Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 44)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

         

trieu-viet-vuong-1632793688.jpg
Đền thờ Triệu Việt Vương, xã Dạ Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên). Nguồn: Báo Hưng Yên.

 

Kỳ 44.

Đọc xong thư Lý Phật Tử gõ tay xuống bàn cười ha hả:

-Thằng Nhã Lang nhà mình làm giỏi thật.

Liền viết thư hẹn Nhã Lang cứ hành động theo ngày giờ và kế hoạch mà Nhã Lang đã trình bày. Còn hẹn thêm, khi quân tập kết ngoài Long Biên đầy đủ sẽ bắn một mũi tên có châm lửa để Nhã Lang biết mà mở cổng thành.

Thấm thoắt đã đến ngày 15 tháng 10, ngày giỗ của Thái Phó Triệu Túc. Buổi trưa, Triệu Việt Vương đến trước bàn thờ gia tiên họ Triệu hương khói cho tổ tiên và cho người cha quá cố là Thái phó Triệu Túc. Chiều tối, cả hoàng gia ăn giỗ theo phong tục của người Việt. Buổi tối quân lính cũng ăn cỗ bàn. Canh hai, cả hoàng thành sau một ngày cỗ bàn mệt mỏi say giấc. Nhã Lang cùng đồng bọn còn cho khênh không biết bao nhiêu thùng rượu đến cho quân sĩ, kể cả lính bảo vệ hoàng gia và bảo vệ hoàng thành. Được Phò mã khao, quân lính phấn khởi uống không kiêng dè và tất cả đều gục xuống ngay ở vị trí đang làm nhiệm vụ của mình.

Canh ba trong không gian im ắng của màn đêm, ngoài thành Long Biên, một mũi tên có lửa sáng bay lên, trong thành cũng có một mũi bay lên không trung sáng rực đáp lại.

Những người lính giữ cổng thành phía Đông Long Biên đều bị giết hết trong khi say, cổng thành được mở toang, quân của Lý Phật Tử lao vào thành chém giết. Khắp thành, kho lương thực, kho vũ khí bốc cháy, khu hoàng thành cũng phát hỏa. Thành Long Biên biến thành một biển lửa. Quân cận vệ của Triệu Việt Vương say nên bị tiêu diệt hết, chỉ còn quân của Đại tướng Trương Hống, Trương Hát chống cự quyết liệt nhưng trong thế bị động lúng túng và yếu ớt. Họ không biết chuyện gì đang xẩy ra. Trương Hống, Trương Hát chạy đến biệt cung của Triệu Việt Vương. Trương Hát nói:

-Nhã Lang làm phản, Lý phật Tử bội ước tấn công đã làm chủ kinh thành rồi, bệ hạ để thần hộ giá nhanh chóng rút khỏi kinh thành rồi tính sau.

Triệu Việt Vương thất kinh:

-Ta ưu ái chúng hết mực sao chúng làm phản, quân xấu xa đê tiện này…

Khắp nơi kinh thành giáo gươm chạm nhau chan chát, đầu rơi máu chảy, tiếng reo hò như điên dại. Triệu Việt Vương kêu lên:

-Còn hoàng gia, còn Cảo Nương…

Trương Hống nói:

-Bệ hạ cùng Trương Hát chạy đi trước, thần sẽ tìm hoàng gia và Cảo Nương và rút sau.

Triệu Việt Vương lên ngựa. Trương Hát cùng đám tùy tùng mở đường máu mới thoát được ra ngoài thành và chạy về hướng Đông Nam. Sau lưng là quân của Nhã Lang đèn đuốc sáng trưng đuổi theo đã đến gần. Trương Hát ngoảnh đầu nhìn lại thì Nhã Lang đang dẫn đầu toán quân. Trương Hát giận sôi người, quên cả nhiệm vụ hộ giá Triệu Việt Vương, dừng ngựa lại và dương cung chờ sẵn, khi vừa tầm, Trương Hát quát lên:

-Thằng Phò mã phản bội chó chết này, hôm nay mày phải chết.

Sự căm thù làm Trương Hát kéo dây cung rất căng, khi dứt lời thì mũi tên phóng vút ra trúng giữa mặt Nhã Lang, hắn ngã lăn xuống đất. Bọn lính hốt hoảng kêu lên:

-Phò mã! Phò mã!

Trương Hát quay ngựa chạy đuổi theo Triệu Việt Vương nhưng không thấy bóng dáng Triệu Việt Vương đâu nữa.

Lại nói khi Trương Hát dừng ngựa bắn Nhã Lang thì Triệu Việt Vương vẫn chạy, đang chạy thì lại gặp một toán quân do chính Lý Phật Tử dẫn đầu đuổi theo. Lý Phật Tử cũng nhận ra Triệu Việt Vương nên ra sức đuổi cùng diệt tận, quyết giết bằng được Triệu Việt Vương. Gần sáng, Triệu Việt Vương chạy đến một vùng mà trước mặt là biển. Sau lưng là quân lính Lý Phật Tử. Triệu Việt Vương xuống ngựa ngửa mặt lên trời mà than :

-Ta thật là mê muội, không biết nhìn rõ bạn thù, lòng nhân từ và tín nghĩa đã đặt nhầm chỗ, lại không chịu nghe lời khuyên can của Chiêu Công, của Trương Hống, Trương Hát và những trung thần, chia đất nước, thông gia và cho ở gửi rể, đã giúp cho kẻ tham lam, bần tiện gian xảo, ích kỷ có điều kiện thực hiện dã tâm phản trắc. Ta đã làm hại hoàng gia, con gái ta, làm hại giang sơn xã tắc của nước Vạn Xuân mà bao chiến sĩ hy sinh mới giành lại được. Ta đã phụ lòng mong mỏi của Lý Nam Đế, của Phạm Tu, của cha ta Triệu Túc và của biết bao anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Lương. Ta đã đặt lợi ích gia đình lên lợi ích quốc gia. Ta còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa.

Rồi Triệu Việt Vương tự đi ra biển. Con ngựa của Triệu Việt Vương đứng trên bờ nhìn chủ, nó hí lên những tiếng thảm thiết và nó cũng đi ra biển. Cả triệu Việt Vương và ngựa đều chìm dần trong sóng cho đến khi bóng người và ngựa không còn. Biển bỗng nhiên nổi sóng dữ dội, trời đất tối xầm, gió thổi thốc tháo, còn sóng thì thét những tiếng gào khóc thê lương. Đây là cửa biển sông Đáy, gọi là cửa biển Đại Nha, còn gọi Đại An, thuộc Nam Điền huyện Câu Lậu. Đó là ngày 5 tháng 1 năm Tân Mão ( 571).

Trong khi Trương Hát hộ giá Triệu Việt Vương chạy ra ngoài thành Long Biên thì Trương Hống ở lại xông pha khói lửa, tên đạn, gươm giáo chạy về khu hoàng gia nhưng tất cả chỉ còn là biển lửa đỏ rực. Cảo Nương và Hoàng Gia họ Triệu đã chết trong đám loạn quân và trong biển lửa mất rồi. Trương Hống tìm mãi không thấy đành mở đường máu phá vây, thoát ra ngoài thành Long Biên, chạy về phía Bắc.

Trưa hôm sau khi chiến sự kết thúc, Lý Phổ Đỉnh vào báo cho Lý Phật Tử:

-Dạ bẩm chúa công, Phò mã Lý Nhã Lang đã bị bắn chết trên đường truy kích Triệu Việt Vương.

Lý Phật Tử hỏi:

 - Ai đã bắn chết Phò mã?

-Trên mũi tên có ghi chủ nhân của nó: Đại tướng Trương Hát.

Lý Phật Tử nói:

-Nếu bắt được Trương Hống, Trương Hát thì phanh thây xé xác hai anh em nhà chúng ra!

Lý Nhã Lang chết nhưng Lý Phật tử không tỏ ra chút đau buồn, hắn đang vui mừng hả hê vì đã đánh bại Triệu Việt Vương, bước lên ngai vàng, làm chủ cả nước Vạn Xuân, phía Bắc từ Hợp Phố, phía Nam đến Minh Châu, vượt quá dãy Hoành Sơn. Hắn như đang nằm mơ không tin đó là sự thật.

Năm 571 Lý Phật Tử lên ngôi xưng là Hậu Lý Nam Đế. Lý Phật Tử đóng trị sở ở Cổ Loa, sai cháu là Lý Đạo Quyền giữ thành Long Biên, Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên.

Nói về Thái sư Chiêu Công, anh của cung phi Ngọc Nương, cáo quan về quê nhà ở trang Bảo Đài, Lỗi Dương, Cửu Chân chiêu mộ được 2000 quân sĩ đề phong quốc gia có biến. Khi nghe tin Lý Phật Tử tấn công Long Biên, Thái sư Chiêu Công đem quân cứu giá nhưng đến nơi thì Triệu Việt Vương đã mất. Chiêu Công biết không thể cứu vãn được thời cuộc liền gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn.

Trong cơn biến loạn, hai anh em Trương Hống, Trương Hát cuối cùng cũng gặp nhau ở rừng núi Bắc Giang. Hậu Lý Nam Đế cho người đến gặp và nói:

-Hậu Lý Nam Đế thấy hai Đại tướng là người trung nghĩa, có tài nên có chiếu chiêu dụ về phục vụ triều đình, không trách tội đã bắn chết Phò mã Nhã Lang.

Trương Hát nói:

-Tôi trung không thờ hai chủ, vả lại tin làm sao được lời hứa của Lý Phật Tử, một kẻ ti tiện, íc kỷ, tham lam, dối trá, phản nghịch. Ngày xưa hắn chả thề suốt đời hòa hiếu với Triệu Việt Vương đó sao? Chúng ta không bao giờ tôn thờ một kẻ xấu xa ti tiện như vậy.

Sứ giả về thuật lại, Lý Phật Tử tức giận sai quân đến đánh. Anh em Trương Hống, Trương Hát lùi sâu vào rừng và ăn lá ngón mà chết.

Lại nói cung phi của Triệu Việt vương là Ngọc Nương dù ở cửa thiền, xa rời cuộc sống trần thế nhưng vẫn quan tâm đến tình hình đất nước, đặc biệt là sự an nguy của Vạn Xuân và của Triệu Việt Vương. Khi nghe tin Triệu Việt Vương và sau đó là Chiêu Công đã mất vì nạn nước, Ngọc Nương vô cùng đau xót. Nàng tắm gội sạch sẽ, tụng kinh niệm Phật một ngày và sau đó uống thuốc độc mà đi lên cõi Niết Bàn.

Trong khi nước Vạn Xuân đang trên đường xuống dốc do nội phản của Lý Phật Tử thì ở Trung Nguyên, cục diện Nam -Bắc triều đang đến hồi kết thúc. Năm 581, Dương Kiên, một thế lực to lớn của triều đại Bắc Chu đã chiếm ngôi của Tĩnh Đế Vũ Văn Xiển, Bắc Chu bị diệt vong, Dương Kiên lập ra nhà Tùy và xưng đế hiệu là Tùy Văn Đế. Năm 597, Tùy Văn Đế phế truất Tây Lương Hậu Chủ Tiêu Tông. Nhà Tây Lương mất. Năm 589 Tùy Văn Đế chiếm kinh đô Kiến Khang tiêu diệt nhà Trần. Đến đây Trung Quốc thống nhất sau 169 năm chia cắt (420-589).

Năm 602 Tùy Văn Đế tính đến việc xâm lược lại Giao Châu, nay độc lập gọi là Vạn Xuân. Tùy Văn Đế sai Lệnh Hồ Ly đi sứ sang Vạn Xuân, buộc Hậu Lý Nam Đế phải sang triều kiến. Lý Phật Tử cả sợ, khất đến tháng 11 sẽ sang. Tùy Văn Đế nói với triều thần:

-Nay Lý Phật Tử không sang, ta muốn dùng binh khôi phục lại thuộc địa Giao Châu, không biết cử ai làm đại tướng cầm quân đây?

Thừa tướng Dương Tố nói:

-Bẩm bệ hạ, thần xin tiến cử Lưu Phương, thứ sử Qua Châu, người này tài kiêm văn võ, có thể chiến thắng được Vạn Xuân, đem Giao Châu về cho bệ hạ.

Tùy Văn Đế nói:

-Chuẩn tấu.

Rồi Tùy Văn Đế xuống chiếu phong Lưu Phương làm Giao Châu Đạo Hành Tổng Quản, thống lĩnh 27 quân doanh tiến đánh Vạn Xuân. Đó là năm 602.

Nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế từ vua cho đến tướng đều hèn nhát, bên trong thì đàn áp bóc lột nhân dân, chỉ lo vơ vét đầy túi cho vinh thân phì da, bên ngoài nghe đến giặc Tùy thì mặt xanh xám, tay chân lẩy bẩy, tham sống sợ chết, không biết giang sơn xã tắc là gì. Trong tình hình đó, Lưu Phương chiếm Hợp Phố, từ Hợp Phố tiến thẳng xuống Hoàng Châu, bao vây thành Cổ Loa mà không gặp một sự kháng cự nào. Đất nước Vạn Xuân như không có người. Lưu Phương ban đầu đe dọa rồi chuyển sang dụ dỗ, hứa hẹn để khuyên Lý Phật Tử đầu hàng dâng nước Vạn Xuân cho giặc. Khi được hứa sẽ được bảo toàn tính mạng, cho vinh thân phì gia thì Lý Phật Tử vội đầu hàng. Trái với lời hứa hẹn của Lưu Phương, sau khi Lý Phật Tử đầu hàng thì cả Hoàng đế Vạn Xuân và hoàng gia bị đẩy lên xe, bị lính áp tải như xe tù đưa về Trung Quốc lưu đày. Vào một ngày mùa đông giá lạnh, đoàn xe đi theo con đường thiên lý gập ghềnh, khúc khuỷu lên phương Bắc. Gió lạnh thổi tái tê, bầu trời u ám. Ngồi trên xe xa rời quê hương xứ sở sang lưu vong xứ người, Lý phật Tử mới thấm nổi đau của câu nói: Nước mất nhà tan. Lý Phật Tử thấy rằng bây giờ hắn đang phải trả giá quá đắt cho sự ích kỷ, tham lam, phản trắc. Hắn không hiểu vì sao Triệu Việt Vương lại dung nạp hắn, mà hắn có công lao gì đâu. Thời chống Lương gian khổ hy sinh thì hắn theo Lý Thiên Bảo chạy trốn sang Ai Lao. Vậy mà khi trở về với danh nghĩa là hậu duệ của Lý Nam Đế đã được Triệu Việt Vương phong cho một vùng đất đai giàu có đủ để vinh thân phì gia, được mọi người gọi là chúa công, được kết thông gia với Triệu Việt Vương, con trai Nhã Lang của hắn là một kẻ bất tài, chỉ giỏi gian manh như hắn mà được lấy công chúa Cảo Nương xinh đẹp, thùy mị, nết na. Hắn đã được quá nhiều nhưng lòng tham quyền lực và địa vị tiền tài đã đưa hắn vào con đường phản trắc. Trước tiên hắn đã giết chết con trai Nhã Lang của hắn, đã giết chết Cảo Nương, con dâu ngoan hiền xinh đẹp của hắn, đã phá tan hạnh phúc gia đình của đôi vợ chồng trẻ. Hắn đã lật đổ triều đại Triệu Việt Vương, một triều đại có đủ sức mạnh bảo vệ đất nước Vạn Xuân cho dân Việt và cho cả hắn. Kết cục, hắn đã làm mất nước Vạn Xuân và đánh mất cả ngai vàng mà hắn tiếm đoạt. Kết cục cuối cùng là gia đình hắn tan nát, bản thân hắn bị bắt thành tù nhân, bị lưu đày sang đất khách quê người. Càng suy nghĩ hối hận, Lý Phật Tử  nung nấu ý nghĩ tự sát. Nhưng bản thân hắn hèn nhát, không thể tự chết được.Nhưng hắn hiểu rằng hắn đang sống nhưng là đã chết, chết dần chết mòn với những khổ đau ân hận vò xé hắn suốt đời, cuộc đời của một tên phản bội tổ tiên, phản bội non sông đất nước, phản bội giống nòi, và cuối cùng Lý Phật Tử đã chết già trong cô đơn như một con thú ở rừng núi lạnh giá phía Bắc nước Tùy.

Nhà Tiền Lý tồn tại được 61 năm, từ 541 đến năm 602.

Nước Vạn Xuân tồn tại được 58 năm, từ 544 đến năm 602.

Sau khi Lý Phật Tử đầu hàng ngoại xâm, nước ta bị nhà Tùy, sau đó là nhà Đường  thống trị. Lịch sử gọi là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba, kéo dài suốt 336 năm, từ năm 602 đến năm 938.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-44-a6908.html