Bài học lịch sử cho hậu thế: Cả hai vị vua đều chết thảm vì con rể

LTS: Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) đang phát tập I trong Bộ tiểu thuyết lịch sử 6 tập của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành trong các năm 2019, 2020 và đầu năm 2021 được đông đảo bạn đọc truy cập và công chúng hoan nghênh.

Ngày hôm qua (28/9/2021) khi phát đến kỳ 44 của Tập I đề cập đến cái chết bi thảm của Triệu Việt Vương dẫn đến mất nước, nhà tan, dân chúng lại một phen điêu linh, một số bạn đọc đã ĐT, nhắn tin muốn được hiểu rõ thêm về cái chết của hai vị vua  Thục phán An Dương Vương và Triệu Việt Vương để lại cho hậu thế bài học cảnh giác chính trị sâu sắc. Toàn soạn xin đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.

andgvuong-1632928468.jpg
Tranh minh họa: Thục phán An Dương Vương. Nguồn: Internet

 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có hai vị vua chết thảm vì con rể là  An Dương Vương vào năm 179 trước Công nguyên và Triệu Việt Vương  ngày 5 tháng 1 năm Tân Mão ( 571 sau Công nguyên).

Cả hai vị vua này đều bị truy đuổi tuẫn tiết ở cửa biển. Theo truyền thuyết , Vua An Dương Vương tuẫn tiết ở cửa biển Mộ Dạ (Diễn Châu – Nghệ An). Còn Triệu Quang Phục tuẫn tiết ở cửa biển Đại Nha, còn gọi Đại An, thuộc Nam Điền, huyện Câu Lậu,  hiện thuộc tỉnh Nam Định . Đó là ngày 5 tháng 1 năm Tân Mão ( 571).

An Dương vương, tên thật là Thục Phán, là người lập nên nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang. Niên đại trị vì của An Dương Vương được các tài liệu ghi khác nhau. Sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng thời gian ông làm vua Âu Lạc kéo dài 50 năm, từ 257 TCN đến 208 TCN. Các sử gia hiện đại căn cứ vào Sử ký Tư Mã Thiên là tài liệu gần thời đại nước Âu Lạc nhất, cho rằng An Dương Vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TCN đến 179 TCN, tức là gần 30 năm.

Còn Triệu Việt Vương (524 – 571), tên thật là Triệu Quang Phục, là vua Việt Nam cai trị 23 năm, từ năm 548 đến năm 571. Ông có công kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử đánh úp, tuẫn tiết ở cửa sông Đáy (Nam Định).

Câu chuyện về cái chết của hai vị vua tiền bối này đan xen giữ 2 bi kịch mất nước và tình yêu. Chính bi kịch mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã mở đường cho bi kịch mất nước. Cả hai tấn bi kịch của An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều mất cảnh giác, không nghe lời khuyên giải, can dán của các bậc trung thần để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân, đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích quốc gia, dẫn đến kết cục bi thảm.

An Dương Vương mất nước từ sự khinh địch, mất cảnh giác, không chịu nghe lời khuyên can của các trung thần gồm Đại tướng quốc Cao Lỗ, Thái sư phò mã Võ Quốc, Thống lĩnh bộ binh Hoàng Trị, các Đại tướng quân Chiêu Công, Phạm Giác…. Bản thân An Dương Vương mong mỏi sự hòa bình giữa hai quốc gia, chấm dứt chiến tranh loạn lạc từ tình yêu con trẻ. Nhưng chính điều đó lại là kẽ hở cho toan tính của cha con Triệu Đà lợi dụng len lỏi vào.

Bản thân An Dương Vương phải gánh chịu bi kịch khi phải tuốt gươm trừng phạt kẻ phản bội là chính con gái yêu của mình, rồi tuẫn tiết tại bờ biển Nghệ An. Nhà vua đã đứng trên quyền lợi quốc gia mà gạt bỏ tình riêng. Hành động đó rất được nhân dân coi trọng qua cách xử lý theo truyền thuyết của dân gian. Mỵ Châu phải trả giá cho sự nông nổi của mình nhưng nàng cũng kịp thức tỉnh để nhận ra bi kịch đau đớn. Một người con gái ngây thơ, trong trắng, đáng yêu bị phản bội, cuối cùng đã nhận ra kẻ thù nhưng đã quá muộn màng. Mỵ Châu đã hóa thành ngọc thạch, máu hóa thành ngọc trai ở biển Đông. Mỵ Châu thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Truyền thuyết không chỉ kể lại trang sử mất nước mà còn chứa đựng cả 2 cái nhìn thương cảm cho lứa đôi - khi tình yêu phải đối mặt  với âm mưu.

Trọng Thủy đã phải trả giá cho sự lừa dối khi hắn chỉ còn mang được xác của Mỵ Châu về chôn cất. Với kẻ cướp nước, nhân dân ta không để cho hắn chiếm đoạt và tiếp tục lừa phỉnh Mỵ Châu. Nhưng điều đáng nói ở đây là cái chết lao đầu xuống giếng của Trọng Thủy và kết thúc câu chuyện “Người đời sau mò được ngọc trai ở biển Đông lấy nước giếng mà rửa thì thấy trong sáng thêm”. Sự lừa dối của Trọng thủy là lời cảnh tỉnh người đời. Chỉ có tình yêu chân thành mới được đền đáp xứng đáng, tình yêu không bao giờ đồng hành với những âm mưu, toan tính thấp hèn, với tham vọng cướp nước.

Còn tấn bị kịch của Triệu Việt Vương cũng có những nét tương tự. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi Triệu Việt Vương làm vua ở thành Long Biên, Lý Thiên Bảo (anh trai của Lý Nam Đế) cũng xưng làm Đào Lang Vương ở nước Dã Năng, Lào. Năm 555, Lý Thiên Bảo chết, không có con nối dõi, quần chúng suy tôn người cháu là Lý Phật Tử lên nối ngôi.

trieuv-vg-1632928704.jpg
Tranh minh họa: triệu Việt Vương - tức Triệu Quang Phục - vị vua dũng mãnh trong sử Việt. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

 

Năm 557, Lý Phật Tử đem quân đánh nhau với Triệu Việt Vương để tranh giành thiên hạ. Sau 5 lần đánh nhau, liệu thế không thể thắng được Triệu Việt Vương trên chiến trường, Lý Phật Tử bèn xin giảng hòa để tìm mưu hèn kế bẩn để tiêu diệt.

Biết Lý Phật Tử, một kẻ ti tiện, ích kỷ, tham lam, hèn nhát, dối trá, phản nghịch, từng thề thốt suốt đời hòa hiếu với Triệu Việt Vương, Thái sư Chiêu Công cùng các Đại tướng Trương Hống, Trương Hát... can dán nhưng Triệu Việt Vương không nghe vẫn nhất mực cho rằng Lý Phật Tử là cháu họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, đã đồng ý giảng hoà, chia địa giới cho Lý Phật Tử cai quản.

Với âm mưu tiêu diệt bằng được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử cho con trai là Lý Nhã Lang xin lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương. Không chỉ bằng lòng cuộc hôn phối, cho hai nhà kết thành thông gia, Triệu Việt Vương còn cho Nhã Lang ở rể.

Nhưng Triệu Việt Vương không thể ngờ được âm mưu của Lý Phật Tử và Lý Nhã Lang. Trong suốt thời gian ở rể, Nhã Lang không ngừng dò hỏi tin tức để nắm bí mật quân sự của Triệu Việt Vương báo lại cho Lý Phật Tử.

Có được thông tin nội ứng từ con trai, Lý Phật Tử đã lợi dụng lúc Triệu Việt Vương sơ hở, đúng ngày 15 tháng 10 năm 571 mang quân đánh úp. Bị đánh bất ngờ, Triệu Việt Vương hoảng loạn, được tướng quân Trương Hát hộ tống cưỡi ngựa thoát ra khỏi thành Long Biên chạy về hướng Đông Nam, nhưng đến đâu cũng bị quân Lý Phật Tử đuổi theo. Tướng Trương Hát căm thù tên phản bội, kéo dây cung rất căng bắn mũi tên  trúng giữa mặt tên Lý Nhã Lang là con trai của Lý Phật Tử, con rể của Triệu Việt Vương, ngã lăn xuống đất kết liễu đời tên phò mã gian manh, phản bội. Sau đó, tướng Trương Hát đi tìm không thấy Triệu Việt Vương.

Bị truy đuổi, cuối cùng khi Triệu Việt Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha (sông Đáy), cùng đường, ông nhảy xuống biển tự vẫn.

Sau khi dùng kế đánh bại được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử lên làm vua cả nước, đóng đô ở Phong Châu. Vì cũng xưng là Lý Nam Đế nên đời sau gọi là thời kỳ này Hậu Lý Nam Đế để phân biệt với thời của Lý Bí.

Trong khi đó, sau khi thống nhất được Trung Quốc, vua Tuỳ đã gửi thư yêu cầu Lý Phật Tử sang chầu, nhưng ông thoái thác không đi. Nhân cơ hội đó, vua Tuỳ xuống chiếu sai Lưu Phương mang quân sang đánh nước ta.

Sau khi liên tiếp thất bại trên chiến trường, Lý Phật Tử buộc phải đầu hàng nhà Tuỳ, bị bắt giải về Trung Quốc, cuối cùng chết ở đó. Đất nước ta lại tiếp tục bị phong kiến phương Bắc đô hộ.

Câu chuyện về tấn bi kịch của Triệu Việt Vương đã để lại những bài học đắt giá cho hậu thế. Triệu Việt Vương giống như An Dương Vương, bởi quá tin vào kẻ thù, cuối cùng để nước mất, nhà tan, thân bại danh liệt.

Trong khi đó, Lý Phật Tử dù dùng mọi thủ đoạn để giành thắng lợi trong cuộc chiến "nồi da nấu thịt", cuối cùng cũng trở thành "mồi ngon" cho kẻ xâm lược.

Giá như trong hoàn cảnh đất nước mới chỉ giành được độc lập, còn non yếu, sơ khai đó, Lý Phật Tử đừng vì tham lam, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để chung sức với Triệu Quang Phục, biết đâu lúc đó chẳng những đất nước ta chấm dứt được thời kỳ Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VI, không cần chờ đợi mãi tới năm 938, mà bản thân Lý Phật Tử cũng không bị bắt giải về Trung Quốc để rồi phải chết nơi đất khách xứ người.

Triệu Quang Phục vì cả tin mà "thân bại danh liệt". Còn Lý Phật Tử vì dã tâm mà hại mình, hại người, khiến nước lầm than, bản thân trở thành "tội nhân thiên cổ".

Như vậy, cái chết của 2 vị vua An Dương Vương và Triệu Việt Vương đã để lại cho muôn đời vẫn còn giá trị từ ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác đến lời nhắc nhở về cách giải quyết về cái chung và cái riêng; việc nước và việc nhà. Điều đó được truyền lại cho hậu thế như ta vẫn biết là chứa đựng bài học mất nước sâu sắc. Đã mất nước là nhà tan, dân chúng điêu linh.

Bài học mất nước của An Dương Vương được Tố Hữu khái quát trong bài thơ Tâm Sự (2-1967):

....

Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.

VXB

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-hoc-lich-su-cho-hau-the-ca-hai-vi-vua-deu-chet-vi-con-re-a6984.html