Lần đầu tiên đi Ấn độ

Một đất nước quá nhiều sắc tộc, tầng lớp, trình độ, mức sống, với vô vàn tưởng tượng và ước muốn, tạo ra rất nhiều tôn giáo tín ngưỡng, nhiều cuộc nội chiến vì sắc tộc, tôn giáo, vì quyền lợi, nhưng cũng rất giỏi, sau các cuộc cách mạng cải cách kinh tế, cuộc sống đã tốt hơn nhiều, quân sự rất mạnh.

an-do-5-1632666471.jpg
 

Làm VISA

Tuần đầu tiên công ty mới, công việc chưa bắt đầu nhưng trong đó có chuyến đi học tại Ấn độ. Chưa từng bao giờ đi Ấn, chỉ nghe kể và xem qua trên tivi, sách báo nên cũng khá háo hức.

Rút kinh nghiệm làm VISA đi Macau mất hơn 3 tuần không xong, tôi đến sớm tại sứ quán, một không khí vắng vẻ, cửa đóng kín mít chả có ai làm việc. Bấm chuông lúc lâu mới có tiếng cửa mở, một ông cán bộ Ấn nhìn gườm gườm qua kính lão nói, 09:30 quay lại nhá, giờ mới 09:00 chưa làm việc. Đúng là khác biệt với mọi văn phòng Việt nam. 30 phút sau quay lại, “Mày đã đăng ký và có hẹn chưa?” Ngớ người ra không hiểu gì cả? Ông ta nói: “Mày về đăng ký và khai form trực tuyến nhé, mọi thủ tục hướng dẫn trên đó, không phải xếp hàng và khai giấy tờ gì ở đây cả…”

Đúng là không biết thật, về lên trang của sứ quán, khai báo mọi thứ, nhưng không may, chả có phản hồi gì cả chắc hệ thống lỗi? Chờ 1 tuần không có gì, đành in hết ra và mang ảnh, thư mời, thư cử đi công tác và đến sứ quán. “Tôi làm mọi thứ trên mạng nhưng không có trả lời gì hơn 1 tuần nay, còn 1 tuần nữa tôi phải bay rồi…” trần tình với ông trực cửa và cũng sợ bị đuổi về vì có thể làm sai gì đó. Nhưng lần này ông ta nhẹ nhàng nói, “mày vào phòng kia làm nhé…”

Phòng đối diện ngay lễ tân, một ông quan chức Ấn khác đang điện thoại, ra hiệu tôi ngồi xuống và bảo đưa các giấy tờ ra. Vừa điện thoại vừa xem các form và hộ chiếu, tạm dừng phone, ông ta nói, ok rồi nhé, nộp phí đi, 123 USD và lại điện thoại tiếp.

Do không chuẩn bị tiền nên phải đi đổi, ở đây họ không thu tiền Việt. Ông ta nói “mày quay lại trước 12:30 là được”. Đi lòng vòng các ngân hàng xung quanh, các ngân hàng Việt không bán USD? cuối cùng phải về Hà trung. Quay lại sứ quán kịp giờ, lúc này đã khá đông, chắc các đoàn đi du lịch. Tuy nhiên gần như không phải chờ, ông trong phòng lúc trước nhìn thấy vẫy ngay vào để nộp tiền, giấy tờ và trả tờ biên lai hẹn 5 ngày sau quay lại lấy kết quả. So với làm VISA Mỹ, Anh, và trượt VISA đi Macau, thì thực sự ấn tượng với cách đơn giản và nhanh chóng xin VISA đi Ấn độ ở đây. Đúng 1 tuần sau, mọi thứ hoàn tất, chính xác giờ hẹn.

Được cậu bạn đặt cho vé máy bay, vì Việt nam không có chuyến bay thẳng sang New Delhi, nó chọn cho tuyến đi thuận tiện nhất cả về thời gian và chi phí. Hà nội, BangKok và Delhi dự tính mất khoảng 12 giờ.

Khởi hành

Bắt taxi đi Nội bài như thường lệ, nhưng vì mới có vụ Hack hệ thống thông tin cả sân Nội bài và Tân Sơn nhất ngày hôm trước khi cả nhà còn ở Đà nẵng nên đi sớm hơn 1 tiếng. Tuy nhiên, lên sân bay, mọi thứ gần như đã trở lại bình thường, các bảng hiệu, lịch, loa đều đang hoạt động tốt. Quầy thủ tục của Thai Airway vắng vẻ, thủ tục khá nhanh chóng vì chuyến đi ngắn và chỉ mang thêm ít đồ ăn phòng không ăn được Cà ri của Ấn độ. Do đi sớm nên phải lang thang, may mắn gặp cậu công ty cũ đi học Singapore cũng lên sớm để ngồi cà phê chờ bay.

Thai Airway bay rất đúng giờ. Máy bay có sự khác biệt với các máy bay của Việt nam, Boing 787 mới tinh, kiểu xe Mec mới 2016 và của Việt nam là Mec 2006 vậy. Ghế mới và đẹp, màn hình tivi tại ghế 30 Inc rât hiện đại. Nghịch ngợm một chút thì phát hiện thêm, cửa sổ rất to, gấp rưỡi bình thường và cửa kính không có tấm che nắng như các máy bay khác. Độ sáng tối được điều chỉnh điện như màn hình máy tính hoặc điện thoại. Không hiểu sao họ chưa đưa công nghệ này cho các cửa kính ô tô nhỉ?

Tuyến bay trên đất liền qua Lào, Cam phu chia nên nhìn rừng núi khá thú vị, Qua Lào, ngoài núi từ dãy Trường sơn, khá nhiều chỗ núi bao quanh như một cái thành do con người quay. Qua Thái, đồng ruộng quy hoạch thẳng tắp, Kênh nước dài ô bàn cờ mênh mông cả vài chục km, bảo sao sản lượng và chất lượng lúa gạo của họ được kiểm soát tốt và đứng số 1 xuất khẩu.

Chán ngắm bên ngoài, tôi tìm tạp chí đọc, như VNA, trên lưng ghế có các tạp chí và sách quảng cáo các sản phẩm, lướt một lượt, rất nhiều thứ hay nhưng chủ yếu đồng hồ và mỹ phẩm. Có một sự khác biệt nữa ở đây, các đồng hồ của họ quảng cáo tất cả các loại đều giá niêm yết khá rẻ, khoảng vài chục USD đến 200 USD – 350 USD, gần như không có hàng xa xỉ phẩm như tạp chí của Vietnam Airline. Các đồng hồ tạp chí ta bét cũng ngàn đến chục ngàn USD. Kim cương tiền tỷ nữa… Không hiểu mục tiêu và phân khúc cũng như chiến lược bán hàng của họ khác như nào nhưng chắc chắn đa số khách bay có thể vừa túi tiền mua được hàng…

Sân bay BangKok, nhiều lần đến đây nhưng đây là lần đầu transit qua nên nhiều cái mới. 12:30 đã tới mà chuyến bay tiếp tận gần 06 giờ. Chờ hơn 5 tiếng. Tại quầy thông tin, hỏi thăm về cửa ra máy bay của chuyến Delhi, nhưng vì sớm quá nên chưa có. Xếp hàng hỏi có một chú Tàu khựa “Jing wen, che ke…” Cô nhân viên “Xin lỗi, bọn tao không nói tiếng Trung quốc, mày nói tiếng Anh đi?” Tên Tàu ấp úng chắc không biết tiếng Anh. Cô ta tiếp “Thôi đứng sang kia, người tiếp theo.” Đứng cạnh nghe cô ta xử lý vấn đề khoái thật. Sân bay Thái có phát thanh thông tin tiếng Trung, không hiểu sao cô này lại bắt nó nói tiếng Anh? Vạ vật lang thang chẳng có gì xem hay mua, ngồi lướt web chán. Tìm chỗ ăn không dễ vì toàn đồ lặt vặt. Giá như đã có Pokermon thì giết thời gian vô tư!

an-do-4-1632666286.jpg
 

Sân bay rất rộng với 7 nhánh khác nhau từ A đến G, đi bộ mổi chân, chợt nhớ có thẻ Priority của ngân hàng xài được phòng VIP ở đây miễn phí nên đi tìm. Mỗi hãng hàng không hoặc liên minh có một hệ thống phòng VIP phục vụ hành khách của mình. Dịch vụ này thật cần thiết cho khách bị transit lâu tại sân bay. Vào phòng, cô nhân viên kiểm tra thẻ và nói, “chuyến bay của ông tận gần 6 giờ, mà phòng chỉ cho ngồi tối đa 2 tiếng thôi?” OK, 2 tiếng là tốt rồi. Có Internet tốc độ cao so với tốc độ khá tốt miễn phí bên ngoài, đồ ăn, uống buffet miễn phí như ở khách sạn 5 sao. Đang đói nên đánh chén no, chắc các cô phục vụ nhớ mặt khách, ăn nhiều, ngồi lâu để mà cạch…

05:15 ra sảnh lên tàu bay, một đám đông khác với những lần bay khác. Đa số người Ấn độ, đủ kiểu đủ loại. Mặc dù làm việc với người Ấn, Srilanca, Malay… nhiều lần rồi, nhưng nhìn đám đông này cũng thấy khác thường. Máy bay to, rộng, nhưng không đủ khách nên được ngồi nguyên hàng ghế, tránh được ngồi chung với họ. Thêm một nhận xét khác của chuyến bay, Nhật, Hàn, Malay, Trung quốc, Anh… Tiếp viên đa dạng già trẻ lẫn lộn, chỉ có Việt nam là tiếp viên trẻ đẹp và ít cười. Chuyến bay này tiếp viên nữ Thái rất xinh, ít nhất thì cái mặt họ trang điểm xinh và nụ cười khi giao tiếp.

Sân bay Indira Gandhi tại New Delhi rất rộng và hiện đại. Tuy là lần đầu đến Ấn độ nhưng tôi không đọc tìm hiểu trước vì nghĩ đi học thì chỉ nằm khách sạn và văn phòng nên không có ý tưởng gì đi đâu và phải làm gì, nhìn cái gì cũng lơ ngơ. Qua hải quan, ông chức trách kiểm tra rất kỹ, bắt ra ngoài điền thêm thông tin khi thấy tờ khai không đề địa chỉ khách sạn, nhưng vẫy tay gọi vào khi thấy đứng xếp hàng lại từ tít xa. Người Ấn rất thân thiện và nhiệt tình, chỉ bảo cặn kẽ mọi thứ khi mình cần hỏi. Trước khi đi, văn phòng công ty bên Ấn độ đã hỏi thông tin chuyến bay để họ đặt khách sạn, đặt xe đi đón. Sau này đọc các bài du lịch mới biết, bắt taxi ở đây khá dễ nhưng lằng nhằng chuyện giá cả nếu không biết trước nên công ty đã lo cho việc này.

Sau khi xong thủ tục, vừa bước ra cửa, giống như ở Nội bài, một hàng rào chắn ngang hàng người cầm biển tên đón khách. Đang lo không hiểu làm sao họ có thể đón được mình, hay là sẽ gọi điện thoại, thì có thể là người Việt da vàng duy nhất nên cậu lái xe cầm tên tôi đã tự thấy và gọi tôi.

an-do-8-1632667002.jpg
 

Bãi xe và taxi khá nhốn nháo một cách trật tự chứ không bon chen và sừng sổ như ở nhà. Cũng có xe cảnh sát cầm loa đọc biển xe len lỏi hàng đôi hàng ba ở sảnh đón, nhắc di chuyển nhưng tất cả nhẹ nhàng bình tĩnh. Đứng chờ cậu lái xe đánh xe ra, tôi quan sát, 80% xe taxi và xe riêng là Suzuki, ít xe Toyota và Hyundai. Xe đón tôi cũng là một chiếc Suzuki cũ. Cậu ta lái xe đánh võng lượn rất điệu nghệ. Cứ chê giao thông Hà nội, sang đây mới thấy không là gì cả. Xe ô tô, xe tải, xe máy lượn không theo hàng lối gì cả. Đường sá của họ có thể xuống cấp sau nhiều năm, các chỗ phá rào quay đầu khắp nơi, ổ gà voi khắp nơi.

Công ty đóng ở thành phố Gurgaon, cách New Delhi khoảng 30 Km, như kiểu Xuân mai và Hà nội. Đường về khách sạn từ Sân bay 20 km nhưng lái xe nói sẽ mất khoảng 45 phút. 10 giờ tối (11:30 giờ Hà nội) nhưng đường rất đông, len lỏi ra được đường cao tốc, đông ngẹt xe cộ, nhất là khá nhiều xe tải nhẹ kiểu dưới 5 tấn, thùng được đóng thêm tầng hai lát ván. Xe trang trí sặc sỡ, phía sau xe có thùng phuy xanh đựng dầu (Cậu lái xe nói), một máy phát điện, bộ loa khủng với âm thanh nhạc đủ kiểu. Nhạc bốc sàn nhảy, DJ, nhạc Ấn độ. Và trên xe khoảng 15 – 20 thanh niên nhảy múa theo nhạc.

Trên cao tốc hàng trăm xe tương tự, có loại xe kiểu xe cứu thương cũng trang hoàng loa, màu mè… Đi qua một số đền tượng thần Shiva, đèn sáng trưng và xe tải đỗ rất nhiều. Theo cậu lái xe, bây giờ là đầu mùa mưa, bắt đầu mùa trồng trọt, đây là lễ hội Shivaratri, nó diễn ra xuyên buổi tối (Shiva Night) Lễ hội tôn vinh thần Shiva. Tuy nhiên, lễ hội chính phải từ cuối tháng Hai, đầu tháng Ba. Họ đi suốt đêm lấy nước từ sông về dâng lễ đền thờ (Họ nói là Holi water). Đây là lễ của người Hindu, tháng này là lễ nhỏ so với hội chính cuối tháng Hai. Nhưng cũng đủ làm nghẹt đường phố với hàng trăm xe tải chở thanh niên nhảy múa. Lễ diễn ra suốt đêm và 1 ngày.

Hơn 12 giờ đêm cũng về đến khách sạn. Khu vực thành phố Gurgaon, gọi là thành phố nhưng như nông thôn, cách Delhi gần 30 km. Đường sá có vẻ từ rất lâu và đã xuống cấp nghiêm trọng không được tu bổ, Mật độ xe thì rất cao, dân cư thì đa dạng và đa số là dân nghèo… Khách sạn rất nhanh chóng thủ tục kiểm tra an ninh và check in. Phòng đã được đặt trước nên chỉ kiểm tra và đặt cọc tiền. Hilton, như mọi nơi và như Hà nội, khách sạn vừa phải và sạch sẽ. Cậu lái xe không quên xin số điện thoại và dặn sáng mai khi đi nhớ gọi cậu ta đón Nhận phòng xong, kết thúc một ngày dài di chuyển.

an-do-2-1632666286.jpg
 

Ngày đầu tiên

Sáng theo thói quen ở nhà, thức giấc 7 giờ, bên này mới 05:30 sáng, mặt trời mới mọc bình minh. Lịch đến văn phòng 11 giờ. Theo thông báo, các ngày đi làm sẽ là 11 giờ và kết thúc là khoảng 7 giờ rưỡi tối. Lúc đầu không hiểu tại sao, sau mới biết, Ấn độ họ cho phép chọn ca làm việc, 1 trong 3 ca. Ca bình thường từ 8 giờ. Ca loại hai là từ 11 giờ và ca loại ba là từ 2 giờ. Có thể do giao thông tắc nên tùy khoảng cách từ nhà đến văn phòng để họ chọn ca làm việc tương ứng.

Ăn sáng xong, 10 giờ cậu lái xe đã nhắn tin đang đợi. Khá chu đáo, cậu ta đón tận cửa đánh xe vào. Từ khách sạn đến văn phòng có hơn 2 km, nhưng đường xấu và rất đông xe. Xe Tuc Túc chạy như ruồi len lỏi thành đàn trên phố qua các xe ô tô, tiếp đó là xe máy. Thanh niên hầu hết đi xe máy nam, kiểu xe Bonus người tình trăm năm xưa ở Hà nội. Họ luồn lách qua mọi khe hở trên đường để tiến lên. Giao thông Ấn độ ảnh hưởng của Anh quốc trước đây nên đi bên trái. Buối sáng hướng đi rất đông và tắc, cậu lái xe đánh luôn sang bên phải, ngược chiều dòng xe thản nhiên chạy như bay, các xe ngược chiều tự động tránh và coi như là điều đương nhiên vậy. Anh ta nói, đi bên này cho nhanh, chờ bên kia lâu lắm. Thế không có cảnh sát à? Tôi hỏi. Không có, no rule here!

Thời gian này, tháng Tám bắt đầu mùa mưa, trời đã hết nóng, mát và mưa nhẹ. Có thể thế làm mát cho sự đông đúc như này. Phố đông đúc nhưng họ cứ chen lên và tiến, khi sang đường, xe khác nhìn thấy tự nhường không quá cứng và nóng tính bon chen như bên ta. Có điều giống là không theo 1 hàng, mạnh ai nấy chen khi có chỗ trống và còi xe kêu inh ỏi.

Hơn 15 phút rồi cũng đến văn phòng. Một khu tòa nhà văn phòng khá cũ rộng bề ngang nhưng chỉ khoảng 15 tầng. Công ty đặt hai tầng, 3 và 7 của khu nhà. Tổng nhân viên ở đây khoảng 400 người. Công ty có 4 văn phòng ở Ấn độ trên 4 thành phố khác nhau và tổng hơn 630 người. Văn phòng làm việc 11 giờ sáng, giờ mới hơn 10 giờ nên chỉ có mấy người. Sau khi làm thủ tục với bảo vệ, có cậu trong văn phòng ra, anh ta biết tôi đến nên nhiệt tình hướng dẫn và đưa vào phòng tạm chờ mọi người đến làm việc. Văn phòng có một căng tin nhỏ, ngoài nước uống bán như quán bình thường, họ phục vụ cả ăn uống. Đồ ăn toàn mùi cà ri đặc trưng và thường có súp loãng… Do làm theo ca nên từ lúc này đến tận 4 giờ chiều, căng tin lúc nào cũng có nhóm ăn trưa. Ăn trưa không chỉ mua đồ ăn ở đây, khá nhiều người mang đồ ăn từ nhà đi và tôi nhớ đến bài toán đưa cơm hộp Delhi nổi tiếng làm ví dụ của bài học Six Sigma. Đặc thù nhiều dân tộc, nhiều tín ngưỡng và nhiều kiêng kỵ nên ăn uống cũng rất đặc biệt, không dễ phục vụ chung được, nên tốt nhất là mang cơm nhà đi mà ăn.

Sau khi làm quen, được biết nhân viên của công ty từ rất nhiều nơi đến đây làm việc, cũng có lý do để họ chọn ca làm 11 giờ sáng. Nhiều người ở xa hơn 30 km, như từ New Delhi, đường đông nên phải mất hơn một đến vài tiếng mới đến nơi. Hôm qua chủ nhật, lễ hội tới tận sáng nay nên càng tắc đường hơn, nhiều người hơn 12 giờ mới tới văn phòng được. Chính vì nhiều nơi nên cũng nhiều sắc tộc khác nhau. Người Ấn có màu da vàng, đen, nâu. Có loại người to cao như tây, có loại người bé hơn ta và đen nhẻm, chụp ảnh xong chả thấy gì?

Người Sikh, một dân tộc thông minh, người cao to đẹp, đầu quấn khăn cầu kỳ, râu ria xồm xoàm. Hỏi ra mới biết, họ chít khăn từ bé và để che mái tóc dài không cắt, với cách chít khăn cầu kỳ, thanh niên Sikh đang dần lại tự hào với nó. Tôn giáo đạo Sikh, là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới nhưng lại trẻ nhất, mới xuất hiện từ thế kỷ 15 do đạo trưởng Buru sáng lập. Đạo Sikh được gọi là đạo độc thần, đơn thần, họ chỉ thờ duy nhất một thần là Chúa Trời. Với lý tưởng là hành động chứ không phải lễ nghĩa, nghi thức rườm ra như mọi đạo khác. Với lý tưởng này, họ đối chọi với nhiều tôn giáo khác và đến thế kỷ 20 xảy ra nhiều nội chiến rồi hình thành Pakistan, Banladesh… Người Sikh chuộng hòa bình, nhưng vì quấn khăn đầu gần giống Hồi giáo nên gần 2 triệu Sikh giáo ở New York thường bị kỳ thị và giám sát chặt chẽ…

an-do-7-1632667002.jpg
 

Đạo Phật là một trong rất nhiều đạo xuất phát từ Ấn độ, tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 0,5% dân số theo Phật giáo (khoảng 5 triệu người, hơn đạo Cao đài chút!). Khi Thích Ca sáng lập và truyền bá Phật giáo, lôi kéo các thành viên từ giáo chúng đạo khác sang nên các đạo kia rất ghét, nhất là Bà la môn. Đến khi Thích Ca mất, Phật giáo cũng suy dần. Bà la môn đã điều chỉnh và kết hợp với Phật giáo hình thành nên đạo mới rất thịnh hành – Hindu. Đạo Hindu có nhiều điều ngược lại với Phật giáo nhưng đã đi vào được đại đa số các dân tộc Ấn độ và tồn tại phát triển thịnh đến nay. Hiện các di tích của đạo Phật vẫn được các nước đến thăm, các đoàn Phật tử Việt nam thường qua đây và Nê pan thăm viếng. Phật tuy không phát triển tại nơi phát tích, nhưng các nước Châu Á khác, như Đông nam Á lại rất phát triển.

Trong văn phòng, đủ loại người theo đủ loại tín ngưỡng nên đủ loại trang phục, nhưng thực sự, người Sikh đẹp cả hình thể và ăn mặc. Về ngôn ngữ, do công ty Đông Ấn cai trị Ấn độ lâu năm nên để lại tiếng Anh phổ biến, tuy nhiên, không phải nhóm người nào cũng thạo tiếng Anh, trong công ty, nhiều người chỉ nghe nói bập bẹ, họ phải dùng ngôn ngữ riêng của họ. Trưa, 2 giờ là khoảng 3 giờ rưỡi ở nhà, mọi người nghỉ ăn trưa với đủ loại đồ ăn cả ở căng tin và đồ mang đi, hòa trộn thành mùi cà ri đặc trưng cả văn phòng. Tôi đi xuống các quán bên dưới tìm đồ ăn, cả toàn nhà với hàng ngàn người nhưng chỉ có 3 quán nhỏ chủ yếu bán nước uống và bánh mỳ kẹp các loại. Ruột kẹp bánh mỳ các loại rau củ và thịt gà xay. Họ phết vào các loại sốt tùy khẩu vị mỗi người. Tôi thử một cái bánh mỳ giá khoảng 50 ngàn, lạ miệng khá ngon sau khi đã từ chối bỏ các loại sốt màu mè của họ…

Thời gian mùa này có mưa nên mát mẻ, mặt trời cũng muộn, 7 giờ chiều (8 giờ rưỡi ở nhà) vẫn còn nắng. Gurgaon là một thành phố nhỏ cách Delhi khoảng 30 km, khó có thể nói so sánh như vùng nào ở Việt nam được! Các con phố, nếu nói về hạ tầng thì như các thị trấn vùng quê bên ta, nhưng lượng xe ô tô thì gấp trăm lần, thậm chí nhiều hơn cả Hà nội, lúc nào cũng kín đặc xe. Ven đường lác đác các lều quán bán hàng như quán nước ven lộ nông thôn Việt nam, cũng vài dây Bim bim, vài lọ đựng kẹo hay bánh. Có quán bán rau củ, khoai tây, cà chua. Hai ven đường nhiều bãi rác tự nhiên, họ bạ đâu bỏ rác đó, rác sinh hoạt, xà bần xây dựng, nhưng túp lều lụp xụp, xác súc vật chết thối um nhưng người đân vẫn sinh hoạt và sống với nó. Cách vài quãng đất trống có mấy khu nhà kiểu biệt thự như trong Văn quán, Văn phú Hà đông hay An khánh. Cậu lái xe nói “Nhà ở đây của nhà giàu và người nước ngoài, rất đắt, hơn 4 triệu Rupee” (Khoảng 1,4 tỷ VND). Tôi hỏi, xe ô tô đắt không? Chỉ vào chiếu Suzuki Swift trước mặt, anh ta nói “khoảng 400 ngàn (140 triệu). Xe Honda City kia đắt hơn, 700 ngàn (250 triệu). Xe của Tata cũng rất nhiều và đa dạng, cả xe tải, khách và xe con. Xe rẻ nhất khoảng 100 ngàn (chưa đến 2 ngàn USD, 35 triệu VND), nhưng có vẻ không được tốt nên ít thấy trên phố.

Túc túc, xe ba bánh được thiết kế rất gọn gàng với màu xanh vàng. Có thể chở được 2 – 4 người, là phương tiện hữu dụng và nhanh với mật độ phương tiên trên đường. Túc túc có thể len lỏi mọi chỗ trống trên các con đường đông đúc quá tải của Ấn độ, nó chen nhau như đàn ruồi trên dòng mương giao thông. Giao thông rất hỗn loạn nhưng ai cũng phải đi, ai cũng phải tham gia. Đường đông, xuống cấp, nhưng rất ít cảnh sát giao thông điều khiển, ven đường xe đỗ bất chợt và chiếm lòng đường vô tư. Các ta luy vỡ và xô lệch cũng chiếm thêm chút lòng đường. Và chỉ có Túc túc là hiệu quả. Túc túc được điều hành bởi một công ty riêng, có Call Center, như một hãng taxi. “Lái xe Túc túc có thu nhập khoảng 30 – 40 ngàn Rupee (khoảng 12 – 15 triệu)” Cậu lái xe nói. “Thế lái taxi như anh được bao nhiêu?” Tôi hỏi. “Chỉ được 15 – 20 ngàn thôi”. Ngạc nhiên, tôi hỏi “sao thế?” Anh ta nói, Túc túc phải chạy cả ngày đêm, ai rất khỏe mới theo được, lái taxi như anh ta chỉ làm 8 tiếng và ăn lương nên thấp hơn nhưng nhàn hơn. Túc túc còn đối mặt với tai nạn giao thông cực nhiều ở đất nước này nữa …

Cậu lái xe, người đã đón tôi từ sân bay và đưa đón đi làm hằng ngày, là người cũng hay chuyện, kể mọi thứ nhìn thấy trên đường, chia sẻ cuộc sống. Anh ta có 2 con, đứa thứ hai mới sinh 1 tháng. “Vợ tao sinh tại nhà đấy, mẹ tao lo hết việc đỡ đẻ và chăm cháu…” anh ta khoe. Nhà anh ta gần khách sạn, có căn nhà riêng phải nói là khá giả. Ở cùng bố mẹ, em trai. Cậu em trai cũng lái xe cho khách sạn, anh trai làm trong khách sạn và một cậu nữa làm ở tận Mumbay. Một gia đình có 3 thế hệ, mỗi nhà có thể có 2 đến 5, 6 con là bình thường. Không kể nhóm đạo Hồi có nhiều vợ nhiều con hơn.

Trâu bò, một thành phần thêm trong giao thông Ấn độ, tuy không ăn thịt bò vì là một vị thần trong 2 triệu thần của họ, nhưng họ vẫn nuôi dưỡng để phục vụ đồng áng và lấy sữa. Trên phố, bò đi lại chen chúc với dòng xe cộ chậm chạp như bò vì đông đúc. Một đất nước quá đông không chỉ là số dân hơn 1 tỷ, đông tôn giáo, đông sắc tộc, đông mức sống và quá xa nhau giữa các mức sống (giàu và nghèo và siêu nghèo!) Khoảng 1963, cuộc cách mạng Xanh đã giúp được nâng cao mức sống và giải quyết được lương thực tự cấp. Cách mạng Trắng những năm 1970 đã mang lại sữa từ chăn nuôn cho người dân. Họ đã làm thêm cách mạng xanh lần hai khoảng 1983…”Ở quê nhà tao có 2 con trâu và 1 con bò” Cậu lái xe chia sẻ “vừa làm ruộng vừa lấy sữa bò.” Dù sao Ấn độ cũng đã phát triển khác nhiều so với trước đây, khi công ty Đông Ấn cai trị “Một đất nước tạp phí lù không thể cải tạo” giờ đã được cải tạo dần.

an-do-1-1632666286.jpg
 

Deli

Công việc kết thúc nhưng chuyến bay tận 23 giờ rưỡi ngày hôm sau, nghĩa là tôi sẽ có nguyên 1 ngày rảnh rỗi chờ bay. Cậu lái xe biết tôi muốn đi tham quan nên nói “Mày muốn đi đâu bảo tao chuẩn bị rồi đưa đi nhé.” Về khách sạn, rảnh rỗi vào tra cứu các điểm có thể đến quanh Delhi và trong 1 ngày. Đồng thời, do đọc nên cũng biết thêm một số vấn đề khi tham gia du lịch ở đây. Giá cả cần rõ ràng mặc cả trước, cả mua hàng và thuê xe hay đi taxi. Taxi có tính km nhưng không ai chắc nó nhảy số đúng, tốt nhất là thỏa thuận điểm đi và đến. Giá cả, thoải mái, mạnh dạn mặc cả y như Việt nam khoảng 30 năm trước. Việc niêm yết giá là cho vui. Có một điểm trên mạng cũng đề cập, đi lại khá an toàn về trộm cắp hay cướp giật! Nghiên cứu xong, gọi lái xe tôi thỏa thuận: “Mai check out khách sạn, nguyên ngày đi lên Delhi và đến các điểm tham quan, tối đưa ra sân bay, chi phí bao nhiêu?” Cậu lái xe trả lời: “3000 nhé, sẽ đi tận 21 giờ đêm ra sân bay…” Thực sự là quá rẻ, nhưng tôi nói “Đưa đi sân bay là nhiệm vụ khách sạn, tính luôn trong khách sạn rồi…” anh ta nói “ Thế thì 2000 thôi!” Nghĩa là chi phí xe và lái xe nguyên ngày như đi vòng quanh các điểm Hà nội và lên sân bay Nội bài mà chỉ có khoảng 700 ngàn! Thật là rẻ! Anh ta còn dặn thêm “Nếu mang tiền USD tiêu thì cẩn thận nhé. Cần tôi giúp gì thì cứ nói.” Ở đây giống Việt nam khi mọi người hay nói đùa “Đến tiền Việt còn tiêu được thì tiền gì chả tiêu được ở Việt nam?”

Sau khi ăn sáng, ra check out, hệ thống họ bị hỏng không làm gì được nên khỏi trả tiền. “Ông cứ về đi, khi hệ thống sửa được chúng tôi sẽ gửi email hóa đơn và chi phí rồi sẽ tính toán qua tài khoản nhé.” 10 giờ rưỡi cậu lái xe đã chờ bên ngoài. Tôi nhét tất cả đồ đạc vào 1 ba lô, với dự định là đi taxi lên Delhi và tự tha ba lô, nhưng giờ có xe đi kèm nên dễ hơn. Anh ta nói “ông cứ bỏ ba lô trong xe, tôi ngồi trong xe chờ mỗi khi đến điểm dừng, không phải lo đâu.”

Hôm đến chạy đêm nên không quan sát được nhiều, hôm nay, trên đường đi Delhi, một dòng kín đặc xe suốt con đường. Hầu hết là xe nhỏ như i10, Suzuki,… nhưng đặc biệt nhiều xe thấy gương bị gãy mất như kiểu bị mất trộm và có nhiều xe cụp gương vào không thèm dùng. “Họ cụp gương vào đi luồn lách cho dễ khỏi va chạm gãy mất.” Cậu lái xe nói, không rõ có thật không nhưng cũng không thấy cảnh sát phạt vụ này. Tuy nhiên, trước khi chạy xe, anh ta luôn nhắc phải cài dây an toàn tránh bị phạt dù xe chạy chỉ khoảng 30 km/giờ.  Hôm nay trời khá nắng, thời tiết gần như Hà nội, nóng. Hai bên đường thưa thớt nhà, nhiều khoảng rừng, cây xanh, cây bụi. Các khu quân sự với những khối nhà y như nhau trong một khuôn viên rất rộng. Gần đến thành phố, xe chạy theo đường metro trên cao, hai bên đường các dãy nhà cũ kỹ với các cửa hàng san sát đông đúc như các phố ven quốc lộ 1A bên ta. Xe máy, ô tô đỗ ngổn ngang, vỉa hè lồi lõm đất và gạch.  Trên nóc nhà, có cột ăng ten mạng di động với vài chục ăng ten nấm và ăng ten thanh trông rất kỳ quái. Dây điện, điện thoại chằng chịt như Hà nội khi chưa hạ thổ. Trên đường vào Delhi, chúng tôi đến thăm khi di tích của đạo Hồi trước, Qutub Minar.

an-do-6-1632667002.jpg
 

Qutub Minar (Qutb Minar), một công trình có tháp biểu tượng chiến thắng cao nhất thế giới trong 8 thế kỷ liền với chiều cao 72,5 mét. Các công trình kiến trúc đồ sộ và đẹp đẽ được xây dựng với nguyên vật liệu dỡ từ 27 ngôi đền khác nhau của đạo Hindu và mất khoảng 175 năm để xây dựng. Đây là một quần thể của người Hồi giáo, tuy đã phế tàn nhưng vẫn để lại các khối kiến trúc rất đẹp. Nó gần như lăng tẩm ở Huế với một số các lăng mộ. Vé vào cửa so với chi phí khác ở Ấn độ, thực sự quá đắt, 500 Rupee, khoảng 180 ngàn để vào tham quan ở đây.

Rời Qutub, cậu lái xe đưa tôi đi qua các con đường dày đặc xe. Dù trên cao họ có tuyến Metro rất hiện đại nhằm giảm tải cho giao thông, nhưng vé có vẻ quá đắt “Vé đắt gấp 3 lần so với đi Túc túc nên chẳng nhằm nhò gì giảm áp lực giao thông” cậu lái xe nói. “Vào đây nhé, đây là cửa hàng bán các đồ rẻ hơn khi mua ở Shopping mall vì không phải thuế.” Anh ta nói và tấp xe vào một cửa hàng ven đường. Cửa hàng có 3 tầng và 1 tầng hầm. Tầng hầm bán vải, lụa, khăn Kashmir nổi tiếng hàng thế kỷ. Đủ các loại từ rẻ đến đắt. Khăng quàng, trải bàn, ga trải giường, gối… Phòng bên trong bán thảm các loại các kích cỡ. Tầng hai là hàng thủ công, các con giống như Voi, Thiên nga, Ngựa, các tượng Phật, tượng phật đầu voi… bằng gỗ, đá, đồng hay hợp kim. Dù đã đọc trước về mua bán ở Ấn độ, nhưng thật sự bất ngờ với thực tế. “I am here!” Khi thấy khách lớ ngớ phía ngoài cửa, một người bán hàng đã lên tiếng cho biết vị trí anh ta đứng. “Tôi muốn xem qua thôi, chưa có ý tưởng mua gì cả?” khi tôi trả lời anh ta. “Chính vì vậy nên tôi mới ở đây để giúp ông xem cái ông thích…” Siêu bán hàng của những người bán hàng Ấn độ, họ lôi đủ thứ hàng bày ra trước mặt, không ngại gì khi xé hết vỏ bọc này đến cái khác để đưa hàng ra cho khách xem “Ông thấy thích cái nào tôi để lại, còn cái không thích tôi cất đi?” Không cho mình phân vân về giá, họ cho mình xem hết các sản phẩm và cuối cùng mới chốt. Về giá cả, cũng do đã xem trước, tôi đã trả 1/3 giá họ đưa ra và cũng mặc cả như thời xưa Hà nội… Mua được một thứ, người bán hàng lại kéo tôi vào trong “Vào đây, tôi muốn cho ông xem các sản phẩm trang sức”, họ liên tục thực hiện upsale giới thiệu hàng mới. “Chỉ có người Việt và Nhật tôi mới đưa vào phòng này nhé” Ông ta bí mật nói và bóc cho tôi xem tượng gỗ lớn hơn nắm tay chút. “Giá khoảng 75000 Rupee” Tượng gỗ mùi rất thơm. Như anh ta giới thiệu, gỗ Đàn hương (Sandal wood) là gỗ hương liệu quý hiếm nên rất đắt, gần như gỗ trầm hương ta. Các sản phẩm mỹ nghệ của Ấn độ thể hiện sự khéo léo tuyệt vời của thợ thủ công, con voi gỗ hoặc đá nguyên khối, được đục rỗng với hoa văn nhưng bên trong bụng chừa lại một con voi nữa cũng được tạc rỗng bụng để chứa tiếp con voi bé thứ ba bên trong cùng. Cũng bằng kích thước các con voi gỗ hay đá ở Đà nẵng, Quảng ninh, Đà lạt hay tại Hà nội, nhưng của ta làm rất sơ sài.

Rời cửa hàng, cậu lái xe đưa đi tham quan nhà quốc hội, Paliament Palace và India gate. Trời rất nắng, India gate là một cổng cao đứng giữa quảng trường. Đứng ngoài và trong không khác nhau để tham quan nhưng phải mua vé vào 250 rupee. Từ cổng này đến nhà Quốc hội khoảng gần 2 km với một trục đường chính đi bộ. Họ cho phép xe Túc túc chạy chở khách đi 1 vòng bên ngoài tham quan. Chỉ cần 50 -100 Rupee, Túc túc sẽ đưa bạn đi 1 vòng, dừng chụp ảnh, ngắm toàn cảnh xung quanh. Gần 3 giờ chiều, chúng tôi đi ăn trưa. Một bất ngờ nữa, lái xe ngạc nhiên khi tôi rủ vào ăn cùng, cậu ta lấy cớ trông xe không dám vào. Tôi mua cho 1 suất mang ra ăn trong xe. Họ làm đúng phận sự được thuê, lái xe đưa khách đi tham quan.

Lòng vòng phố phường New Delhi, Badhi Kuma, tên cậu lái xe, đưa tôi đi thăm Red Port và khu phố chợ cũ. Trên đường vào, qua một cổng xây có biển đề Delhi Gate, “Đây là cổng vào ra giữa Old Delhi và New Delhi” Badhi nói. “Giữa hai khu vực cũ và mới của Delhi sẽ có nhiều sự khác biệt đấy”. Vừa lúc đến ngã tư, đèn đỏ. Xe mật độ dày đặc nên di chuyển rất chậm, một đám người lố nhố bên đường, có một cô da đen, bế một đứa bé đen nhẻm bé như trẻ sơ sinh, nhảy ra bên xe và gõ vào cửa kính “Họ xin tiền đấy” Badhi nói, tôi cũng thừa biết vậy, nhưng Badhi muốn là dịch âm thanh phát ra từ cô da đen kia. Phía trước mũi xe, một cô bé bằng trẻ con 5 tuổi (tôi đoán thế) nhào lộn liên tục dưới lòng đường, ý là biểu diễn cho chúng tôi xem, sau đó lấy một giẻ lau lau kính 2, 3 cái và lại gõ cửa kính giống người trước. Nhìn họ không thể nghĩ được đó là một kiếp người, trời nắng nóng, da họ đen nó nhẫy mỗ hôi đen thêm và nhếch nhác, gầy nhỏ thó, không thể gọi là con người. Vậy nhưng họ phải tồn tại, phải sống và cứ thế qua ngày. “Chính phủ không làm gì được, không có việc cho họ và cũng không có cách nào giúp họ tốt hơn” Cậu lái xe nói và thêm “So với họ, tao hơn là có công ăn việc làm và gia đình hạnh phúc”. Phía góc đường, một nhóm người chờ xe buýt, một người đàn ông có mũ vải trắng ốp tròn trên đầu đang la hét gọi nhau trông như trong phim chạy loạn. “Đám đó là người Pakistan đấy” Badhi nói “họ rất kỳ dị và khác với người Ấn độ ở đây.

an-do-3-1632666286.jpg
 

Đến Red Port, ô tô không được vào, Badhi gọi một xe xích lô cho tôi: “Ông đi xe này một vòng Red Port và vào khu mua sắm trong phố, ô tô không đi được.” Xe xích lô kéo, người đạp phía trước chứ không phải đẩy phía sau như Hà nội. Hàng trăm xích lô với những người da đen như lao động khổ sai trong các phim xưa cắm cúi đạp xe dưới cái nắng xiên khoai chiều gần 40o C. “Tôi sẽ đưa đi một vòng quanh Red Port nhé, không cần vào trong đâu, vừa tốn tiền (350 Rupee) mất thời gian mà chỉ y chang như nhìn thấy bên ngoài…” người đạp xích lô nói với tôi “Sau đó chúng ta sang bên phố mua sắm”. Đây là một Pháo đài cổ được xây dựng khoảng thế kỷ 17, là trung tâm chính trị của Ấn độ. Được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới. Toàn thành bên ngoài khá nguyên vẹn, quy mô và rộng lớn. Được xây bằng đá màu đỏ với các cổng thành khá đồ sộ. Đi hết tham quan thành phải hơn 3 giờ đồng hồ, nên chúng tôi chỉ đi lướt bên ngoài. Hàng đoàn xích lô cũng chở khách đi giống như tôi. Tới một cổng thành, tôi xuống chụp ảnh. Đang chụp 2 chú lính đang đứng gác thì họ xì xồ và xua tay. “Nó nói không được chụp ảnh nó” một người dân ra phiên dịch “Sao họ không nói tiếng Anh?” tôi hỏi “Họ không biết tiếng Anh đâu”. Hai chú lính cao to và sáng sủa nhưng chắc thuộc một dân tộc nào đó nên ít giao tiếp với bên ngoài và không xài tiếng Anh.

Tuyến đi vòng ngoài pháo đài đi qua cả khu phố, gần giống như qua chỗ chợ Đồng xuân, kín đặc người, xích lô và ô tô, ầm ĩ tiếng còi xe. Xích lô không được phép bên New Delhi nhưng được chạy ở đây và cũng chiếm phần của Túc túc. Các quầy bán hàng ven đường đủ các thứ như ở chợ đêm. Các cửa hàng, các sạp quần áo, trái cây. Nhiều cửa hàng với mặt tiền khiêm tốn nhưng vào trong rất rộng và nhiều tầng. Như kiểu một nhà ở phố Hà nội. Qua một phố nhỏ như Khâm thiên đặc người đi bộ và xích lô, ông chở tôi vừa đạp vừa nói chuyện, “chuẩn bị lại đến một cổng thành nữa của Red Port, phố này có nhiều cửa hàng lắm, ông muốn mua sắm gì không? Giá ở đây sẽ rẻ hơn nhiều so với bên New Delhi.” Cửa hàng thủ công và đồ cổ y như trên phố Lý Quốc sư, có điều người thì toàn đen và ăn mặc khó nhìn không ra sao cả. Trang phục đúng như trong phim, có cả kiểu tây áo sơ mi quần tây nhưng bỏ áo ngoài. Có người áo lửng trắng xẻ tà. Có người như quấn khăn lụa rườm rà màu sắc quanh người, nhưng chẳng thể gọi là kín đáo vì họ để hỏ cả lưng trần. Cùng với mùi đồ ăn cà ry, mồ hôi nhễ nhại, màu sắc vấy bẩn với làn da đen, tạo cho một khung cảnh kiểu phim về thuộc địa xa xưa ở Hương cảng hay thời Pháp thuộc ở Hà nội.

Gần ngã ba, có một thùng phuy, một người ngồi bên trên cầm cái ấm đồng múc nước và cho chảy ra vòi, phia dưới vòi, từng người đến rửa mặt hoặc uống hoặc cho vào chai nhựa, tôi đoán là họ hỗ trợ người lao động đi qua. Bên cạnh một chảo to, một cái bàn đặt loa đài nhạc Ấn rộn ràng, hàng người xếp múc cháo. Chắc là phát chẩn? Len lỏi giữa dòng người đủ loại, chúng tôi ra được đường lớn, ông ta dừng trước một cửa hàng và nói tôi vào xem. Một lần nữa, bị thuyết phục bởi người bán hàng siêu cao thủ, tôi đã mua một mớ khăn lụa và thêm con voi đá trổ rỗng ruột rất đẹp. Lần này có vẻ tôi dính bẫy của sự phối hợp ngã giá giữa người bán hàng và người đạp xích lô khi tôi từ chối mua với giá họ đề nghị. Ra ngoài cửa, người đạp xích lô không chịu đi, “Có vẻ giá đó theo tôi là tốt đấy, ông xem hay là trả thấp xuống chút thôi, tôi sẽ gọi báo cho họ?” Giá tôi trả rất thấp so với họ đưa ra, nhưng không ngờ, người đạp xích lô lại “trung gian” đàm phán được!

Chiều muộn dần, nắng vẫn gắt, chúng tôi về bãi xe ô tô, trả cho người đạp xích lô 200 Rupee (khoảng 70 ngàn VND) cho chuyến đi khá vất vả. Có vẻ họ còn kiếm được ít hơn với người nào rắn hơn tôi. Dần cảm thấy sự vất vả kiếm sống của những người dân nơi đây, không dễ kiếm tiền. Trên đường về, tôi nói Badhi đưa đi một khu mua sắm hiện đại nào đó, nhưng đi lòng vòng mãi, anh ta nói “Quanh New Delhi không có, khu đó khá xa không đi được hôm nay đâu.” Tôi để ý, với các tòa nhà văn phòng, trường học bị hạn chế chiều cao, rất ít khu vực công cộng với các trung tâm thương mại, có thể chúng tôi đi chưa đúng chỗ? Bỗng nhiên một người có vẻ đàn ông, mặc màu mè bẩn thỉu, son phấn trên nước da đen mai mái, băng qua trước mặt nhảy lên một xe Túc túc đang chậm lại do đèn đỏ, “Pê đê đấy, anh ta lên xe đó xin tiền khách”, lúc này tôi thấy người khác phải xì tiền ra thật để anh ta xuống. Thêm chứng kiến một lớp người nữa kiếm sống trên đường hòa nhập với nhiều loại người vô gia cư vô pháp luật và vô chính phủ ở đây.

Một đất nước quá nhiều sắc tộc, tầng lớp, trình độ, mức sống, với vô vàn tưởng tượng và ước muốn, tạo ra rất nhiều tôn giáo tín ngưỡng, nhiều cuộc nội chiến vì sắc tộc, tôn giáo, vì quyền lợi, nhưng cũng rất giỏi, sau các cuộc cách mạng cải cách kinh tế, cuộc sống đã tốt hơn nhiều, quân sự rất mạnh với cả tàu sân bay, hạt nhân, tự phóng vệ tinh, là một đất nước có lực lượng nhân sự CNTT hàng đầu thế giới, rất nhiều công ty CNTT lớn trên thế giới do người Ấn độ làm chủ. Cơ sở hạ tầng đang dần được cải thiện, nhiều điều của đất nước đông dân thứ 2 thế giới này Việt nam còn phải học dài dài. Vài ngày không thể biết nhiều được về họ, nhưng dần thay đổi cảm nhận từng ngày khi được tiếp xúc sát hơn với họ… Vẫn mong có ngày quay trở lại.

 

 

 

Đặng Vân Phúc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lan-dau-tien-di-an-do-a6870.html