" và song phi vào lưng người đằng trước. Ấn tượng cho đến giờ vẫn là ôm bụng cười lăn lộn, cười chảy nước mắt- khi nghe các “cao thủ” vừa huấn luyện viên kiêm bình luận viên: chỉ đạo bằng mồm, tỷ như “cố lên em ơi- rướn vào- thọc đi- ối giời ôi tượt mẹ nó rồi ”và “dãn người ra- thọc nách đi- xé cánh- tuồn vào sâu đi con ơi, đm đch tung toé. Cảm thán "Giời ơi Giời ạ" là nhời của các "BLV tại sân" hò hét. Nhiều cặp đá xoàng thì Tán vui hay hơn Nhòm trận đấu ?. Nếu bị vận đen ám vào, dễ ăn cú đạp từ sau lưng (đau điếng người, vãi nước mắt). Rồi là đận giải lao giữa 2 hiệp, dân mộ điệu chen nhau “xả lũ ào ạt”, hàng nghìn vòi phun xối xả, có cảm tưởng tắc cống, lũ tràn mặt sân cỏ khu Hàng đẫy ngập trong biển nước giữa mùa mưa bão?!.
- Hồi Tôi đi lính về học tiếp, cả đàn cả lũ SV cuốc bộ 9km dưới trời nắng- nóng- bụi tới sân vận động Thái nguyên xem Thể công đấu với Quân khu Việt bắc: Ba Đẻn rê bóng tiến sát cầu môn QKVB, nhẽ ra Lão sút- thủ môn QKVB sẽ “bó tay" Không có đâu nhá ! Lão đá hất ngược lại về giữa sân. Hồi ý khán giả ồ lên, đấy là tinh thần “đồng đội” dắt tay nhau cùng vào sâu giải đấu. Thuở nay chắc chắn được gắn mỹ từ Cá độ, phạt nặng chứ chả chơi !. Dân sinh viên nhà ta đói+khát cuốc bộ về trường cứ là tưng hửng, tức anh ách. Nhớ Espanna 82, làng mất điện sát giờ bóng lăn, vội đạp xe ra đường Láng. Kiễng chân thuộc lớp đứng thứ 3 sau cửa sổ nhà tập thể, theo dõi trận đấu qua màn tivi 9 insơ đen trắng đặt sát tường, Tôi cách tivi 3m có dư. (ơn nhờ giời, độ ấy mắt còn rất tinh).
- Dù Đài Tiếng nói Việt Nam đã có buổi phát hình đầu tiên trên sóng viba tối 7/9/1970, ngày 19/8/1980, BBT vô tuyến truyền hình mới tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam để trở thành Đài truyền hình Trung ương. Thập kỷ 197x ở miền bắc mới được xem tivi, kênh thể thao bắt đầu tường thuật các trận cầu của các giải bóng đá thế giới xa xưa. Bình luận bóng đá trực tiếp trong nước thì các bác Hoài Sơn, Đình Khải dần dần nhường chỗ cho Phạm Ngọc Tiến, Quang Huy, Đình Tùng, Anh Ngọc, Long Vũ. Năm 1978 có giải bóng đá thế giới tại Argentina, Việt Nam được quyền phát lại các trận đấu. Đến Espana 82, Việt Nam được bản quyền phát trực tiếp một số trận đấu. Những giải bóng đá tổ chức tại sân Hàng Đẫy như giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa SKDA 1984, người ta đến sân rất đông, có khi phải trèo cả lên bờ rào, mái nhà để xem. Năm 1986 bùng nổ truyền hình trực tiếp vòng chung kết Mexico (Tín hiệu lấy từ vệ tinh Hoa sen của Liên Xô). Từ mùa world Cup 1986 này trở đi, Tôi và các vị máu bóng đá : chong mắt cả đêm xem trực tiếp, sáng ra phải kiếm tờ "Tin nhanh bóng đá" của TTX để xem cho đã. Đến vòng chung kết năm 1990, 1994 (Đài CFI của Pháp hỗ trợ bản quyền phát sóng). Năm 1998, lần đầu tiên VTV bỏ tiền mua được sóng sạch. BLV lên sóng có ban đầu là ông Trần Tiến Đức và ông Vũ Huy Hùng. Sau này là lứa Long Vũ, Quang Huy, Quang Tùng “Bình luận viên gạo cội” của truyền hình bóng đá. Long Vũ hiện vẫn ở VTV. Quang Huy sang VTC. Quang Tùng sang truyền hình Quốc phòng. Thương hiệu bình luận của 3 ông này, lớp trẻ bây giờ vẫn không theo kịp.
- Hồi ở Cơ quan thập kỷ 8X,9X Bác giám đốc cũng là đệ tử môn Túc cầu giáo, nên bác xá tội cho CBCNV tội đi muộn, nếu đêm qua có trận bóng đá QT hay. Thêm nữa đội Việt nam ta có đấu với nước ngoài tại Mỹ đình, dân sẽ được về ngơi sớm mà xem. Quý hóa thay mọi nhẽ. Trận chung kết SKDA năm 1984 giữa 2 đội bóng quân đội Liên xô (anh cả) gặp đàn em Hunggari. Anh cả thua không thèm ra lĩnh Huy chương bạc. Thập kỷ 2006 khi đưa con đi tập võ phố Trần huy Liệu, “Mày tập gì thì kệ mày, bố đi ra sân triển lãm Giảng võ đây” có phông chiếu trận khai mạc Vôn cúp khổng lồ- đứng ngoài đường vẫn còn xem tốt! Thấy ca sỹ Thái thùy Linh- người nhỏ thó mà mồm ễnh ương, hát gào và nhảy nhót như điên, xập xình nhạc, người xem đông kìn kịt. Bóng đá chả ai thích xem một mình một cái ti vi cả, càng đông lại càng khoái tỷ, thế mới lạ.
- Cái đận nghèo nhắm rượu với ngọn rau muống luộc vào thun thút. Tối tôi hay ra quán thằng em rể. Thằng này khoái cá độ vui để tiêu thụ hàng két bia chai của nhà nó- tôi còn lạ!, Nó tán cũng hay- cười ồ ra suốt buổi. “Bóng đá thì hay mọi nhẽ” cái chi cũng có thể cá vui được- tất tần tật: ai phát bóng,đội nào ném biên, đội nào hưởng phạt góc…đầu tiên. Chưa kể bàn thắng thua, chưa kể chấp trái…Giải quyết dứt điểm gọn ghẽ sau tiếng “cạch- keng”, tiếng bật nút chai bia sao mà quyến rũ con người ta ra thế, thích thế. Vỗ đùi bồm bộp, than Giời hơn cả Chu Du thời Tam quốc. Trận cầu đinh, thì thằng đá giỏi hay là không biết đá bóng loanh quanh mọi nhẽ. Chờ giờ bóng lăn xứ người, cái thời điện lưới phập phù : Xe pháo chuẩn bị sẵn sàng, điện quá tải "Phụt” cái rộp- là phới đi nhòm ké nơi khác ngay. Sáng ra đường thấy tên nào “Lờ đờ như chuột phải khói” đích thị là dân nghiền bóng banh- dấu ai được. Vì bóng đá là ngôi Vua, thống kê ra 95% các mợ sẽ ca nhạc “không theo yêu cầu”. Từng ấy % các mợ rên rỉ không ngủ được vì nhà ta, hàng xóm “la hét to quá”. <5% ngồi xem cùng liền ông, nắc nỏm khen cầu thủ này đẹp trai, tên kia đen như khúc gỗ cháy, rồi là ngáp ngắn ngáp dài…rồi là tưỡn. Từ sáng tới chiều suốt thời gian Uôn cup, Cúp C1, C2, C3 châu âu... bia rượu cứ tuôn ồng ộc ngang suối mùa lũ, Các bình luận viên truyền mồm, thao thao bất tuyệt Hùng hồn xả nhời, nghe ra Họ xứng đáng là Sư phụ của tất thảy các BLV bóng đá nhà Đài. Các chủ quán ăn mặt tươi hơn hớn nhé. Vạn tuế bóng đá, vạn vạn tuế các tên xem bóng đá ! Cũng ối nhà “Phú quý giật lùi” dạt về “vùng sâu vùng xa cư trú” do các ông con máu cá độ bóng banh ! Tiền tỷ bốc hơi đi đứt đới nhé!
- Hôm qua, anh trưởng nhà tôi hỳ hụi nướng mực bằng cồn, ngâm tá lon bia He ne ken từ sáng sớm vào tủ lạnh, hý hoáy hạt điều+tương ớt...(Chuẩn bị xem trận bóng lăn trên cac kênh K+), sẽ khai đao lúc 23h có dư, nhâm nhi lúc chờ. Cuối cùng “rằng thì là mà” thằng bố tỉnh- nằm xem một mình. Sáng nay “lờ đờ như chuột phải khói” Hai ông con đo giường tới sáng, (bố a lô- chúng con xin phép) Bu nó vừa rồi mới rời màn vi tính- sau khi đã xem lại cả trận sáng nay. Bóng đá là ngôi vua, vạn tuế bóng đá, vạn vạn tuế các bác ngồi nhòm! Còn tôi ngậm ngùi tiếc phong độ Tửu “bao giờ cho tới ngày xưa?”. Nghe nói sau mỗi trận đấu cầu thủ ngót dăm cân thịt hơi- chẳng biết có đúng không ợ? Dưng mà biết tên nào máu xem trực tiếp- kèm nhấm tý- chắc chắn sẽ tăng cân, sau khi trọng tài chu mồm toét còi lanh lảnh báo hết trận! Rồi là ngủ vùi- chả biết giời đất ra gì sất!
Sau này mắc TH cáp, có đầu thu HD, có mua gói kênh K+, bà con no mắt xem trực tiếp, xem lại nhờ intenet. Giờ thấy các bác nghiện túc cầu xưa, vẫn hò hét hô hào cược bia cho vui (cả trên Phây cả Bờ lốc)…Vui thay viết dông dài tý (3/5/2019).
Theo Chuyện quê
Trần Minh Hải
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hanh-trinh-bong-da-a6869.html