Đàn gà tuổi thơ

Ngày còn nhỏ, tôi rất thích nuôi gà. Những con gà rất đáng yêu, đặc biệt nhìn những con gà nhép non tơ, chúng thật hồn nhiên và đáng yêu. Tôi có thể dành hàng giờ, thậm chí cả buổi để nhìn theo chúng chạy nhảy trong vườn. Những con gà vô tư, chúng vô tư như tôi cái buổi lên chín, lên mười. Cái thời chẳng biết lo nghĩ, chẳng cơm áo gạo tiền, chẳng đối mặt thị phi.

chu-lg-q2s-1632820647.jpg
Ảnh họa do tác giả tuyển chọn.

Ngày ấy nhà tôi có ao to, vườn rộng. Gia đình tôi chẳng phải thuộc diện khá giả gì, chỉ là một gia đình có kinh tế bình thường như bao gia đình nhà quê khác. Ông bà để lại đám đất rộng, cái nhà năm gian chạy dài không hết được một nửa chiều rộng của đám đất hướng Đông Nam. Và mảnh vườn tha hồ rộng, là nơi để nuôi gà, trồng rau bên cái ao đầy bèo tây, bèo ván...

Ngày ấy nhà tôi hay nuôi gà ta, tôi nhớ hay gọi là gà ri. Loại gà không quá to, khủng như nhiều giống gà bây giờ nhưng không như gà rừng nhỏ nhắn. Những con gà mái mơ lông mượt, lốm đốm màu đen, lẫn trắng, nhiều con có lông màu nâu đậm trông cũng rất đẹp. Mấy chú gà trống thường có lông đuôi dài, cong cong màu đen biếc lên màu xanh trong ánh nắng mặt trời.

Tôi vẫn nhớ gà mái mẹ thường mổ hạt lúa, hạt gạo thả trước mặt đám gà nhép chạy xung quanh. Dù cho cả sân vung vãi đầy thức ăn, gà mẹ vẫn chăm cho đàn con "chiêm chiếp". Mẹ tôi hay chỉ vào mấy con gà trống vô tâm để trêu bố tôi. Mẹ bảo, gà trống chỉ lo ăn, chẳng chịu chăm con gì cả. Quả thật, mấy con gà trống ham ăn, không chịu mổ thóc cho con gì cả. Thậm chí, chúng với mấy con gà mới lớn còn giành nhau thức ăn, có khi còn "ẩu đả" mổ nhau nữa.

Gà mẹ thường dẫn đàn gà con ra vườn canh đất. Chúng vày đám đất không trồng rau nham nhở để tìm những con giun nhỏ. Lúc tìm được giun, nó thường kêu cục cục gọi bầy con nhỏ đến ăn. Đám gà nhép đang chơi tứ phía, vội chạy ào vào tranh phần. Trông chúng chẳng khác gì chúng tôi chạy ra cổng khi mẹ đi chợ về để xem có quà bánh gì không.

Có hôm trời mưa, tôi đi học về ra vườn lùa gà vô chuồng, thấy thương thương những con gà ngốc nghếch chả biết lối về chuồng. Cũng có thể mưa đột ngột làm chúng chạy vào gốc cây trứng gà (lê ki ma) trú mưa. Gà mệ bận đàn con nên dẫn con vào chân đụn rạ (cây rơm) để trú. Gà mẹ ướt như chuột lột nằm im, hai cánh ôm đàn con ngoan, ngó cái đầu ngăn ngắn lông tơ nhìn tôi đưa chúng vào lồng để xách đem vào nhà để nhốt.

Ra thăm và cất trứng cũng rất vui. Tôi thường phải ra kiểm tra trứng gà đã đẻ để cất vì sợ chúng bị vỡ khi những con gà khác giành nhau ổ đẻ. Những cái trứng được dồn lại, để khi đến ngày, cho gà lên ổ ấp. Trứng ấp dở được soi bằng đèn pin, cái hỏng đem luộc lên, khi bóc không còn đẹp như trứng bình thường, thậm chí có mùi "thum thủm". Thế mà nó lại là món mà chị gái tôi rất thích, chị bảo "ngon hơn trứng bình thường".

Những con gà còn nhỏ rất dễ mắc bệnh. Thương nhất khi chúng bị bệnh ở mép. Da mép sần dày lên rất xấu, phải nhỏ thuốc xanh vào để diệt trùng. Thật vui sướng khi gà con khoẻ trở lại. Những con gà lông lống, chạy tung tăng rứt cỏ ở sát bờ ao. Những đám bèo được vớt lên rìa bờ chiêu đãi chúng. Đàn gà thi nha hết dẫm, rồi canh cưi, đến khi nát bét đám bèo mới thôi.

Ngày ấy chẳng có cám "con cò" nên cho gà ăn cũng nhàn. Tôi chỉ việc vào bồ xúc thóc, xúc ngô ra dãi ngoài sân. Đàn gà thấy tôi cầm cái chậu nhỏ gõ gõ, biết được ăn nên chạy vội vào ngay. Tôi đùa chúng bằng cách đi vòng vèo trong sân, đàn gà theo sau trông rất ngộ. Tất nhiên, nhiều chú gà sau đó "vinh dự" được bố tôi đem thịt, chiêu đãi cả nhà ăn ngon thật là ngon...

Theo Chuyện làng quê

 Trịnh Quang Cảnh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dan-ga-tuoi-tho-a6930.html