Giữa cái sống và cái chết bên nước bạn, đôi khi có những kỷ niệm khó quên. Ngày đó bọn lính tăng của chúng tôi tụ họp ở các tỉnh, tuy rằng đời trai sương gió phủ, nhưng anh nào cũng có nét đẹp trai. Giữa cái nắng cái gió mùa khô của sứ sở Chùa Tháp, cứ hầm hập hơn 40 độ, như nhà báo Bùi văn Doanh có mấy câu thơ:
Những cái nắng quắt queo trên đất bạn
Nấm mồ non không mọc nổi ngọn cỏ xanh
Với mùi nồng nặc hôi thối của người chết và động vật, rõ hơn là những nơi Pôn Pốt tàn sát người dân, là những bãi xương người tập thể thường gặp nơi ven lộ.
Ai đã từng qua lộ 3 Ta Keo đi Nông Pênh tháng 2 năm 79 thì thấy rõ: Trên đường là những cảnh tàn sát dân thường dã man của Pôn Pốt. Sau khi giải phóng họ lũ lượt kéo về quê, gia tài của họ là gồng gánh và những chiếc xe bò, đi đến đâu mệt thì nghỉ. Đêm đến Pôn Pốt lên tàn sát chính dân của nó không thương tiếc, toàn đàn bà và trẻ em. Cái nắng mùa khô qua vài ngày những xác chết đó cứ đen như sét đánh, phân hủy mùi nồng nặc. Đến bữa nấu cơm vội, khi ăn hôm đó có thịt lợn tươi ở nước mang sang, gắp miếng thức ăn vào bát nghĩ đến cảnh đó không nuốt nổi.
Chiến tranh rồi có lúc bình yên, sự sống vẫn tồn tại, chim rừng lại hót, tắc kè đêm lại kêu chúng tôi cứ lái tắc kè thành “sắp về”, đêm gác vẫn văng vẳng tiếng gà rừng gáy.
Truy quét địch đã tạm ổn. Chiều nhớ nhà chúng tôi hay ra sông tắm và ngắm những thiếu nữ Miên mặc xà rông. Có lúc các em mon men đến xin chúng tôi xà bông để tắm. Khi đó dân còn nghèo đói lắm nhiều khi đơn vị còn hỗ trợ chia sẻ lương thực cho dân.Tất cả mọi người Pôn Pốt đều bắt họ mặc một màu đen, chúng tôi lúc đó cũng ngoài đôi mươi, nhìn các em mới đầu thấy lạ. Rôi nhìn mãi cũng thấy quen, thật là ngăm ngăm da nâu nhìn lâu thấy đẹp. Tôi nhớ câu nói của tiểu đoàn trưởng quán triệt: “Mới đầu đến các anh thấy lạ rồi ở rừng lâu ngày nhìn mãi các anh lại khen .Nếu anh nào mà léng phéng tôi bắn bỏ đấy”. Vì lúc đó chúng tôi được học 9 điều quy định khi sang nước bạn đó nên ai cũng chấp hành tốt. Nhưng cái gì đến nó sẽ đến, tác động nhất là những bà góa chồng, từ 30 - 35 tuổi các chị rất máu, trông thấy (con tóp) bộ đội là tít mắt đi cứ khen con tóp (xa át ná)Nđẹp lắm, (soso) trắng và xinh lắm. Thế mới có chuyện, họ dõi bọn tôi tắm xong thay quần áo họ cười khúc khích, mấy hôm sau gặp lại họ bảo họ nhìn thấy cái đấy của bọn tôi rồi, bọn tôi ngượng đỏ cả mặt. Nhiều khi đi công tác gặp các chị, cứ mời vào nhà chơi ra vườn ăn trái cây mắt trước mắt sau chị tớm ngay vào cái đấy của tôi, may mà kịp phản xạ. Tôi kịp thời áp dụng miếng võ thể dục, động tác 2 tay phải gạt từ dưới lên tay trái đưa từ trên xuống che bộ hạ, hóa giải ý định của chị. Chi xìu mặt, tôi nhìn chị thông cảm khẽ nói: “Chị đừng!” (may mà đỡ được đòn chứ không thì vừa đau vừa sướng lắm đấy). Nói chung các chị góa chồng đều là những thành phần chồng đi Pôn Pốt chết trận, hoặc chồng bị sát hại, lâu ngày các chị khao khát, phải biết đó cũng là nỗi bình thường của tạo hóa. Chúng tôi cũng đang trẻ trào dâng tình ái các cụ thường nói: “Trai trứng cá gái má đào mà. Có những vụ xảy ra ở các đơn vị nên cũng bị kỷ luật công khai đó nên bọn tôi biết giữ mình. Thủ trưởng của bọn tôi anh cũng nói vui, anh bảo: “Các anh làm sao thì làm, vớ vẩn nó có thiết giáp con nó vào nó nhận bố là các anh chết”. Chúng tôi quan hệ rất đúng mực dù sao cũng hết sức cảnh giác, khi vào dân lúc nào cũng súng bất ly thân, đi từ 3 đến 4 người phòng bọn hai mặt hãm hại. Môt lần nọ tiểu đoàn xe bọn tôi đi phối thuộc với sư 339, lúc đó truy quét đã ổn, chúng tôi đóng tại thị trấn Công Pông Sư Pư ở cạnh sư bộ; vòng ngoài là bộ binh (lúc đó đã thấy bộ đội và dân tấp nập cuộc sống đã hồi sinh). Môt lần tôi cùng với trưởng xe tên là Định đen, chúng tôi hay gọi là cả Định quê Tam Thanh, Vụ Bản mang mấy mảnh vải ra cắt mấy chiếc quần lót. Quán đó có hai em thợ may có một em tên là Chăn Tha quê ở Chôm Chao Nông Pênh. Các em thích bọn tôi lắm ,các em nói tối các anh ra lấy quần xong đi xem xa lặp bạ luôn. Chả là tối hôm đó có đoàn văn công Cửu Long của Quân khu 9 sang biểu diễn cho bộ đội và dân xem. Tôi và cả Định cơm xong chưa tới ca gác rủ nhau ra lấy quần. Ngày đấy chưa có tiền CPC, tôi nói với hai em hôm nào vào bọn anh cho ít dầu ma dút để thắp đèn, hai em đồng ý. Tôi và cả Định mỗi thằng một em dắt tay nhau. Đi được một đoạn cả Định nghĩ đến 9 điều quy định sợ quá bỏ đi để lại mình tôi với hai em. Bỗng một em gọi với cả Định: “Pòng ót xa lanh nhôm hơi” (có nghĩa là anh không yêu em rồi). cả Định cùn cụt đi, đầu còn ngoái lại nói: “Xa lanh” (có yêu). Mình tôi dẫn hai em tới bãi thấy bộ đội và dân đã đông nghịt, trời tối om. Bọn tôi xuống ngay cuối bãi có một hố trũng xoai xoải, chúng tôi trải ni lông cùng nhau ngồi. Moi người có biết không? tim tôi cứ đập thình thịch. Hai em cứ thay nhau bắt tôi hôn lại còn tỵ nhau nữa. Tôi nhìn hai em qua ánh sáng mờ ảo của ánh điện khẽ cười và bảo: “Bình tĩnh đâu sẽ có đó”. Viết tới đây tôi chợt nghĩ tới câu thơ của Xuân Diệu đã được người ta chế tác lại
(yêu là són…
một chút
Rồi âm thầm lặng lẽ cuốn ra sông). Và xong buổi xem, bọn tôi chia tay nhau, tôi về vừa tới ca gác.
Sáng hôm sau gặp lại cả Định, tôi trách hắn cậu chơi bẩn. Cả Định vỗ vào vai tôi nói: “Một mình cậu hai em, tớ nhường tất sướng bỏ mẹ lại còn trách” .Thế là bọn tôi khúc khích cười với nhau. Thinh thoảnh các em lại đến chỗ tôi chơi, tôi lại xin dầu ma dút cho các em mang về thắp, lúc đó còn khó khăn. Cứ thế đời lính nay đây mai đó. Hôm chia tay xe di chuyển, hai em và dân đến rất đông để chào chúng tôi, hai em khóc quá trời, người dân thốt lên câu nói: “Một đội quân nhà Phật đến cứu mạng sống cho họ!”.
Sauu 40 năm ngày đồng ngũ, gặp lại thủ trưởng Đinh Công Đảo quê Tân Khánh Vụ Bản, tôi ngồi ăn cùng mâm với anh.Tôi tỏ lời cảm ơn anh và nói: “Nếu ngày đó anh không rèn, bọn em thì dễ mắc vi phạm kỷ luật vì đang trẻ người non dạ”. Anh cười và thân mật nói: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội mà!”. Anh nói: “Anh em mình về được thế này là tốt rồi, người ơn tôi cũng nhiều, người trách tôi cũng có. Thôi cũng là trách nhiệm của tôi!”
....và cũng vài năm sau anh qua đời. Qua hai cuộc chiến tranh anh không chết mà anh mất vì căn bệnh hiểm nghèo.
Trên đây cũng là một góc kỷ niệm hơn bốn năm tại chiến trường K của tôi và cũng là một kỷ niệm khó quên trên đât nước Chùa Tháp lúc làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn là giúp mình. Giờ đây, sống trong một đất nước thanh bình, chúng ta sẽ không được phép quên biết bao liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây vì sự bình yên của Tổ Quốc. Mong sao lớp trẻ và con cháu chúng ta, sẽ ko bao giờ phải nhận một nhiệm vụ nặng nề như cha ông chúng đã từng gánh vác. Đó cũng là mong ước chân thành trong trái tim của tôi.
23 /4/2021
Theo Trái tim người lính
CCB Bùi Minh Huyền
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chien-truong-k-tinh-quan-dan-chuyen-gio-moi-ke-a6912.html