Một cách để giúp giới doanh nhân nâng tầm văn hóa

Trời! Một doanh nhân người Mỹ, sang công tác ở Việt Nam. Bận trăm công nghìn việc như thế, lại chỉ có một đêm duy nhất ở Hà Nội. Thay bằng tiệc tùng, ăn chơi, nhảy múa giống như nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn thường làm, ông lại tha thiết muốn nghe, muốn tìm hiểu về văn hóa trà Việt. Thật đáng trân trọng biết bao. Thế là tôi nhận lời tắp lự.

van-hoa-doanh-nhan-1636541873.jpg
 

Cách đây ít hôm, tôi có tổ chức một buổi thiền trà cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.

Đây là buổi thiền trà thứ một ngàn mấy trăm rồi? Tôi thực sự không nhớ nổi. Nhưng tôi vẫn chia sẻ đầy hào hứng, say mê như buổi ban đầu. Một phần bởi tình yêu của tôi dành cho trà Việt quá lớn. Một phần bởi đối tượng tham dự buổi thiền trà này là các doanh nhân, lại là doanh nhân trẻ - đối tượng mà tôi đã thao thức từ lâu.

Vì sao tôi thao thức về các doanh nhân Việt Nam? Và thao thức điều gì?

Câu chuyện bắt đầu từ buổi thiền trà đặc cho một vị doanh nhân nổi tiếng đến từ xứ sở cờ hoa. Chuyện xảy ra cách đây cũng ngót chục năm rồi. Tôi vẫn nhớ, buổi chiều ấy, cô thư ký của Tổng giám đốc một tập đoàn IT nổi tiếng Việt Nam điện thoại mời tôi tổ chức một buổi nói chuyện trà tại một nhà hàng sang trọng ở phố Phan Đình Phùng với cát-xê rất cao. Song tôi từ chối ngay. Không phải là tôi cố tình làm giá hay tỏ vẻ kênh kiệu gì mà bởi trà rất thanh tao, cần một không gian thanh tịnh. Nhà hàng, nơi bia rượu ồn ã, không phù hợp để tổ chức thiền trà. Thấy tôi kiên quyết chối từ, cô thư ký bảo: “Anh Sướng ơi! Vị khách muốn được gặp anh, nghe anh nói chuyện trà là một doanh nhân người Mỹ. Ông là Phó tổng giám đốc tập đoàn Boeing. Ông sang Việt Nam để ký hợp đồng với tập đoàn em. Ông rất say mê tìm hiểu văn hóa trà Việt. Đúng ra, bên em phải đưa ông ấy đến Hiên trà Trường Xuân của anh để thưởng thức. Nhưng hiềm một nỗi, ông chỉ có một đêm duy nhất ở Hà Nội thôi. Bữa ăn tối nay, Tổng giám đốc bên em cũng tranh thủ trao đổi thêm công việc với ông ấy nên thời gian rất eo hẹp. Rất mong anh hiểu, thông cảm và thu xếp thời gian đến gặp gỡ, chia sẻ với ông ấy anh nhé. Chúng em biết ơn anh”.

Trời! Một doanh nhân người Mỹ, sang công tác ở Việt Nam. Bận trăm công nghìn việc như thế, lại chỉ có một đêm duy nhất ở Hà Nội. Thay bằng tiệc tùng, ăn chơi, nhảy múa giống như nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn thường làm, ông lại tha thiết muốn nghe, muốn tìm hiểu về văn hóa trà Việt. Thật đáng trân trọng biết bao. Thế là tôi nhận lời tắp lự.

Cho đến tận bây giờ, đã ngót 10 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in buổi tiệc trà đêm ấy. Trong không gian sang trọng, ấm áp, yên tĩnh ở phòng VIP của nhà hàng, tôi đã rút ruột rút gan chia sẻ hết những gì tinh túy nhất của văn hóa trà Việt. Vị doanh nhân người Mỹ chăm chú, hứng thú nghe như nuốt từng lời. Ông đã đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi sâu sắc, đôi khi khiến tôi giật mình. Tôi có cảm tưởng đó là một nhà văn hóa, một cao thủ trà chứ không phải là một doanh nhân về hàng không.

Buổi nói chuyện, giao lưu kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ nhưng tôi cảm giác thật ngắn. Bởi chủ và khách đều say mê, hứng thú. Trên đường lái xe về nhà, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: “Không biết ở Việt Nam, có bao nhiêu doanh nhân có tầm vóc văn hóa như vị Phó tổng giám đốc tập đoàn Boeing này?”. Và rồi trong lòng thấy thật buồn.

Năm 2013, khi theo chân Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ. Trong một lần ngồi uống trà với thầy, tôi đã hỏi: “Thưa Thầy! Con thấy ở Việt Nam bây giờ, người giàu nổi lên rất là nhiều. Nhưng tiếc thay, hầu hết họ đều là trọc phú. Trong khi những người giàu mà có cốt cách phong lưu, quyền quý, có văn hóa, có học thức thì rất ít. Có cách nào để giúp họ nâng tầm văn hóa được không?”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cười bảo: “Thì việc con đang tâm huyết truyền bá nghệ thuật thưởng trà chính là một cách giúp họ đó”.

Đó là lý do vì sao những năm gần đây, mỗi khi các doanh nghiệp mời tôi tổ chức những buổi thiền trà, dù bận rộn hay đường xá xa xôi đến đâu, tôi vẫn thu xếp thời gian đến chia sẻ với họ. Và mừng thay, chưa lần nào tôi thấy ân hận hay nuối tiếc. Giống như doanh nghiệp mời tôi nói chuyện cách đây ít hôm. Họ hầu hết còn rất trẻ, đều trên dưới 30 tuổi. Các em làm việc ở lĩnh vực kinh doanh, chẳng liên quan gì đến văn hóa mà suốt 4 tiếng đồng hồ, chăm chú ngồi nghe tôi nói chuyện về trà, về thiền, về đạo, trong đó tôi nói về cả đạo đức kinh doanh... Điều đó thật đáng trân trọng, thật đáng mừng lắm chứ. Phải không các anh chị?

Hoàng Anh Sướng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-cach-de-giup-gioi-doanh-nhan-nang-tam-van-hoa-a6915.html